Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Nhất - Gedun Drupa
Đức Đạt Lai Lạt Ma I, Gedun Drupa, sinh năm 1391 trong một gia đình du mục sống ở Gyurmey Rupa, gần Sakya, thuộc vùng Tsang của miền trung Tây Tạng. Cha Ngài tên là Gonpo Dorjee và mẹ Ngài tên là Jomo Namkha Kyi. Khi sinh ra Ngài được đặt tên là Pema Dorjee.
Khởi đầu, Ngài được vị Thầy tên là NGya-Tôn Tsenda Pa-La dạy đọc và viết chữ Tây Tạng. Đến năm mười bốn tuổi, Ngài được vị Khenchen Drupa Sherab, trụ trì Tu viện Narthang, truyền giới Sadi và ban Pháp danh là Gedun Drupa. Về sau, vào năm 1411, Ngài đã thọ giới Tỳ kheo cũng từ vị Trụ trì này.
Ngay từ thời thơ ấu Ngài Gedun Drupa đã sớm được biết đến danh tiếng của Đại sư Tsong Kharpa, vị Sư tổ của dòng truyền thừa Gelugpa. Về sau, vào năm 1416, Ngài đã trở thành đệ tử của vị Đại sư này. Từ đó, Ngài đã dành toàn tâm toàn ý để học hỏi và phụng sự vị Thầy vĩ đại này và về sau đã được Thầy tín nhiệm trao truyền trở thành đệ tử chính. Đại sư Tsong Kharpa đã trao cho Ngài một bộ y áo tu sĩ mới nguyên như một dấu hiệu mang ý nghĩa Ngài Gendun Drupa sẽ tiếp tục truyền bá Giáo lý Phật Giáo trên khắp Tây Tạng. Năm 1447, Ngài Gedun Drupa thành lập Tu viện Tashi Lhunpo ở Shigatse, một trong những Tu viện Đại Học lớn nhất của dòng Gelugpa.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất, Gedun Drupa là một vĩ nhân uyên bác, nổi tiếng với việc kết hợp nghiên cứu và thực hành và đã viết hơn tám bộ sách đồ sộ về sự nội chứng của mình về giáo huấn của Đức Phật và triết lý Đạo Phật. Năm 1474, ở tuổi tám mươi tư, Ngài đã viên tịch trong thời thiền tại Tu viện Tashi Lhunpo.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Hai - Gedun Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma II – Gedun Gyatso sinh năm 1475 trong một gia đình làm nghề nông ở làng Tanag Sekme, gần Shigatse ở vùng Tsang thuộc miền trung Tây Tạng, cha Ngài tên là Kunga Gyaltso và mẹ Ngài tên là Machik Kunga Pemo.
Cha Ngài là một hành giả Mật tông nổi tiếng thuộc phái Nyingmapa. Có một sự việc được lưu truyền rằng khi Gedun Gyatso đến tuổi biết nói, Ngài đã bảo với cha mẹ rằng tên mình là Pema Dorjee, chính là tên khai sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ I, và Ngài muốn đến sống tại tu viện Tashi Lhunpo. Trong giai đoạn Ngài mới được thụ thai trong bụng mẹ, cha Ngài đã từng thấy trong một giấc mơ có một người mặc áo trắng xuất hiện và nói với ông hãy đặt tên cho con trai của mình là Gendun Drupa và cũng nói rằng con trai ông sẽ là người có khả năng nhớ lại cuộc sống quá khứ của mình. Tuy vậy, cha Ngài lại đặt tên cho Ngài là Sangye Phel.
Ngài đã được chính cha mình dạy học kiến thức căn bản. Vào năm mười một tuổi, Ngài được chứng thực là hóa thân của Gendun Drupa, Đức Đạt Lai Lạt Ma I và được tấn phong tại Tu viện Tashi Lhunpo. Năm 1486, Ngài thọ giới Sa Di từ vị Panchen Lungrig Gyatso và về sau thọ giới Tỳ kheo từ vị Choje Choekyi Gyaltsen, người đã ban cho Ngài Pháp danh là Gedun Gyatso. Ngài theo học tại Tu viện Tashi Lhunpo và Tu viện Drepung.
Vào năm 1517, Ngài Gedun Gyatso trở thành trụ trì Tu viện Drepung và vào năm tiếp sau đó, Ngài đã làm sống lại Đại lễ cầu nguyện Monlam Chenmo do Ngài đích thân chủ trì các sự kiện và với sự tham dự của các tu sĩ của Tu viện từ Sera, Drepung và Gaden, ba trường Đại học Tu viện lớn nhất của dòng Gelugpa. Vào năm 1525, Ngài trở thành trụ trì tu viện Sera. Ngài viên tịch vào năm 1542 ở tuổi sáu mươi bảy.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Ba - Sonam Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma III, Sonam Gyatso sinh năm 1543 trong một gia đình giàu có ở làng Tolung, gần Lhasa, cha Ngài tên là Namgyal Drakpa và mẹ Ngài tên là Pelzom Bhuti.
Trước khi Ngài sinh ra, cha mẹ của Ngài đã từng có nhiều con, nhưng tất cả họ đều đã chết yểu và để tránh bất kỳ sự bất hạnh nào có thể lấy đi đứa con mới sinh lần này, họ nuôi con bằng sữa của một con dê trắng và đặt tên con là Ranu Sicho Pelzang – Nghĩa là Người giàu được cứu rỗi bằng sữa dê.
Năm 1546, khi lên ba tuổi, Ngài được vị Sonam Dakpa Gyaltsen, người đứng đầu đất nước Tây Tạng, và vị Panchen Sonam Dakpa công nhận Ngài là hóa thân của Gedun Gyatso. Sau đó Ngài được tháp tùng trong một đám rước lớn đến tu viện Drepung để làm lễ tấn phong và lễ cắt tóc, tượng trưng cho sự từ bỏ thế tục. Khi lên bảy tuổi, Ngài thọ giới Sa Di từ vị Sonam Dakpa và được ban Pháp danh Sonam Gyatso. Đến năm hai mươi hai tuổi, Ngài thọ giới Tỳ Kheo từ vị Gelek Palsang.
Ngài Sonam Gyatso trở thành trụ trì tu viện Drepung vào năm 1552 và đến năm 1558, Ngài trở thành trụ trì của tu viện Sera. Năm 1574, Ngài thành lập Phende Lekshe Ling để giúp Ngài trong việc thực hiện các hoạt động tôn giáo, ngày nay tu viện này được đổi tên thành Tu Viện Namgyal và vẫn đang hoạt động như tu viện riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chính là trong thời này, vị vua Mông Cổ Altan Khan đã dâng tặng cho Ngài danh hiệu “ Đạt Lai Lạt Ma” có nghĩa là Biển Trí Huệ và để đáp lại, Đức Đạt Lai Lạt Ma III đã trao tặng cho vua Altan Khan danh hiệu Brahma, vị vua của tôn giáo. Đức Đạt Lai Lạt Ma III là người thành lập Tu viện Kumbum tại nơi sinh của Đại sư Tsongkhapa và Tu viện Lithang ở vùng Kham. Năm 1588, Ngài viên tịch khi đang đi hoằng Pháp tại Mông Cổ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Tư - Yonten Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma IV, Yonten Gyatso, sinh năm 1589 tại Mông Cổ, cha Ngài tên là Tsultrim Choeje, là thủ lĩnh của bộ lạc Chokar và là cháu trai hậu duệ của vua Altan Khan, và mẹ Ngài là PhaKhen Nula, người vợ thứ hai của ông.
Từ những lời tiên tri của các vị hộ pháp và với các dấu hiệu tốt lành vào thời điểm khi Ngài được sinh ra, vị trụ trì của tu viện Gaden đã công nhận Ngài là hóa thân thực sự của Đức Đạt Lai Lạt Ma III và đặt tên cho Ngài là Yonten Gyatso. Vì cha mẹ của Ngài từ chối cùng rời đi với Ngài cho đến khi Ngài đủ khôn lớn nên Ngài đã được các vị Thầy Tây Tạng dạy dỗ học thuật căn bản tại Mông Cổ.
Năm 1601, ở tuổi mười hai, Yonten Gyatso đã được hộ tống đến Tây Tạng cùng với cha mình và vị cựu trụ trì Tu Viện Gaden, Sangya Rinchen, người đã ban cho Ngài thọ giới Sadi.
Vào năm 1614, lúc hai mươi sáu tuổi, Ngài thọ giới Tỳ kheo từ Ngài Ban Thiền Lạt Ma IV, Lobsang Choegyal. Về sau, Ngài trở thành trụ trì tu viện Drepung và sau đó là trụ trì tu viện Sera. Năm 1617, Ngài viên tịch ở tuổi hai mươi bảy tại tu viện Drepung.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Năm - Lobsang Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma V, Lobsang Gyatso, sinh năm 1617 tại vùng Lhoka Chingwar Taktse, nằm ở phía Nam Lhasa, cha Ngài tên là Dudul Rabten và mẹ Ngài tên là Kunga Lhanzi.
Khi Sonam Choephel, thị giả chính của Đức Đạt Lai Lạt Ma IV, nghe nói về những khả năng đặc biệt của cậu bé Chong-Gya, ông đã đến thăm và cho cậu bé xem nhưng vật dụng trước đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma IV. Cậu bé ngay lập tức nói rằng tất cả những vật dụng đó là của mình. Sonan Choephel đã giữ kín việc tìm thấy hóa thân lần thứ năm của Đức Đạt Lai Lạt Ma vì tình hình chính trị lúc đó rất hỗn loạn. Khi mọi việc lắng xuống, Đức Đạt Lai Lạt Ma V đã được đưa đến tu viện Drepung, nơi Ngài được Đức Ban Thiền Lạt Ma IV, Lobsang Chogyal, cho thọ giới tu sĩ và ban Pháp danh là Ngawang Lobsang Gyatso.
Vào thời điểm Đức Đạt Lai Lạt Ma V được công nhận, Tây Tạng đang ở trong bối cảnh chính trị hỗn loạn. Tuy nhiên, tất cả những bất ổn này đã được dẹp yên bởi vua Mông Cổ Gushir Khan vị thủ lĩnh Qoshot Mông Cổ và vào năm 1642, tại Đại lễ đường ở Shigatse, Đức Đạt Lai Lạt Ma V đã được tấn phong là vị lãnh đạo của cả hai vai trò tinh thần và chính trị của Tây Tạng. Năm 1645, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức cấp cao của Gaden Phodrang để bàn về việc xây dựng cung điện Potala trên Đồi Hồng, nơi trước đây vị vua thứ 33 của Tây Tạng Songtsen Gampo đã xây dựng một pháo đài đỏ. Việc xây dựng được tiến hành trong cùng năm đó và phải mất gần bốn mươi ba năm để hoàn thành.
Năm 1649, Sunzhi, hoàng đế Mãn Châu của Trung Hoa, mời Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Bắc Kinh. Khi Ngài đến tỉnh Ninh Hạ của Trung Quốc, Ngài đã được phái đoàn của Hoàng Đế Trung Hoa gồm các Bộ trưởng và tướng lĩnh quân sự cùng với ba ngàn kỵ binh hộ tống tháp tùng nhà lãnh đạo Tây Tạng. Đích thân Hoàng đế cũng rời Hoàng cung đi từ Bắc Kinh đến để chào đón Ngài tại một nơi gọi là Kothor. Tại thủ đô của Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma ở tại Cung Vàng, do Hoàng đế xây dựng riêng cho Ngài. Khi Hoàng đế chính thức diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, hai người đã trao tặng cho nhau các danh hiệu. Đến năm 1653, Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về Tây Tạng.
Vua Gushir Khan và vị Nhiếp Chính Sonam Choephel đều lần lượt qua đời vào năm 1655. Đức Đạt Lai Lạt Ma bổ nhiệm con trai Gushir Khan là Tenzin Dorjee kế thừa ngôi vua Mông Cổ, và một người thuộc xứ Drong Mey - Thinley Gyatso sau đó kế nhiệm vị trí quan Nhiếp Chính. Khi Hoàng đế Mãn Châu qua đời vào năm 1662, con trai ông, K'ang-si, lên ngôi vua Mãn Châu. Trong cùng năm đó Ngài Ban Thiền Lạt Ma viên tịch ở tuổi chín mươi mốt. Năm 1665, theo một bản kiến nghị đề xuất từ tu viện Tashilhunpo, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công nhận một cậu bé xuất thân từ vùng Tsang là hóa thân của Đức Cố Ban Thiền Lạt Ma và ban cho cậu bé tên là Lobsang Yeshi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma V là một học giả vĩ đại, thông thạo tiếng Phạn. Ngài đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có một cuốn bằng thơ. Ngài cũng thành lập hai cơ sở giáo dục, một để đào tạo quan chức là dân thường và một dành cho quan chức là tu sĩ, nơi họ được dạy tiếng Mông Cổ, tiếng Phạn, Thiên văn học, thi ca, và quản lý hành chính. Đức Ngài là một người kiệm lời, nhưng mỗi lời Ngài nói ra đều mang lại niềm tin, sức thuyết phục và ảnh hưởng với những nhà cầm quyền vượt cả ra ngoài biên giới Tây Tạng. Ngài viên tịch ở tuổi sáu mươi lăm trong khi công trình xây dựng cung điện Potala còn dở dang. Tuy nhiên, trước khi viên tịch, Ngài đã giao phó trách nhiệm việc xây dựng cho Sangye Gyatso, vị quan Nhiếp chính mới kế nhiệm, cùng với những lời khuyên quan Nhiếp chính giữ bí mật việc Ngài đã qua đời trong thời gian tiếp đó.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Sáu - Tsangyang Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma VI, Tsangyang Gyatso, ra đời vào năm 1682 tại vùng Mon Tawang bang Arunachal Pradesh, thuộc lãnh thổ Ấn Độ ngày nay, cha Ngài tên là Tashi Tenzin và mẹ Ngài tên là Tsewang Lhamo.
Để hoàn thành sứ mệnh xây dựng cung điện Potala, Quan Nhiếp chính Sangye Gyatso, tuân theo lời di huấn của Đức Đạt Lai Lạt Ma V, đã giữ bí mật việc Ngài đã qua đời trong khoảng thời gian 15 năm sau đó. Mọi người được thông báo rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma V đang trong một kỳ nhập thất dài. Vào những dịp quan trọng, bộ y áo nghi lễ của Đức Đạt Lai Lạt Ma V được đặt trên Pháp tòa. Tuy nhiên, vào một lần khi hoàng tử Mông Cổ cầu kiến và tha thiết xin được nhận giáo huấn từ Ngài, một vị tu sĩ lớn tuổi của tu viện Namgyal tên là Depa Deyrab, người có hình thức giống với Đức Đạt Lai Lạt Ma V, đã được cải trang để thế chỗ của Ngài. Vị tu sĩ này đội một chiếc mũ và thoa chút phấn mắt hóa trang để che đậy một thực tế rằng ông không có đôi mắt với ánh nhìn xuyên thấu của Đức Đạt Lai Lạt Ma V. Vị quan Nhiếp chính đã cố gắng duy trì tình trạng giấu diếm này mãi cho đến thời điểm ông nghe nói rằng có một cậu bé ở vùng Mon thể hiện những khả năng vượt trội rất đáng lưu tâm. Quan Nhiếp chính đã cho những thị giả thân tín của mình đến vùng đó và vào năm 1688, cậu bé đã được đưa đến Nankartse, một nơi gần Lhasa. Tại đó, cậu bé được nhận sự giáo dục dạy dỗ của các vị Thầy do Quan Nhiếp Chính chỉ định cho đến tận năm 1697 khi quan Nhiếp chính phái vị Bộ trưởng tin tưởng của mình, Shabdrung Ngawang Shonu, đến triều đình Trung Hoa để thông báo cho Hoàng đế Mãn Châu K'ang-si về sự viên tịch của Đức Đạt Lai Lạt Ma V và việc đã tìm thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma VI. Quan Nhiếp Chính đã cho tuyên bố sự thực này đến toàn thể người dân Tây Tạng và người dân đã chào đón những tin tức này với lòng biết ơn, niềm vui và tri ân Quan Nhiếp Chính vì đã tránh cho họ phải trải qua thời gian đau buồn xót xa khi một mặt trời tắt bóng và cho họ được hưởng giây phút mừng vui khi mặt trời lại ló rạng.
Quan Nhiếp chính đã thỉnh Đức Ban Thiền Lạt Ma V, Lobsang Yeshi, đến Nankartse, và tại đó, vị đứng thứ hai trong hàng lãnh đạo tôn giáo tối cao của Tây Tạng đã truyền giới Sa di cho vị hóa thân và đặt tên cho vị hóa thân trẻ tuổi là Tsangyang Gyatso. Năm 1697, vị hóa thân được mười bốn tuổi đã đăng quang chính thức trở thành Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ VI trong một buổi lễ có sự tham dự đầy đủ của các vị quan chức chính phủ Tây Tạng đại diện cho ba tu viện lớn - Sera, Gaden và Drepung - của Hoàng tử Mông Cổ, đại diện của Hoàng đế Trung Hoa K'ang-si cùng với dân chúng Lhasa.
Vào năm 1701, vị quan Nhiếp chính và Lhasang Khan, hậu duệ của vua Gushir Khan mâu thuẫn xung đột với nhau và sau đó quan Nhiếp chính Sangye Gyatso đã bị người này giết, sự việc này xáo trộn và ảnh hưởng không tốt đến vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi. Ngài đã bỏ dở việc nghiên cứu học hành, rời bỏ Tu viện, chọn cuộc sống thế tục bên ngoài xã hội và không hề dự định tiếp tục thọ giới Tỳ kheo. Sự thực là vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi đã đến diện kiến Ngài Ban Thiền Lạt Ma ở Shigatse để xin phép, cầu mong sự tha thứ và đã từ bỏ ngay cả những giới nguyện của một Sa di. Mặc dù Ngài vẫn tiếp tục sống trong cung điện Potala, nhưng Ngài thường đi lang thang quanh vùng Lhasa và những ngôi làng xa xôi hẻo lánh khác, rồi ban ngày thì chơi cùng với bạn bè của Ngài trong vườn hoa phía sau cung điện Potala và đêm đến thì đến các quán rượu ở Lhasa và ở Shol (một khu vực thấp Potala) uống bia chang và ca hát. Ngài được biết đến là một nhà thơ, nhà văn lớn, và đã sáng tác rất nhiều bài thơ. Năm 1706, Ngài được mời đến thăm Trung Quốc và đã qua đời trên đường đi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Bảy - Kelsang Gyatso
Từ sự việc đã diễn ra, người dân Tây Tạng tin rằng Tsangyang Gyatso đã dự đoán sự tái sinh của mình tại Lithang thuộc vùng Kham trong một bài thơ của Ngài như sau:
Hỡi sếu trắng, cho ta bay trên đôi cánh của ngươi,
Ta không đi xa hơn Lithang,
Và từ đó, rồi ta sẽ trở lại.
Được đảm bảo như vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma VII được sinh ra vào năm 1708 có cha mẹ là Sonam Dargya và Lobsang Chotso ở vùng Lithang, hai năm sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma VI viên tịch.
Tại tu viện Thupten Jampaling, do Đức Đạt Lai Lạt Ma III thành lập tại vùng Lithang, người ta đã sửng sốt ngạc nhiên về những điều kỳ diệu ở đứa trẻ và vị Thần Hộ Pháp của vùng Lithang cũng cho lời tiên tri rằng đứa trẻ mới sinh này là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm. Tuy nhiên do tình hình chính trị thời điểm đó rất hỗn loạn, họ không thể hộ tống Đức Đạt Lai Lạt Ma mới được công nhận này tới Lhasa, thay vào đó Ngài được đưa tới tu viện Kumbum và tại đó Ngài được truyền giới bởi Ngawang Lobsang Tenpai Gyaltsen.
Năm 1720, Ngài đã được đăng quang tại cung điện Potala và được Đức Ban Thiền Lobsang Yeshi ban giới Sa di và đặt tên là Kelsang Gyatso. Vào năm 1726, trong tháng Saka Dawa tốt lành (tháng Tư theo lịch Tây Tạng – tháng có ba đại sự cát tường là Đức Phật đản sinh, thành Đạo, nhập diệt – chú thích của người dịch), Ngài đã thọ giới tỳ kheo từ vị Ban Thiền Rinpoche. Tiếp đó về sau Ngài đã được dạy dỗ bởi Ngài Ban Thiền Lobsang Yeshi, vị trụ trì Mật viện Gyumey và tu viện Shalu, Ngawang Yonten, vị Thầy mà Ngài đã theo học toàn bộ các bộ luận chính yếu của triết học Phật giáo trở thành một bậc thầy trong cả Kinh điển và Mật điển.
Năm 1751, khi bốn mươi ba tuổi, Ngài thành lập 'Kashag' có chức năng như Hội đồng Bộ trưởng để điều hành chính phủ Tây Tạng và tiếp đó đã xóa bỏ chức quan Nhiếp chính vì nó đặt quá nhiều quyền lực trong tay một người. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trở thành lãnh đạo tinh thần và chính trị của Tây Tạng. Năm bốn mươi lăm tuổi, Ngài thành lập trường Tse ở trong cung điện Potala và xây dựng cung điện mới Norling Kalsang Phodrang. Đức Đạt Lai Lạt Ma VII là một học giả lớn và đã viết rất nhiều sách, đặc biệt là các sách về Mật điển. Ngài cũng là một nhà thơ lớn, một người, không như Tsangyang Gyatso, chỉ hướng vào lĩnh vực tinh thần. Cuộc sống đơn giản và không tì vết của Ngài đã chiếm trọn trái tim của tất cả những người Tây Tạng. Ngài viên tịch vào năm 1757.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Tám - Jamphel Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma VIII, Jamphel Gyatso, được sinh ra vào năm 1758 tại Thobgyal, Lhari Gang ở vùng Tsang của Tây Nam Tây Tạng. Cha của Ngài, ông Sonam Dhargye, và mẹ, bà Phuntsok Wangmo đều xuất thân từ Kham và là hậu duệ dòng dõi của Dhrala Tsegyal, một vị anh hùng huyền thoại của sử thi Gesar.
Ngay khi Jamphel Gyatso bắt đầu phôi thai trong bụng mẹ, nhiều điềm phước lành may mắn đã đến với vùng Lhari Gang. Đầu tiên họ có một vụ mùa bội thu với mỗi thân cây lúa mạch mang đến ba, bốn và năm nhánh - một điều chưa từng xảy ra trước đây. Một hôm mẹ Ngài đang cùng ăn tối với người nhà ở trong vườn thì một cầu vồng khổng lồ xuất hiện, và một đầu của cầu vồng chạm vào vai của người mẹ. (Điều này được coi là một điềm rất tốt đẹp, gắn liền với sự ra đời của một bậc thánh.). Không bao lâu sau khi được hạ sinh, người ta thấy Jamphel Gyatso thường ngước nhìn lên trời với một nụ cười trên khuôn mặt của mình. Người ta cũng thấy đứa bé cố gắng nhập thiền trong thế ngồi hoa sen. Khi Palden Yeshi, vị Ban Thiền Lạt Ma thứ sáu, nghe nói về cậu bé này, Ngài đã tuyên bố: đây chính là là hóa thân chân thực của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Khi đứa trẻ bắt đầu biết nói, nó bảo: "Tôi sẽ đi đến Lhasa khi tôi lên 3 tuổi ". Đến lúc này, trên khắp đất nước Tây Tạng mọi người đều thấy thuyết phục rằng đứa trẻ này chính là Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ tám. Darkpa Thaye, vị Thị giả chính của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy, đến Lhasa với một đội ngũ đông đảo các vị lạt ma và các quan chức chính phủ Tây Tạng. Họ đã rước cậu bé, lúc đó được hai tuổi rưỡi, về Tu viện Tashi Lhunpo ở Shigatse để thực hiện buổi lễ công nhận và Đức Ban Thiền Lạt Ma đã cho cậu bé tên Jamphel Gyatso.
Năm 1762, cậu bé đã được tháp tùng tới Lhasa và được đăng quang trong cung điện Potala. Lễ đăng quang do vị Demo Tulku Jamphel Yeshi chủ trì, đây là vị Nhiếp chính đầu tiên đại diện cho Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài còn ở tuổi vị thành niên. Lên bảy tuổi, Ngài đã được thọ giới Sadi từ Ngài Ban Thiền Lạt Ma và sau đó, vào năm 1777, Ngài thọ giới Tỳ kheo. Ngoài di sản tinh thần vượt trội của mình, chính Đức Đạt Lai Lạt Ma VIII là người đã xây dựng vườn Norbulingka và Cung điện Mùa Hè nổi tiếng trên vùng ngoại ô của thủ đô Lhasa. Năm 1804, Ngài viên tịch ở tuổi bốn mươi bảy.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Chín - Lungtok Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma IX, Lungtok Gyatso sinh năm 1805 tại Đan Chokhor, một ngôi làng nhỏ thuộc vùng Kham. Cha mẹ Ngài tên là Tenzin Choekyong và Dhondup Dolma.
Năm 1807, Ngài được công nhận là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ VIII và được tháp tùng đến Lhasa trong một lễ rước lớn. Ngài thọ giới Sadi từ Ban Thiền Lạt Ma, và được đặt tên là Lungtok Gyatso. Thật không may, Ngài qua đời khi tuổi rất trẻ vào năm 1815, khi đó Ngài mới chín tuổi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Mười - Tsultrim Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma X, Tsultrim Gyatso, sinh năm 1816 ở Lithang vùng Kham Cha Ngài tên là Lobsang Dakpa và mẹ Ngài tên là Namgyal Bhuti.
Năm 1822, Ngài được công nhận là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma IX và được đăng quang tại cung điện Potala Palace trong cùng năm đó, Ngài đã thọ giới Sadi với Ngài Ban Thiền Lạt Ma, Tenpai Nyima và được đặt Pháp danh là Tsultrim Gyatso. Năm 1826, lúc được mười tuổi, Ngài bắt đầu theo học tại tu viện Drepung, nơi Ngài nghiên cứu rất nhiều bản kinh văn, triết học Phật giáo và đã làu thông cả Kinh điển và Mật điển. Năm 1831, ông đã cho xây dựng lại cung điện Potala và đến năm mười chín tuổi, Ngài đã thọ giới Tỳ kheo với Ngài Ban Thiền Lạt Ma. Tuy nhiên, Ngài thường xuyên trong tình trạng sức khỏe ốm yếu và đã qua đời vào năm 1837.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Mười Một - Khedrup Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XI, Khedrup Gyatso, sinh năm 1838 tại Gathar thuộc vùng Kham Minyak cha Ngài là Tsetan Dhondup và mẹ Ngài là Yungdrung Bhuti.
Năm 1841, Ngài được công nhận là hóa thân mới của Đức Đạt Lai Lạt Ma X được vị Ban Thiền Lạt Ma, Tenpai Nyipa làm lễ xuống tóc và đặt cho Pháp danh là Khedrup Gyatso. Năm 1842, Ngài đã được đăng quang tại cung điện Potala và năm mười một tuổi, Ngài đã thọ giới Sa Di từ vị Ban Thiền Lạt Ma. Dù khi đó tuổi đời còn rất trẻ, nhưng thể theo sự thỉnh cầu của người dân Tây Tạng, Ngài đã quyết định đảm nhận vai trò lãnh đạo tinh thần và chính trị của Tây Tạng. Tuy nhiên, vào năm 1856 Ngài đột ngột qua đời ở cung điện Potala.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Mười Hai - Trinley Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma XII, Trinley Gyatso, sinh năm 1856 ở Lhoka, một vùng phụ cận Lhasa , cha Ngài tên là Phuntsok Tsewang và mẹ Ngài tên là Tsering Yudon.
Năm 1858, cậu bé được coi là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma được hộ tống đến Lhasa và được vị quan nhiếp chính Reting Ngawang Yeshi Tsultrim Gyaltsen đặt cho Pháp danh là Thupten Gyatso. Năm 1860, lúc được năm tuổi, Ngài thọ giới Sa Di để trở thành tu sĩ từ vị Trụ trì Tu viện Gaden, Lobsang Khendrab, và Ngài đã được đăng quang tại cung điện Potala. Năm 1873, ở tuổi mười tám, Ngài đã đảm nhận hoàn toàn hai vai trò lãnh đạo tinh thần và chính trị của Tây Tạng. Năm 1875, Ngài viên tịch ở tuổi hai mươi trong cung điện Potala Palace.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ Mười Ba - Thupten Gyatso
Đức Đạt Lai Lạt Ma XIII, Thupten Gyatso, sinh năm cầm tinh con Chuột lửa 1876 trong một gia đình nông dân sinh sống tại làng Langdun thuộc vùng Dagpo, nằm ở miền trung Thakpo của Tây Tạng, cha Ngài là Kunga Rinchen và mẹ Ngài là Lobsang Dolma.
Năm 1877, Ngài được công nhận là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 12 từ lời tiên tri của vị Thần Hộ Pháp Nechung của Tây Tạng và từ các dấu hiệu tốt lành khác tại nơi Ngài được sinh ra. Sau đó Ngài được hộ tống đến Lhasa. Năm 1878, Vị Ban Thiền Lạt Ma VIII, Tenpai Wangchuk, thực hiện nghi lễ xuống tóc cho Ngài và ban cho Ngài Pháp danh là Ngawang Lobsang Thupten Gyatso Jigdral Chokley Namgyal. Năm 1879, Ngài đã đăng quang tại Đại Lễ Đường trong cung điện Potala. Cuối năm đó, Ngài đã thọ giới Ưu-Bà-Tắc sĩ từ quan nhiếp chính Tatsak Rinpoche, Ngawang Palden Yeshi. Năm 1882, lúc sáu tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma XIII được chính thức thọ giới Sa di cũng từ vị Nhiếp chính này.
Và vào năm 1895, tại ngôi đền Jokhang nổi tiếng ở Lhasa, Ngài đã được thọ đầy đủ giới Tỳ kheo từ vị Thầy Giáo thọ của mình, Phurchok Ngawang Jampa Rinpoche, người vừa là vị Thầy truyền Pháp vừa là vị Chủ lễ. Phurbuchok được sự hỗ trợ của rất nhiều bậc thầy Phật giáo lỗi lạc của Tây Tạng vào thời điểm đó, bao gồm cả Ling Rinpoche Lobsang Lungtok Tenzin Thinley và vị trụ trì tu viện Gaden, là Thầy hướng dẫn về Mật và lo liệu sắp đặt mọi việc theo yêu cầu của các buổi lễ truyền giới và tấn phong. Ngày 27 Tháng 9 Năm 1895 Ngài chính thức đảm nhận vai trò lãnh đạo cả về chính trị và tinh thần của Tây Tạng và ngay sau đó Tây Tạng bị rơi vào cuộc tranh giành lớn giữa Sa Hoàng của Nga và Thuộc địa Ấn Độ của Anh Quốc trên cuộc xâm lấn các vùng lãnh thổ rìa cận của mỗi vương quốc. Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã dẫn dắt đất nước trải qua cuộc xâm lược của người Anh vào năm 1904 và cuộc xâm lược của Trung Quốc trên đất nước Tây Tạng từ năm 1909-1910 và đã vượt qua cả hai thời điểm thử thách sống còn này và tiếp tục duy trì quyền lực ngày càng được củng cố và mạnh mẽ hơn.
Vào năm 1910, khi tin tức lan truyền rằng Lu Chan, một vị tướng của lực lượng Mãn Châu của Trung Quốc, đã đến Lhasa, Đức Đạt Lai Lạt Ma và một số các quan chức cấp cao trong chính phủ đã chạy khỏi Lhasa và đi đến Ấn Độ. Nhóm vượt qua vùng Dromo và tổ chức một cuộc đàm phán với quân xâm lược Trung Quốc tại Jelep-la Pass, chấp nhận tách vùng Sikkim khỏi Tây Tạng.
Năm 1911, triều đại Mãn Thanh bị lật đổ và người Tây Tạng đã nhân cơ hội này để đánh đuổi quân Mãn Châu còn sót lại từ Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về Tây Tạng và đã thực hiện áp dụng cầm quyền bằng chính trị một cách mạnh mẽ chưa từng thấy kể từ thời Đức Đạt Lai Lạt Ma V. Bên cạnh nỗ lực để hiện đại hóa Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã cố gắng để loại bỏ những yếu tố quá cứng nhắc và áp đặt trong hệ thống các tu viện Tây Tạng. Trong thời gian sống lưu vong ở Ấn Độ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bị cuốn hút bởi thế giới hiện đại và Ngài đã cho phát hành những đồng tiền giấy và tiền xu đầu tiên của Tây Tạng. Vào ngày 13 Tháng Hai, Năm 1913, Ngài công bố bản Tuyên Ngôn Năm Điểm tái khẳng định độc lập của Tây Tạng. Cũng vào năm 1913 Ngài thành lập bưu điện đầu tiên ở Tây Tạng và đã gửi bốn thanh niên Tây Tạng sang nước Anh để học kỹ sư.
Năm 1914, Ngài tăng cường lực lượng quân sự của Tây Tạng bằng cách tổ chức đào tạo đặc biệt cho quân đội Tây Tạng. Năm 1917, Ngài thành lập Men-Tsee-Khang (Viện Y Học và Thiên Văn Học Tây Tạng) ở Lhasa để bảo tồn truyền thống độc đáo về Y học và Thiên Văn Học của Tây Tạng. Vì việc này, Ngài đã cho chọn ra khoảng một trăm người trẻ tuổi và thông minh để đào tạo ở Men-Tse-Khang. Năm 1923, Ngài thành lập một trụ sở cảnh sát ở Lhasa để đảm bảo cho sự an toàn và bình yên của người dân Tây Tạng. Trong cùng năm đó, Ngài đã thành lập Trường Anh ngữ đầu tiên của Tây Tạng tại Gyaltse. Thật đáng buồn là Ngài đã qua đời vào năm 1933 ở tuổi năm mươi tám trước khi kịp hoàn thành mục tiêu của mình cho sự hiện đại hóa của Tây Tạng.