Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Sáng nay, một màn sương mù lạnh lẽo bao trùm khắp Bồ Đề Đạo Tràng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe một đoạn ngắn từ Gaden Phelgyeling - Tu viện Tây Tạng, đến Sân bãi Kalachakra. Con phố tràn ngập dòng người đang tươi cười đầy thiện chí - trong đó có những tay trống đến từ Ladakh. Ngài đã vẫy tay chào họ khi Ngài quang lâm qua.
Ngay bên trong cổng vào sân bãi thuyết Pháp, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dừng lại trước Tôn tượng Phật bằng đá mới do Ủy ban Quản lý Tháp Đại Giác (BTMG) cúng dường. Các thành viên của ủy ban đã có mặt để cung đón Ngài. Được chư Tăng của Tu viện Namgyal hỗ trợ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tụng những bài kệ để thánh hóa Tôn Tượng, sự trì tụng của họ được nhấn mạnh bằng cách tung những nắm cánh hoa lên không trung để gia trì.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bước xuống xe golf ngay ở rìa khán đài phía trước Pháp Tòa, từ đó Ngài vẫy tay chào Hội chúng 50.000 người, bao gồm khoảng 15.000 người từ hơn 50 quốc gia, đang ngồi ở phía bên phải, bên trái và thẳng về phía trước. Ngài xoay người lại đảnh lễ Tôn tượng Phật phía sau Pháp toà. Ngài chào đón Sakya Gongma Rinpoche - Sakya Trizin và các thành viên khác của gia đình Sakya. Ở phía đối diện, Ngài chào đón Ganden Tri Rinpoche và Jangtsé Chöjé Rinpoche, cũng như Chủ tịch Quốc hội Tây Tạng và Sikyong Penpa Tsering.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an tọa, một nhóm Tăng sĩ Nguyên Thủy đã vân tập phía trước Ngài để tụng ‘Kinh Phước Đức’ bằng tiếng Pali. Tiếp theo là phần tụng du dương “Bát Nhã Tâm Kinh” và cúng dường mandala bằng tiếng Tây Tạng. Trong khi đó trà và bánh mì được phục vụ đến cho mọi người.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu nói với Hội chúng: “Bất kể bài Pháp nào khi được thuyết giảng, điều quan trọng là trước tiên chúng ta phải kiểm tra động lực của mình. Điều này được áp dụng cho cả Vị Thầy và người học trò. Chúng ta nên tránh tám mối bận tâm của thế gian. Người Thầy không nên ích kỷ và cũng không nên chỉ tìm kiếm sự bình yên. Người đệ tử không nên bị cuốn hút bởi những thú vui của cuộc sống này. Tất cả nên tìm cách mang lại lợi ích cho tha nhân.
“Chúng ta sẽ tụng bài kệ về quy y và trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Phật, Pháp và Tăng là đối tượng quy y; và lý do chúng ta hướng về các Ngài là để đạt được sự giác ngộ tối thượng để có thể dẫn dắt tất cả chúng sinh đến với sự giải thoát.
“Sau khi tiếp xúc với Giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sẽ thật tốt nếu chúng ta nhận ra được rằng bất cứ điều gì Ngài dạy đều bắt nguồn từ kinh nghiệm của chính Ngài. Ngài đã vượt qua mọi phiền não chướng và sở tri chướng. Như được đê cập trong ‘Sự tương tục siêu phàm’ (Uttaratantra), tất cả chúng sinh đều có tiềm năng đạt được Phật quả, nhưng tâm thức của họ bị bao phủ bởi phiền não chướng.
“Vì những phiền não không cùng bản chất với tâm thức, cho nên chúng có thể bị loại bỏ; và bản chất nội tại, trong sáng, rõ ràng của tâm thức có thể được biểu lộ. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể đạt được trạng thái toàn tri mà Đức Phật đã đạt đến.
“Phiền não để lại những nhiễm ô còn sót lại có chức năng cản trở trí tuệ, nhưng chúng cũng có thể được khắc phục. Bởi vì bản chất của tâm là tịnh quang trong sáng, nên bản chất của nó là không nhiễm ô. Chính bằng cách tịnh hoá tâm thức mà chúng ta có thể đạt được trạng thái giống như Đức Phật. Và chúng ta có thể tịnh hoá tâm mình bởi vì những phiền não khác nhau chỉ là ngẫu nhiên và tạm thời, trong khi bản chất nội tại của tâm thì trong sáng và rõ biết. Đó chính là ánh sáng tịnh quang.
“Từ kinh nghiệm của riêng tôi, sau khi suy ngẫm lâu dài về Bồ Đề Tâm và trí tuệ hiểu biết về tính không - phương tiện và trí tuệ - tôi suy ra rằng những phiền não trong tâm thức chỉ là tạm thời. Chúng không thể che mờ tâm trí chúng ta mãi mãi. Mặc dù tôi chưa phát triển sự tập trung nhất tâm, nhưng tôi nghĩ rằng với Ngũ Đạo (con đường năm giai đoạn) tôi có thể đạt được Gia Hành Đạo.
“Phương pháp đối trị cho những phiền não chướng và những sở tri chướng là hai - Bồ Đề Tâm và trí tuệ tánh Không. Nếu chúng ta phát triển được những điều này thì chúng ta có thể đạt được Phật quả như Đức Thích Ca Mâu Ni đã đạt được. Chúng ta có thể trau dồi lòng can đảm và quyết tâm để làm như vậy bởi vì bản chất cơ bản của tâm Phật và tâm chúng ta là như nhau. Tâm của chúng ta hiện nay cuối cùng cũng sẽ trở thành tâm của một vị Phật.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng Ngài Thế Thân đã tuyên bố giáo lý của Đức Phật có hai khía cạnh, một khía cạnh bao gồm kinh điển và khía cạnh kia bao gồm sự chứng ngộ. Ngài nói thêm rằng chúng ta sẽ không đạt được chứng ngộ hay khắc phục những phiền não chướng chỉ dựa vào lời nói. Sau khi đã học được ý nghĩa của lời dạy, chúng ta phải áp dụng nó vào bên trong nội tâm của mình. Sau đó, bất kể chúng ta đang làm gì, chúng ta cũng sẽ có thể thấy được những phiền não trong tâm thức có thể được giảm thiểu và đoạn trừ như thế nào. Ngài nhắc lại rằng chính bản chất tịnh quang của tâm sẽ giúp chúng ta có thể vượt qua những phiền não và biểu lộ trạng thái toàn tri của một vị Phật.
Thông qua việc thực hành Bồ Đề Tâm, chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu của chính mình cũng như mục tiêu của tha nhân. Vì vậy, chúng ta nguyện phát khởi Bồ Đề Tâm. Sau khi trau dồi nguyện vọng giác ngộ này, chúng ta quyết tâm tu hành vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Ngài thông báo: “Hôm nay, bài giảng tập trung vào tác phẩm ‘Xưng tán Pháp giới’ của Ngài Long Thọ. Bản văn bắt đầu với sự kính lễ Pháp giới tức là Phật tánh hiện hữu trong mỗi chúng sinh. Nhưng vì họ không nhận thức được điều đó nên họ cứ quay cuồng trong vòng sinh tử luân hồi. Tuy nhiên, khi những gì tạo nên vòng luân hồi được tịnh hóa, nó sẽ trở thành Niết bàn và tương tự như vậy, Pháp thân, Thân Chân Thật của một vị Phật. Bản chất tánh Không của tâm Phật và tâm chúng ta đều như nhau. Chúng ta có thể tin chắc rằng vì Pháp Giới là không nhiễm ô nên ta có thể đạt được Pháp thân.
“Chúng ta coi sự vật có sự tồn tại độc lập, tức là ta bám víu vào vô minh. Thay vào đó, chúng ta phải nhớ lại rằng bản chất của tâm vốn dĩ là Không và mọi thứ chỉ là sự định danh. Chừng nào bản chất tịnh quang của tâm còn bị bao phủ bởi những phiền não thì chúng ta vẫn còn là chúng sinh. Khi phiền não được đoạn tận thì chúng ta trở nên giác ngộ.”
Ngài đã đề cập rằng trong số năm thứ che chướng được đề cập trong câu 19, Ngài đã sửa đổi tên của che chướng đầu tiên từ “ham muốn” thành “hối hận”. Ngài nhắc lại rằng khi chúng ta có thể hiểu được rằng phiền não chỉ là tạm thời và có những phương pháp để đối trị chúng, thì ta sẽ biết rõ rằng chúng ta có thể đạt được giác ngộ. Tam độc tham, sân, si tuy mạnh mẽ nhưng có thể khắc phục được. Chúng ta phải tự tin rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.
Ngài nói: “Chúng ta cùng vân tập về đây tại địa điểm thiêng liêng này - nơi sự giác ngộ đã diễn ra, và chúng ta đã đọc qua bản văn ‘Xưng tán Pháp giới’ này. Về phần mình, tôi cố gắng hết sức để trau dồi Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tính Không mỗi ngày, không chỉ với tầm nhìn về cuộc sống này mà, như câu kệ nổi tiếng đã nói - ‘bao giờ không gian còn tồn tại’. Tôi kêu gọi các Pháp Hữu của tôi hãy làm điều tương tự như thế trong khả năng tốt nhất có thể.”
Một mạn đà la tạ ơn đã được dâng lên cúng dường, sau đó là phần đọc tụng “Lời Chân Thật” do Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng tác. Buổi thuyết giảng kết thúc với lời cầu nguyện sau đây:
Cầu mong những ý nghĩ xấu xa và ác nghiệp của con người và phi nhân
Những kẻ dưỡng nuôi ác ý bằng những lời cầu nguyện đảo điên
Chống lại lời dạy do Đức Phật - Đấng Chiến Thắng ban truyền
Bị đánh bại hoàn toàn bởi sức mạnh Chân Lý của Tam Bảo thiêng liêng.