Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Sau khi kết thúc thành công Diễn đàn Tăng già Quốc tế kéo dài ba ngày, sáng nay các đại biểu đã tập trung dưới Cội Bồ Đề để cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ Tu viện Tây Tạng, Ganden Phelgyeling đã quang lâm để tham gia cùng với các Đại biểu. Khi quang lâm đến phía Tây của Tháp Đại Giác, Đức Ngài đã chào đón Ngài Sakya Gongma Rinpoche và Jangtsé Chöjé Rinpoche, những Vị an toạ phía bên phải của Ngài. Đức Ngài vẫy tay chào Hội chúng và sau đó chào Đức Pháp Chủ Ganden Tri Rinpoche - vị an toạ phía bên trái của Đức Ngài.
Để chào mừng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, các vị khách nổi tiếng và các thành viên khả kính của Tăng đoàn; Siliing Tongkhor Rinpoche đã phát biểu:
“Chúng ta cùng nhau vân tập về đây - dưới bóng cây Bồ đề này - để nhớ lại rằng đây là nơi mà Đức Phật đã đạt được giác ngộ. Chúng ta hãy rút tỉa những điểm mạnh từ những lời dạy của Đức Phật, những lời dạy này vẫn còn phù hợp và hợp thời cho đến ngày nay. Giữa những thách thức vô tận mà thế giới đang phải đối mặt, chúng ta hãy tập trung vào mục đích chung là mang lại niềm an ủi, lòng từ bi và ý thức về sự đồng nhất đến với tất cả những người đang cần sự giúp đỡ.
“Trong không khí thiêng liêng của ngôi Tháp cổ kính này, cầu mong những lời cầu nguyện của chúng ta vượt qua biên giới, vang dội như lời kêu gọi hòa bình, lòng từ bi và sự chữa lành những nỗi đau. Bồ Đề Đạo Tràng - nơi mà sự giác ngộ đã diễn ra từ nhiều thế kỷ trước - sẽ là ngọn hải đăng dẫn đến một tương lai tươi sáng hơn và một thế giới từ bi hơn.
“Khi chúng ta chắp tay cầu nguyện, xin cho cuộc tụ họp này mang lại sức mạnh bền bỉ cho nhân loại, và cầu mong những phước lành mà chúng ta cầu nguyện hôm nay sẽ mang lại niềm an ủi cho nhiều người và lan tỏa như những gợn sóng trên khắp thế giới. Cầu mong những lời cầu nguyện của chúng ta huân đầy tuệ giác được bắt nguồn từ đây.”
Thượng tọa Mahayano Aun thông báo rằng, nhân dịp này những lời cầu nguyện sẽ được tụng bởi đại diện của 11 cộng đồng Tăng đoàn theo truyền thống Pali và Sanskrit. Thượng toạ nói thêm: “Tất cả chúng ta đều là đệ tử của cùng một Đức Phật, cầu mong những lời cầu nguyện của chúng ta góp phần mang lại hòa bình và hòa hợp giữa tất cả chúng sinh”.
Trước tiên là Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và sau đó là Sakya Gongma Rinpoche, Jangtsé Chöjé Rinpoché, Hòa thượng Trụ trì của Chùa Hoàng gia Thái Lan, Bồ Đề Đạo Tràng, Đức Pháp Chủ Ganden Tri Rinpoche và Phó Sangharaja của Miến Điện đã được cung thỉnh lên thắp ngọn đèn trí tuệ để khai mạc cát tường cho hội chúng.
Chủ tịch Hội đồng Phật giáo Quốc tế (IBC), Bồ Đề Đạo Tràng, Geshé Ngawang Tenzin Gyatso đã phát biểu chào mừng.
“Thay mặt Hội đồng Phật giáo Quốc tế, tôi xin hoan nghênh quý Vị đã đến với vùng đất giác ngộ này. Trước hết, hãy cho phép con được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban phước lành gia trì cho chúng con bằng sự hiện diện của Đức Ngài và đã chủ trì buổi họp mặt này. Tôi cũng xin được hoan nghênh các Sangharajas từ các quốc gia khác nhau. Diễn đàn Tăng già Quốc tế, cũng như cuộc hội ngộ hôm nay, đã đáp ứng được tầm nhìn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, và đã được điều phối bởi đại diện Văn phòng Đông Nam Á của Đức Ngài.
“Trọng tâm chính của chúng ta là thiết lập một cuộc đối thoại và hợp tác liên tục giữa các cộng đồng Phật giáo khác nhau thuộc truyền thống tiếng Pali và tiếng Phạn. Đây là một ngày vui vẻ và hạnh phúc khi chúng ta chứng kiến các thành viên của các truyền thống này cùng nhau cầu nguyện cho phúc lợi của toàn nhân loại.
“Một lần nữa, con xin thành kính tri ân trên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì đã truyền đạt giáo lý chân chính của Đức Phật và đã làm trẻ hóa toàn thế giới bằng cách khám phá trí tuệ cổ xưa của Ấn Độ bắt nguồn từ lòng từ bi và trí tuệ. Cầu nguyện cho lời dạy của Đức Phật ngự trị lâu dài trong tâm hồn của chúng ta và cầu mong tất cả các bậc Thầy của chúng ta được Pháp thể khinh an và trường thọ.”
Tiếp theo là những lời cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới được các thành viên Tăng đoàn từ Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh và Campuchia trì tụng, tất cả đều cầu nguyện bằng tiếng Pali. Chư Tăng đến từ Đài Loan tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Trung Quốc. Chư Tăng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đã tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng ngôn ngữ riêng của họ kèm theo tiếng mõ được gõ nhịp nhàng từ chiếc mõ gỗ mang hình dạng con cá. Cuối cùng, Chư Tăng Tây Tạng trì tụng ‘Lời nguyện cầu Ba Sự Liên Tục’ và đoạn kệ sau đây:
Nguyện cầu thế giới hạnh phúc, ngũ cốc gia tăng, mùa màng bội thu;
Nguyện cầu tâm hồn mở rộng, phong phú thịnh hưng, tinh thần thăng hoa;
Cầu mong chúng ta đạt được tất cả hạnh phúc vô cùng lợi lạc;
Và thành tựu mọi ước mơ khao khát chân thật của chính mình.
Trước khi tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Tây Tạng, các Vị ấy đã đọc bài ‘Xưng tán Bát nhã Ba la mật đa’ này của Rahula:
Xin kính lễ Trí tuệ Đại Bát Nhã,
Mẹ của tất cả chư Phật ba thời,
Vượt trên ngôn từ, không thể diễn tả, bất khả tư nghì,
Không sinh khởi, chẳng hề ngăn ngại trong thể tánh của hư không,
Lĩnh vực đối tượng khách quan của trí tuệ tự mình giác ngộ.
Họ kết thúc bằng câu kết luận này:
Khi Đức Phật quang giáng đến thế gian;
Giáo lý của Ngài rạng ngời như vầng Nhật;
Bậc hộ trì Giáo Pháp thuận hoà như anh em ruột thịt;
Nhờ nơi họ - nguyện cầu Giáo Pháp được hưng thịnh miên trường.
Tỳ kheo Pragyadeep, Tổng Thư ký Hiệp Hội Phật giáo Quốc tế, Bồ Đề Đạo Tràng phát biểu lời cảm ơn:
“Kính thưa Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khả kính và chư vị khách quý! chư Tăng, Ni và cư sĩ từ 33 quốc gia khác nhau! Hôm nay, chúng ta cùng nhau vân tập dưới Cội Bồ Đề - nhân chứng duy nhất cho sự giác ngộ của Cồ Đàm Tất Đạt Đa. Đây là lần đầu tiên đại diện của nhiều vùng đất khác nhau tụ hội về đây dưới bóng cây Bồ Đề này. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều buổi hội ngộ như vậy nữa.
“Chính Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đã giải thích Phật giáo theo cách đã thu hút được sự quan tâm lớn lao. Nhờ sự nỗ lực của Đức Ngài mà nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới đang chú ý đến những điều mà Đức Phật đã dạy. Sự hiện diện của Ngài đã mang Phật giáo đến với mọi người. Vì vậy, chúng con nguyện cầu cho Ngài được trường thọ.
“Nhiều học giả trong số đại diện của 33 quốc gia đã trình bày bài tham luận tại hội nghị, đầy kiến thức và trí tuệ về tâm thức và v.v. Chúng tôi xin cảm ơn quý vị về nguồn cảm hứng mà quý vị đã mang đến cho chúng tôi.”
Thượng tọa Mahayano Aun bày tỏ hy vọng rằng với cam kết chung đối với Phật pháp và khát vọng chung vì hòa bình thế giới, những lời cầu nguyện hôm nay sẽ lan toả tình yêu thương, trí tuệ và lòng từ bi trên khắp thế giới, dẫn dắt tất cả chúng sinh sống trong hòa bình và hòa hợp.
Thượng toạ nói thêm: “Cầu mong mọi nỗ lực của chúng ta sẽ góp phần vào sự hưng thịnh của Giáo Pháp Đức Phật và cầu mong tất cả chúng sinh tìm thấy được hòa bình và hạnh phúc. Xin được khép lại buổi Lễ cầu nguyện cho Hoà bình Thế giới của chúng ta dưới Cội Bồ Đề thiêng liêng này.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ngẫu hứng muốn phát biểu trước hội chúng:
“Tất cả chúng ta, kể cả quý vị - những Pháp Hữu của tôi - đang vân tập ở đây, đều biết rằng khía cạnh độc đáo trong Giáo Pháp của Đức Phật chính là đã đề cập đến Lý Duyên Khởi – pratityasamutpada. Khi quý vị kết hợp điều này với khát vọng đạt được Niết bàn, hay sự giải thoát, là quý vị đang bước đi trên con đường của các vị A La Hán và các bậc Độc Giác. Nhưng khi quý vị kết hợp nó với Bồ Đề Tâm thì con đường của quý vị sẽ dẫn đến Phật quả.
“Trong truyền thống Nalanda, các bậc Đạo Sư như Ngài Long Thọ đã chỉ ra rằng chúng ta nên xem xét lời dạy của Đức Phật dưới ánh sáng của lý trí, chứ không chỉ dựa vào niềm tin. Tôi được sinh ra ở vùng đông bắc xa xôi của xứ Tây Tạng, nhưng tôi đến Lhasa để học Pháp với những vị Thầy Giáo Thọ của mình. Bằng cách sử dụng trí thông minh thông qua sự nghiên cứu và lý luận, tôi đã khám phá ra những lời dạy của Đức Phật sâu sắc đến mức nào. Trong sự thực hành hàng ngày của mình, tôi đã tập trung vào Bồ Đề Tâm và sự trí tuệ về tính không. Vì vậy, tôi có thể nói với quý vị rằng giáo lý của Đức Phật không chỉ rộng lớn và sâu sắc mà còn vô cùng thực tế và hiệu quả về mặt phát triển nội tâm.
“Như đã được đề cập trong thần chú ‘Bát Nhã Tâm Kinh’, chúng ta khao khát đạt đến Phật quả bằng cách đi theo năm chặng đường (ngũ đạo). Chúng ta không bị giới hạn trong việc chỉ đọc tụng những lời cầu nguyện, ta phải tuân theo sự chỉ dẫn của Ngài Long Thọ và những Vị khác; và nghiên cứu Giáo Pháp về mặt lý trí và logic. Tôi đã có được kinh nghiệm tốt về cả Bồ Đề Tâm và tánh Không cho nên tôi có thể nói rằng tôi đã đạt được Tư Lương Đạo và hy vọng sẽ đạt được Gia Hạnh Đạo.
“Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi đã học được những lời dạy của Đức Phật thực tế như thế nào. Nếu quý vị hòa nhập những Giáo Lý ấy với tâm thức của mình, quý vị sẽ thấy được tác dụng của những lời dạy ấy, cuối cùng dẫn đến việc đạt được Phật quả. Nói cách khác, giáo lý của Đức Phật vô cùng bao la và uyên thâm.
“Bản thân tôi là một đệ tử của Đức Phật. Tôi đã nghiên cứu những lời dạy của Ngài và tôi cũng đã thiền định về những lời dạy ấy. Thông qua sự nghiên cứu và thực hành, tôi đã có được kinh nghiệm về những Giáo lý ấy bao la và sâu sắc như thế nào. Là một người có kinh nghiệm như vậy, được ở đây tại Thánh địa này - nơi Đức Phật đã giác ngộ, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn.
“Không ai trong chúng ta muốn bị đau khổ cả! tất cả chúng ta đều khát khao được hạnh phúc, nhưng những người trưởng dưỡng nguyên nhân hạnh phúc thông qua việc thực hành Đạo pháp thì rất hiếm hoi. Hãy nhớ Đức Phật đã dạy chúng ta rằng: các bậc Giác Ngộ không rửa sạch những hành vi bất thiện bằng nước, và không loại bỏ khổ đau của chúng sinh bằng đôi tay của họ, cũng không cấy ghép sự chứng ngộ của chính mình vào người khác. Mà chính bằng cách giảng dạy sự thật về chân như, hiển lộ thực tại mà họ đã trải nghiệm, và các phương tiện làm dịu tâm trí bất an, mà họ đã giải thoát cho chúng sinh. Hơn nữa, Ngài còn tuyên bố: ‘Quý vị là chủ nhân của chính mình.'
“Tôi có thể thấy cách chúng ta loại bỏ những cảm xúc tiêu cực - nguyên nhân của đau khổ - bằng cách áp dụng Giáo Pháp vào bên trong chính mình. Tôi có thể cảm nhận được tác động của Pháp đối với tâm thức của mình. Nếu quý vị cũng thực hành, nếu quý vị nghiên cứu và thực hành, quý vị sẽ thấy điều đó mang lại sự an lạc trong tâm hồn như thế nào. Khi quý vị hiểu được cách mà những phiền não có thể được điều phục như thế nào, thì quý vị sẽ thấy rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu tối thượng - là sự giác ngộ - bằng cách thực hành theo năm chặng đường (ngũ đạo) này.
“Đây là điều mà tôi muốn chia sẻ với quý vị - rằng chúng ta nên tích hợp lời dạy của Đức Phật vào trong chính mình. Xin cảm ơn Quý Vị!.”