Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi những tia nắng ban mai của mặt trời chiếu rọi trên những ngọn núi sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi tản bộ trong khu vườn Chùa từ cổng đến Dinh thự của Ngài. Hơn 260 thành viên của tám đoàn kịch opera - cụ thể là Viện Biểu diễn Nghệ thuật Tây Tạng, Hiệp hội Opera Tây Tạng từ Paonta, Kalimpong, Kollegal, Nepal, Mussoorie Spanish Homes Foundation, Bhandara và đoàn Chaksampa từ Hoa Kỳ - cũng như đại diện từ Mainpat, các đoàn Mundgod, Odisha, Bylakuppe và Chauntra, cùng với hơn 70 đại biểu từ Hiệp hội Umaylam (Phương pháp Tiếp cận Trung đạo) - những người mà gần đây đã tổ chức Đại hội toàn thể lần thứ năm của họ - đã chờ đợi để cung đón Ngài.
Đức Ngài đã thánh hiến ngắn gọn những đồ vật được dâng lên để Ngài ban phước gia trì; Ngài nhúng ngón tay vào cốc sữa được dâng cúng lên cho Ngài như một phần của lễ cúng Chema Changpu truyền thống, và búng sữa lên không trung. Ngài được cung đón một cách trịnh trọng bởi một nhóm nữ diễn viên đến từ TIPA - họ đã ca một bản nhạc khi Ngài quang lâm đến Pháp toà của mình bên dưới Chánh Điện.
Ngài bắt đầu: “Đây là cơ hội để chúng ta tôn vinh nền văn hóa truyền thống của mình. Ở Lhasa, lễ hội Sho-tön được tổ chức trong bốn ngày. Tôi đã từng thực sự yêu thích lễ hội ấy. Nó giúp tôi có thời gian được nghỉ học và nghỉ trả bài thuộc lòng trước các Vị Thầy Giáo Thọ của mình. Đó là một trong những ngày lễ hội yêu thích của tôi; vì gia đình tôi có căn nhà ở Norbulingka và mẹ tôi sẽ tham dự Lễ hội Sho-tön và sẽ đến gặp gỡ tôi. Đó là những ngày hạnh phúc.
“Vào ngày đầu tiên của lễ hội, đoàn kịch Gyalkhar Chösong sẽ biểu diễn các vở kịch opera về một Công chúa Trung Quốc kết hôn với Hoàng Đế Tây Tạng (Gyalsa và Belsa); và câu chuyện về Pháp vương Sudhana (Norsang). Vào ngày thứ hai, đoàn kịch Chung Riwoché sẽ biểu diễn một câu chuyện về hai anh em, Dhonyö và Dhondup, và một câu chuyện khác về Thánh Nữ Nangsa Öbum. Vào ngày thứ ba, đoàn kịch Shangpai sẽ biểu diễn câu chuyện về công chúa Trung Quốc kết hôn với vua Tây Tạng, cũng như câu chuyện về Vua Drimé Kunden (Vua Visvantara). Cuối cùng, vào ngày thứ tư, đoàn kịch Kyomo Lung sẽ biểu diễn các vở kịch opera về Thánh Nữ Drowa Sangmo và Pema Öbar (Padma Prabhajvalya).
“Chúng tôi đã từng rất thích thú trong Lễ hội Sho-tön, vì vậy tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu như ngày hôm nay mỗi đoàn tham gia ở đây có thể biểu diễn một bài hát để nhắc nhở chúng ta về những ngày vui vẻ đó.
“Hôm nay, chúng ta đang kỷ niệm nền văn hóa truyền thống của mình. Ngay cả sau khi sống cuộc đời lưu vong, chúng ta đã cố gắng không chỉ nghĩ đến bản thân - mà chúng ta đã cố gắng hết sức để bảo tồn truyền thống của riêng mình. Giữ gìn cho nền nghệ thuật biểu diễn của chúng ta được tồn tại là một phần sống động của điều đó. Mọi thứ chắc chắn đang thay đổi ở Trung Quốc. Đấu tranh với người dân Trung Quốc chẳng có ích lợi gì. Chúng ta không tìm kiếm sự độc lập hoàn toàn khỏi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa). Theo Phương pháp Tiếp cận Trung đạo của mình, chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để sinh sống chung với CHND Trung Hoa, miễn là chúng ta có được quyền tự chủ thực sự, điều này sẽ cho phép chúng ta - với tư cách là những người dân Tây Tạng - giữ gìn ngôn ngữ và truyền thống của riêng mình với hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ làm cho nó được phục hồi trở lại.
“Ngày nay, ngày càng có nhiều người Trung Quốc thể hiện sự quan tâm đến truyền thống Phật giáo Tây Tạng của chúng ta. Không có quốc gia Phật giáo nào khác có thể bảo tồn Truyền thống Nalanda như chúng ta đã làm. Ngày càng có nhiều sự thừa nhận rằng truyền thống áp dụng phương pháp khoa học dựa trên sự phân tích phê bình thay vì chỉ có niềm tin. Cũng có một số công nhận rằng những cảm xúc tiêu cực như tức giận và tham ái nảy sinh bởi vì chúng ta có xu hướng nhìn mọi thứ như có một sự tồn tại tự chủ từ phía của chúng.”
Đức Ngài đã nói về cách mà người dân Tây Tạng đã giữ cho Phật giáo được tồn tại trên đất nước của họ mà không chia sẻ rộng rãi với người khác. Ngài nhận xét rằng, việc sống lưu vong như những người tị nạn đã làm nảy sinh những cơ hội bất ngờ. Mặc dù số lượng ít ỏi, nhưng những người dân Tây Tạng lưu vong không những có thể giữ cho tôn giáo và văn hóa của họ được tồn tại, mà họ còn phát hiện ra rằng nhiều người trên khắp thế giới đã quan tâm đến di sản mà họ đã bảo tồn.
Ngài nhớ lại rằng khi Songtsen Gampo ủy thác việc kiến tạo ra văn tự chữ viết Tây Tạng, mặc dù có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng Đức Vua đã chọn mô hình cho mẫu tự dựa trên bảng chữ cái Devanagari của Ấn Độ. Hoàng Đế Songtsen Gampo đã kết hôn với một công chúa Trung Quốc, nhưng cũng rất ý thức về danh tính Tây Tạng của mình. Vào thế kỷ thứ 8, Hoàng Đế Trisong Detsen đã thỉnh cầu Ngài Tịch Hộ - một triết gia và cũng là nhà logic lỗi lạc từ Đại học Nalanda nổi tiếng đến Tây Tạng. Khi phát hiện ra chữ viết Tây Tạng, Ngài đã khuyến khích việc dịch văn học Phật giáo Ấn Độ - những lời dạy của Đức Phật và các luận thuyết giải thích sau đó - sang ngôn ngữ Tây Tạng. Kết quả là đã có sự xuất hiện của Kinh Tạng (Kangyur) và Luận Tạng (Tengyur)
Trong thời kỳ lưu vong, việc thành lập các trường học Tây Tạng riêng biệt đã góp phần vào việc bảo tồn tôn giáo và văn hóa Tây Tạng. Ngày nay, các nhà khoa học đã nhìn nhận những truyền thống này với sự quan tâm và tôn trọng. Phẩm chất cao quý của kiến thức Tây Tạng không thể bị phá hủy bởi sự thù địch của Trung Quốc. Đức Ngài khuyến khích người dân Tây Tạng hãy tự hào về ngôn ngữ và truyền thống Tây Tạng mà họ đã bảo tồn.
Tiếp sau đó là một đoạn nhạc kịch cảm động sâu lắng khi một ca sĩ chính của mỗi đoàn kịch opera tiến lên để trình diễn một bản nhạc trong khi toàn bộ hội chúng cùng hòa mình vào dàn đồng ca. Những diễn viên chính này - bao gồm cả nam và nữ lớn tuổi trong bộ trang phục truyền thống - cũng như các thành viên của thế hệ trẻ. Các bản nhạc được bắt đầu bằng lời cầu nguyện trường thọ dâng lên Đức Ngài và kết thúc bằng lời cầu chúc cho hòa bình trên thế giới.
Khi khuyến khích người dân Tây Tạng tự hào về danh tính và di sản của họ, Đức Ngài đã tự xem mình là cậu bé được công nhận trên cơ sở ba âm tự A, Ka và Ma, được phản ánh trên bề mặt của Hồ Thiêng Lhamo Latso.
Ngài giải thích: “Tôi chào đời ở vùng Tsongkha của Do-mé, cách xa Lhasa. Sau đó, tôi đến Lhasa - nơi tôi được học triết học Phật giáo với những vị Thầy Giáo Thọ của mình và trở thành một Geshé (Tiến Sĩ). Tôi đã được thọ nhận nhiều giáo lý từ Tagdrag Rinpoché và các Vị Thầy Giáo Thọ khác của tôi, cũng như những giáo huấn từ các bậc thầy uyên bác như Gyen Rigzin Tenpa và Khunu Lama Rinpoché. Kết quả là - người sinh ra ở Do-mé này đã phụng sự cho truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, tôi cũng đã kết bạn với nhiều người theo đạo Hindu, đạo Hồi, đạo Thiên chúa, người Do Thái, v.v. trên khắp thế giới.
“Tôi đã gần 87 tuổi, nhưng theo một lời tiên tri, tôi vẫn có thể sống thêm được mười hoặc mười lăm năm nữa. Tôi sẽ cố gắng hết sức, nhưng tôi mong quý vị cũng hãy làm việc chăm chỉ. Chúng ta cần duy trì sức khỏe và nuôi dạy cho con cháu của mình được khỏe mạnh - các cháu sẽ là những người có thể phát triển văn hóa và truyền thống của chúng ta.
“Có một người mà tôi quen biết đã làm việc trong một trường đại học ở Tây Tạng đã nói với tôi rằng “Hiện giờ, người Trung Quốc có thể cai trị chúng ta; nhưng có khả năng thực sự là - thông qua truyền thống tâm linh của mình - chúng ta có thể dẫn dắt Trung Quốc trong tương lai. Chủ nghĩa cộng sản đang sụp đổ.” Mao Trạch Đông đã từng ca ngợi điều mà ông ấy gọi là “đầu óc khoa học” của tôi, nhưng khi ông ấy nói với tôi rằng “tôn giáo là thuốc độc”, thì tôi chỉ giả vờ đồng ý. Theo như tôi được biết, truyền thống của Tây Tạng, bắt nguồn từ Truyền thống Nalanda, dựa trên lý trí và logic và liên quan đến việc chuyển hóa tâm thức.
“Sống lưu vong ở đất nước tự do này, tôi đã sử dụng trí thông minh của mình và thực hiện khả năng phản biện của mình. Thật vậy, tất cả chúng ta đã làm việc chăm chỉ; và sự nghiệp của chúng ta đã đơm hoa kết trái. Hãy duy trì và phát triển nó!
“Thật vui mừng khi nghe những bản nhạc cảm động này sáng nay! Nó gợi lại những kỷ niệm về lễ hội Sho-tön trong tuổi thơ của tôi. Nhân dân Tây Tạng không thể dễ dàng bị thay đổi được! Bằng chứng chính là cách mà chúng ta đã bảo vệ được truyền thống của mình trước sự ngăn trở chống đối của Trung Quốc, cả cứng rắn lẫn mềm mỏng. Những truyền thống của chúng ta là hợp lý, thiết thực và mang lại lợi ích cho người khác. Những truyền thống ấy không dễ bị tiêu diệt”.
Sau đó, Đức Ngài đã đọc những vần Kệ kết thúc của lời cầu nguyện về "Những Lời Chân Lý":
Xin Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm
Thực hiện lời cầu nguyện thậm thâm
Trước chư Bồ Tát và Chư Phật
Ôm trọn dân Xứ Tuyết vào lòng!
Cầu cho lời nguyện trĩu ước mong
Sớm mau viên mãn, chóng thành công,
Nguyện cho thành tựu ngay hiện tại;
Ở tại nơi đây, phút giây này.
Nhờ sự uyên thâm từ duyên khởi
Kết hợp hài hòa với tánh không.
Nguyện Lời Chân Thật nơi Tam Bảo
Với bao năng lực của thiện hành
Sớm mau thành tựu điều toàn hảo
Không gặp chướng duyên, chóng viên thành!
Cuối cùng, Ngài nhắc lại những điều đã nói trước đó về việc sống chung với Trung Quốc và không tìm kiếm sự độc lập, miễn là có được quyền tự chủ thực sự.
“Sự đối xử thô bạo không thể tiếp diễn mãi mãi. Truyền thống của chúng ta nhằm mục đích mang lại sự bình yên trong tâm hồn - truyền thống ấy sẽ tồn tại. Hãy tự hào! Hãy thoải mái và vui vẻ!”