Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mở đầu ngày giảng Pháp thứ ba của mình bằng cách tuyên bố rằng Ngài nghĩ rằng Ngài sẽ truyền Bồ Tát Giới là cách để kết thúc Pháp hội một cách viên mãn.
Ngài giải thích: “Tôi thực hiện những giới nguyện này mỗi ngày. Có 18 giới trọng và 46 giới khinh cần phải được thọ trì. “Sáu thời tu tập Đạo Sư Du Già” liệt kê 18 lỗi lầm chính, và làm rõ rằng, trong trường hợp phạm giới, nếu bốn yếu tố bắt buộc không hội đủ, thì giới thể sẽ không bị mất.”
Trước tiên, Đức Ngài đọc những bài Kệ cuối cùng của Chương hai trong ‘Luận giải về Thích Lượng Luận’ - Thiết lập Hướng dẫn Đáng tin cậy.
Ngài nhận xét: “Đức Phật là người đã rèn luyện trên đạo lộ này. Ngài đã đạt được những tiến trình vững chắc. Để so sánh, chúng ta là những chúng sanh bình thường bị ám ảnh bởi thái độ ích kỷ. Ngài Tịch Thiên đã nói rõ điều này trong tác phẩm ‘Nhập Bồ tát Hạnh’.
"Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân." (8/130)
“Điều cốt yếu là nghĩ đến việc mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh và không làm hại ai cả.
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
“Nếu bạn chỉ nghĩ đến mình, bạn sẽ không hạnh phúc. Nghĩ đến người khác và trau dồi Bồ Đề Tâm sẽ giúp tịnh hoá những chướng duyên tiêu cực và tích lũy công đức. Trân trọng người khác như chính mình - sẽ mang lại dũng khí và sức mạnh nội tâm.”
Đức Ngài đã dành thời gian để trả lời các câu hỏi của các thính chúng đặt cho Ngài về một loạt các chủ đề. Trong câu trả lời của mình, Ngài nói với họ rằng sử dụng lý trí và logic có lợi ích đặc biệt riêng của nó, vì nó có thể được sử dụng để xóa tan nghi ngờ về sự thực hành chính yếu.
Ngài lưu ý rằng khi Atisha đến Tây Tạng, ông đã dạy về ‘Đèn soi Nẻo Giác’. Từ đó nảy sinh ra thể loại văn học 'Các giai trình của Đạo lộ’ bao gồm các luận đề về các giai đoạn của Đạo Giác Ngộ” đại, trung và ngắn gọn” của Jé Tsongkhapa. Đức Ngài gợi ý rằng, vì có mối quan hệ chung đối với truyền thống Geluk ở Đài Loan, cho nên ngoài những cuốn sách này, sẽ rất tốt nếu như quý vị nghiên cứu ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng và ‘Nhập Bồ tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên. Sau đó, Ngài nói thêm rằng nếu có cơ hội, cũng sẽ rất tốt để nghiên cứu những cuốn sách thuộc các truyền thống Tây Tạng khác.
Ngài nhớ lại, “Khi tôi nhập thất ở Potala, có đủ loại tranh thangka được treo trong phòng tôi. Có một bức thangka mô tả về Vị hành giả vĩ đại Milarepa. Tôi đọc câu chuyện về cuộc đời của Ngài ấy vào thời điểm đó và thấy nó thực sự truyền cảm hứng”.
Đức Ngài nhận xét rằng, về những kiếp sống trong quá khứ và tương lai, chúng phụ thuộc vào sự liên tục của tâm thức. Vào thời điểm chúng ta chết, các yếu tố thô của bản thể và ý thức thô của chúng ta hòa tan vào nhau. Sau đó, có những kinh nghiệm được mô tả là xuất hiện màu trắng, tăng đỏ và cận đạt màu đen, tiếp theo sau đó thì sự quang minh và tỉnh giác của tâm thức vi tế nhất biểu lộ. Đây là những yếu tố đưa đến Phật quả.
Khi một câu hỏi khác được đưa ra về sự hiển hiện của ánh sáng quang minh vào lúc lâm chung, Đức Ngài đã giải thích rằng chúng ta trải qua những trạng thái tâm khác nhau. Trạng thái lúc thức bình thường của chúng ta, bị chi phối bởi ý thức tương đối thô. Trạng thái lúc nằm mơ thì tinh tế hơn; và trạng thái lúc trong giấc ngủ sâu thì vẫn tinh tế hơn nữa. Cuối cùng, trạng thái lúc ngừng thở thì tâm thức tinh tế nhất của ánh quang minh sẽ hiển lộ.
Đức Ngài đã đề cập đến hiện tượng ‘thukdam’ khi những thiền giả cao cấp vẫn tiếp tục duy trì an trụ miên mật trong ánh sáng quang minh đó. Trong khi quá trình đó xảy ra, cơ thể vật lý của họ vẫn tươi tắn. Ngài báo cáo rằng các nhà khoa học từ Đại học Moscow đã khởi động một dự án để điều tra hiện tượng này và giải thích những gì đang xảy ra theo quan điểm khoa học.
Đức Ngài nhắc lại rằng một trong những phiền não tinh thần sẽ dễ dàng phá vỡ sự bình yên trong tâm thức của chúng ta - đó là sự tức giận. Tuy nhiên, nếu chúng ta càng nỗ lực tu luyện Bồ Đề Tâm, thì sự tức giận sẽ giảm bớt và tâm hồn bình an sẽ được phục hồi. Khi mỗi người chúng ta được bình an, chúng ta sẽ có sự ảnh hưởng lợi lạc cho gia đình và những người xung quanh.
Mặc dù thông thường chúng ta không nghĩ về chúng theo cách này, nhưng những cảm xúc như tức giận, kiêu ngạo và ghen tị sẽ quấy rầy tâm thức của chúng ta. Tất cả những cảm xúc phiền não như vậy đều bắt nguồn từ sự ái trọng tự thân, như đã được nêu trong ‘Cúng dường Đạo sư’ (Lama chöpa):
"Căn bệnh mãn tính của ái trọng tự thân
Là nguyên nhân của khổ đau ngoài ý muốn.
Hiểu được điều này, nguyện con luôn ghét bỏ
Và triệt tiêu ác quỷ ích kỷ này.
Vì ái trọng tự thân là cánh cửa dẫn đến bao phiền muộn,
Trong khi chăm sóc mẹ (chúng sanh) là nền tảng của vạn sự cát tường,
Xin hãy truyền cảm hứng cho con để sự hành trì cốt lõi
Là đặt mình vào hoàn cảnh của người; hoán đổi ngã - tha."
Khi được hỏi làm thế nào để nuôi dưỡng lòng kính trọng đối với một vị Thầy tâm linh, Đức Ngài đã đề cập đến lời khuyên trong ‘Đại luận về các giai trình của Đạo Giác Ngộ”, ý chính là những người muốn dạy những kỷ cương cho người khác, thì trước tiên cần phải tự kỷ luật bản thân mình.
Ngài xác nhận rằng cư sĩ có khả năng thực hành Phật pháp khá tốt và có thể trình bày giáo lý Phật giáo một cách học thuật. Ngài chỉ ra rằng nếu bạn càng thực hành nhiều và càng tích hợp nhiều giáo lý cho bạn, thì lợi lạc của chúng sẽ càng rõ ràng hơn.
Đức Ngài khuyên rằng, những thủ phạm gây ra đau khổ khủng khiếp ở Tân Cương và Tây Tạng, những người đã phá hủy tu viện và giết hại các bậc Hành giả một cách dã man; họ đã tạo ra những ác nghiệp như thế; cho nên chúng ta cần phải yêu thương họ. Họ đáng thương hơn là đáng giận! Họ đáng được trở thành đối tượng của lòng từ bi sâu sắc hơn là sự giận dữ.
Khi khuyến khích các thính giả của mình làm việc hàng ngày để trau dồi Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tính không, Đức Ngài nhận xét rằng một trong những phẩm chất của tâm thức chúng ta là có thể dễ dàng quen thuộc với đạo đức phẩm hạnh.
Ngài nói: “Chúng ta càng trở nên quen thuộc với sự thực hành kỹ lưỡng bao nhiêu; thì chúng ta sẽ thấy sự chuyển hoá của bản thân mình càng lớn bấy nhiêu. Khi tôi còn là một đứa bé, tôi không biết gì về Bồ Đề Tâm hay tính không gì cả, nhưng khi lớn lên, tôi dần hiểu được giá trị của chúng. Tôi phát hiện ra rằng hai sự thực hành này là nguồn gốc thực sự của sự bình an trong tâm hồn.
“Một ví dụ về sự quen thuộc là cách mà người Tây Tạng đã học từ thời thơ ấu là, không làm tổn hại mà là bảo vệ ngay cả những sinh vật nhỏ bé như côn trùng. Họ thực hiện điều này trên cơ sở là tất cả chúng sinh đều mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau."
Giải quyết các câu hỏi về cộng đồng Tăng sĩ, Đức Ngài nhận xét rằng, những người đã từ bỏ lối sống gia đình thế tục và thọ trì biệt giải thoát Giới (Giới Tỳ kheo), điều này liên quan đến việc hạn chế hành vi về thân và khẩu của họ. Kết quả là họ không gây tổn hại. Ngài phân biệt giữa những người xuất gia tu hành trong các tu viện là kết quả của nguyện vọng và sự quan tâm của chính bản thân họ; và những người lúc còn nhỏ đã được cha mẹ đưa vào một cộng đồng Tu sĩ như vậy. Ngài cho rằng có lẽ những người do cha mẹ đưa vào chùa lúc còn bé sẽ không có hứng thú đối với lối sống thiền môn như vậy - đó cũng là điều dễ hiểu.
Cuối cùng, Đức Ngài đã chủ trì buổi lễ Truyền giới Bồ tát. Ngài yêu cầu hội chúng lặp lại ba lần những câu có liên quan; và sau đó khuyên họ tưởng tượng việc họ đã thọ nhận toàn bộ Giới nguyện một cách đắc giới do vị Thầy đã trao truyền.
“Nếu quý vị thọ trì những Giới nguyện này, quý vị sẽ cảm thấy thư giãn và thoải mái. Quý vị sẽ ngủ ngon và quý vị sẽ đóng góp cho nền hòa bình thực sự trên thế giới."