New Delhi, Ấn Độ, ngày 10 tháng 9 năm 2012 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quang lâm đến New Delhi vào sáng nay, và buổi chiều Ngài là khách mời chính tại một sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập Cơ quan Quản lý Trường học Trung ương Tây Tạng (CTSA). Ngài đã được cùng tham gia trên diễn đàn bởi Bộ trưởng Liên minh Phát triển Nguồn nhân lực - Shri Kapil Sibal, Kalon Tripa Lobsang Sangay, Tổng Thư ký kiêm Chủ tịch CTSA - Shri Apurva Chandra, và Thư ký Giáo dục và Văn học trường học - Shrimati Anshu Vaishji. Các vị khách mời đã được giới thiệu bởi Shri Rajiv Mehrotra - người - ngoài công việc của mình là một nhà văn và phát thanh viên, còn là Thư ký của Hội Trách nhiệm Phổ quát của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Kalon Tripa - Lobsang Sangay, một cựu học sinh của trường CTSA ở Darjeeling, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với CTSA nói chung và đặc biệt đối với tầm nhìn của Đức Ngài, nhờ đó mà CTSA đã có hiệu lực. Ông chỉ ra rằng ngoài bản thân ông - Chủ tịch Quốc hội Tây Tạng lưu vong hiện nay và Chánh án đã được giáo dục trong các trường học Trung ương Tây Tạng. Ông ghi nhận sự hào phóng của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ trong việc cung cấp cho trẻ em Tây Tạng một nền giáo dục hiện đại. Ông lưu ý rằng các truyền thống cổ xưa của Phật giáo và ahimsa cũng như sự thực hành dân chủ đương thời của người Tây Tạng đã noi theo tấm gương điển hình của Ấn Độ.
Ông nói: “Cảm ơn Ngài - một mặt thì dễ; nhưng mặt khác thì lại khó, vì chúng con không thể nào cảm ơn Ngài đủ cả!”.
Bộ trưởng Phát triển Nguồn nhân lực Liên minh - Kapil Sibal nói rằng, thật là khoảnh khắc đáng tự hào khi được kỷ niệm Năm Vàng của CTSA. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu chúng ta chỉ biết đắm chìm trong những vinh quang của quá khứ thì không đủ, mà cần phải xem xét về những gì sẽ cần thiết và những gì có thể làm tốt hơn trong tương lai. Ông ấy trích dẫn lời Douglas Adams, nói,
“Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là xây dựng nó”, đó chính xác là những gì chúng ta nên làm!”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào các anh chị em của mình trong số khán giả, nhắc nhở họ về việc bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu khi nói chuyện trước công chúng Ngài đều luôn cho rằng mình đang nói chuyện với những con người - mà về cơ bản - đều giống như nhau. Ngài cho rằng điều này đáng được nhấn mạnh, bởi vì rất nhiều điều rắc rối phát sinh khi mọi người tập trung quá nhiều vào những sự khác biệt bề ngoài, điều đó sẽ có xu hướng gây chia rẽ.
“Tất cả chúng ta đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc và chúng ta có quyền đạt được điều đó. Vì vậy, thay vì cãi vã, chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau. Đây là cơ sở nền tảng của giá trị con người của chúng ta, cho dù chúng ta có theo sự tín ngưỡng tâm linh nào hay không. Chúng ta được trang bị về mặt sinh học để trở nên tử tế và từ bi nhờ sự chăm sóc của mẹ. Thật không may, đôi khi nền giáo dục hiện đại lại chú ý nhiều hơn đến những sự khác biệt thứ cấp giữa chúng ta, hơn là những yếu tố chung hợp nhất”.
Đức Ngài đã mô tả Năm Vàng của CTSA là một khoảnh khắc đặc biệt khiến người ta nhớ đến hình ảnh của Pandit Nehru trong văn phòng của ông tại Teen Murti Bhavan mà không đội mũ, đỉnh đầu của ông sáng bóng trong ánh sáng, những câu đùa vui nhộn nhịp giữa các cuộc thảo luận của họ. Ngài nhớ lại khi đến Ấn Độ vào tháng 4 năm 1959 và mối quan tâm trước mắt là phúc lợi của 70-80.000 người tị nạn Tây Tạng.
“Bản thân Pandit Nehru, một người có học vấn cao, đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến người dân Tây Tạng và đặc biệt là quyền lợi của con cái họ. Năm 1954, khi tôi là thành viên của phái đoàn tới Bắc Kinh, tôi đã tham dự một bữa cơm tối do Thủ tướng Trung Quốc - Chu Ân Lai chủ trì. Đi cùng với ông ta là Pandit Nehru, người mà ông ta đang giới thiệu với những vị khách khác của mình. Khi ông ấy đến chỗ tôi, ông ấy nói, "Đây là Đạt Lai Lạt Ma", và Nehru đã dừng lại và đứng một lúc không nói nên lời. Khi đó tôi nghĩ rằng đây là một dấu hiệu cho thấy ông ấy quan tâm đến Tây Tạng.
“Ông ấy đến gặp tôi ngay sau khi tôi đến Ấn Độ vào tuần thứ ba của tháng 4 năm 1959 và vào cuối năm 1959 hoặc đầu năm 1960 khi chúng tôi thảo luận về giáo dục, ông nói với tôi rằng cách tốt nhất để giữ cho vấn đề Tây Tạng được tồn tại là giáo dục con cái của chúng tôi. Đã có cuộc thảo luận về phương tiện giảng dạy nên là gì, liệu nó nên là tiếng Hindi hay tiếng Anh. Nehru đề xuất tiếng Anh vì đó là ngôn ngữ quốc tế. Sau bữa trưa, ông ấy khăng khăng yêu cầu chúng tôi thông báo về sự thành lập của CTSA. Giờ đây, 52 năm sau, tổ chức này vẫn đang trông coi chăm sóc các trường học của chúng tôi”.
Đức Ngài đã so sánh sự kiện này với các Hoàng đế Tây Tạng ở thế kỷ thứ 7, 8 và 9 khi họ mời các vị thầy Ấn Độ đến Tây Tạng, đầu tiên là nhà triết học và đồng thời cũng là nhà logic vĩ đại - Ngài Tịch Hộ. Trong thời gian này, một loạt các Đạo Sư Ấn Độ đã đến Tây Tạng và các học trò Tây Tạng đã đến học ở Ấn Độ. Điều này đã khiến một học giả Tây Tạng có nhận xét rằng mặc dù Xứ Tuyết có màu trắng, nhưng cho đến khi có ánh sáng từ Ấn Độ truyền vào, Tây Tạng vẫn là bóng tối âm u. Đức Ngài nói rằng rõ ràng là mặc dù có quan hệ lâu đời với Trung Quốc, nhưng người Tây Tạng vẫn thích tìm hiểu về Phật giáo trực tiếp từ các nguồn của Ấn Độ.
Đức Ngài kết luận,
“Đôi khi tôi tự coi mình là “đứa con của Ấn Độ”; và một nhà báo Trung Quốc đã từng hỏi tại sao, có lẽ nghi ngờ về một số thành kiến chính trị. Tôi giải thích rằng toàn bộ nền giáo dục của tôi, từng tế bào trong bộ não của tôi, đều thấm nhuần truyền thống Ấn Độ và thậm chí cơ thể của tôi cũng đã được nuôi dưỡng trong hơn nửa cuộc đời của tôi nhờ vào dal (món súp đậu) và roti (một loại bánh mì nướng dẹp, tròn được làm từ một lúa mì nguyên cám được gọi là atta) của Ấn Độ. Tôi coi Ấn Độ là Guru (Đạo Sư) của chúng tôi và chúng tôi là chela (học trò) của quý vị. Bởi vì, cũng giống như thời cổ đại quý vị đã dạy chúng tôi về Phật giáo, vì vậy trong hiện tại, quý vị đã cho chúng tôi nền giáo dục hiện đại. Chúng tôi biết ơn tất cả những người đã đóng góp cho điều này. Tôi cảm ơn quý vị về phần cá nhân tôi, và tôi cũng xin thay mặt cho cộng đồng người tị nạn Tây Tạng và thay mặt cho 6 triệu người dân Tây Tạng xin được gởi lời tri ân đến với đất nước và nhân dân Ấn Độ”.