Shewatsel, Leh, Ladakh, Ấn Độ - Sáng nay, Đức Ngài chính thức khánh thành một trung tâm học tập mới tại Tu viện Thupstanling, Diskit Tsal, Leh. Trung tâm được xây dựng bởi các thành viên của cộng đồng địa phương. Đó là một trung tâm rộng rãi, mở cửa cho tất cả các hệ phái tôn giáo - nơi sẽ có các cơ sở để tổ chức các lớp học về triết học Phật giáo, một thư viện, v.v.
Hội trường đã chật cứng hết sức chứa, với hơn 1500 người bên trong và một số lượng tương đương tập trung ở sân ngoài. Viện trưởng của Tu Viện đã thực hiện theo phong tục cúng dường một Mạn đà la dâng lên Đức Ngài, sau đó các đại diện của cộng đồng Diskit Tsal cũng tìm cầu sự ban phước của Ngài.
Một trong những đại diện cộng đồng này đã có bài phát biểu giới thiệu, trong đó ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc lên Đức Ngài về chuyến viếng thăm và giải thích ngắn gọn về bối cảnh và sự phát triển của dự án. Học viện đã phát triển đến quy mô hiện tại từ một ngôi chùa Phật giáo nhỏ được thành lập lần đầu tiên vào năm 1984.
“Kính thưa chư Huynh đệ, chư Phật tử và các tín đồ Hồi giáo,” - Ngài bắt đầu.
"Người dân Ladakh và Zanskar là những người rất có tín tâm và luôn chào đón nhiệt thành bất cứ khi nào tôi đến viếng thăm. Là đệ tử của Đức Phật - người luôn thực hành hàng ngày bao gồm Bồ đề tâm, tôi cam kết phục vụ đồng loại của mình cho dù họ là ai. Thật vậy, bản chất của tất cả các tôn giáo là giúp đỡ tha nhân. Tất nhiên, việc hỗ trợ về tài chính và các thứ vật chất khác là tốt, nhưng khuyên người khác có tấm lòng ấm áp nhân hậu và phát triển sự bình an trong tâm hồn thì còn tốt hơn thế nữa.
“Thật may mắn khi tất cả chúng ta đều được sinh ra làm người và gặp được Giáo pháp của Đức Phật. Vì Đức Quán Thế Âm là vị thần bảo hộ của Tây Tạng, cho nên người Tây Tạng quen thuộc với việc trì tụng thần chú sáu âm, ‘Om Mani Padme Hung’ và tuân thủ những thực hành như tránh giết côn trùng; và người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn cũng có những truyền thống tốt đẹp này.
“Trước khi tôi nghỉ hưu khỏi những trách nhiệm về chính trị, chúng tôi đã áp dụng Phương pháp Tiếp cận Trung đạo - mà theo đó, chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp để được cả hai bên cùng chấp nhận cho vấn đề Tây Tạng. Điều này có nghĩa là chúng tôi đang tìm kiếm quyền tự chủ thực sự thay vì độc lập hoàn toàn, chủ yếu là quan tâm đến việc bảo tồn bản sắc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo phong phú của chúng tôi ở tất cả các khu vực nói tiếng Tây Tạng.
“Tôi rất vui vì người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn - từ Ladakh ở phía tây cho đến Arunachal Pradesh ở phía đông - cũng đang có sự đóng góp quý giá vào việc bảo vệ và gìn giữ Truyền thống Nalanda, bắt nguồn từ lý luận và logic. Chính vì cách tiếp cận hợp lý, logic này mà nhiều nhà khoa học ngày nay có thể quan tâm đến tâm lý học Phật giáo với các phương pháp rèn luyện tâm thức và cảm xúc của lĩnh vực này. Tôi muốn được tán thán khen ngợi về những nỗ lực của tất cả quý vị!."
Đức Ngài nói về mối quan hệ mà Ngài cảm nhận được đối với cộng đồng Hồi giáo ở Lhasa, những người mà Ngài mô tả là những người rất yêu chuộng hòa bình. Ngài đề cập đến việc gần đây đã gặp một số phụ nữ Hồi giáo có cha mẹ sống ở Lhasa trước năm 1959, nhiều người trong số họ nói thông thạo được tiếng Tây Tạng.
Đức Ngài một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm đến môi trường. Ngài khuyến nghị nên trồng trọt và chăm sóc cây xanh và thực hiện các bước để bảo vệ sinh thái địa phương.
Đức Ngài nói với khán giả rằng thời thế đang thay đổi, và sẽ đến lúc người dân Ladakh có thể đến thăm Lhasa một lần nữa, điều này đã mang lại những tràng pháo tay không ngớt. Ngài kết thúc cuộc nói chuyện bằng cách khuyên hội chúng nên sống vui vẻ và nhiệt tâm.
Tiếp theo, Đức Ngài đã được Hội đồng Phát triển Miền Núi Tự trị Ladakh (LAHDC) mời đến bữa tiệc trưa chia tay tại Sindhu Ghat, bên bờ sông Indus, gần Shey. Trong số những người hiện diện, có các Ủy viên được bầu; đứng đầu là Ủy viên Hội đồng điều hành trưởng - Shri Tashi Gyalson, các quan chức cấp huyện, đại diện của các tổ chức và cộng đồng tôn giáo khác nhau.
Khi được thỉnh cầu ban cho vài lời khuyên, Đức Ngài nhận thấy rằng một khía cạnh quan trọng của tính hợp nhất của con người là nhu cầu được chia sẻ của chúng ta về tình cảm và lòng yêu thương. Đây là lý do vì sao việc cố gắng sống có ý nghĩa bằng cách nuôi dưỡng một trái tim ấm áp nhân hậu và làm việc vì lợi ích của tất cả chúng sinh là điều đáng giá. Nếu chúng ta có thể làm được điều đó, thì khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng, ta sẽ được bao quanh bởi bạn bè và những người thân yêu trìu mến, chúng ta sẽ có thể ra đi một cách nhẹ nhàng thanh thản.
Đức Ngài ca ngợi các nguyên tắc lâu đời về ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (lòng từ bi) của Ấn Độ, những phẩm hạnh này có tiềm năng to lớn để tạo ra một thế giới hòa bình và hài hòa hơn. Ngài lưu ý rằng Đức Mahatma Gandhi đã tuyên truyền ‘ahimsa’, và các nhà lãnh đạo như Martin Luther King và Nelson Mandela đã học hỏi từ tấm gương của Đức Mahatma Gandhi. Tuy nhiên, Đức Ngài đề nghị, hiện giờ chúng ta cũng cần thực hành lòng từ bi, đây là yếu tố then chốt trong việc phát triển sự bình yên trong tâm hồn và sức mạnh nội tâm, đó là những yếu tố quan trọng trong việc tạo ra một xã hội hạnh phúc hơn.
Ngài nói thêm, vì lý do này cho nên điều quan trọng là việc rèn luyện lòng từ bi phải trở thành một phần của hệ thống giáo dục phổ thông, Ngài nêu rõ rằng việc rèn luyện lòng từ bi có thể được thực hiện từ quan điểm thế tục chứ không phải là quan điểm tôn giáo. Ngài cũng bày tỏ quan điểm rằng Ấn Độ đặc biệt thích hợp để kết hợp các nguyên tắc lâu đời như lòng từ bi và bất bạo động - ‘karuna’ và ‘ahimsa’ - với nền giáo dục hiện đại.
Ủy viên Hội đồng điều hành - Ghulam Mehdi - đến từ Turtuk đã phát biểu lời cảm tạ vào cuối bữa trưa. Ông cầu nguyện cho Ngài luôn được Pháp thể khinh an và trường thọ để có thể tiếp tục quang lâm đến viếng thăm và ban phước lành cho Ladakh.