Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ 200 người có sự liên kết với Đại học Emory - những người đã đến Dharamsala để tham gia Hội nghị về chủ đề 'Tìm hiểu về Tác động của sự Thực hành Thiền định'. Giám đốc Điều hành Trung tâm Từ bi Emory - Tiến Sĩ Geshé Lobsang Tenzin Negi, đã giới thiệu về sự kiện này.
“Kính thưa Đức Ngài, con xin phép được đại diện cho tất cả mọi người có mặt ở đây, xin được bày tỏ lòng biết ơn của chúng con đối với Ngài vì đã mời chúng tôi tham dự Hội nghị này do Đại học Emory và Hội Đạt Lai Lạt Ma đồng tổ chức.
“Trong số chúng con gồm có giảng viên, nhân viên và sinh viên của Emory; giáo viên, sinh viên và nhân viên của Sáng kiến Khoa học Emory-Tây Tạng (ETSI); Các giáo viên và học sinh Tây Tạng đang theo dõi các chương trình Học tập Xã hội, Cảm xúc và Đạo đức (SEE Learning), cũng như những người quan sát và tham gia khác.
“Lần đầu tiên, các học giả Tu viện Tây Tạng đã nghiên cứu khoa học hiện đại một cách có hệ thống đang trình bày những kết quả đầu tiên trong nghiên cứu của họ trong lĩnh vực thực hành thiền định. Đây là một sự kiện lịch sử, là kết quả của việc giới thiệu khoa học có tầm nhìn xa trông rộng của Ngài đến các trung tâm học tập Tu viện Tây Tạng khoảng 20 năm trước. Khoa học đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền giáo dục Tu viện Tây Tạng. Kết quả của nền giáo dục này là Quý Tăng Ni đang xuất hiện như những nhà khoa học.
“Trước khi bàn giao việc dẫn chương trình lại cho Tiến sĩ Barbara Krauthammer - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Khoa học và Nghệ thuật Emory - con muốn giới thiệu David Nassar - Phó chủ tịch Hội Templeton; và John Cunningham - Giám đốc điều hành của Hội Templeton. Chúng tôi rất biết ơn sự hiện diện của họ và sự hỗ trợ của Hội đối với Chương trình ETSI trong mười năm qua.”
Tiến sĩ Negi giải thích rằng các sinh viên Emory đang nghiên cứu về văn hóa Tây Tạng, triết học Phật giáo và Khoa học Tâm thức Phật giáo; mỗi học sinh ETSI và học sinh Tây Tạng sẽ đặt một câu hỏi lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Thay mặt cho Đại học Emory, Tiến sĩ Barbara Krauthammer thành kính cảm ơn Ngài về tầm nhìn và lòng từ ái của Ngài.
Ngài trả lời: “Hôm nay tôi không có gì đặc biệt để nói. Qua việc nghiên cứu Phật giáo, chúng ta có thể tiếp cận được rất nhiều thông tin về tâm lý học, hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Khi nói về tôn giáo, người ta thường đề cập đến vấn đề đức tin chứ không phải cách tiến hành một cuộc nghiên cứu. Tuy nhiên, Truyền thống Nalanda nhấn mạnh vào việc thực hiện một phương pháp phân tích, phê phán và các học giả của Nalanda rất uyên bác khi nghiên cứu về lĩnh vực tâm thức.
“Khi bậc Thầy Ấn Độ - Ngài Tịch Hộ - quang lâm đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8, Ngài đã nhận ra rằng người Tây Tạng có khả năng suy nghĩ sâu sắc. Đây chính là thước đo tấm lòng từ ái của Ngài ấy đối với chúng tôi.
“Tôi thích đề cập đến đạo đức thế tục; và điều mà khiến cho đạo đức thế tục trở nên quan trọng là chúng có thể được áp dụng bởi bất kỳ ai - dù họ có theo tôn giáo hay không. Vấn đề cốt yếu là tìm ra cách để đạt được sự an lạc nội tâm. Chư Phật tử cũng phải hiểu rằng điều quan trọng không phải là việc tiến hành các nghi lễ, mà là liệu chúng ta có thể mang lại sự bình yên trong tâm hồn cho người khác và cho chính mình hay không. Và cách để làm đươc điều này là phải sử dụng trí óc của mình.
“Trong chương trình giảng dạy của Tu viện, chúng ta học về bốn trường phái triết học Phật giáo, nhưng khi tiếp xúc với người khác, việc nói về cách thức hoạt động của tâm thức và cảm xúc sẽ thực tế hơn. Đây là điều được nhiều người quan tâm đến. Cách mà chúng ta có thể giúp đỡ người khác là thảo luận về cách thư giãn và đạt được sự an lạc trong tâm hồn theo quan điểm khoa học.
Một sinh viên Đại học Emory đã hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma làm thế nào để duy trì niềm hy vọng trong thế giới ngày nay của chúng ta.
Ngài trả lời: “Thường thì chúng ta có đủ loại kỳ vọng, nhưng điều mà chúng ta cần phải ghi nhớ là những điều xấu cũng như những điều tốt đều có thể xảy ra. Chúng ta phải sử dụng trí thông minh của mình để giải quyết những vấn đề mà chúng ta gặp phải. Chúng ta phải xem xét điều gì thực sự đang diễn ra. Đôi khi chúng ta có thể quay sang tôn giáo để tìm kiếm giải pháp, nhưng sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu chúng ta sử dụng trí thông minh và khả năng lý luận của mình.
“Khi chúng tôi tham gia vào cuộc tranh luận chính thức trong các Tu viện, theo thông lệ, những người thách thức sẽ trích dẫn những câu trích dẫn trong Kinh Điển để hỗ trợ cho sự khẳng định của họ. Những người bảo vệ phải lấy chiếc mũ đang đội trên đầu xuống để biểu thị sự tôn trọng của họ, nhưng sau đó họ sẽ trả lời rằng những gì đã được trích dẫn là không cần thiết về mặt logic. Thay vào đó, họ tuyên bố rằng điều quan trọng là sử dụng khả năng phản biện của mình.
“Phương pháp tiếp cận khoa học là một công cụ tuyệt vời để đánh giá thực tế của bất kỳ tình huống nào. Truyền thống Nalanda cũng dạy cho chúng ta về cách phân tích và điều tra mà không cần phải sử dụng đến Kinh điển.”
Một Vị Tăng từ chương trình ETSI đã hỏi rằng - những vị Tăng Sĩ đã có sự nghiên cứu về khoa học - có thể đóng góp cho xã hội như thế nào. Ngài đã trả lời:
“Mục đích chính của việc học tập là để có thể phụng sự người khác tốt hơn. Như tôi đã nói, chúng ta phải sử dụng trí thông minh của mình một cách có lý trí và logic. Tất nhiên, chúng ta học được rất nhiều điều về tâm thức từ việc đọc sách, nhưng chúng ta phải hiểu rằng chúng ta sẽ học được nhiều hơn và chi tiết hơn nếu chúng ta xem xét tâm thức của mình một cách khoa học.”
Lưu ý rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rất muốn khuyến khích sự đánh giá cao về đạo đức thế tục và rằng bản chất của chúng là lòng từ bi, nên một học sinh của Làng Trẻ em Tây Tạng (TCV) đã hỏi về bản chất của lòng từ bi là gì.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với cô ấy: “Các truyền thống khác nhau dạy chúng ta về cách ân cần và cư xử đúng mực hơn, nhưng lòng từ bi trong khía cạnh quan tâm tích cực đến người khác là vấn đề then chốt. Đạo đức thế tục cung cấp cho chúng ta những phương tiện để hướng dẫn xã hội, nhưng ở cấp độ cá nhân với con người, điều mà mọi người đều đánh giá cao là tấm lòng nhân ái.”
Hai cuốn sách khoa học do ETSI xuất bản đã được dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những vị khách vân tập thành nhiều nhóm khác nhau xung quanh Ngài để chụp ảnh, và sau đó họ khởi hành để đến với phiên họp đầu tiên của Hội nghị.