Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi bắt đầu cuộc trò chuyện trực tuyến sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhìn những gương mặt trên màn hình trước mặt Ngài, vẫy tay chào họ bằng câu: “Chào buổi sáng và Namaste”.
Prakash Singh - Chủ tịch của Tổ chức Cảnh sát Ấn Độ (IPF) thay mặt cho các thành viên của IPF và Lực lượng Cảnh sát Ấn Độ - nói chung - chào mừng Ngài. Ông giải thích rằng Lực lượng Cảnh sát Ấn Độ ban đầu được thành lập bởi người Anh để hỗ trợ những thành nội mà họ nắm giữ trên toàn đất nước. Ông nói, ngày nay, cảnh sát nên phản ánh các giá trị dân chủ của Ấn Độ độc lập là nhân đạo, từ bi, bình đẳng và công bằng. Singh tuyên bố rằng, có sự lợi ích trong việc cải tạo cảnh sát Ấn Độ theo những đường lối này; và trích dẫn lời khuyên của Ngài rằng, tình yêu thương và lòng từ bi không phải là thứ xa xỉ; chúng ta cần có những phẩm tính này để tồn tại.
Sau khi giới thiệu Ngài với khán giả, ông đã thỉnh Ngài nói chuyện với họ.
Ngài trả lời, “Xin cảm ơn! Hôm nay tôi cảm thấy rất vui khi có thể trao đổi quan điểm của mình với các thành viên của Lực lượng Cảnh sát Ấn Độ. Tôi đã sống gần như toàn bộ cuộc đời mình với sự hiện diện của các nhân viên an ninh. Trong chín năm ở Tây Tạng, họ là những cảnh sát Trung Quốc. Kể từ năm 1959 dến nay, họ là những cảnh sát Ấn Độ. Cả hai đều làm việc để bảo vệ tôi, nhưng cảnh sát Trung Quốc còn có nhiệm vụ thứ hai, đó là để mắt đến tôi.
“Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất trên Trái đất, nó có một nền văn hóa cổ xưa và theo truyền thống là một quốc gia Phật giáo, nhưng ở đó không có sự tự do. Đó là một chế độ toàn trị. Trái lại, ở Ấn Độ, có sự tự do và dân chủ thực sự. Tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều được phát triển ở đây. Khi tôi gặp những người Hồi giáo Ấn Độ, tôi thấy không có sự tranh cãi giữa người Shias và người Sunni. Trong hàng nghìn năm qua, người Ấn Độ đã giữ gìn truyền thống ‘ahimsa’ và ‘karuna’ (bất bạo động và từ bi). Đây là những nguyên tắc mà đất nước này tuân theo và nền dân chủ phù hợp với họ.
“Các truyền thống tôn giáo, các cộng đồng địa phương, các ngôn ngữ và phương thức chữ viết khác nhau đều được công nhận; và dân tộc mà họ thuộc về đều rất vui khi được trở thành một phần của Ấn Độ. Điều này đã nêu gương cho toàn thế giới. Những người có ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau đều có thể sống cùng với nhau; và Cảnh sát Ấn Độ là những người đã bảo vệ tư tưởng ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (lòng từ bi) làm nền tảng cho ý thức mà họ thuộc về.
“Tôi rất vui với Cảnh sát Ấn Độ. Tôi không cảm thấy sợ họ. Mỗi buổi sáng, khi bước chân ra khỏi nhà, tôi đều thấy các chú cảnh sát ở đó để bảo vệ tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi chào họ và chúng tôi thường chia sẻ với nhau về những câu chuyện tiếu lâm.
“Vì vậy, điều tôi muốn nói với quý vị là, các thế hệ trẻ Ấn Độ hiện nay nên chú ý nhiều hơn đến ‘ahimsa’ và ‘karuna’, những nguyên tắc mà cả thế giới đều cần đến. Đây là những gì mà tôi muốn nói với quý vị. Người Anh đã đưa ra nền giáo dục hiện đại và những phát triển công nghệ rất hữu ích. Nhưng những người Ấn Độ các bạn cũng nên giữ gìn những truyền thống vốn đã có từ hàng nghìn năm tuổi của mình”.
Ngài lưu ý rằng, trong thế kỷ trước, phương thức mà Mahatma Gandhi thực hành sự bất bạo động trong Cuộc đấu tranh cho Tự do đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người khác, từ Nelson Mandela ở Nam Phi cho đến Martin Luther King ở Hoa Kỳ. Trong thế kỷ này, Ấn Độ - nơi những người có ngôn ngữ khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, v.v. đều chung sống hòa bình với nhau - điều đó có thể nêu gương cho cả phần còn lại của thế giới. Trong một thế giới tập trung quá nhiều vào sự khác biệt về chủng tộc, quốc tịch và tôn giáo, thì Ấn Độ có thể thúc đẩy sự hòa hợp giữa các dân tộc và các quốc gia.
Ngài nhận xét: “Bảy tỷ người đang sống hiện nay, tất cả đều là con người như nhau. Tất cả chúng ta đều phải sống cùng nhau trên hành tinh này. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề như sự nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Sự khác biệt giữa chúng ta là thứ yếu. Điều quan trọng là nhận ra tính đồng nhất của nhân loại. Vì cố gắng làm điều này cho nên dù đi đến bất cứ nơi đâu tôi cũng đều cảm thấy như ở nhà của mình vậy.
“Tôi thực sự rất ngưỡng mộ Cảnh sát Ấn Độ, những người không chỉ bảo vệ cho Tổ quốc, mà còn bảo vệ cả những nguyên tắc bất bạo động, lòng từ bi và sự hòa hợp mà thế giới đang cần.”
Khi trả lời các câu hỏi của khán giả - các sĩ quan cảnh sát từ khắp Ấn Độ, Ngài đã nhấn mạnh rằng, chất lượng của một hành động phụ thuộc vào động cơ đằng sau đó. Đôi khi vì những lý do chính đáng mà các biện pháp khắc nghiệt có thể được yêu cầu. Ngài cười, nêu lên rằng trong số rất nhiều vị thần được miêu tả trong các ngôi Chùa Tây Tạng, có một số vị thần hung dữ và phẫn nộ. Tuy nhiên, họ đều là biểu hiện của lòng từ bi. Khi ứng phó với những tình huống cụ thể, điều quan trọng là phải có động lực tích cực và nhìn mục tiêu từ một góc độ thoáng rộng hơn.
Ngài nói rằng các thành viên của cảnh sát và quân đội canh gác biên giới không chỉ là bảo vệ Tổ quốc, mà còn bảo vệ cả nền văn hóa và các giá trị đã phát triển ở đây. Họ đang hy sinh để bảo vệ các nguyên tắc. Vì vậy, họ nên can đảm và hãy quyết tâm thực hiện điều đó.
Vì Cảnh sát Ấn Độ đang bảo vệ cho sự tự do và nền dân chủ, cho nên có thể có những trường hợp cần đến các biện pháp cứng rắn. Ngài nhắc lại rằng, điều quan trọng là họ phải kiểm tra động cơ của mình và nhắc nhở bản thân về các nguyên tắc mà họ vì đó mà hành động.
Ngài thừa nhận rằng, công việc của cảnh sát có thể rất căng thẳng; và Ngài khuyến nghị nên nhìn mọi việc từ một góc độ thoáng rộng hơn. Đôi khi cần phải nghiêm khắc. Ngài đưa ra một ví dụ từ thời thơ ấu của mình. Một trong những vị Thầy của Ngài, nhận ra sự thông minh, nghị lực và xu hướng nghịch ngợm của Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi, nên đã khuyên một vị Thầy khác cần phải nghiêm khắc và cứng rắn với Ngài. Vấn đề quan trọng là có lợi cho cậu bé về lâu dài.
Ngài giải thích “Khi chúng ta nhìn mọi thứ từ một góc độ thoáng rộng hơn, chúng ta có thể nhận thấy rằng con người là loài động vật xã hội. Ngay cả với tư cách cá nhân, chúng ta vẫn phải tồn tại trong sự phụ thuộc vào cộng đồng mà chúng ta đang sống. Vì vậy, thể hiện lòng từ bi và quan tâm đến các thành viên khác trong cộng đồng của mình - cuối cùng cũng vẫn là điều tốt cho chúng ta. Thay vì nếu chúng ta sống ích kỷ, thì ta sẽ có xu hướng không được hạnh phúc.
“Bản chất cơ bản của con người là từ bi. Lợi ích mà lòng tốt đơn giản mang lại cho cộng đồng là lẽ thường tình. Để củng cố những phẩm chất tích cực này, chúng ta cần phải kết hợp các nguyên tắc ‘ahimsa’ và ‘karuna’ của Ấn Độ cổ đại với nền giáo dục hiện đại.
“Cũng giống như việc giữ gìn vệ sinh thân thể là cần thiết cho sức khỏe của cơ thể, chúng ta cũng cần phải thực hiện vệ sinh cảm xúc, học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực của mình nếu chúng ta muốn đạt được sự an lạc nội tâm. Vì tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, cho nên tất cả chúng ta cần phải biết cách nuôi dưỡng sự an lạc nội tâm, cho dù chúng ta có theo một truyền thống tôn giáo hay không. Truyền thống thế tục của Ấn Độ thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các tôn giáo là điều quan trọng, nhưng việc thực hành tôn giáo là vấn đề của mỗi cá nhân, trong khi việc nuôi dưỡng lòng từ bi có ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Hơn nữa, duy trì động lực từ bi là một phần của việc thực hành Giáo Pháp. Đó là cách để duy trì sự tích cực và lạc quan."
Ngài đề nghị rằng, để truyền cảm hứng cho sự tự tin của công chúng, cho dù họ làm gì đi nữa thì cảnh sát cũng cần nên kết hợp lòng từ bi với trí thông minh. Và trong một nền dân chủ, cảnh sát cần được thúc đẩy bởi các giá trị dân chủ, đồng thời duy trì sự tôn trọng đối với ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (lòng từ bi). Ngài nói thêm rằng, điều quan trọng là phải thực tế. Chỉ vì đây là một quốc gia tự do và dân chủ - điều đó không có nghĩa là mọi người đều được thúc đẩy bởi các nguyên tắc đạo đức. Khi một số người ích kỷ và có hành vi sai trái, các biện pháp nghiêm khắc có thể là cần thiết để bảo vệ hòa bình và sự hài hòa trong xã hội - nói chung.
Cuối cùng, Ngài được hỏi về hệ thống công lý của Phật giáo. Ngài trả lời rằng Ngài không biết có một hệ thống như thế hay không. Nói chung, thực hành Phật giáo là một vấn đề cá nhân. Nếu một Tu sĩ vi phạm một trong những giới luật chính, vị ấy có thể bị trục xuất khỏi cộng đồng tu viện, nhưng không có hình phạt nào khác. Các truyền thống tôn giáo khác có thể đặt ra các nguyên tắc hạnh kiểm và quy tắc ứng xử, nhưng Phật giáo thì chủ yếu quan tâm đến việc rèn luyện tâm thức - với sự chuyển hóa tinh thần - và việc nuôi dưỡng các giá trị nội tâm như lòng từ bi và kỷ luật bản thân. Học trò được đào tạo trong một hệ thống như vậy sẽ tự nhiên có lòng từ bi hơn.
Ngài tuyên bố rõ ràng rằng Ngài phản đối về án tử hình, Ngài cho rằng ngay cả kẻ phạm tội nặng nhất cũng có thể thay đổi nếu có thời gian và cơ hội.
Người điều hành - N. Ramachandran - thay mặt cho Tổ chức Cảnh sát Ấn Độ và cảnh sát Ấn Độ nói chung - cảm ơn Ngài về những lời khuyên đơn giản và phù hợp của Ngài. Ông kính chúc Ngài luôn được dồi dào sức khỏe và sống trường thọ.
“Xin cảm ơn quý vị,” Ngài đáp lời. “Tôi cũng muốn bày tỏ sự cảm kích sâu sắc đối với những cảnh sát Ấn Độ đã ngày đêm bảo vệ cho tôi. Tôi chẳng có nỗi sợ nào cả! Tôi tin tưởng họ và tôn trọng họ. Xin cảm ơn quý vị!”