Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Cô Neelkamal Sihota - một giáo viên dạy toán tại Trường Anh Quốc, New Delhi - đã thay mặt cho nhà trường chào mừng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến với buổi trò chuyện trực tuyến về “Hạnh phúc và Khả năng Phục hồi”. Cô giải thích rằng các học sinh ở độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi. Cô thưa với Ngài rằng cô và các học sinh đã rất quan tâm khi biết được rằng Ngài đã hứa khả ban bố buổi nói chuyện dành cho họ; và họ đang mong chờ được lắng nghe những điều Ngài sắp khuyên bảo.
Ngài chắp tay lại và chào khán giả bằng câu chào: “Namaste”. “Tôi rất vui khi được gặp gỡ những học sinh trẻ tuổi chủ yếu đang học tập tại Ấn Độ,” Ngài nói với họ. “Từ thời thơ ấu, tôi đã theo một nền giáo dục có nguồn gốc từ Ấn Độ, bắt nguồn từ truyền thống của Đại học Nalanda. Mỗi phần trong não bộ của tôi đều chứa đầy tư tưởng Ấn Độ. Và vì phần lớn cuộc đời của tôi đã sống ở đây, cho nên cơ thể tôi cũng được nuôi dưỡng bằng gạo, dal và chapatis của Ấn Độ. Vì vậy, tôi tự coi mình là ‘đứa con của Xứ Ấn’.
“Trong suốt thời gian sống ở đây, tôi đã được gặp gỡ tất cả mọi hạng người - kể cả các nhà khoa học hiện đại. Tôi cảm thấy mình có thể tự thảo luận được với họ; đó là nhờ tôi đã được đào tạo về lý luận và logic của người Ấn Độ cổ xưa. Đức Phật đã khuyến khích các đệ tử của Ngài là không nên coi những gì mà Ngài đã nói - chỉ với giá trị bề mặt bên ngoài; mà hãy xem xét và kiểm tra nó. Các bậc học giả vĩ đại của Nalanda như các Ngài Long Thọ, Vô Trước, Trần Na, Pháp Xứng và Nguyệt Xứng đã thực hiện điều đó.
“Các nhà khoa học có sự hiểu biết rất am tường về thế giới vật chất, nhưng sự hiểu biết của họ về phương cách hoạt động của tâm thức thì lại thiếu sắc bén. Chúng tôi có thể chia sẻ với họ về sự giải thích chi tiết của Truyền thống Nalanda về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc của con người.
“Trong khi đó, Ấn Độ đã khuyến khích các khái niệm về ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (lòng từ bi) trong hàng nghìn năm qua. Một hành động có được xem là bất bạo động hay không, điều đó phụ thuộc vào động cơ tạo nên hành động đó. Nếu quý vị làm điều gì đó do vì sự tức giận, điều đó có thể bị coi là bạo lực. Nếu quý vị được thôi thúc bởi ‘karuna’ hoặc lòng từ bi, thì hành động của quý vị sẽ là bất bạo động. Tôi tin rằng Ấn Độ có cơ hội kết hợp những phẩm chất từ bi và bất bạo động này với nền giáo dục hiện đại.
“Các nhà khoa học rất muốn tìm hiểu thêm về tâm thức - nói chung; mà đặc biệt là cách làm thế nào để đạt được sự bình yên trong tâm hồn. Vào thế kỷ trước, Ngài Mahatma Gandhi đã nêu gương cho thế giới về tính hiệu quả của tinh thần bất bạo động để đạt được mục tiêu của mình. Trong thế kỷ này, những người trẻ tuổi ngày nay sẽ có cơ hội để chứng minh được cách duy trì sự an lạc nội tâm.
“Nhiều người đã nói về việc thiết lập hòa bình thế giới; và mặc dù việc cắt giảm vũ khí và hạn chế buôn bán vũ khí có một phần tác dụng, nhưng chúng sẽ chỉ có hiệu lực nếu như - trước tiên, chúng ta có thể mang lại an hòa cho chính mình. Chúng ta nên tổ chức các cuộc thảo luận để tìm hiểu về quan điểm của người khác; và khi phải đương đầu với những vấn đề, chúng ta nên giải quyết chúng thông qua sự đối thoại. Bây giờ, quý vị có câu hỏi nào không?”
Cô Neelkamal Sihota đã giới thiệu Misaki Tomiyama - một học sinh người Mỹ - sẽ là người điều hành. Cô bé giới thiệu người nêu câu hỏi đầu tiên, người muốn biết liệu cộng đồng của chúng ta có phục hồi trở lại sau sự cố gián đoạn vì covid hay không. Ngài nói với cô ấy rằng, đây không phải là lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo như thế. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia y tế đang thực sự nỗ lực để tìm ra phương pháp điều trị và giúp bảo vệ mọi người chống lại nó. Với điều này, chúng ta không nên nản lòng mà nên tự tin và lạc quan về tương lai.
Ngài giải thích rằng, thể chất tốt cũng phụ thuộc vào trạng thái cảm xúc của chúng ta. An lạc với chính mình sẽ hỗ trợ cho sức khỏe thể chất của chúng ta. Ngài trích dẫn lời của một bậc thầy Ấn Độ cổ đại - người đã đưa ra lời khuyên thực tế rất hữu ích liên quan đến vấn đề này. Trước tiên, hãy phân tích tình huống mà mình đang gặp phải. Nếu có giải pháp để xử lý vấn đề đó, thì mình nên can đảm để thực hiện giải pháp ấy. Nếu không có giải pháp nào, thì tốt hơn hết mình nên chấp nhận mọi chuyện là như thế. Nếu để cho bản thân trở nên tức giận hoặc thất vọng thì sẽ không giúp ích được gì cả. Đây là một lập trường rất thực tế để cho ta áp dụng.
Khi được hỏi liệu Ngài có nghĩ rằng hòa bình và sự ổn định sẽ trở lại với thế giới hay không, Ngài khẳng định rằng những điều ấy sẽ trở lại. “Nhiều vấn đề mà chúng ta đang gặp phải là do chính chúng ta gây ra. Những vấn đề ấy xảy đến bởi vì chúng ta quá chú trọng vào việc nhìn mọi người dưới góc độ ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’. Thay vì thế, chúng ta cần nên nhận ra sự hợp nhất của nhân loại. Vì tôn giáo đôi khi cũng gây ra những vấn đề rắc rối, cho nên chúng ta cần phải áp dụng thái độ thế tục đối với nó - mà điều đó chúng ta đã tìm thấy được ở Ấn Độ. Điều này có nghĩa là thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả những người theo con đường tâm linh, cũng như những người bình thường không theo tôn giáo nào cả. Vấn đề ở đây không phải là chỉ có một chân lý và một tôn giáo - có nhiều tôn giáo cũng như nhiều khía cạnh của chân lý.
“Chúng ta phải đối mặt với hai loại vấn đề; một số - như tôi đã nói là do chính chúng ta gây ra. Một số khác - như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt và cháy rừng, là một phần của cuộc khủng hoảng khí hậu, nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta cần tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo dựa vào sức gió và năng lượng của mặt trời.
“Một số người bạn đã nói với tôi rằng nếu chúng ta không làm gì, thì sự nóng lên của toàn cầu sẽ dẫn đến tình trạng nhiều nguồn nước của chúng ta sẽ bị cạn kiệt. Một số nhận xét rằng, Tây Tạng có thể trở thành một sa mạc khô cằn giống như phần lớn của Afghanistan. Tình hình thật sự rất nghiêm trọng”.
Một cô gái trẻ muốn biết cách thực hành lòng từ bi khi chúng ta phải giữ khoảng cách với người khác. Ngài đã nói với cô ấy rằng chúng ta cần phải nghĩ về những người khác như những anh chị em của mình. Con người là động vật xã hội. Việc thể hiện lòng tốt đối với nhau xảy ra với ta một cách tự nhiên ngay từ khi ta vừa mới chào đời. Trước đây, chúng ta có thể sống trong những cộng đồng biệt lập, nhưng ngày nay, khi tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau, khi chúng ta sống trong một nền kinh tế toàn cầu, ta phải tính đến toàn bộ nhân loại.
Để trở nên kiên cường, chúng ta phải duy trì quyết tâm của mình và ứng xử bằng lòng từ bi và bất bạo động.
Ngài đã được mời để bình luận về việc thực hành chánh niệm. Ngài nói rằng, chánh niệm là phải luôn ý thức rõ ràng tỉnh táo về cách ứng xử của thân, khẩu, ý của mình. Chánh niệm về lời ăn tiếng nói của mình có nghĩa là chúng ta phải cẩn thận, không sử dụng những từ ngữ làm tổn thương người khác hoặc khiến cho họ nảy sinh nghi ngờ.
Chúng ta cũng có thể chánh niệm về các hành động thể chất của mình. Ví dụ, các Tu sĩ Kỳ Na Giáo có sự thực hành chánh niệm mạnh mẽ về cách họ bước đi bộ để không làm tổn hại đến các sinh vật khác, thậm chí là loài côn trùng bé nhỏ. Chánh niệm là tỉnh táo trước sự ảnh hưởng của hành động của mình đối với người khác. Do đó, chúng ta thậm chí có thể chánh niệm về cách mà chúng ta cười để không làm cho những người bạn đồng hành của mình cảm thấy khó chịu.
Nếu chúng ta trở nên quen thuộc với sự chánh niệm trong cuộc sống của mình trong khi đang thức, thì chúng ta thậm chí cũng sẽ có chánh niệm ngay cả trong giấc mơ. Ngài nhấn mạnh rằng, học sinh nên chánh niệm trong việc học hành của mình, tập trung tâm thức chú ý vào chủ đề mà mình đang học và chú ý đến những gì mà giáo viên đang nói.
Có tất cả các loại hành động mà chúng ta thường làm theo thói quen, thì chúng ta có thể thay đổi bằng cách trở nên chánh niệm hơn. Điều này sẽ cho phép chúng ta chánh niệm hơn trong các mối quan hệ của mình với bạn bè và bạn đồng học.
Khi được hỏi liệu Ngài có thông điệp nào về hạnh phúc và khả năng phục hồi mà Ngài muốn truyền đạt không, Ngài trả lời rằng Ngài không ngừng cố gắng thúc đẩy ý tưởng về sự hợp nhất của nhân loại và coi đồng loại của mình như những người anh chị em. Đây là cơ sở để nuôi dưỡng sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác; và do đó tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn, hòa bình hơn.
Ngài tuyên bố rằng, bao lâu mà chúng ta còn có thể khắc phục được những khó khăn của mình, thì chúng ta phải nỗ lực để thực hiện điều đó mà không bỏ cuộc. Nếu ta làm khác đi, thì sẽ chỉ là một nguyên nhân cho sự hối tiếc. “Khi tôi trốn khỏi Cung điện Norbulingka ở Lhasa vào ngày 17 tháng 3 năm 1959, chúng tôi không biết liệu mình có còn sống được để nhìn thấy mặt trời mọc vào một ngày khác hay không, nhưng chúng tôi đã không bỏ cuộc. Bởi vì chúng tôi đã quyết tâm, chúng tôi đã có thể vượt qua những trở ngại trước mặt và thoát ra khỏi. Chúng tôi đến Ấn Độ để tị nạn, cuối cùng, chúng tôi đã có thể ổn định được cuộc sống của mình.
“Với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ, chúng tôi đã thiết lập các trường học để con em chúng tôi có thể học ngôn ngữ và văn hóa của riêng mình. Chúng tôi tái thiết lập lại các trung tâm tu học của mình, nơi mà chư Tăng ni học tập một cách nghiêm túc để giữ gìn cho Truyền thống Nalanda được tồn tại”.
Câu hỏi cuối cùng được nêu lên cho Ngài có liên quan đến việc liệu Ngài có bao giờ nổi giận hay không; và cách giải quyết của Ngài như thế nào. Ngài trả lời rằng, khi liên quan đến những vấn đề như sự đau khổ khốc liệt mà những người theo đường lối cứng rắn của Trung Quốc đã gây ra cho người Tây Tạng, Ngài cảm thấy buồn hơn là tức giận. Ngài đề cập đến bậc thầy Ấn Độ cổ đại - người đã nói rằng, chúng ta nên biết ơn kẻ thù của chúng ta vì đã cho ta cơ hội để phát triển hạnh nhẫn nhục. Tuy nhiên, Ngài đã tiết lộ rằng - đôi khi - lúc tiếng muỗi vo ve quấy rầy giấc ngủ của mình, Ngài đã thức dậy và hành động quyết liệt; nhưng thông thường, với tư cách là một hành giả Phật giáo, Ngài nghĩ rằng tất cả chúng sinh đều tốt bụng như mẹ của mình; và làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo toàn mạng sống của họ.
Mark Taitt - Hiệu trưởng Trường Trung học - cảm ơn Ngài đã tham gia cuộc trò chuyện trực tuyến này và tri ân lời khuyên của Ngài về cách tìm ra con đường tích cực trong những lúc khó khăn này.
Ngài đã trả lời bằng một vài lời khuyên cuối cùng. Ngài nói: “Giáo dục không chỉ là vấn đề học tập về vật chất. Chúng ta cũng phải học cách xử lý những cảm xúc của mình. Trong mối liên hệ này, sẽ rất hữu ích khi nghĩ về một sự quan sát được thực hiện trong vật lý lượng tử; rằng không có gì tồn tại như nó xuất hiện. Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng, việc chúng ta xem mọi người hoặc mọi thứ là tốt hay xấu - thực chất là do sự phóng chiếu của tâm thức. Bởi vì cách mọi người và mọi thứ xuất hiện đối với chúng ta, chúng ta đáp lại họ bằng sự tức giận hoặc sự quyến luyến. Ý tưởng rằng một số người là bạn bè và những người khác là kẻ thù - là một quan điểm đảng phái dựa trên những dự đoán tinh thần của chúng ta mà thôi.
"Cảm ơn quý vị, xin tạm biệt! và tôi hy vọng sẽ được gặp lại quý vị!”