Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, - Hôm qua có thông báo rằng, vì Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bị cảm lạnh lâu ngày nên các bác sĩ của Ngài đã khuyên rằng Ngài nên nghỉ ngơi vào hôm nay và ngày mai. Do đó, Gaden Tri Rinpoche được yêu cầu bắt đầu các buổi giảng dạy theo lịch trình thể theo sự thỉnh cầu của Phật Tử Đài Loan.
Sáng nay, Tri Rinpoche đã chính thức an toạ trên Pháp Toà trong Tsuglagkhang - Ngôi chùa Chính Tây Tạng ở Dharamsala. ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ được tụng bằng tiếng Trung Quốc, sau đó đại diện của các nhóm Phật tử khác nhau đã dâng lên Tri Rinpoche những biểu tượng về thân, khẩu và ý của Đức Phật.
Khi bắt đầu bài giảng, Ngài đọc những bài kệ kính lễ từ ‘Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận’ của Ngài Long Thọ.
"Con xin đảnh lễ Đức Phật toàn hảo!
Đấng tối thượng của tất cả Đạo Sư ;
Bậc đã dạy về giáo lý Duyên khởi
Bất sinh - bất diệt; không đoạn - không thường;
Không đến - không đi; không một - không khác;
Và an lạc - vượt trên mọi tạo tác."
Trước tiên, Tri Rinpoche đề cập đến tầm quan trọng của việc có động cơ đúng đắn vào lúc bắt đầu và kết thúc bất cứ điều gì bạn làm. Khi bắt đầu bất kỳ việc thực hành Pháp nào, chúng ta cũng nên có ước muốn làm lợi lạc cho người khác, và khi kết thúc chúng ta nên hồi hướng công đức.
Ngài khuyên: “Nhân dịp này, khi chúng ta có được kiếp người quý báu và cơ hội thực hành Pháp, chúng ta cần nghĩ đến việc làm như vậy để giải thoát tất cả chúng sinh mẹ khỏi đau khổ. Chúng ta cần lắng nghe giáo Pháp, suy ngẫm về những gì mình đã nghe và thiền định về những gì mình đã hiểu.
“Hôm nay tôi sẽ giảng từ một đoạn văn ngắn của Jé Tsongkhapa có tên là ‘Chứng Đạo Ca - Những giai đoạn ngắn gọn của con đường dẫn đến giác ngộ’ chuyển tải toàn bộ con đường do Đức Phật giảng dạy. Để bắt đầu, sẽ rất tốt nếu chúng ta đánh giá cao tính xác thực của giáo lý liên quan đến sự vĩ đại của các tác giả. Những giáo lý trong bản văn này có nguồn gốc từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và được các đạo sư vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng truyền lại cho Jé Tsongkhapa, một hóa thân của Đức Văn Thù Sư Lợi - người đã biên soạn những giáo lý ấy trong tác phẩm này. Đức Tsongkhapa đã biên soạn ‘Đại Luận về các giai trình của Đạo Giác Ngộ’, ‘Trung Luận’ và ‘Tiểu Luận’.
“Bản văn mở đầu bằng sự tôn kính đối với Bậc vĩ đại nhất của dòng họ Thích Ca, thân thể của Ngài được hình thành bởi mười triệu đức hạnh hoàn hảo, lời nói của Ngài đáp ứng với những hy vọng của vô lượng chúng sinh và tâm trí của Ngài nhận thức các pháp như nó vốn dĩ là. Những bài Kệ tiếp tục bày tỏ lòng tôn kính Đức Văn Thù và Đức Di Lặc, những vị đã làm tuôn chảy ra những dòng giáo lý lần lượt trình bày quan điểm sâu sắc và những hành động rộng lớn của một vị Bồ Tát. Sự tôn kính cũng được dâng lên Đức Long Thọ và Ngài Vô Trước.
“Kế tiếp là sự kính lễ dành cho Ngài Dipankara Atisha, người đã tóm tắt không sai sót tất cả những điểm chính của con đường tri kiến sâu xa và hành vi quảng đại.
“Về sự vĩ đại và phẩm hạnh của chính bản thân giáo lý, trước hết nó không hề mâu thuẫn. Nhờ vào phẩm hạnh của giáo lý, mọi lời giáo huấn trong kinh - không có ngoại lệ - sẽ hiện lên trong tâm thức chúng ta như những sự hướng dẫn dành cho từng cá nhân. Thứ ba, nó giúp chúng ta dễ dàng hiểu được tôn ý của Đức Phật; và cuối cùng nó bảo vệ chúng ta tránh khỏi sự sai lầm nghiêm trọng là quay lưng lại với giáo lý.
“Những bậc thông tuệ của Ấn Độ và Tây Tạng đã nương tựa vào giáo lý này, những bậc có trí thông minh sẽ không bị lôi cuốn vào những giai đoạn này của con đường của ba hạng người. Giảng dạy hay lắng nghe một lần về giáo lý này sẽ tương đương với việc tóm tắt toàn bộ lời dạy của Đức Phật.”
Tri Rinpoche nhận xét rằng những bài kệ này cho đến nay đã cho thấy được sự vĩ đại của giáo lý. Tiếp theo, liên quan đến cách thực hành giáo lý, bản văn giải thích tầm quan trọng của việc nương tựa vào một Bậc đạo sư tâm linh có đầy đủ phẩm hạnh. Nó làm rõ cách nương tựa đúng đắn trong tư tưởng và hành động vào những bậc thiện tri thức cao quý hướng dẫn chỉ đường cho chúng ta.
Từ điểm này trở đi, Ngài Tsongkhapa đã nhấn mạnh lời khuyên của Ngài bằng cách lặp lại một điệp khúc mà một số người dịch như sau: 'Đây là điều mà vị thầy tôn kính và thánh thiện của tôi đã làm; và tôi - người tìm kiếm sự giải thoát, cũng sẽ làm như vậy.' Những người khác dịch nó như sau: 'Tôi, một hành giả Du già, đã thực hành theo cách này; quý vị - người cũng khao khát sự giải thoát - cũng nên thực hành như thế.’
Đoạn văn tiếp theo khuyên chúng ta nên suy ngẫm về sự quý giá của mạng sống con người; và thân người khó có được như thế nào. Điều đó được mô tả là dễ mất và ngắn ngủi như tia chớp trên bầu trời. Để tích luỹ những nguyên nhân của thân người này, chúng ta phải thọ trì đạo đức giới luật và trau dồi những sự thực hành khác dựa trên nền tảng đạo đức ấy. So sánh với điều này thì những hành động thế tục giống như rơm rác bay trong gió. Chúng ta phải tận dụng cuộc sống này một cách tốt nhất, cả ngày lẫn đêm. Phần này hoàn tất sự giáo huấn liên quan đến những người có căn cơ căn bản.
Bản văn tiếp tục, khi chúng ta chết, ta không thể biết chắc chắn rằng mình sẽ không bị tái sinh vào cõi xấu. Chỉ có Tam Bảo mới có thể bảo vệ chắc chắn ta khỏi những nỗi sợ hãi như vậy. Vì thế, chúng ta phải thực hành quy y một cách kiên định. Chúng ta phải suy ngẫm về lỗi lầm của những hành động tiêu cực và những phẩm chất tốt đẹp của đời sống đức hạnh.
Vì sẽ không có sự tiến bộ nhanh chóng hướng đến Đạo lộ cao nhất, trừ khi chúng ta có được một cuộc sống với tất cả những đặc điểm tiên quyết, chúng ta phải rèn luyện bản thân để tạo ra các nguyên nhân, để không thiếu nguyên nhân nào. Với sự cẩn trọng, chúng ta phải áp dụng tất cả bốn đối trị - hối tiếc, lòng tin, khắc phục và quyết tâm.
Tri Rinpoche trích dẫn một bài kệ trong ‘Cúng dường Đạo sư Tâm linh’ (Lama Chöpa):
Con sợ hãi ngọn lửa khổ đau đốt thiêu nơi cõi thấp,
Xin truyền cho con cảm hứng thành tâm quy y Tam Bảo
Để nỗ lực nhiệt thành tránh những hành động bất hảo
Và hoàn thành mọi hạnh nguyện tích tập công đức.
Một khát vọng đối với giải thoát sẽ không thực sự khởi sinh nếu không nỗ lực xem xét những nhược điểm của khổ đau thực sự. Trừ khi chúng ta nghĩ đến nguồn gốc của nó, chúng ta sẽ không biết cách cắt đứt gốc rễ của nó. Tri Rinpoche nhận xét rằng khi chúng ta cảm thấy khát, thì chúng ta mới đi tìm nước; tương tự như vậy, chỉ khi chúng ta thấy mình bị ràng buộc trong vòng sinh tử như thế nào thì chúng ta mới đi tìm kiếm sự giải thoát thực sự khỏi sự ràng buộc đó. Đến đây là kết thúc phần hướng dẫn dành cho người có căn cơ trung bình.
Tri Rinpoche giải thích tầm quan trọng của việc hiểu Tứ Diệu Đế và quy y Tam Bảo, Phật, Pháp và Tăng, là một sự thực hành Phật giáo như thế nào. Việc suy ngẫm về đau khổ mà chúng ta trải qua không chỉ thúc đẩy chúng ta phát triển quyết tâm giải thoát mà còn trở thành nền tảng để phát triển lòng bi mẫn đối với những chúng sinh đang đau khổ khác.
Nền tảng chủ yếu của tối thượng thừa là tâm Bồ Đề Tâm. Nó giống như một loại thần dược biến hai kho tàng của công đức và trí tuệ trở thành vàng. Biết được điều này, các vị anh hùng Bồ Tát đã xem tâm thái quý giá và tối thượng này là sự thực hành tinh túy của họ. Chỉ đến khi chúng ta tự mình đạt được Phật quả thì mới có thể thực sự giúp đỡ được người khác.
Tác phẩm ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ phân biệt sự khác nhau giữa việc “ước muốn đi” và việc “thực sự đi”. Bồ Đề Tâm Nguyện cũng giống như sự mong muốn được đi, trong khi Bồ Đề Tâm Hạnh thì giống như việc thực sự tiến bước đi để đi. Nếu chỉ mong muốn giúp đỡ chúng sinh còn giá trị hơn việc cúng dường chư Phật, thì đâu cần phải nói thêm gì về việc phát Bồ Đề Tâm. Nếu chỉ bố thí thức ăn cho một vài chúng sinh và được coi là đức hạnh thì cần gì phải nói về việc tìm cách mang lại lợi ích cho vô hạn cho chúng sinh.
Tri Rinpoche khuyên rằng chúng ta nên quán chiếu về bồ đề tâm và những lợi ích của Bồ Đề Tâm ba lần vào ban ngày và ba lần vào ban đêm. Ngài lưu ý rằng những người thực hành Mật điển Tối thượng Du Già đã thực hiện điều này khi họ trì tụng Sáu Thời Đạo Sư Du Già. Ngài kết thúc buổi giảng trong ngày bằng cách đề cập đến những phẩm chất của Bồ Đề Tâm được bộc lộ trong “Nhập Bồ Tát Hạnh”:
Là thuốc tiên ban cho đời mầm sống;
Giúp trường sanh bất tử cõi hồng trần.
Là kho tàng trân châu nhiều vô tận
Xoá đói nghèo khốn khổ chốn trần gian. (28/3)
Là linh dược thật tuyệt vời cao tột,
Chữa được lành mọi căn bệnh thế nhân,
Là bóng cây che mát thật bình an,
Cho lữ hành trong luân hồi mỏi mệt. (29/3)
Là bờ đê vượt tái sinh cõi ác,
Mở lộ trình cho lữ khách thoát lên,
Là vầng trăng soi sáng khắp cõi tâm,
Xoa dịu hết những não phiền thế tục. (30/3)
Là mặt trời rạng ngời soi chiếu khắp,
Xua vô minh đen tối cõi ta bà,
Tâm Bồ Đề này được trích chiết ra,
Từ nơi chất sữa đề hồ - Diệu Pháp. (31/3)