Shewatsel, Leh, Ladakh, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có một chuyến đi ngắn qua sông Indus để viếng thăm Imam Bargah - một nhà thờ Hồi giáo ở Chuchot Yokma gần đó. Ngài đã được đại diện của cả cộng đồng Shia và Sunni cung đón, họ đã hộ tống Đức Ngài đến chỗ ngồi của mình. Người điều hành sự kiện - một phụ nữ trẻ - đã chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị khách khác.
Sheikh Nazir Ahmed Sharifi, Phó Chủ tịch của Anjuman-e-Imamia đã đọc một lời cầu nguyện đầy cảm động để khai mạc nghi thức trang trọng. Đại diện Shia - Ashraf Ali Barch - Chủ tịch Anjuman Imamia, phát biểu tại cuộc gặp gỡ ở Ladakh. Ông bày tỏ sự yêu mến và lòng ngưỡng mộ vô cùng đối với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với tư cách là một con người của hòa bình, một người luôn tuyên bố rằng “tất cả chúng ta đều là con người như nhau”, và là một người đã nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
Đại diện của người Sunni, Tiến sĩ Abdul Quayoum, Chủ tịch Anjuman Moin-ul-Islam (AMI), phát biểu bằng tiếng Anh tại cuộc gặp gỡ này.
“Một lần nữa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lại hiện diện ở đây với chúng tôi trong nhà thờ Hồi giáo này; và đây là tháng thánh Muharram. Ngài nổi tiếng với những lời dạy về hòa bình, hòa hợp, tình huynh đệ và sự công bằng. Ngài thích đến Ladakh và chúng tôi thích lắng nghe Ngài. Chúng tôi rất biết ơn Ngài vì đã giữ Ladakh trong trái tim của Ngài, xin đừng quên chúng tôi nhé!”
Tiến sĩ Abdul Quayoum đã đề cập rằng một bản dịch Kinh Qur'an sang tiếng Tây Tạng đang được chuẩn bị và ông đã đọc to đoạn “lời nói đầu” của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Tôi xin được tán thán Cộng đồng Hồi giáo Ladakh vì đã dịch Kinh Qur'an sang tiếng Tây Tạng. Như tôi thường nói, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều truyền tải cùng một thông điệp về tình yêu thương, lòng từ bi và sự phục vụ vị tha đối với những chúng sinh khác. Trong hàng ngàn năm qua, các tôn giáo khác nhau của chúng ta đã mang lại lợi ích to lớn cho vô số người. Tôi tin rằng sẽ rất hữu ích nếu Kinh Thánh của họ được dịch sang các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói chuyện với hội chúng nam nữ bằng tiếng Tây Tạng và những lời của Ngài đã được dịch sang tiếng Ladakh.
Ngài nói, “Bất cứ ai mà tôi được gặp gỡ; tôi đều coi tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Tất cả tám tỷ người đang sống hiện nay đều được che chở bởi lòng yêu thương và tình cảm của người mẹ của mình ngay từ lúc họ được sinh ra. Đây là cách mà mọi thứ bắt đầu. Vì vậy, sau này, khi chúng ta lớn lên và ở giữa cuộc đời, chúng ta nên làm những gì có thể để chăm sóc người khác. Nếu chúng ta làm điều đó, thì khi chúng ta chết đi, chúng ta cũng sẽ được làm như vậy trong một bầu không khí yêu thương trìu mến.
“Điều đáng buồn là, mặc dù ban đầu chúng ta dựa vào tình yêu thương và tình cảm của mẹ, nhưng sau đó ta lại chú ý vào sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc hoặc quốc tịch khiến cho ta nhìn người khác dưới góc độ 'chúng tôi’ và 'bọn họ'.
“Những gì đã qua thì cũng đã trở thành quá khứ, chúng ta không thể thay đổi nó được; nhưng những gì chúng ta có thể làm được là nỗ lực tạo ra một thế giới hòa bình hơn - bây giờ và trong tương lai. Thêm vào đó, chúng ta phải tính đến sự nóng lên của toàn cầu. Nó đang ngày càng nóng hơn trên toàn thế giới. Các nhà khoa học đã cảnh báo chúng ta về điều này, và bằng chứng đang quá rõ ràng trước mắt chúng ta. Hơn nữa, kinh điển Phật giáo - Abhidharmakosha đã nói về thế giới bị hủy diệt bởi lửa. Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay có thể là khởi đầu của quá trình đó.
“Trong lịch sử loài người đã chiến đấu và giết hại lẫn nhau. Bây giờ, khi có những rủi ro ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, chúng ta nên cố gắng giúp đỡ lẫn nhau trong bầu không khí hòa bình và hòa hợp.”
Khi cắn một quả mơ chín, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài đã 88 tuổi nhưng răng của Ngài vẫn còn đầy đủ và vẫn tốt.
Ngài nhận xét rằng, nếu tất cả chúng ta đều trau dồi ý thức mạnh mẽ hơn về sự đồng nhất của nhân loại, thì chúng ta sẽ có thể làm việc cùng nhau tốt hơn vì tình yêu thương và lòng từ bi. Ngài nói, mọi người trên khắp thế giới đã chán ngấy về việc đánh nhau; và ngày nay - việc cố gắng giải quyết vấn đề thông qua sử dụng vũ lực đã trở nên lỗi thời.
“Mọi người trên trái đất này đều giống nhau ở chỗ muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Tôi cầu nguyện rằng mọi người trên thế giới có thể không làm hại lẫn nhau mà sống trong hòa bình và hòa hợp.
“Việc chúng ta cùng tụ họp về đây tại nhà thờ Hồi giáo này là một biểu tượng của tình anh em. Tôi là một tu sĩ Phật giáo, nhưng tôi tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo, vì cốt lõi của các tôn giáo là một thông điệp chung về giá trị của tình yêu thương và lòng từ bi. Sẽ chẳng có lợi ích gì nếu ta nói một cách phê phán về 'tôn giáo của tôi' hay 'tôn giáo của họ'.
“Ở Tây Tạng, hầu như tất cả chúng tôi đều theo cùng một truyền thống Phật giáo, tuy nhiên vẫn có những khác biệt giữa các truyền thống Sakya, Kagyu, Nyingma, Geluk và Jonang. Đôi khi chúng ta đề cập đến những khác biệt này về màu sắc của mũ, so sánh 'mũ vàng' với 'mũ đỏ', v.v.
“Tôi đã nhận được những Giáo Lý từ những vị Thầy của tất cả những truyền thống khác nhau này và tôi đã nỗ lực để đưa những Giáo Lý này vào thực hành. Một trong những lý do tôi làm như vậy là để thiết lập sự hòa hợp giữa các truyền thống Tây Tạng khác nhau của chúng tôi.
“Hôm nay, tất cả chúng ta cùng nhau đến nhà thờ Hồi giáo này để thể hiện tình bằng hữu và sự tôn trọng lẫn nhau. Trong số chúng ta ở đây có các thành viên của hai cộng đồng Hồi giáo lớn, truyền thống Shia và Sunni, và tôi muốn cúng dường một Bánh xe Pháp luân cho mỗi truyền thống.
“Ở Ladakh, chúng ta có thể thấy được một truyền thống hòa hợp và đạo đức mạnh mẽ. Trong khi gìn giữ tình yêu thương và tình cảm dành cho nhau như những con người, thì cũng rất tốt để duy trì sự hòa hợp giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta.
“Bây giờ, đã đến giờ dùng cơm trưa.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị quan khách khác đã cùng nhau thưởng thức bữa trưa thịnh soạn.
Khi Đức Ngài chuẩn bị đứng lên để rời đi, một số thành viên trong Hội Thánh đã tiến đến để xin Ngài ban phước gia trì. Khi bước đến cửa, Ngài mỉm cười và vẫy tay với những người ở hai bên lối đi, và họ vui vẻ mỉm cười đáp lại. Trong quãng đường lái xe ngắn qua Chochut Yokma và Choglamsar, các nhóm người thiện nguyện đã xếp hàng dọc theo con đường với những chiếc khăn khata lụa và hoa tươi trên tay, mong muốn được nhìn thoáng qua Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài đi ngang qua. Ngài đã trở về nơi ở của mình chỉ trong vòng vài phút.