Thứ nhất, là một con người, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan tâm đến việc khuyến khích mọi người được hạnh phúc - giúp họ hiểu rằng, nếu họ chỉ có sự thoải mái về mặt thể xác mà tâm trí của họ buồn chán thì sẽ không mang lại sự an lạc; nhưng nếu tâm trí của họ yên bình, thì cho dù có bị đau đớn về thể xác cũng sẽ không quấy nhiễu được sự điềm tĩnh của họ. Ngài ủng hộ việc trưởng dưỡng lòng nhân hậu và những giá trị nhân văn như tâm từ bi, sự tha thứ, lòng khoan dung, hạnh tri túc và sự tự kỷ luật. Ngài nói rằng, là con người - chúng ta đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Ngay cả những người không có niềm tin tôn giáo cũng có thể có được sự lợi lạc nếu họ biết kết hợp những giá trị nhân văn vào cuộc sống của mình. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến các giá trị nhân văn như đạo đức thế tục hoặc các giá trị phổ quát. Ngài cam kết nói về tầm quan trọng của những giá trị đó và chia sẻ với mọi người mà Ngài gặp gỡ.
Thứ hai, là một Tăng Sĩ Phật giáo, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cam kết khuyến khích sự hòa hợp giữa các truyền thống tôn giáo trên thế giới. Mặc dù có sự khác biệt về triết học giữa họ, nhưng tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều có cùng tiềm năng để tạo ra những con người tốt. Do đó, điều quan trọng đối với tất cả các truyền thống tôn giáo phải tôn trọng lẫn nhau và nhận ra giá trị của truyền thống của họ. Ý tưởng rằng có một chân lý và một tôn giáo thì thích hợp với một cá nhân hành giả. Tuy nhiên, Ngài nói, đối với cộng đồng rộng lớn hơn thì cần phải nhận ra rằng, con người nên tôn trọng một số tôn giáo và một số khía cạnh của sự thật.
Thứ ba, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là người Tây Tạng và 'Đức Đạt Lai Lạt Ma' là trọng tâm của niềm hy vọng và lòng tin của nhân dân Tây Tạng. Do đó, Ngài cam kết bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá Tây Tạng - di sản mà người Tây Tạng đã nhận được từ các bậc thầy của Đại học Nalanda của Ấn Độ; đồng thời Ngài cũng lên tiếng để bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng.
Ngoài ra, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gần đây đã nói về cam kết của Ngài về việc khôi phục lại sự nhận thức về giá trị của kiến thức Ấn Độ cổ đại giữa những người Ấn Độ trẻ ngày nay. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng, sự hiểu biết phong phú của Ấn Độ cổ đại về cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc, cũng như các kỹ thuật rèn luyện tâm linh, chẳng hạn như thiền định, được phát triển bởi truyền thống Ấn Độ, rất có ý nghĩa đối với cuộc sống ngày nay. Vì Ấn Độ có lịch sử lâu dài về lý luận và logic nên Ngài tin rằng kiến thức cổ đại - được nhìn nhận từ góc nhìn học thuật - có thể kết hợp với nền giáo dục hiện đại. Ngài cho rằng Ấn Độ thực sự được đặt để một cách đặc biệt đối với việc đạt được sự kết hợp giữa các phương thức cổ đại và hiện đại để hiểu biết một cách hiệu quả, nhờ đó, có thể thúc đẩy một phương pháp tiếp cận hoà nhập và có đạo đức hơn nữa trong thế giới ngày nay.