Thấy chúng sanh với tính tình ngang ngược
Bị nén đè bởi phiền trược khổ đau
Nguyện trân giữ như người thân hiếm thấy
Như tìm ra một kho báu gia tài.
Câu này đề cập đến trường hợp đặc biệt liên quan đến những người bị bỏ rơi bên lề xã hội, có lẽ vì hành vi của họ, sự xuất hiện của họ, sự nghèo đói của họ, hoặc cũng có thể là do bệnh tật. Bất cứ ai thực hành Bồ Đề Tâm đều cũng phải chăm sóc đặc biệt cho những người này; như thể khi gặp họ, bạn đã tìm thấy một kho báu thật sự. Thay vì cảm thấy bị chùn bước, một hành giả thật sự về các hạnh nguyện vị tha này, nên tham gia và thực hành sự thử thách có liên quan đến tâm vị tha. Trên thực tế, cách mà chúng ta tương tác với những người thuộc loại này có thể tạo ra một động lực lớn cho sự thực hành tâm linh của chúng ta.
Trong bối cảnh này, tôi muốn đưa ra một ví dụ điển hình của nhiều anh chị em Kitô giáo đã tham gia vào các hoạt động nhân đạo và chăm sóc đặc biệt là hướng tới các thành viên bên lề xã hội. Một ví dụ như thế trong thời đại chúng ta là Mẹ quá cố Têrêsa - người đã cống hiến cả đời mình để chăm sóc cho những người thiếu thốn. Bà đã minh họa cho lý tưởng được mô tả trong bài Kệ này.
Chính vì điểm quan trọng này cho nên khi tôi gặp các thành viên của các trung tâm Phật giáo ở nhiều nơi trên thế giới, tôi thường chỉ ra rằng, nếu như một trung tâm Phật giáo có các chương trình giảng dạy hay thiền định thôi thì sẽ không đủ. Tất nhiên, có rất nhiều trung tâm Phật giáo rất ấn tượng, và một số trung tâm nhập thất, nơi các nhà sư phương Tây đã được đào tạo rất tốt để có thể chơi clarinet theo cách Tây Tạng truyền thống! Nhưng tôi cũng nhấn mạnh với họ về nhu cầu nên đưa khía cạnh xã hội và chăm sóc vào chương trình hoạt động của họ, để các hạnh nguyện tu tập được trình bày trong giáo lý của Phật giáo có thể đóng góp vào cho xã hội.
Tôi vui mừng nói rằng, tôi đã nghe nói rằng một số trung tâm Phật giáo đang bắt đầu áp dụng các nguyên tắc Phật giáo vào xã hội. Ví dụ, tôi tin rằng ở Úc có những trung tâm Phật giáo đang thiết lập các nhà dưỡng lão và giúp đỡ những người sắp chết, và chăm sóc bệnh nhân AIDS. Tôi cũng đã nghe nói về các trung tâm Phật giáo tham gia vào một số hình thức giáo dục tâm linh trong các nhà tù, nơi mà họ có thể nói chuyện và tư vấn. Tôi nghĩ rằng đây là những tấm gương tuyệt vời. Dĩ nhiên, điều đáng tiếc là khi những người như vậy, đặc biệt là tù nhân, cảm thấy bị xã hội bỏ rơi; không chỉ là đau đớn cho họ - mà còn từ một tầm nhìn rộng hơn - đó là một sự mất mát cho xã hội. Chúng ta không tạo cơ hội cho những người này đóng góp vào việc xây dựng xã hội trong khi họ thực sự có tiềm năng để làm điều đó. Do vậy, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là toàn xã hội không nên từ chối những cá nhân như vậy, mà phải nắm lấy họ và thừa nhận tiềm năng đóng góp của họ. Bằng cách này, họ sẽ cảm thấy mình có một vị trí trong xã hội, và sẽ bắt đầu nghĩ rằng họ có thể có một cái gì đó để cống hiến.