Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Janis Martins Skuja của Hiệp hội Latvia dành cho Tây Tạng đã chào mừng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến với cuộc hội thảo trực tuyến trên web do liên minh các cá nhân và tổ chức từ các Quốc gia vùng Baltic tổ chức.
Ngài trả lời,
“Tôi đã đến thăm các quốc gia vùng Baltic vài lần. Một trong những lý do tôi đến thăm Latvia gần đây hơn là để giảng dạy cho các Phật tử Nga. Chuyện xảy ra là - có một lần, sau khi tôi dạy cho một nhóm người Nga ở Delhi, một người trong số họ đã nói với tôi rằng có nhiều người ở Nga muốn theo học, nhưng không đủ khả năng đến Ấn Độ. Tôi rất cảm động. Thế nên chúng tôi đã xem xét đến việc giảng dạy của tôi ở Latvia - nơi mà dễ dàng hơn để cho người Nga được tiếp cận. Người Latvia và các quan chức của họ đã ủng hộ ý tưởng này; và họ chăm sóc tôi rất tốt, tôi muốn bày tỏ sự cảm kích sâu sắc của mình đối với sự quan tâm của họ.
“Hiện nay, liên quan đến vấn đề luân lý và đạo đức, theo các truyền thống tôn giáo khác nhau, đạo đức bắt nguồn từ đức tin. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đề cập đến đạo đức thế tục. Những điều này liên quan đến toàn thể nhân loại. Tất cả bảy tỷ con người đang sống hiện nay - về cơ bản là giống nhau, và chúng ta phải cùng chung sống với nhau.
“Trong quá khứ, chúng ta bị cuốn vào chiến tranh và bạo lực. Chúng ta đã dành thời gian, công sức và tiền bạc để phát triển vũ khí - đó là điều vô cùng đáng tiếc. Và chúng ta là những động vật thuốc quần thể xã hội. Các nhà khoa học chỉ ra rằng chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng mà chúng ta đang sống; và có mối quan tâm tự nhiên đến các thành viên của cộng đồng đó. Họ chính là nguồn hạnh phúc của chúng ta.
“Đôi khi ý thức quan tâm của chúng ta đối với cộng đồng rộng lớn hơn đã bị giảm sút; và chúng ta chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ hẹp hơn về khía cạnh “chúng tôi” và “bọn họ”. Điều này đã khiến cho chúng ta đánh đấu nhau và giết hại lẫn nhau. Nhưng ngày nay không còn có cơ sở cho những suy nghĩ về ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’ nữa. Tất cả bảy tỷ người trong chúng ta không những phải sống cùng nhau mà còn phải giúp đỡ lẫn nhau nữa. Từ quan điểm này, đạo đức liên quan đến việc chăm sóc toàn thể nhân loại ở đây và bây giờ. Nó không liên quan đến Đức Chúa hay Đức Phật, nó có nghĩa là tất cả mọi người đều là anh chị em của chúng ta. Đó là về việc trưởng dưỡng lòng nhân ái.
“Những ngày này, ngoài những vấn đề chung của chúng ta, ta còn phải đối mặt với những mối đe dọa như sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Trong những hoàn cảnh như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải học cách chung sống với nhau một cách hòa bình và hạnh phúc. Chẳng hạn như - chúng ta không cần phải phát triển những vũ khí tinh vi hơn hoặc mạnh mẽ hơn. Chúng ta cần phải sống trong hòa bình, cần phải ý thức về tính duy nhất của nhân loại.
“Và tôi tin tưởng rằng, người dân ở các nước vùng Baltic, Latvia, Lithuania và Estonia, có tiềm năng to lớn để thúc đẩy sự công nhận rộng rãi về tình huynh đệ của nhân loại. Khi còn là một đứa bé, tôi đã học về thế giới bên ngoài từ những cuốn sách và tạp chí minh họa, và tôi nhận thức được cách mà một quốc gia lớn hơn đã bóc lột các quốc gia vùng Baltic. Nhưng mọi thứ đã thay đổi và cuối cùng tôi đã có thể đến đó để viếng thăm.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh là, đạo đức bắt nguồn từ sự ý thức về tính đồng nhất của con người - là nguồn hạnh phúc. Chiến tranh đã lỗi thời. Vũ khí cũng đã lỗi thời và là một sự lãng phí về tiền bạc và tài nguyên. Tôi cũng có cảm giác rằng, các quốc gia nhỏ hơn có thể có nhiều cơ hội hơn các quốc gia lớn hơn - để đóng góp vào nền hòa bình thực sự trên thế giới ”.
Khi trả lời các câu hỏi của khán giả ở cả ba quốc gia vùng Baltic, Ngài bày tỏ sự quan tâm đối với các anh chị em của mình, những người đã phải chịu đựng bằng nhiều cách trong đại dịch Covid-19. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ rất sâu sắc đối với cách mà các bác sĩ và y tá đã chăm sóc cho những bệnh nhân trong sự chăm sóc của họ. Ngài nói rằng với tư cách là một Tăng Sĩ Phật giáo, Ngài cầu nguyện mỗi ngày rằng mong cho người bệnh sẽ sớm được bình phục và đại dịch sẽ chóng tiêu trừ. Ngài đặc biệt cầu nguyện đến nữ thần Tara và trì tụng thần chú của Ngài.
Khi được hỏi làm thế nào để mọi người có thể học cách tự chuyển hoá bản thân, Ngài nhận xét rằng, con người có bộ não đặc biệt nhạy bén. Ngài đề nghị, chúng ta không nên sử dụng nó để phân chia thành "chúng ta" và “bọn họ”. Ta phải đảm bảo rằng, nền giáo dục sẽ đề cập nhiều hơn về các giá trị cơ bản của con người - nuôi dưỡng mối quan tâm đối với toàn thể nhân loại.
“Nền giáo dục hiện đại chủ yếu hướng về mục tiêu vật chất, nhưng chúng ta có thể học hỏi một cách hữu ích từ kiến thức Ấn Độ cổ đại về phương cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Bao hàm trong sự hiểu biết này, là tinh thần bất bạo động và lòng từ bi, chúng ta có thể đưa cả hai điều này vào hệ thống giáo dục hiện tại một cách hiệu quả.
“Nhiều nhà khoa học ngày nay đang nghiên cứu về sức khỏe tinh thần và quan tâm đến các phương pháp để đạt được sự an lạc nội tâm. Một phần của điều này liên quan đến vệ sinh cảm xúc - một mối tương quan về mặt tinh thần của vệ sinh thân thể mà chúng ta bảo vệ sức khỏe của mình. Nó liên quan đến việc học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực như sự tức giận và sợ hãi. Nó còn đòi hỏi cần phải nuôi dưỡng những cảm xúc mang tính xây dựng như lòng nhân ái và tâm từ bi”.
Ngài quan sát thấy rằng trong quá khứ, nhiều nơi đã bị thống trị bởi sự hiện diện của quân đội. Tuy nhiên, ngày nay, khi nền dân chủ đầy ý nghĩa đang tiếp tục phát triển; và cùng với đó là sự quan tâm thực sự của xã hội, mọi thứ đang được cải thiện. Nhiều thành của viên công chúng mong muốn giảm bớt khoảng cách giữa giàu và nghèo. Các cá nhân ngày càng có trách nhiệm hơn đối với hạnh phúc của tất cả mọi người.
Mọi người nhìn vào cảm giác và kinh nghiệm của bản thân để quyết định khi nào thì nên hành động - hơn là chờ người khác ra lệnh hoặc hướng dẫn. Cảm xúc là một phần của tâm thức. Kiến thức Ấn Độ cổ đại, được lưu giữ trong Truyền thống Nalanda, đã cung cấp những lời giải thích chi tiết về phương cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Nó được tái hiện trong một số cuốn sách hay mà chúng ta có thể nghiên cứu để học cách trở thành những cá nhân ôn hòa, điềm tĩnh hơn.
Ngài ám chỉ đến sự phát triển vượt bậc về nguồn thông tin có sẵn ngày nay đối với tất cả mọi người qua một chiếc điện thoại thông minh. Ngài cảnh báo rằng chúng ta không nên bị đánh lừa bởi các báo cáo xuyên tạc; và cũng nêu lên sự nguy hiểm của việc tự do ngôn luận vô trách nhiệm. Ngài khuyên rằng khi mọi người trở nên được giáo dục tốt hơn và sáng suốt hơn, thì những kẻ rao bán những thông tin xuyên tạc sẽ bị tiết lộ và bị sỉ nhục. Ngài lưu ý rằng ngay cả những quốc gia vĩ đại cũng có thể nói dối.
Ngài nói, cho dù chúng ta có muốn hay không đi nữa, nhưng bởi vì chúng ta phải chung sống cùng nhau trên một hành tinh này, cho nên chúng ta cần nhận ra rằng, những sự khác biệt như đức tin, màu da hay chủng tộc chỉ là điều thứ yếu khi so sánh với thực tế rằng tất cả chúng ta đều là con người. Vì sự bình đẳng cơ bản này cho nên chúng ta cần phải giảm thiểu và xóa bỏ khoảng cách giữa giàu và nghèo. Chúng ta cần một xã hội được dựa trên các nguyên tắc đạo đức.
Ngài nhận xét: “Tôi lạc quan cho rằng mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.”
Được hỏi về vị trí của Cơ đốc giáo và Phật giáo trong thế kỷ 21, Ngài không khuyến khích về việc phụ thuộc quá nhiều vào những lối tư duy xưa cũ. Ngài nhận xét rằng khi giảng dạy về Phật giáo ngày nay, Ngài không chỉ có lặp lại những gì đã nói trong quá khứ. Ngài khen ngợi về việc có một cái nhìn khoa học hơn dưới ánh sáng của lý trí. Điều này không ảnh hưởng đến thông điệp cốt lõi của lòng nhân ái. Đối với các Kitô hữu, Đức Chúa - giống như một người cha nhân hậu - là Đấng đã tạo nên con cái, các anh chị em, tất cả loài người.
Ngài đề cập rằng, theo quan điểm của Ngài, truyền thống Tây Tạng vẫn còn bao gồm quá nhiều nghi lễ vô nghĩa. Ngài nhắc lại rằng, dù quan điểm triết học của họ có thể khác nhau đến mức nào, nhưng thông điệp chủ yếu của tất cả các truyền thống tôn giáo là tầm quan trọng của lòng nhân ái. Ở đâu có lòng nhân ái, ở đó có sự tha thứ phát khởi một cách tự nhiên. Có lòng nhân ái sẽ làm cho những cá nhân hạnh phúc, những gia đình hạnh phúc và những cộng đồng hạnh phúc. Và việc đào tạo lòng nhân ái có thể được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.
Ngài nói với một người muốn biết cách đối đầu với những thử thách và khó khăn rằng, hãy làm theo lời khuyên của một bậc thầy Ấn Độ ngày xưa. Vị ấy đã khuyến nghị rằng, nên phân tích vấn đề để khám phá xem nó có thể được giải quyết hay không. Nếu có một giải pháp, thì đó là phương hướng để thực hiện theo. Nếu không có giải pháp và không thể khắc phục được vấn đề, thì điều tốt nhất là hãy để nó như vậy và nên chấp nhận tình huống như nó là.
Khi trả lời câu hỏi về mục đích thực sự của cuộc sống, Ngài tuyên bố rằng, yếu tố chính là tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, điều này góp phần mang lại hạnh phúc và trạng thể sức khỏe tốt. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, những cảm xúc như tức giận và sợ hãi sẽ phá hủy sự bình yên trong tâm hồn của chúng ta, trong khi lòng từ bi và sự quan tâm đến người khác sẽ giúp làm vững mạnh thêm niềm an lạc nội tâm. Do đó, quý vị nên khám phá cách làm thế nào để xử lý cơn tức giận và cách để làm tăng trưởng lòng vị tha. Chúng ta cần sử dụng trí thông minh của mình. Nguồn hướng dẫn về những phương pháp ấy có thể được lưu giữ trong các bản văn tôn giáo, nhưng những lời khuyên trong đó có thể được áp dụng một cách khách quan trong bối cảnh của thế tục.
Uldis Budrikis - một nghị sĩ Latvia và đồng thời cũng là Chủ tịch Nhóm Hỗ trợ Tây Tạng trong Quốc hội Latvia - đã cảm ơn Ngài về bức thông điệp của niềm hy vọng và sự yên bình của Ngài. Thay mặt cho Hiệp hội Latvia vì Tây Tạng, ông thưa với Ngài rằng, ông có nhiều bạn bè ở Latvia và các nước vùng Baltic, những người đã hiểu được cuộc đấu tranh của nhân dân Tây Tạng và cách mà họ bị tước đoạt quyền tự do. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở ra cuộc đối thoại để đảm bảo quyền tự chủ thực sự cho Tây Tạng. Ông cảm ơn Ngài vì đã rung lên tiếng chuông hòa bình và vì những nỗ lực của Ngài để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Trong câu trả lời của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích,
“Mặc dù tôi đã nghỉ hưu khỏi bất kỳ trách nhiệm chính trị nào, nhưng tôi vẫn cam kết việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng - một nền văn hóa Phật giáo. Vào thế kỷ thứ bảy, hoàng đế Tây Tạng, mặc dù có liên kết chặt chẽ với hoàng đế Trung Quốc, nhưng Ông đã chọn kiểu mẫu của hình thức chữ viết Tây Tạng không phải theo ký tự Trung Quốc, mà dựa trên bảng chữ cái Devanagari của Ấn Độ. Một thế kỷ sau đó, Đức Vua trị vì Tây Tạng lúc bấy giờ đã thỉnh mời một triết gia và đồng thời cũng là nhà logic học vĩ đại - Ngài Tịch Hộ - từ Ấn Độ, để giới thiệu truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng. Ngài Tịch Hộ đã khuyến khích việc dịch các tài liệu Phật giáo, những lời dạy thực tế của Đức Phật cũng như các luận thuyết của các đạo sư Ấn Độ sau thời Đức Phật - sang tiếng Tây Tạng. Đây là nền tảng của truyền thống mà chúng tôi đang tiếp tục giữ gìn và duy trì sống động.
“Truyền thống Phật giáo Tây Tạng là duy nhất trong lĩnh vực coi trọng việc sử dụng lý trí. Đó là một truyền thống toàn diện. Nó bao hàm những giá trị cơ bản của con người.
“Tôi cũng cam kết bảo tồn hệ sinh thái Tây Tạng. Vì cao nguyên Tây Tạng là đầu nguồn của các con sông lớn ở châu Á, cung cấp nước cho hàng triệu người, nên việc bảo tồn môi trường tự nhiên của Tây Tạng - bao gồm cả những khu rừng của Tây tạng - là điều vô cùng quan trọng.
“Kể từ năm 1974, người Tây Tạng chúng tôi đã không đòi hỏi tìm kiếm sự độc lập, mà đã bày tỏ thiện chí cùng ở chung với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trung Hoa có thể cung cấp kinh phí cho sự phát triển, trong khi đó chúng tôi có thể cung cấp cho họ những giáo lý Phật giáo. Tuy nhiên, chúng tôi phải được hưởng quyền tự chủ thật sự có ý nghĩa. Tôi tin rằng, cuối cùng sự kiểm soát áp chế độc tài sẽ phải sụp đổ, nhưng Phật giáo sẽ được tồn tại.
“Tôi rất cảm kích tình bằng hữu và sự ủng hộ của quý vị - xin cảm ơn!”