New Delhi - Vị trí tôn giáo tối cao của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cần được bãi bỏ nếu Tây Tạng trở thành một đất nước tự trị và dân chủ, Vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng lưu vong đã cho biết như thế trong một cuộc phỏng vấn được công bố ở New Delhi.
“Nếu tôi chết trong vài tháng tới hoặc trước khi chúng tôi có thể trở về Tây Tạng, thì sẽ có một Đạt Lai Lạt Ma mới”, đó là lời của Vị lãnh đạo tinh thần 69 tuổi đã được trích dẫn khi nói với tờ báo Hindustan Times vào hôm Thứ Ba. “Nhưng nếu chúng tôi không còn là một cộng đồng tị nạn nữa và chúng tôi được sống trong đất nước Tây Tạng dân chủ thì tôi không nghĩ rằng cần phải có một người kế vị của tôi sau khi tôi qua đời”, lời của Ngài đã được tường trình như thế.
Lời bình luận của Ngài được đưa ra khi hàng ngàn người Tây Tạng đang chuẩn bị để tổ chức sinh nhật lần thứ 70 của Ngài vào tháng tới ở phía bắc Ấn Độ, nơi mà Vị lãnh đạo tinh thần đã cư ngụ kể từ sau khi rời khỏi quê hương của mình vào năm 1959 khi Trung Quốc đàn áp một cuộc khởi nghĩa của người dân Tây Tạng.
Chức vụ của Đức Đạt Lai Lạt Ma được hình thành vào thế kỷ 15, và hai thế kỷ sau đó, Vị thứ Năm nắm giữ cương vị này đã rời khỏi vai trò thuần tuý tôn giáo của mình để thực hiện sự kết hợp giữa năng lực của cuộc sống tâm linh cũng như quyền lực chính trị, để đảm nhiệm trọng trách về cuộc sống thế tục của nhân dân Tây Tạng. Người kế vị của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được chọn bằng cách tìm kiếm sự tái sinh của Ngài, nhưng vị lãnh đạo tinh thần ấy - trong cuộc phỏng vấn đã được hỏi về nghi thức cổ xưa này, và Ngài đã biện luận rằng sự tìm kiếm phức tạp về những người kế nhiệm đã không được hoàn thiện.
Ra đời tại Lhamo Dhondrub vào ngày 06 tháng 7 năm 1935, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được phát hiện ra là hóa thân thứ 14 của bậc lãnh đạo tôn giáo tối cao của Phật giáo Tây Tạng khi Ngài mới còn là một cậu bé và Ngài đã được đăng quang lúc bốn tuổi vào ngày 22 tháng 2 năm 1940 tại Lhasa.
“Một vài hóa thân đã không đúng thật sự”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với tờ Nhật Báo tiếng Anh, nhưng Ngài nói thêm rằng Ngài chắc chắn mình là hiện thân của Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm; người đã đảm nhiệm chức vụ này 67 năm sau khi được đặt tên là Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1617.
Ngài cho biết rằng - khi còn là một cậu bé - Ngài đã có những giấc mơ thật sống động về một kiếp quá khứ của mình.
“Hơn nữa, mặc dù tôi là một cậu bé rất lười biếng, nhưng tôi luôn luôn hiểu biết rất nhiều về các chủ đề như triết học Phật giáo - hiểu nhiều như Gia sư của tôi vậy”, Ngài nói. “Điều đó chỉ có thể được giải thích là tôi đã có một bộ nhớ của cuộc sống quá khứ”, Ngài nói, và Ngài cho rằng mình không phải là hóa thân của vị tiền nhiệm ngay trước kiếp này của mình.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1989 vì những cống hiến của Ngài cho sự nghiệp giải phóng - bất bạo động của Tây Tạng - đã từ bỏ những yêu cầu ban đầu cho nền độc lập quê hương của mình; và thay vào đó là những đàm phán về một “nền tự trị có ý nghĩa” để bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và môi trường của Tây Tạng.
Trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc - Ôn Gia Bảo đến New Delhi vào tháng Tư; Ấn Độ đã thừa nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc và không cho phép lãnh thổ của nó bị sử dụng cho những hoạt động chính trị chống lại Trung Quốc.
Đáp lại, Bắc Kinh đã chấp nhận Sikkim, một dãi Hy Mã Lạp Sơn hẹp nằm sát Tây Tạng, là lãnh thổ của Ấn Độ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết Ngài không có sự bất đồng lớn với Ấn Độ trong quyết định của họ, Ngài nói rằng Ngài quan tâm về quyền tự trị của người dân Tây Tạng hơn là về chủ quyền của Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn trên phạm vi rộng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tố cáo Trung Quốc về việc xóa sạch tất cả các dấu vết của nền văn hóa Tây Tạng và đã kéo ngập tràn vào khu vực với những người nhập cư, Ngài nói rằng trong hầu hết các thành phố hiện nay dân số người Tây Tạng đã bị giảm xuống chỉ còn một số rất ít.
Tuy nhiên, Ngài thừa nhận rằng, Trung Quốc đã đạt được sự tiến bộ về kinh tế rất đáng kể - “gần như một phép lạ” - và rằng Tây Tạng có thể đạt được từ sự thịnh vượng ngày càng gia tăng của nước này nếu nó được trao đầy đủ quyền dân chủ và tự trị.
“Ngày nay, khi cả thế giới đang tìm đến với nhau, tôi không nói rằng chúng tôi muốn tách riêng”, Ngài nói. “Chúng tôi chỉ muốn bảo tồn văn hóa của chúng tôi và muốn sống trong một xã hội dân chủ. Với hành động phản đối lại chúng tôi, thì Trung Quốc mới chính là những người ly khai”. Ấn Độ đã tiếp đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền Tây Tạng lưu vong kể từ khi Vị lãnh đạo tâm linh này trốn khỏi Tây Tạng và cải trang thành một người lính vào năm 1959 sau một cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của Trung Quốc bị thất bại. Hiện nay, con số chính thức đã có hơn 200.000 người tị nạn Tây Tạng đang sống ở Ấn Độ.