Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, khi nhìn thấy khuôn mặt của các sinh viên và Giáo sư của họ - Arthur Brooks - trên màn hình trước mặt, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mỉm cười và vẫy tay chào. Các sinh viên và giáo sư của họ cũng vẫy tay chào lại Ngài. Brooks chào Ngài, "Tashi Delek" và thưa với Ngài rằng ông ta vui mừng như thế nào về cuộc gặp gỡ này. Ông đã giới thiệu Ngài với khán giả trực tuyến rằng Ngài là một nhà lãnh đạo của nhân dân Tây Tạng - người đã làm việc không mệt mỏi cho công lý. Ông cũng mô tả Ngài là tiếng nói cho sự thống nhất của nhân loại.
Brooks - người đang dạy một lớp học về “Lãnh đạo và Hạnh phúc” tại Trường Kinh doanh Harvard - đã mở đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi Đức Ngài về cách mà cuộc sống tâm linh và sự thiền định có thể giúp chúng ta tìm thấy hạnh phúc. Câu trả lời đầu tiên của Ngài là nói rằng Ngài cảm thấy vinh dự như thế nào khi được nói chuyện với các sinh viên và giáo viên tại Harvard.
Ngài tiếp tục: “Mục đích của cuộc đời chúng ta là hướng tới một cuộc sống hạnh phúc. Nếu như mọi thứ trở nên không thể chịu đựng được, thì có lẽ chúng ta sẽ mất đi ý chí để sống. Vì vậy, sự tự tin và hy vọng là yếu tố then chốt để chúng ta tồn tại. Cũng như chúng ta cần thực hiện vệ sinh thân thể để giữ gìn sức khỏe, chúng ta cũng cần trau dồi vệ sinh cảm xúc, học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi và tức giận. Sự tự tin và cảm giác hy vọng cho chúng ta ý chí để thấy cuộc sống của mình là hữu ích và có ý nghĩa, là nguồn sức mạnh nội tâm, điều đó cuối cùng sẽ mang đến cho chúng ta sự bình yên trong tâm hồn.
“Chúng ta là động vật xã hội. Từ lúc chào đời, người khác đã chăm sóc chúng ta. Khi lớn lên, chúng ta học cách giúp đỡ lẫn nhau và cuộc sống trở nên có ý nghĩa. Tính ích kỷ không chỉ trái với hành vi xã hội mà còn thiếu thực tế. Để trở nên thực tế, chúng ta cần có ý thức về sự hợp nhất của bảy tỷ con người đang sống hiện nay. Trong bối cảnh đó, sự ích kỷ chỉ làm suy yếu chí nguyện theo đuổi hạnh phúc của chúng ta. Hãy nhìn các cháu bé! Chúng có một ý thức về cộng đồng một cách tự nhiên, vui vẻ với bạn bè và những người cùng chơi đùa chung với mình.
“Sự giáo dục rất quan trọng trong thế giới ngày nay; và Trường Kinh doanh Harvard có thể có ảnh hưởng trong việc thực hiện và chia sẻ những ý tưởng mà chúng ta sẽ thảo luận hôm nay. Ý tưởng rằng tất cả con người thuộc về một cộng đồng vẫn chưa được khám phá triệt để. Điều quan trọng là phải trân trọng rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Dù chúng ta xuất thân từ đâu, thì chúng ta cũng đều phải sống chung với nhau trên một hành tinh này.
“Ngày nay, nền kinh tế là toàn cầu, nhưng mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng khí hậu cũng là toàn cầu. Chúng ta không thể chỉ suy nghĩ một cách cục bộ nữa; vì những vấn đề này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Trong quá khứ, ta có thể chỉ nghĩ đến ngôi làng của mình, quốc gia của mình, và thậm chí là lục địa của mình. Nhưng ngày nay, chúng ta phải nghĩ đến tất cả “chúng ta". Ta phải sử dụng trí tuệ con người của mình một cách thoáng đạt hơn, và phải nghĩ tính đến toàn bộ nhân loại”.
Theo kinh nghiệm của mình, Brooks hỏi Ngài rằng, tại sao một số nhà lãnh đạo không hài lòng với vận mạng của họ. Ngài trả lời rằng điều đó rất khó nói. Chắc chắn, một số nhà lãnh đạo dường như đang tạo ra rắc rối cho chính mình. Ngài nói rằng trong số những nhà lãnh đạo - bao gồm cả những nhà lãnh đạo tinh thần mà Ngài đã gặp - những người tự do và cởi mở hơn thì có vẻ hạnh phúc hơn. Những người quan tâm đến bản thân nhiều hơn thường có xu hướng ít hạnh phúc hơn.
Một lần nữa, Ngài nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự giáo dục. Nếu hệ thống giáo dục khuyến khích tư duy hẹp hòi thì đó là cách mà các nhà lãnh đạo xoay chuyển. Đây là một trong những lý do chính đáng tại sao hệ thống giáo dục cần có sự tư duy rộng rãi và nhân ái hơn, tập trung vào toàn thể nhân loại.
Ngài đã bác bỏ câu hỏi về việc các nhà lãnh đạo bị cô đơn bởi lẽ lý do ngày nay tivi và điện thoại di động đã giúp chúng ta trong sự liên lạc với mọi người. Công nghệ đã cải thiện đáng kể khả năng giao tiếp của chúng ta. Ngài so sánh các gia đình du mục trên đồng cỏ rộng lớn của Tây Tạng với hàng triệu người sống cạnh nhau trong các thành phố hiện đại. Những người du mục thường có khoảng cách xa nhau về thể chất, nhưng họ hiểu biết và tin tưởng rằng, nếu có nhu cầu, họ có thể kêu gọi nhau để giúp đỡ. Ở thành phố, hàng xóm láng giềng không những không biết rõ về nhau mà mức độ tin cậy của họ cũng thấp. Cô đơn có thể là một triệu chứng của việc tự cho mình là quan trọng và không đủ sự quan tâm dành cho người khác.
Liên quan đến việc trở thành những nhà lãnh đạo hạnh phúc hơn, hiệu quả hơn, Ngài đã trích dẫn những điều mà các thành viên của gia đình Pritzker đã nói với Ngài khi họ mời một nhóm người Tây Tạng đến định cư ở vùng lân cận Chicago. Họ bày tỏ sự cảm kích đối với tinh thần trách nhiệm cộng đồng mạnh mẽ của người Tây Tạng. Họ hy vọng rằng cách người Tây Tạng có xu hướng sống trong hòa bình và hòa hợp sẽ làm gương cho những người khác noi theo.
Ngài cũng đề cập đến sự ngưỡng mộ của mình đối với Liên minh châu Âu; và cách mà những kẻ thù lịch sử đã quyết định gạt sự thù địch của họ sang một bên để ủng hộ cho cộng đồng châu Âu rộng lớn hơn. Ngày nay, khi họ nói về "chúng ta” và "chúng tôi", là họ đang nghĩ đến cả cộng đồng. Ngài bày tỏ niềm hy vọng rằng giới trẻ ngày nay có thể học hỏi từ điều này.
Khi trả lời các câu hỏi của sinh viên, Ngài khuyến nghị sự chú ý đến lời khuyên y tế về mức độ kết nối mà mọi người có thể có được một cách an toàn trong khi cố gắng hạn chế sự lây lan của đại dịch vi rút corona. Ngài nhận xét rằng, thời gian dài bị cô lập đã mang lại cho Ngài sự yên tĩnh để thiền định.
Khi được hỏi về sự phát triển công nghệ ảnh hưởng như thế nào đến sự phân cực của xã hội, trái ngược với việc phát triển sự hài hòa, lòng từ bi và sự tôn trọng dành cho những sự khác biệt, Ngài nói rằng điều đó phụ thuộc vào cách mà chúng ta sử dụng công nghệ. Ngài nêu lên ví dụ về vũ khí hạt nhân; chiến tranh sẽ được ngăn chặn và nền hoà bình sẽ được gìn giữ - điều này đều phụ thuộc vào việc sức mạnh của loại vũ khí này không nên được đưa vào sử dụng. Cách chúng ta sử dụng công nghệ - chẳng hạn như mạng xã hội - đều phụ thuộc vào động cơ và thái độ tổng thể của chúng ta. Hãy nhớ rằng chúng ta thuộc về một cộng đồng nhân loại, cố gắng chung sống hòa thuận với nhau trên một hành tinh này sẽ mang lại những kết quả tích cực hơn.
Ngay từ lúc ta vừa được chào đời, mẹ của ta đã thể hiện lòng từ bi và đã mang đến cho ta sự an toàn. Sự trải nghiệm hạnh phúc này là cơ sở để cho chúng ta tồn tại, và nó cũng là cơ sở của cộng đồng nhân loại chúng ta. Vì thường xuyên nhắc nhở bản thân mình về tính duy nhất của nhân loại, cho nên Ngài tuyên bố rằng dù đi đến đâu và gặp gỡ bất cứ ai, Ngài cũng đều coi họ như anh chị em của mình. Ngài nhận thấy rằng ý thức bình đẳng này là lý do vì sao mà chế độ dân chủ là một hệ thống chính quyền tốt hơn là chế độ chính quyền dưới sự cai trị của các vị vua hay nữ hoàng. Ngài nói thêm rằng, kể từ khi cộng đồng Tây Tạng lưu vong có được vị lãnh đạo do dân bầu chọn, Ngài đã có thể nghỉ hưu hoàn toàn khỏi những trách nhiệm chính trị của mình.
Khi một sinh viên mong cầu lời khuyên về cách đối phó với sự phiền não và thất vọng, Ngài đã lặp lại điều mà Ngài gọi là lời khuyên thiết thực của một Vị học giả Ấn Độ trong quá khứ. Hãy phân tích tình hình; nghiên cứu nó. Nếu có phương pháp để vượt qua khó khăn mà bạn đang gặp phải, bạn không cần phải lo lắng hay sợ hãi. Chỉ cần đưa giải pháp ấy vào thực hiện một cách có hiệu lực. Nếu vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, thì nỗi sợ hãi và lo lắng sẽ chẳng giúp ích được gì cả.
Ngài nói thêm: “Cuối cùng, cuộc sống có thành công hay không đều phụ thuộc vào chúng ta. Ta là chủ nhân của chính mình. Kiến thức và sự tự tin là quan trọng. Nhưng sự tự tin một cách ngu ngốc hoặc thiếu nền tảng có thể sẽ trở thành nguy hiểm. Hãy nhìn một cách thoáng đạt hơn! Nhìn mọi thứ từ nhiều góc độ khác nhau. Hãy phân tích và điều tra, nhưng cần phải kết hợp sự phân tích của bạn với trái tim nồng nhiệt chân thành.
“Việc kinh doanh diễn ra trong xã hội loài người. Kinh doanh có thành công hay không đều phụ thuộc vào những người khác. Nếu họ tin tưởng bạn, thì bạn sẽ thành công. Sự giáo dục và đào tạo cần tập trung vào hậu quả của hành động của chúng ta đối với toàn thể nhân loại và hạnh phúc của xã hội về lâu dài.
“Niềm hạnh phúc thực sự có liên quan đến tâm thức và cảm xúc của chúng ta hơn là chỉ đơn thuần về sự thịnh vượng vật chất. Đây là lý do tại sao mà ngay cả những người nghèo cũng có thể có được sự hạnh phúc và vui vẻ. Những người kinh doanh và những người giàu có - có thể dư dả - nhưng nếu họ luôn ham muốn nhiều hơn, thì họ sẽ cảm thấy không thoả mãn. Chúng ta có thể khá giả về mặt vật chất, nhưng nỗi sợ hãi và thiếu tin tưởng ở mức độ tinh thần có thể gây ra sự sân giận và ganh tỵ, cuối cùng đưa đến nỗi bất hạnh. Theo đuổi lối sống thiên về vật chất sẽ không mang lại cho chúng ta tất cả mọi đáp án, ta cũng cần phải học cách kiểm soát những cảm xúc của mình.
“Biết bằng lòng ở mức độ tinh thần là điều chính yếu. Đức Milarepa - hành giả Du già người Tây Tạng - đã sống trong một hang động trống rỗng bên sườn núi. Một đêm nọ, Ngài thức dậy và phát hiện có một tên trộm đang lục soát hang động. Ngài cười và nói: “Làm sao mà ông nghĩ rằng ông sẽ tìm thấy vào ban đêm những gì mà tôi không thể tìm thấy vào ban ngày?” Milarepa trông giống như một người hành khất, nhưng vì biết cách duy trì sự an lạc trong tâm thức cho nên nội tâm của Ngài rất giàu có. Chúng ta cần phải học cách củng cố những cảm xúc mang tính tích cực và tìm cách giảm bớt những cảm xúc tiêu cực”.
Ngài nói với một sinh viên muốn biết về cách Ngài nhìn nhận các cách tiếp cận khác nhau đối với tâm linh rằng - một trong những cam kết cá nhân của Ngài là tôn trọng tất cả các truyền thống tâm linh. Ngài nhận xét rằng, các tôn giáo bộc lộ những khác biệt về quan điểm triết học, nhưng đều có chung một thông điệp về lòng từ bi. Ngay cả trong Phật giáo cũng có truyền thống Pali phụ thuộc vào đức tin và truyền thống tiếng Phạn được định hình bởi logic và lý luận. Các bậc thầy của truyền thống Nalanda đã tự mình tìm hiểu điều tra ngay cả đối với những lời của Đức Phật.
Ngài giải thích rằng, nền tảng của sự điều tra lý luận, luôn luôn tìm kiếm lý do tại sao - điều đó đã tạo điều kiện cho sự đối thoại hiệu quả được phát triển giữa các học giả và hành giả Tây Tạng với các nhà khoa học hiện đại. Kết quả là, người Tây Tạng đã xem xét lại quan điểm của họ về vũ trụ học; và khi các nhà khoa học trau dồi sự hiểu biết của họ về não bộ, các học giả và hành giả Tây Tạng đã chia sẻ với các nhà khoa học sự hiểu biết của họ về hoạt động của tâm thức. Ngài nhấn mạnh việc điều tra nghiên cứu một cách khách quan, không thiên vị.
Arthur Brooks hỏi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ có thể làm gì để mang lại hạnh phúc cho người khác. Ngài nói với ông rằng, vì rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt là do chính chúng ta gây ra, thế nên điều quan trọng là cần phải hiểu biết sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc của chúng ta. Ngài nhấn mạnh rằng, chúng ta có thể xem xét những điều này trong bối cảnh hoàn toàn khách quan và thế tục. Ngài đề cập đến sự quan sát hữu ích của cơ học lượng tử rằng có sự khác biệt giữa sự xuất hiện bề ngoài và sự thực. Những cảm xúc quấy nhiễu, chẳng hạn như sợ hãi, nghi ngờ và tức giận, đều dựa trên vẻ xuất hiện bề ngoài.
Ngài nói rõ: “Hãy phân tích cảm xúc của quý vị! Hãy tự hỏi bản thân xem mình đang tức giận đối với tâm thức, hay cơ thể, hay hành động của đối phương. Nếu quý vị điều tra kỹ lưỡng, quý vị sẽ thấy rằng, đối thủ của mình thực chất không phải là thù địch như anh ta xuất hiện đối với bạn. Trên thực tế, không có gì tồn tại cố hữu như nó xuất hiện. Đối thủ của bạn không phải là kẻ thù của bạn ngay từ khi sinh ra, bạn của bạn cũng không phải là người mà bạn đã gắn bó suốt thời gian đó. Việc trở thành bạn bè hay đối thủ đều là tùy thuộc vào hoàn cảnh. Ý tưởng rằng có sự khác biệt giữa cách mà các pháp xuất hiện và thực tế của chúng là điều mà tôi thấy rất hữu ích.
“Các quan điểm mà chúng ta dựa theo thì rất phức tạp; những cảm xúc tiêu cực của chúng ta rất phức tạp; mà khả năng thẩm vấn và điều tra của chúng ta cũng rất phức tạp.”
Arthur Brooks đã tóm tắt ngắn gọn về cuộc trò chuyện, chủ đề chính là hạnh phúc sẽ nảy sinh khi chúng ta thể hiện sự yêu thương và tình cảm đối với người khác. Ông nhấn mạnh bốn điểm: Hạnh phúc nảy sinh từ việc sống có ích, từ việc thể hiện sự quan tâm đến người khác. Bất hạnh là thứ mà chúng ta tạo ra trong tâm thức của chính mình khi chúng ta chỉ biết nghĩ đến bản thân. Chúng ta cần sử dụng trí thông minh của mình với trái tim nhân ái nồng nhiệt. Và - vì hạnh phúc bắt nguồn từ việc thể hiện tình yêu thương và lòng từ bi đối với người khác, cho nên chúng ta cần có khả năng coi đồng loại như anh chị em của mình.
Brooks bày tỏ hy vọng rằng cuộc trò chuyện buổi sáng sẽ truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi đang lắng nghe để trở thành mẫu người lãnh đạo biết nâng đỡ người khác được thăng hoa; và ông đã cảm ơn sự tham gia của Ngài.
Ngài trả lời: “Thời gian luôn trôi đi. Quá khứ đã là quá khứ và không thể thay đổi được. Tương lai có thể được định hình bởi hiện tại. Những bạn còn trẻ hiện đang nắm giữ chìa khóa của một tương lai hạnh phúc hơn. Đừng chỉ bắt chước những gì đã làm trước đây, hãy giàu trí tưởng tượng và thực tế. Đây là lý do vì sao mà việc mài giũa tâm thức của mình là điều quan trọng.
“Thế hệ của tôi đã tạo ra rất nhiều vấn đề rắc rối, và hậu quả của một số vấn đề ấy là tôi đã mất đi Tổ quốc của mình; và phải chạy sang Ấn Độ để tị nạn ở đây. Nhưng được một kết quả là tôi không còn bị ràng buộc bởi những hình thức lễ nghi trịnh trọng, và chúng ta có thể trò chuyện dễ dàng cùng nhau, vì vậy tôi rất vui khi được nói chuyện với sinh viên và giáo viên Harvard hôm nay. Tôi hy vọng được gặp quý vị lần nữa!”