Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, khi mặt trời buổi sáng sớm chiếu rọi trên bầu trời quang đãng không một gợn mây; các Pháp Hữu đang tươi cười và những người thiện nguyện đã vân tập trên đường phố khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khởi hành đến Tashi Jong. Toàn bộ Hội chúng của Tu viện Gyutö đã xếp hàng trên đường để cung đón Ngài khi Ngài quang lâm ngang qua khu vực ấy. Cũng tương tự như vậy, tại Gopalpur, trên đường đến Palampur, một nhóm vũ công Tashi Shölpa đeo mặt nạ dẫn đầu một hàng dài học sinh, giáo viên và nhân viên từ trường Làng Trẻ em Tây Tạng (TCV) gần đó. Nhiều người trong số họ nâng trên tay chiếc khăn Khata lụa trắng. Tất cả họ đều thể hiện niềm vui mừng khi được diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Khi Ngài quang lâm đến Tashi Jong, cả cộng đồng đang cung đợi trong bộ trang phục đẹp nhất, họ cung đón Ngài với nụ cười vui vẻ trên khuôn mặt. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có thể đi xe thẳng đến các bậc thang của hội trường mới. Tại cửa ra vào, Ngài đã cắt băng khánh thành tượng trưng cho tòa nhà học thuật chính của Học Viện Khamgar Druk Dharmakara mới. Ở bên trong Chánh Điện của hội trường, Ngài thắp ngọn đèn Lạc Thành trước một tôn tượng lớn của Đức Phật.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đăng toà và an toạ trên Pháp Toà của mình. Đức Ngài đội chiếc mũ Drukpa Kagyyu màu đỏ khi Rinpoche dâng cúng mạn đà la. Có những lễ cúng dường tượng trưng cho thân, khẩu và ý của Đức Phật trong khi lời cầu nguyện trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma do các vị gia sư của Ngài sáng tác đã được tụng vang lên. Trà và cơm ngọt đã được phục vụ cho Đại chúng.
Một trong những Khenpo đã cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Khenpo gọi Ngài một cách kính trọng là “hóa thân của Đức Quán Thế Âm và là bậc thầy của toàn bộ giáo lý của Đức Phật”. Đức Ngài đã chào tất cả các vị khách và các quan chức bằng lời chào: “Tashi Deleg.”
Trong khi trình bày báo cáo của mình bằng tiếng Tây Tạng, Khamtrul Rinpoche một lần nữa đã gọi Ngài là bậc thầy của toàn bộ giáo lý của Đức Phật và là nhà hoạt động cho hòa bình trên toàn thế giới. Rinpoche cảm ơn Đức Ngài đã nhận lời khai trương trung tâm học tập mới ngày hôm nay.
Rinpoche giải thích rằng Tu viện Khamapagar đầu tiên được thành lập bởi Khamtrul Rinpoche đầu tiên với các chi nhánh ở Dergé và các vùng khác của Kham. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm vĩ đại đã khuyến khích Khamtrul Rinpoche đầu tiên. Các vị Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo, bao gồm cả Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy, đã viết thư cho các Khamtrul Rinpoche để thừa nhận công việc của họ là bảo tồn Giáo Pháp. Sau đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 cũng khuyến khích Khamtrul Rinpoche, người đương thời với Ngài, tiếp tục phục vụ Giáo Pháp và chúng sinh.
“Giống như các Đức Đạt Lai Lạt Ma trước đây đã chăm sóc các Tu viện Khampagar,” Rinpoché yêu cầu, “Con xin thỉnh cầu Ngài cũng hãy chăm sóc chúng con.”
Ngài đề cập rằng Khamtrul Rinpoche thứ tư - Tenzin Chokyi Nyima - đã thành lập một trung tâm học tập ở Chamdo có tên là Chilling Gön và ngài đã mời một vị thầy từ Tu viện Namgyal đến. Sau này, vị tiền nhiệm của Rinpoche - Khamtrul Rinpoche Dongyud Nyima thứ tám - đã mời các học giả từ các Tu viện Dzogchen và Kathog đến giảng dạy cho Chư Tăng.
Ở đây tại Khampagar, Sakya Khenpo Rinchen và Khenpo từ Tây Tạng đã được mời đến giảng dạy. Khi số lượng sinh viên tăng lên, nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất lớn hơn đã nảy sinh dẫn đến việc thành lập Học viện Khamgar Druk Dharmakara này. Rinpoche tuyên bố rằng Học viện tuân theo Truyền thống Nalanda và thu hút sinh viên từ khắp vùng Hy Mã Lạp Sơn.
Rinpoche kết thúc bằng cách bày tỏ lời cầu chúc hạnh phúc cho mọi người, cầu nguyện rằng những nguyện vọng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể được viên mãn và Ngài được trường thọ.
Kishori Lal, Thành viên Hội đồng Lập pháp (MLA) địa phương đã mô tả lễ Lạc thành Học Viện là một dịp rất đặc biệt. Ông nhớ lại vào những năm 1960, người Tây Tạng bắt đầu sống ở Chauntra, Bir và Tashi Jong. Kể từ đó, Chính phủ Ấn Độ và Himachal Pradesh đã giúp đỡ họ trong khả năng có thể. Thật vậy, Thủ tướng đương nhiệm hiện tại gần đây đã lặp lại lời đề nghị hỗ trợ này.
Sikyong Penpa Tsering, Chủ tịch Chính quyền Trung ương Tây Tạng, đã ca ngợi Lễ Lạc Thành Học Viện Khamgar Druk Dharmakara của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài lưu ý rằng một số học trò trước đây đã trở thành Khenpo và đã giảng dạy tại Tu viện, những người khác đã cống hiến cả đời mình cho sự thực hành Pháp, trong khi những người khác đã quay trở lại Tây Tạng để giảng dạy. Ông đề cập đến một hội nghị mà CTA sẽ tổ chức vào năm tới và ông hy vọng các vị giáo thọ và học trò từ Khampagar sẽ tham dự. Ông cũng nhận xét rằng ở miền nam Ấn Độ, một số học giả đã nhận bằng Geshé (Tiến sĩ) hiện đang làm việc để lấy bằng tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Đạt Lai Lạt Ma dưới sự bảo trợ của Đại học Bangalore.
Diễn giả Khenpo Tenphel đã khen ngợi và biết ơn tất cả những người đã đóng góp vào việc thành lập Học viện này. Ông trích dẫn lời khuyên của Ngài Thế Thân rằng cách đúng đắn để bảo tồn giáo lý của Đức Phật là thông qua sự nghiên cứu và thực hành. Ông cảm ơn sự đóng góp to lớn mà Khamtru Rinpoche trong quá khứ và hiện tại đã thực hiện cho dự án này.
Ngài bắt đầu, “Các Pháp Hữu yêu quý của tôi! Tôi rất vui khi có thể được nói chuyện với tất cả quý vị. Ngày nay, truyền thống Phật giáo Tây Tạng - vốn bị lực lượng cộng sản Trung Quốc hạn chế ở Tây Tạng - đang phát triển nhờ đức tin mạnh mẽ của người dân Tây Tạng. Truyền thống Giáo Pháp này không hề bị suy thoái, cũng không bị giảm sút, bởi vì tất cả quý vị đã thực hành rất tinh tấn.
Ngày nay, giới Phật tử ở Trung Quốc cũng như các học giả và các nhà khoa học ở các nơi khác trên thế giới ngày càng quan tâm đến kiến thức và truyền thống của chúng ta. Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến những gì mà chúng ta đề cập về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc cũng như bản chất của sự thực.
“Chúng tôi kết hợp việc thực hành Bồ Đề Tâm với sự hiểu biết về tánh Không. Mọi sự vật hiện tượng dường như có sự tồn tại độc lập, tuy nhiên khi chúng ta đi tìm kiếm sự nhận dạng của nó thì ta không thể tìm thấy được. Do đó, chúng ta nói rằng mọi thứ chỉ tồn tại bằng cách định danh mà thôi.
“Là một tu sĩ Phật giáo, ngay từ khoảnh khắc tôi thức dậy vào buổi sáng, tôi đã khơi dậy sự hiểu biết của mình về Bồ Đề Tâm, cảm giác rằng người khác thật đáng trân quý và gần gũi với chúng ta, cũng khơi dậy trí tuệ hiểu biết về tánh Không. Điều mà tôi cảm nhận được là nếu quý vị càng vị tha bao nhiêu thì quý vị sẽ càng cảm thấy thanh thản bấy nhiêu. Bồ Đề Tâm luôn mang lại sự an lạc trong tâm hồn.
“Nếu quý vị với tâm đầy giận dữ và ghen tị, quý vị sẽ không vui vẻ. Những cảm xúc này bắt nguồn từ tâm vị kỷ và ái trọng tự thân, có thể dẫn đến sự tổn hại và bùng nổ chiến tranh. Trái lại, lòng bi mẫn và Bồ Đề Tâm chính là nguồn gốc của hòa bình.
“Tôi đã nghiên cứu kinh điển Phật giáo từ khi còn ấu thơ; và cố gắng tích hợp những gì tôi học được vào cho chính mình. Là Phật tử, sự giải thoát và giác ngộ là mục tiêu của chúng ta. Người ta nói về hòa bình trên thế giới thì rất dễ dàng, nhưng hòa bình sẽ chỉ được thiết lập khi chúng ta phát triển được sự an lạc nội tâm của chính mình. Khi chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên lý hoạt động của tâm thức và cảm xúc, thì chúng ta biết được rằng chúng ta cần tình yêu thương và lòng từ bi trên thế giới đến mức nào. Ngày càng có nhiều người cảm kích về điều này.”
Ngài nhận xét rằng tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Nyingma, Sakya, Kagyu, Geluk và Jonang đều kết hợp việc sử dụng logic với sự hiểu biết về hoặc Trung Đạo hoặc quan điểm Trung Đạo. Ngài nhận xét rằng tất cả đều giống nhau. Họ có thể sử dụng những thuật ngữ khác nhau, nhưng tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng đều tập trung vào tình yêu thương và lòng từ bi; và trong thế giới ngày nay, đã đến lúc chúng ta cần chia sẻ những giá trị này với mọi người. Đây là điều mà chúng ta cần phải lưu tâm.
Ngài lưu ý rằng người Tây Tạng đã bị mất đi quê hương đất nước và cùng với đó là sự tự do của họ, nhưng họ thấy rằng họ có những người bạn trên khắp thế giới thừa nhận rằng người Tây Tạng là một dân tộc điềm tĩnh và hòa bình. Điều này là nhờ vào Phật pháp; không phải là chỉ thực hiện các nghi lễ hay sử dụng Pháp Khí, mà là đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Jetsun Mila là một hành giả chân chính. Ngài không sử dụng trống và chũm chọe, Ngài thiền định về Bồ Đề Tâm và tánh Không khi thực hành trong im lặng.
“Mẹ của chúng ta sinh ra chúng ta. Họ mang đến cho chúng ta tình cảm và lòng yêu thương của họ - điều mà chúng ta phải luôn ghi nhớ và không được lãng quên. Khi lớn lên, chúng ta nên ghi nhớ lòng yêu thương và tình cảm mà chúng ta đã học được từ mẹ và áp dụng chúng trong mối quan hệ đối với người khác. Nếu quý vị trau dồi tình yêu thương và lòng bi mẫn thì khi quý vị rời bỏ cuộc đời này, quý vị không những có thể ra đi một cách bình yên mà còn có tác động tích cực đến cuộc sống tiếp theo của mình. Đây cũng là điều mà chúng ta cần lưu ý.
“Tôi được yêu cầu đọc ‘Tám Bài Kệ Luyện Tâm’. Tác giả Geshé Langri Thangpa là một hành giả phi thường về Bồ Đề Tâm trong suốt cuộc đời của Ngài. Đây là bản văn mà tôi tự đọc mỗi ngày như một phần trong quá trình thiền định về lòng từ bi và tánh Không. Tôi sử dụng tám bài kệ này để khơi dậy Bồ Đề Tâm; và những dòng từ “Nhập Trung Quán Luận” của Ngài Nguyệt Xứng để tập trung vào tánh Không.
“Việc bảo tồn Giáo Pháp không giống như sự giữ gìn tài sản an toàn mà là giữ gìn giáo lý trong tâm thức của mình. Đức Phật đã nhận ra bản chất của sự vật như chúng vốn dĩ là; và Bồ Đề Tâm là tinh túy của những gì mà Ngài đã dạy.
“Bài kệ thứ nhất và thứ hai trong tám bài kệ khuyên chúng ta hãy xem mình là người thấp kém nhất trong tất cả. Bài Kệ thứ ba cảnh báo chúng ta đừng để mình bị những cảm xúc cuốn đi. Bài kệ thứ tư khuyên chúng ta không nên đánh mất lòng từ bi của mình đối với những người cộc cằn và thô lỗ. Bài kệ tiếp theo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự an lạc trong tâm hồn. Chúng ta phải sử dụng sự rèn luyện tâm thức để chuyển hóa chính mình. Đây là cách mà tôi thực hành; và tôi khuyến khích quý vị cũng nên thực hành như vậy.
“Bài kệ thứ sáu đề cập đến việc thực hành ‘tong-len’, cho và nhận, trong khi bài kệ tiếp theo sau đó khuyên chúng ta hãy luôn tử tế ngay cả đối với những người thô bạo.
“Hỡi các Pháp Hữu của tôi! Những vị tu sĩ xuất gia không nên giống như người thế tục, họ nên duy trì ba sự rèn luyện - định tĩnh, an bình và thanh thản. Đó là tất cả mà tôi muốn chia sẻ hôm nay - Xin cảm ơn quý vị.”
Các nhà tài trợ và những người khác đã đóng góp vào việc thành lập Học viện đã có thể tiếp cận Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - Vị đã tặng mỗi người một bức tượng Phật. Khamtrul Rinpoche trao giấy khen cho những người đã làm việc trong công trình xây cất tòa nhà.
Khenpo Lobsang Sangpo gửi lời cảm ơn. Khenpo tán thán Ngài một lần nữa như là bậc Thầy của toàn bộ giáo lý của Đức Phật; và là nhà hoạt động vì hòa bình trên thế giới, Khenpo cảm ơn Ngài vê việc đã khánh thành Học Viện và về bài giảng mà Ngài đã ban cho Đại chúng.
Khenpo kết luận: “Chúng con xin thành kính tri ân Ngài từ sâu thẳm trái tim và cầu nguyện cho Ngài luôn được trường thọ!”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và những vị khách khác đã được mời dùng bữa trưa thật ngon, sau đó Ngài lên đường trở về Dharamsala. Khi Ngài đi qua khu vực Gopalpur, những trẻ em ở trường Làng Trẻ em Tây Tạng TCV lại xếp hàng theo dọc đường, rạng rỡ vui mừng, vô cùng hoan hỷ khi được diện kiến Đức Ngài và gọi to: “Tashi Delek” để cung chào Ngài và chào cả những người ngồi trên những chiếc xe cuối cùng của đoàn xe.