Leh, Ladakh, J&K, Ấn Độ, ngày 4 tháng 8, 2012 - Sau khi trở về từ Zanskar, vào sáng ngày 2 tháng 8, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khai mạc hội nghị 4 ngày về Hệ thống Triết học Trung quán của Bốn Truyền thống chính của Phật giáo Tây Tạng được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Phật học Trung ương, Leh. Ngài nói,
“Bốn trường phái truyền thống của Phật giáo ở Tây Tạng bề ngoài có vẻ khác nhau trong cách mà họ giải thích về quan điểm, nhưng cuối cùng những gì họ đề cập đến là giống nhau. Như Panchen Lobsang Chökyi Gyaltsen đã nói, "Khi những quan điểm này được kiểm nghiệm bởi một hành giả Du Già có kinh nghiệm, thì tất cả chúng đều đi đến cùng một điểm."
Ngài nhắc lại rằng một số quan điểm triết học tinh tế quan trọng - về cơ bản - không khác nhau, ngay cả khi cách thể hiện chúng khác nhau, bởi vì chúng đều là kết quả của trí tuệ hiểu biết đã được phát triển cao.
Vào buổi sáng ngày 3 tháng 8, Đức Ngài đã quang lâm đến trường TCV địa phương để nói chuyện với cộng đồng người Tây Tạng địa phương. Trong buổi nói chuyện của mình, Ngài đã xem xét lại toàn bộ quá trình dân chủ hóa cộng đồng Tây Tạng từ những khát vọng mà Ngài đã có trong thời trẻ ở Tây Tạng, thông qua việc lưu vong và thành lập Quốc hội Tây Tạng lưu vong. Ngài cũng đưa ra sự đánh giá về các khía cạnh thực tế của phương pháp tiếp cận Con đường Trung đạo; và cách mà một chiến dịch giành độc lập có vẻ hấp dẫn ngay lập tức - nhưng chỉ trong hoàn cảnh hiện tại; và cuối cùng là không khả thi về lâu dài. Ngài nhận xét rằng thời điểm mà ngay cả một quốc gia phát triển và có tầm quan trọng về kinh tế như Đài Loan cũng bắt đầu nói đến sự ủng hộ độc lập của quốc tế không còn nữa. Ngài cũng giải thích về những thay đổi mà Ngài đã thực hiện liên quan đến Ganden Phodrang và những phát triển quan trọng khác gần đây.
Ngài đã được mời đến dùng bữa trưa chính thức do Hội đồng phát triển Miền núi tự trị Ladakh tổ chức. Trong lời bày tỏ lòng cảm kích, Ngài nói về tầm quan trọng của việc duy trì bản sắc của Ladakh, nhấn mạnh rằng Ngài không chỉ đề cập đến trang phục mà người Ladakh mặc, mà còn đề cập đến việc bảo tồn các giá trị và cách suy nghĩ của họ. Ngài khuyên họ nên làm việc chăm chỉ và đề phòng đừng để cho vấn đề tham nhũng len lỏi vào công việc của họ.
Ngày 4 tháng 8, bình minh hiện ra dưới bầu trời xám xịt u ám sau một cơn bão của đêm qua, nhưng ngay cả khi trời bắt đầu lắc rắc cơn mưa phùn, thì thời tiết dường như vẫn không thể làm giảm đi sự nhiệt tình của gần 40.000 người đã đến để nghe Đức Ngài giảng dạy tại Sân bãi Shiwatsel ở Choglamsar, Leh. Họ bao gồm những người từ khắp nơi của Ladakh, trong số đó có nhiều người đến từ các vùng du mục như Chang Thang, người Tây Tạng sống ở Leh và những du khách nước ngoài. Ngài bắt đầu bằng cách nói rằng,
“Khi nghe giảng dạy về tôn giáo, động lực của quý vị là rất quan trọng. Trên thực tế, tôi có thể nói một cách thẳng thắn, nếu quý vị biến Pháp thành một phần sinh kế của mình, thì quý vị chưa chắc đã thành công.
“Bất cứ nơi nào tôi giảng dạy, tôi đều nhấn mạnh rằng việc giảng dạy phải xác thực. Giáo Pháp mà chúng tôi chia sẻ, đầu tiên đã được Ngài Tịch Hộ mang truyền đến từ Đại học Nalanda. Một trong những điểm được nhấn mạnh đó là sự tuân thủ thọ trì nghiêm ngặt Luật tạng hay kỷ luật của thiền môn. Ví dụ như, khá rõ ràng rằng Chư Tăng không được mặc áo dài tay và các hành giả Mật thừa nên mặc áo choàng trắng. Sẽ không thích hợp tí nào nếu mặc pháp phục Tăng Sĩ chỉ để tham dự một buổi thuyết Pháp, cũng không thích hợp khi mặc áo Tu sĩ mà lại để tóc dài”.
Ngài lưu ý rằng có những người nước ngoài đến từ các quốc gia không theo đạo Phật; và nhắc lại lời khuyên mà Ngài thường đưa ra rằng, sẽ tốt hơn và an toàn hơn nếu quý vị gắn bó với tôn giáo mà quý vị đã được sinh ra. Tuy nhiên, quý vị có quan tâm đến Phật giáo hay không thì điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi cá nhân, đó là sự lựa chọn cá nhân. Không bao giờ có trường hợp khăng khăng rằng bất cứ ai cũng nên áp dụng lời dạy của Đức Phật. Trên thực tế, Đức Phật khuyên các tín đồ của mình nên xem xét những gì mà Ngài đã dạy; và chỉ áp dụng nó nếu họ cảm thấy nó đáng giá, chứ không chỉ vì lòng kính trọng dành cho Ngài. Tương tự như thế, Ngài khuyên thính chúng Ladakh của mình rằng, mặc dù cũng có người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở Ladakh, nhưng văn hóa Ladakh phần lớn là văn hóa Phật giáo và là di sản đáng được bảo tồn.
Nhớ lại niềm yêu thích của mình đối với khoa học từ lúc còn bé, khi tò mò muốn biết mọi thứ hoạt động như thế nào, Ngài nói về cuộc đối thoại liên tục mà Ngài đã thực hiện với các nhà khoa học trong khoảng ba mươi năm qua. Ngài thừa nhận những đóng góp của khoa học trong việc giải quyết nhiều vấn đề của con người trong các lĩnh vực như y học và sức khỏe, nhưng Ngài cũng cảnh báo rằng, chỉ vì khoa học chưa thể chứng minh được điều gì đó - chẳng hạn như sự tái sinh -không có nghĩa là nó không tồn tại. Trong quá khứ, mọi người chuyển sang tôn giáo vì họ sợ ma quỷ và linh hồn; và ở một mức độ nào đó khoa học đã xoa dịu được những nỗi sợ hãi đó. Bây giờ, điều quan trọng là phải hỏi lợi ích của tôn giáo trong thế kỷ 21 là gì. Nó chỉ là một phong tục đã được truyền qua hàng thế kỷ mà chúng ta đang giữ cho cuộc sống; hay nó là một cái gì đó có thể góp phần vào cuộc sống hạnh phúc hơn của chúng ta ngày nay?
Đức Ngài kể câu chuyện về chuyến viếng thăm Patna - thủ phủ của bang Bihar thể theo lời mời của Thủ hiến để khánh thành một công viên Phật giáo mới thành lập. Sau khi vị Thủ hiến đã gợi lên sự gia trì của Đức Phật đối với sự an sinh và thịnh vượng của Bihar, Đức Ngài nói rằng Ngài không thể cưỡng lại việc nêu lên rằng, nếu sự phát triển của Bihar phụ thuộc vào sự gia trì của Đức Phật, thì nó đã thịnh vượng từ lâu rồi. Ngài nhận xét rằng nếu sự gia trì của Đức Phật là một yếu tố, thì nó cần phải được chuyển tải qua bàn tay của một vị Thủ lĩnh có năng lực. Ngài gợi nhớ lại rằng người Tây Tạng đã mất đi Tổ quốc của họ vì quá nhiều người đặt niềm tin vào những lời cầu nguyện và thần chú, thay vì nên thực hiện các biện pháp thiết thực. Ngài khuyên người dân Ladakh thay vào đó nên nhấn mạnh vào sự giáo dục và chính phủ tốt. Một phần quan trọng trong lời dạy của Đức Phật đề cập đến luật nhân quả, thực tế là hành động của chính chúng ta là nguyên nhân cho những gì xảy ra với chúng ta.
Vào cuối buổi nói chuyện của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khuyên,
“Hãy suy nghĩ về những điều tôi đã nói, và cố gắng nghĩ về Phật giáo là gì. Nếu quý vị thấy nó hay và hữu ích, thì hãy nỗ lực để phát huy tác dụng của nó!”.
Ngài cho biết các bản văn mà Ngài sẽ đề cập đến là “Đèn soi Nẻo Giác” của Ngài Atisha, được thỉnh cầu bởi một vị vua của Tây Tạng; và sự trao truyền mà Đức Ngài đã nhận được từ Serkong Tsenshab Rinpoche; cũng như “Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ” của Je Tsongkhapa mà Ngài nhận được từ các vị Thầy Giáo Thọ của mình là Tagdag Rinpoche, Ling Rinpoche và Trijang Rinpoche. Ngài sẽ tiếp tục thuyết Pháp vào ngày mai.