Câu hỏi: Ngài tự xem mình như thế nào ạ?
Trả lời: Tôi luôn coi mình là một tu sĩ Phật giáo đơn giản. Tôi cảm thấy tôi thực sự là như vậy. Tôi cảm thấy rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma như một người cai trị về thế gian là một thể chế do con người đặt ra. Bao lâu mà mọi người chấp nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì họ sẽ chấp nhận tôi. Nhưng là một tu sĩ - là một điều gì đó thuộc về tôi. Không ai có thể thay đổi điều đó. Tận sâu thẳm trong tâm hồn, tôi luôn coi mình là một Tăng sĩ, ngay cả trong giấc mơ của mình. Vì vậy, tự nhiên tôi cảm thấy bản thân mình như là một người tôn giáo hơn.
Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày của tôi, tôi có thể nói rằng tôi dành 80% thời gian cho việc thực hành tâm linh và 20% cho toàn bộ Tây Tạng. Đời sống tinh thần hay tôn giáo là điều tôi biết và tôi quan tâm rất nhiều. Tôi có một chút tự tin vào đó, và vì thế tôi muốn nghiên cứu nó nhiều hơn. Về chính trị, tôi không có được một sự giáo dục hiện đại, ngoại trừ một chút kinh nghiệm. Đó là trách nhiệm rất lớn đối với một người không được trang bị tốt. Đây không phải là công việc tình nguyện, mà là một điều tôi cảm thấy tôi phải theo đuổi vì niềm hy vọng và sự tin tưởng mà nhân dân Tây Tạng đã đặt vào tôi.
Câu hỏi: Ngài sẽ là Đức Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng?
Trả lời: Thể chế của Đức Đạt Lai Lạt Ma có còn hay không đều phụ thuộc hoàn toàn vào nguyện vọng của nhân dân Tây Tạng. Điều này là để cho họ quyết định. Tôi đã làm rõ điều này từ rất sớm vào năm 1969. Thậm chí ngay cả vào năm 1963, sau bốn năm lưu vong, chúng tôi đã lập ra một dự thảo hiến pháp cho một tương lai Tây Tạng dựa trên hệ thống dân chủ. Hiến pháp đề cập rõ ràng rằng, quyền lực của Đạt Lai Lạt Ma có thể được xóa bỏ bởi một phần ba số phiếu của đại đa số các thành viên Hội đồng. Vào thời điểm hiện tại, thể chế của Đạt Lai Lạt Ma là hữu ích cho văn hóa và nhân dân Tây Tạng. Do đó, nếu hôm nay tôi chết, tôi nghĩ người Tây Tạng sẽ chọn một vị Đạt Lai Lạt Ma khác. Trong tương lai, nếu thể chế của Đạt Lai Lạt Ma không còn thích hợp hoặc hữu ích nữa; và tình hình hiện tại của chúng tôi thay đổi, thì thể chế của Đạt Lai Lạt Ma sẽ chấm dứt sự tồn tại. Cá nhân tôi cảm thấy thể chế của Đạt Lai Lạt Ma đã phục vụ cho mục đích của nó. Gần đây hơn, kể từ năm 2001, chúng tôi đã có một người đứng đầu chính quyền của chúng tôi - Kalon Tripa – đã được quần chúng bầu chọn một cách dân chủ. Kalon Tripa điều hành công việc hàng ngày của chính quyền của chúng tôi và phụ trách cơ sở chính trị của chúng tôi. Một nửa đùa và một nửa nghiêm túc - tôi nói rằng bây giờ tôi đang nghỉ hưu một nửa.
Câu hỏi: Ngài có nghĩ rằng Ngài sẽ có thể trở về Tây Tạng?
Trả lời: Vâng, tôi vẫn lạc quan rằng tôi sẽ có thể trở về Tây Tạng. Trung Quốc đang trong quá trình thay đổi. Nếu bạn so sánh Trung Quốc ngày hôm nay với mười hay hai mươi năm trước, có sự thay đổi rất lớn. Trung Quốc không còn bị cô lập. Nó là một phần của cộng đồng thế giới. Sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu, đặc biệt là về mặt kinh tế và môi trường, đã làm cho các quốc gia không thể bị cô lập. Bên cạnh đó, tôi không tìm kiếm sự tách rời đối với Trung Quốc. Tôi cam kết với phương pháp trung đạo của mình, theo đó Tây Tạng vẫn còn trong Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và được hưởng mức độ tự trị cao hoặc tự chủ. Tôi tin chắc rằng đây là lợi ích chung cho cả nhân dân Tây Tạng cũng như người Trung Quốc. Tây Tạng chúng tôi sẽ có thể phát triển Tây Tạng với sự hỗ trợ của Trung Quốc, trong khi đồng thời bảo tồn văn hóa độc đáo riêng của chúng tôi, bao gồm cả về mặt tâm linh, và môi trường tinh tế của chúng tôi. Bằng cách giải quyết một cách hợp lý vấn đề Tây Tạng, Trung Quốc sẽ có thể đóng góp cho sự thống nhất và ổn định của chính mình.
Câu hỏi: Người Trung Quốc gần đây đã tuyên bố rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp sẽ được sinh ra ở Tây Tạng và được họ chọn. Ngài có thể nói gì về điều này?
Trả lời: Nếu tình hình hiện tại liên quan đến Tây Tạng vẫn như cũ, tôi sẽ được sinh ra ở bên ngoài Tây Tạng khỏi sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc. Điều này là hợp lý. Mục đích của sự tái sinh là tiếp tục công việc chưa hoàn thành của hóa thân trước đó. Do vậy, nếu tình hình Tây Tạng vẫn chưa được giải quyết thì tôi sẽ được sinh ra lưu vong để tiếp tục công việc chưa hoàn thành của mình. Tất nhiên người Trung Quốc vẫn sẽ chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma của chính họ; và người Tây Tạng chúng tôi sẽ tự chọn theo truyền thống của chính mình. Nó sẽ tương tự như tình hình hiện tại của Đức Ban Thiền Lạt Ma. Có một Ban Thiền Lạt Ma do Trung Quốc bổ nhiệm và có Ban Thiền Lạt Ma do tôi chọn. Một người được phô trương để phục vụ mục đích của chủ nhân của nó; và người kia là Ban Thiền Lạt Ma được chấp nhận trong trái tim của tất cả dân tộc Tây Tạng.
Câu hỏi: Các cam kết của Ngài là gì?
Trả lời: Nói chung, tôi luôn nói rằng tôi có ba cam kết trong cuộc sống. Thứ nhất, về mức độ của một con người, cam kết đầu tiên của tôi là thúc đẩy các giá trị của con người như tâm từ bi, sự tha thứ, lòng khoan dung, hạnh tri túc và tự kỷ luật. Tất cả mọi người đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Ngay cả những người không tin vào tôn giáo cũng nhận ra tầm quan trọng của những giá trị nhân văn này trong việc làm cho cuộc sống của họ hạnh phúc hơn. Tôi vẫn cam kết nói về tầm quan trọng của những giá trị nhân văn này và chia sẻ chúng với bất cứ ai mà tôi gặp.
Thứ hai, về mức độ của một hành giả tôn giáo, cam kết thứ hai của tôi là thúc đẩy sự hòa hợp và hiểu biết tôn giáo giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau. Bất chấp sự khác biệt về triết học, tất cả các tôn giáo trên thế giới đều có tiềm năng tương tự để tạo ra con người tốt hơn. Do đó, điều quan trọng là tất cả các truyền thống tôn giáo phải tôn trọng lẫn nhau và nhận ra giá trị của truyền thống tương ứng của nhau. Thứ ba, tôi là người Tây Tạng và mang tên Đạt Lai Lạt Ma. Người Tây Tạng đã đặt niềm tin của họ vào nơi tôi. Do đó, cam kết thứ ba của tôi là vấn đề Tây Tạng. Tôi có trách nhiệm hành động như người phát ngôn tự do của nhân dân Tây Tạng trong cuộc đấu tranh vì công lý của họ. Theo như cam kết thứ ba này, nó sẽ chấm dứt tồn tại một khi một giải pháp cùng có lợi đạt được giữa nhân dân Tây Tạng và Trung Quốc. Tuy nhiên, hai cam kết đầu tiên của tôi, tôi sẽ tiếp tục cho đến hơi thở cuối cùng của mình.
Câu hỏi: Cảm xúc đầu tiên của Ngài khi được công nhận là Đức Đạt Lai Lạt Ma là gì? Ngài nghĩ điều gì đã xảy ra với Ngài?
Trả lời: Tôi rất hạnh phúc. Tôi rất thích nó. Ngay cả trước khi tôi được công nhận, tôi thường nói với mẹ tôi rằng tôi sẽ đến Lhasa. Tôi đã từng đứng trên một bệ cửa sổ trong nhà chúng tôi giả vờ rằng tôi đang cưỡi ngựa đến Lhasa. Lúc đó tôi là một đứa bé rất nhỏ, nhưng tôi nhớ rõ điều này. Tôi đã có một mong muốn mạnh mẽ để đến đó. Một điều khác mà tôi không đề cập đến trong cuốn tự truyện của mình là sau khi tôi sinh ra, một cặp quạ đã đậu trên mái nhà của chúng tôi. Chúng đến vào mỗi buổi sáng, ở lại một lúc rồi bay đi. Đây là mối quan tâm đặc biệt giống như những sự cố tương tự đã xảy ra khi sự ra đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất, thứ bảy, thứ tám và thứ mười hai. Sau khi họ được sinh ra, một cặp quạ cũng đã đến và ở lại. Trong trường hợp của tôi, lúc đầu, không ai chú ý đến điều này. Gần đây, tuy nhiên, có lẽ ba năm trước, tôi đã nói chuyện với mẹ tôi, và Bà nhớ lại nó. Bà đã nhận thấy chúng đến vào buổi sáng; sau đó một lúc thì bay đi, và rồi vào sáng hôm sau, lại quay trở lại. Vào thời điểm buổi tối sau khi sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên, những kẻ cướp đã đột nhập vào nhà của gia đình. Cha mẹ đã bỏ chạy và để đứa con lại. Ngày hôm sau khi họ trở về và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với con trai của mình; họ tìm thấy đứa bé ở một góc của ngôi nhà. Một con quạ đứng trước mặt hài nhi và bảo vệ cho cậu bé. Sau này, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên lớn lên và phát triển trong sự thực hành tâm linh của mình, Ngài đã tiếp xúc trực tiếp trong lúc thiền định với vị thần bảo vệ, Mahakala. Vào thời điểm này, Mahakala đã nói với Ngài rằng, ai đó giống như ông - là người gìn giữ duy trì giáo lý Phật giáo thì cần một người bảo vệ như tôi. Ngay trong ngày sinh của ông, tôi đã giúp ông. Cho nên chúng ta có thể thấy rằng, chắc chắn có mối liên hệ giữa Mahakala, quạ và các Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Một điều khác đã xảy ra, điều mà mẹ tôi nhớ rất rõ ràng, là ngay sau khi tôi đến Lhasa, tôi đã nói rằng, cái răng của tôi nằm trong một cái hộp ở một ngôi nhà nào đó trong Norbulinka. Khi họ mở hộp, họ tìm thấy một bộ răng giả thuộc về Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba. Tôi chỉ vào cái hộp, và nói rằng răng của tôi ở trong đó; nhưng bây giờ tôi không nhớ về điều này chút nào cả. Những kỷ niệm mới liên quan đến cơ thể này mạnh mẽ hơn. Quá khứ đã trở nên nhỏ hơn, mơ hồ hơn. Trừ khi tôi thực hiện một nỗ lực đặc biệt để phát triển những ký ức như vậy, bằng không thì tôi không nhớ nó.
Câu hỏi: Ngài có nhớ về sự ra đời của Ngài hay trạng thái trong bụng mẹ trước đây không?
Trả lời: Tại thời điểm này, tôi không nhớ. Ngoài ra, tôi cũng không thể nhớ lại nếu lúc đó tôi còn là một đứa bé, tôi có thể nhớ nó. Tuy nhiên, có lẽ có một dấu hiệu nhỏ bên ngoài. Trẻ em thường được sinh ra với đôi mắt nhắm lại. Tôi sinh ra với đôi mắt mở to. Đây có thể là một dấu hiệu nhỏ về tình trạng rõ ràng của tâm thức trong bụng mẹ.
Câu hỏi: Trong độ tuổi từ mười sáu đến mười tám, sau khi Ngài nhận lãnh quyền lực về thế tục, Ngài có thay đổi không?
Trả lời: Có, tôi đã thay đổi một chút. Tôi trải qua rất nhiều hạnh phúc và đau đớn. Trong thời gian đó và từ khi trưởng thành, có thêm nhiều kinh nghiệm, từ những vấn đề nảy sinh và đau khổ, tôi đã thay đổi. Kết quả cuối cùng là người mà bạn đang thấy bây giờ đây (cười).
Câu hỏi: Khi Ngài vừa mới bước vào tuổi vị thành niên thì thế nào? Nhiều người có một khoảng thời gian khó khăn để xác định mình là một người lớn. Điều đó có xảy ra với Ngài hay không?
Trả lời: Không. Cuộc sống của tôi rất nhiều trong một thói quen thường nhật. Tôi học ngày hai buổi; mỗi buổi học một giờ đồng hồ, rồi dành thời gian còn lại để chơi (cười). Sau đó, vào tuổi 13, tôi bắt đầu học triết học, định nghĩa, tranh luận. Việc học hành của tôi càng tăng lên, và tôi cũng học thư pháp. Đó là tất cả trong một cuộc sống thường nhật của tôi, và tôi đã quen với nó. Đôi khi, có những kỳ nghỉ. Cũng rất thoải mái và hạnh phúc. Losang Samten, anh trai kế của tôi, thường ở trường; nhưng trong những lần này, anh ấy đến thăm tôi. Ngoài ra, mẹ tôi thỉnh thoảng cũng đến và mang bánh mì đặc biệt từ tỉnh Amdo của chúng tôi. Rất dày và ngon. Bà đã tự làm.
Câu hỏi: Có ai trong số những người tiền nhiệm của Ngài mà Ngài có sở thích đặc biệt hoặc Ngài có mối quan hệ đặc biệt nào không?
Trả lời: Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba. Ông đã mang lại rất nhiều sự cải tiến cho các tiêu chuẩn học tập tại các trường cao đẳng Tu viện. Ông đã dành sự động viên rất lớn cho các học giả thực sự. Ông đã làm cho nó trở nên bất khả thi đối với những người muốn đi lên trong hệ thống phân cấp tôn giáo, trở thành một vị trụ trì, tu viện trưởng và vv, nếu người đó không hoàn toàn có đủ phẩm chất. Ông ta rất nghiêm khắc về mặt này. Ông cũng đã xuất gia và truyền giới cho hàng chục ngàn tu sĩ. Có hai sự thành tựu tôn giáo chính của ông. Ông không ban truyền nhiều quán đảnh, hay nhiều bài thuyết trình. Lúc bấy giờ, đối với đất nước, ông đã có suy nghĩ và cân nhắc tuyệt vời đối với nghệ thuật quản lý nhà nước. Các quận ngoại thành nói riêng. Họ nên được quản lý như thế nào và vv. Ông quan tâm rất nhiều đến cách điều hành chính phủ hiệu quả hơn. Ông rất quan tâm đến biên giới của chúng tôi và những loại như thế.
Câu hỏi: Trong suốt cuộc đời của mình, bài học cá nhân hay thử thách nội tâm lớn nhất của Ngài là gì? Những nhận thức và kinh nghiệm nào có ảnh hưởng lớn nhất đến sự trưởng thành của Ngài với tư cách cá nhân?
Trả lời: Về kinh nghiệm tôn giáo, một số hiểu biết về shunya (tánh Không: không có bản chất tự ngã riêng biệt độc lập) một số cảm giác, một số kinh nghiệm và chủ yếu là Bồ Đề Tâm - lòng vị tha. Nó đã giúp ích rất nhiều. Theo một số cách, bạn có thể nói rằng nó đã biến tôi thành một con người mới, một người đàn ông mới. Tôi vẫn đang trong tiến trình. Cố gắng. Nó cung cấp cho bạn sức mạnh nội tâm, lòng can đảm và dễ chấp nhận các tình huống. Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Câu hỏi: Khi trở thành một người tị nạn, điều gì giúp Ngài đạt được sức mạnh này? Đó có phải là sự mất mát vị trí và đất nước của Ngài, sự thật về nỗi đau khổ của những người chung quanh Ngài. Ngài đã được kêu gọi lãnh đạo dân tộc của Ngài theo đường hướng khác hơn với cách mà Ngài đã quen thuộc?
Trả lời: Là một người tị nạn thực sự là một tình huống nguy hiểm, tuyệt vọng. Vào thời điểm đó, mọi người đều phải đối phó với thực tế. Đó không phải là lúc để giả vờ cho mọi thứ trở nên thật đẹp. Đó là một điều. Bạn cảm thấy phải để hết tâm trí vào thực tế. Trong thời gian hòa bình, mọi thứ đều suông sẻ. Ngay cả khi có một vấn đề, mọi người cũng giả vờ rằng mọi thứ đều tốt. Nhưng trong một thời kỳ nguy hiểm, khi có một sự thay đổi đáng kể, thì không có một phạm vi nào để giả vờ rằng mọi thứ đều ổn. Bạn phải chấp nhận rằng xấu là xấu. Lúc bấy giờ, khi tôi rời Norbulinka, đã có sự nguy hiểm. Chúng tôi đã đi rất gần các doanh trại quân đội Trung Quốc. Nó nằm ở phía bên kia sông, Đồn kiểm soát của Trung Quốc nằm ở đó. Bạn thấy đấy, chúng tôi đã có thông tin xác định hai hoặc ba tuần trước khi tôi rời đi, rằng người Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ để tấn công chúng tôi. Đó chỉ còn là vấn đề về ngày và giờ mà thôi.
Câu hỏi: Về vấn đề Ngài là hiện thân của vị Bồ Tát của lòng từ bi vô hạn - Quán Thế Âm. Ngài cảm thấy thế nào về điều này? Có điều gì để Ngài có một cái nhìn rõ ràng - về cách này hay cách khác?
Trả lời: Thật khó để tôi có thể nói một cách chắc chắn được. Trừ khi tôi tham gia vào một sự nỗ lực về thiền định, chẳng hạn như quay trở về cuộc đời của mình, lần theo từng hơi thở, tôi không thể nói chính xác được. Chúng tôi tin rằng có bốn loại tái sinh. Thứ nhất là loại phổ biến - trong đó - con người bị bất lực trong việc xác định sự tái sinh của mình, mà chỉ tái sinh trong sự phụ thuộc vào bản chất của các hành động của nghiệp trong quá khứ. Ngược lại là của một vị Phật hoàn toàn chứng ngộ, người chỉ đơn giản là biểu hiện một hình thức thân xác vật chất để giúp đỡ người khác. Trong trường hợp này, rõ ràng là người đó là Phật. Người thứ ba là một người, do sự thành tựu tâm linh trong quá khứ, có thể chọn, hoặc ít nhất là ảnh hưởng, địa điểm và tình trạng tái sinh. Loại thứ tư được gọi là sự hiện thân linh thiêng. Trong trường hợp này, người này được ban phước vượt quá khả năng bình thường của mình để thực hiện các chức năng hữu ích, chẳng hạn như giảng dạy về tôn giáo. Đối với loại sinh cuối cùng này, mong muốn của người đó trong những kiếp trước để giúp những người khác chắc hẳn đã rất mạnh mẽ. Họ đạt được khả năng như vậy. Mặc dù một số Vị dường như có nhiều khả năng hơn những người khác, nhưng tôi không thể nói chắc chắn tôi là ai.
Câu hỏi (tiếp theo): Từ quan điểm đó thì vai trò thực tế mà Ngài đóng là Đức Chenrezi (Quán Thế Âm), Ngài cảm thấy thế nào về vai trò ấy? Chỉ có một vài người đã được xem - theo cách này hay cách khác - là một bậc Thánh. Vai trò này là một gánh nặng hay là niềm thích thú?
Trả lời: Nó rất hữu ích. Thông qua vai trò này, tôi có thể mang lại lợi ích to lớn cho mọi người. Vì lý do này tôi thích nó: Tôi đã ở chung với nó. Rõ ràng là nó rất hữu ích cho mọi người, và rằng tôi có mối quan hệ nghiệp lực trong vai trò này. Ngoài ra, rõ ràng là có một mối quan hệ nghiệp với nhân dân Tây Tạng nói riêng. Bây giờ bạn thấy đấy, bạn có thể xem xét điều này trong các hoàn cảnh, tôi rất may mắn. Tuy nhiên, đằng sau từ ngữ may mắn đó, có những nguyên nhân hoặc lý do thực sự. Có khả năng nghiệp lực trong khả năng của tôi để đảm nhận vai trò này cũng như sức mạnh của nguyện vọng của tôi. Liên quan đến điều này, có một lời tuyên bố trong “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên vĩ đại là:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Tôi đã có sự phát nguyện đó trong đời này, và tôi biết là tôi đã có những sự phát nguyện đó trong những kiếp trước.
Câu hỏi (tiếp theo): Với một mục tiêu rộng lớn như động lực của Ngài, làm thế nào để Ngài đối phó với những hạn chế cá nhân của mình, sự giới hạn của một con người?
Trả lời: Một lần nữa, như đã nói trong tác phẩm của Ngài Tịch Thiên, nếu Đức Phật thiêng liêng đã không thể làm hài lòng tất cả chúng sinh, thì làm thế nào tôi có thể làm được. Ngay cả là một bậc đã giác ngộ, với năng lực và trí tuệ vô hạn và nguyện vọng cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi sự đau khổ, cũng không thể đoạn trừ hết được biệt nghiệp của mỗi chúng sinh.
Câu hỏi (tiếp theo): Đây có phải là điều đã giữ cho Ngài không bị choáng ngợp khi nhìn thấy sự đau khổ của sáu triệu người Tây Tạng - những người mà ở trên một mức độ - Ngài có trách nhiệm với họ không?
Trả lời: Động lực của tôi là hướng đến tất cả chúng sinh. Không hề có vấn đề gì - mặc dù rằng - trên một mức độ thứ hai, tôi đang hướng đến việc giúp đỡ nhân dân Tây Tạng. Nếu một vấn đề có thể khắc phục được, thì trong một tình huống như vậy mà bạn có thể làm được điều gì đó về nó, thì không cần phải lo lắng. Nếu như nó không thể xử lý được cho ổn thoả thì cũng không cần thiết phải lo ngại. Chẳng có lợi ích gì trong sự lo lắng cả, cho dù bất cứ đó là vấn đề gì.
Câu hỏi (tiếp theo): Rất nhiều người nói về điều này, nhưng ít người thực sự sống với nó. Ngài luôn cảm thấy như vậy, hay là Ngài phải học nó?
Trả lời: Nó được phát triển từ sự thực hành bên trong. Từ góc độ rộng hơn, sẽ luôn luôn có đau khổ. Ở một cấp độ, bạn nhất định phải đối phó với những tác động của những hành động bất lợi mà bản thân bạn đã từng tạo nên qua thân, khẩu, ý của mình. Thế thì, bản tính riêng của chính bạn cũng đã là đau khổ rồi. Không chỉ có một yếu tố hình thành nên thái độ của tôi, mà còn có nhiều yếu tố khác nhau. Từ quan điểm của thực thể thực sự tạo ra đau khổ, như tôi đã nói; nếu nó có thể sửa chữa được, thì không cần phải lo lắng. Nếu không sửa được, thì dù có lo lắng cũng chẳng có lợi ích gì. Từ quan điểm của nguyên nhân, đau khổ được dựa trên những hành động bất lợi trong quá khứ tích lũy bởi chính mình và không có ai khác. Những nghiệp này không hề bị mất đi. Chúng sẽ cho ra kết quả. Người ta sẽ không phải đối đầu với những tác động của hành động mà người ta đã không tự mình làm ra. Cuối cùng, từ quan điểm của bản chất của chính sự khổ đau; các uẩn của thân và tâm đã có bản chất thực sự của nó là đau khổ. Nó phục vụ như là một cơ sở cho sự đau khổ. Bao lâu bạn có chúng (thân xác này), thì bấy lâu bạn sẽ có khuynh hướng bị chi phối bởi đau khổ. Từ quan điểm sâu xa, trong khi chúng tôi không có độc lập và sống trong đất nước của người khác, chúng tôi có một loại đau khổ nhất định, nhưng khi chúng tôi trở về Tây Tạng và giành được độc lập, thì cũng sẽ có những loại đau khổ khác. Vì vậy, đây chỉ là cách mà nó là. Bạn có thể nghĩ rằng tôi bi quan, nhưng tôi thì không. Đây là cách mà thông qua giáo lý và những lời khuyên dạy của Đức Phật, chúng tôi đã xử lý các tình huống. Khi năm mươi nghìn người trong gia tộc Thích Ca đã bị giết trong một ngày, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người trong giòng tộc của họ, đã không hề đau khổ chút nào. Ngài đang dựa vào một cái cây, và Ngài nói, hôm nay tôi hơi buồn vì năm mươi nghìn người trong gia tộc của tôi đã bị giết. Nhưng bản thân Ngài, vẫn không hề bị ảnh hưởng. Như thế, bạn thấy đấy (cười). Đây là nguyên nhân và kết quả của biệt nghiệp của họ. Không có gì Ngài có thể làm được về điều đó. Những loại suy nghĩ này đã làm cho tôi mạnh mẽ hơn; tích cực hơn. Nó không hề phải là trường hợp mà mình phải mất đi sức mạnh của tâm thức; hoặc sẽ phải đối mặt với bản chất phổ biến của khổ đau.