New Delhi, Ấn Độ, ngày 15 tháng 12, 2012 - Một sự kiện quan trọng và đầy cảm hứng đã diễn ra hôm nay tại New Delhi - thủ đô của Ấn Độ, đất nước khởi nguồn của Phật giáo cách đây 2600 năm, khi một nhóm Đại lão Hoà thượng Thái Lan trong số gần 50 Vị Tăng Sĩ và học giả gặp nhau để cùng tham gia vào một đối thoại giữa các Phật tử với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những người thảo luận từ phía Thái Lan bao gồm Phrarajnyanakavi, Phra Dr Anil Sakya, Phra Paisal Visalo, Dr Seksan Presertkul, Dr Krissanapong Kirtikara và Dr Veerathai Santiprabhob, trong khi Đức Ngài được tháp tùng bởi Giáo sư Samdhong Rinpoche, Geshe Ngawang Samten, Geshe Lhadesk. Gần 300 Phật tử tại gia từ Thái Lan đã say sưa lắng nghe các cuộc thảo luận của họ.
Những lời chào mừng và kính trọng đã được phát biểu bởi một nữ đại diện của Tàng Thư Buddhadasa Indapanno, nơi có ảnh hưởng trong việc tổ chức sự kiện này. Cô đề cập đến việc Đức Ngài đã là một người bạn tinh thần của hai vị Đại lão Hoà thượng Thái Lan và bày tỏ mong muốn rằng mối quan hệ giữa truyền thống Thái Lan và Tây Tạng sẽ tiếp tục phát triển. Cô cho biết mục đích của cuộc đối thoại là củng cố niềm tin vào Phật pháp; củng cố mối quan hệ giữa người Thái và người Tây Tạng và thúc đẩy các hoạt động hữu ích khác.
Một đoạn phim ngắn về chuyến viếng thăm lần thứ hai của Đức Ngài đến Thái Lan vào năm 1972 đã được trình chiếu, sau đó là thông điệp của Đức Sangharaja người Thái Lan, 100 tuổi, đã được đọc. Ông nêu lên rằng cuộc gặp gỡ này rất phù hợp với truyền thống từ thời Đức Phật. Ông lưu ý rằng Đức Phật đã rất cởi mở và sẵn sàng lắng nghe người khác, chỉ đưa ra quan điểm của riêng mình khi được thỉnh cầu. Trong khi Phật giáo có những hình thức khác nhau ở những nơi khác nhau, những khác biệt này không nên được coi là nền tảng để phân biệt đối xử thiếu suy nghĩ, mà nên khuyến khích chúng ta cùng nhau đối thoại để loại bỏ sự hiểu lầm.
Đức Ngài bắt đầu bài diễn văn của mình với những lời chào thông thường:
“Kính thưa các Thầy Tỳ Kheo! Thưa các anh chị em Phật tử kính mến! Tôi vô cùng hoan hỷ khi thấy sự quy tụ đông đảo của chư Phật tử Thái Lan, trong đó có nhiều Tăng Sĩ. Kể từ chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi đến Thái Lan vào năm 1967, tôi đã rất ấn tượng trước sức mạnh của Phật giáo ở đất nước của quý vị. Tôi nhớ lại rằng trong các cuộc trò chuyện của tôi với Đức Sangharaja vào thời điểm đó, tôi đã hỏi Ngài ấy nghĩ gì về thực tế là trong khi các Tu Sĩ Cơ đốc giáo tham gia vào các công tác xã hội rộng rãi, thì những người theo đạo Phật của chúng ta lại không làm như thế. Ngài ấy trả lời rằng đó là quy tắc để Chư Tăng Ni Phật giáo ở lại tu viện của họ để nghiên cứu và tu luyện thiền định.”
Giọng của Đức Ngài hơi khàn, một phần là kết quả của việc Ngài bị cảm, nhưng cũng bởi vì Ngài vừa giảng những buổi giảng dài cho khoảng 20.000 Tăng ở Nam Ấn Độ, Ngài đã nói chuyện trong suốt sáu mươi giờ đồng hồ trong hai tuần qua.
Lưu ý rằng, cũng giống như tất cả các hiện tượng nhân duyên hội tụ khác, Phật giáo cũng vô thường và cũng sẽ biến mất, Đức Ngài nói rằng nó đã tồn tại được 2600 năm nhờ vào sự ủng hộ của các tín đồ, chủ yếu là Chư Tăng. Bây giờ trong thế kỷ XXI này, ngay cả ở những quốc gia không có truyền thống Phật giáo trước đây, thì sự quan tâm đến Phật giáo ngày càng tăng giữa những người bình thường và các nhà khoa học. Ngài nói rằng những gì Ngài coi là truyền thống Pali - mà phần lớn Phật giáo Thái Lan thuộc về truyền thống ấy - là nền tảng của tất cả các truyền thống Phật giáo. Đạo đức và kỷ luật được mô tả trong Luật tạng là nền tảng để rèn luyện cả định (shamatha) và tuệ (vipassana). Ngài nêu rõ rằng với sự trợ giúp của sự tập trung (định), tâm thức của chúng ta có khả năng duy trì sự định tĩnh; và bằng cách áp dụng sự phân tích, chúng ta sẽ đạt được sự hiểu biết (tuệ).
“Tuy nhiên,” Ngài nói, “chúng ta phải nhớ đến phần còn lại của nhân loại. Nếu chúng ta có thể tạo ra một thế giới hòa bình hơn, thì mọi người đều được lợi ích. Và để đạt được điều này, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có một cách tiếp cận thế tục hơn là một tôn giáo - để bồi dưỡng đạo đức. Karuna hay lòng từ bi thực sự mang lại sự bình yên và sức mạnh nội tâm. Những người thực hành lòng từ bi sẽ trở nên định tĩnh hơn và ít bị sợ hãi hơn”.
Ngài ủng hộ điều này bằng cách báo cáo rằng các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng khi bạn có lòng từ bi, thì sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của bạn sẽ được cải thiện.
Khi đến phần vấn đáp, Đức Ngài có một số câu hỏi của riêng mình. Ngài muốn biết liệu có truyền thống nào về lễ thọ giới Tỳ Kheo Ni - Giới Cụ Túc cho các ni cô - theo truyền thống của Thái Lan hay không. Xin lưu ý rằng chúng ta biết một truyền thống như vậy đã tồn tại trong thời của Đức Phật. Ngài cũng muốn biết về sự sắc phong rõ ràng của cây cối; và rõ ràng rằng đây là một trường hợp bảo vệ cây cối bằng cách quấn chúng trong các Pháp phục Tu sĩ được tôn trọng phổ biến ở Thái Lan.
Khi được hỏi về việc thực hành Phật Pháp đối với người tại gia, Đức Ngài nói rằng, rõ ràng là Đức Phật đã xem người tại gia và người xuất gia đều có cơ hội như nhau; và họ đều có thể đạt được giải thoát và giác ngộ. Tuy nhiên, những người xuất gia, không có trách nhiệm với gia đình, chỉ có chăm sóc cho bản thân cho nên họ có nhiều thời gian hơn để tu tập. Đối với một câu hỏi khác về sự tham khảo của người Tây Tạng về sự bất khả phân của sinh tử và niết bàn, Đức Ngài cười và nói rằng nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề này qua giá trị bề mặt, thì chúng ta sẽ phải tự hỏi tại sao Đức Phật lại từ bỏ cuộc sống vương giả của mình để dấn thân vào sự khổ hạnh và thiền định sáu năm. Giải thích rõ về hạnh phúc là gì, Ngài đã rút ra sự khác biệt giữa sự thỏa mãn cảm giác ngắn ngủi như nghe nhạc hoặc thưởng thức món ăn ngon; và niềm vui lâu dài hơn bắt nguồn từ sự hạnh phúc về mặt tinh thần. Ngài nói, đây là một lĩnh vực cần được khám phá thêm, Ngài nhận xét rằng tiếng Anh và các ngôn ngữ phương Tây khác không đủ vốn từ vựng để thảo luận về những vấn đề này một cách thỏa đáng.
Sau bữa trưa, khi nói về “Giải pháp cho các Vấn đề Thế giới”, Đức Ngài đã đề cập đến việc thế kỷ XX đã bị đánh dấu bằng bạo lực và sự đổ máu, mà trong giai đoạn đó, một số sử gia đã nói rằng có khoảng 200 triệu người đã phải chết vì bạo lực. Ngài nói,
“Chúng ta cần phải tìm một phương pháp mới để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta có những vấn đề lớn cần giải quyết: sự biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, chênh lệch giữa giàu - nghèo và nạn tham nhũng. Mọi người lo lắng về một dự đoán cổ xưa của người Maya về ngày tận thế sắp xảy ra, nhưng trừ khi chúng ta giải quyết vấn đề tham nhũng, giống như một căn bệnh ung thư, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với thảm họa. Tôn giáo là quan trọng, nhưng nó đã không thành công trong việc kiểm tra tệ nạn này. Dân chủ, pháp quyền và tự do báo chí có thể ngăn chặn tham nhũng, nhưng họ cũng đã thất bại. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi không có những phẩm chất này và mọi quyền lực đều được tập trung, nhưng tham nhũng vẫn tràn lan. Yếu tố then chốt là thiếu kỷ luật tự giác và các nguyên tắc đạo đức”.
Ngài nói thêm một lần nữa rằng, chúng ta cần phải tìm cách thúc đẩy đạo đức thế tục xuất phát từ nhận thức thông thường và những phát hiện của khoa học.
“Chúng ta nên nhớ rằng, Đức Phật đã thuyết Pháp vì lợi ích của tất cả loài người. Chúng ta cũng là một phần của nhân loại. Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta phải có trách nhiệm làm việc cùng nhau. Là một Phật tử Tây Tạng, mối quan tâm của tôi là dành cho toàn thể nhân loại, quý vị cũng nên xem xét nhiều hơn là chỉ có lưu tâm đến Thái Lan và Bangkok."
Được hỏi về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Đức Ngài cho biết rằng Ngài rất ngạc nhiên khi nó xảy ra; và Ngài đã hỏi bạn bè về nguyên nhân của nó. Họ nói với Ngài rằng nó xảy ra là do quá tham lam và suy đoán, vì vậy, ở một mức độ nào đó, sự vô minh đã có liên quan đến vấn đề này. Ngài chỉ ra sự cần thiết phải phân biệt giữa tham lam và mong muốn, bởi vì có thể có những sự mong muốn tích cực chẳng hạn như mong muốn giải thoát và thành Phật.
Về lòng từ bi, Đức Ngài đã phân biệt giữa lòng từ bi thiên vị mà chúng ta có thể cảm nhận được đối với những người thân thiết với chúng ta; và loại lòng từ bi thuần khiết không giới hạn, có thể coi kẻ thù của chúng ta là đồng loại cần được giúp đỡ. Được nhắc nhở rằng vào năm ngoái, Ngài đã nói rằng Niết bàn không thể đạt được thông qua sự tụng kinh và cầu nguyện, Ngài đã được hỏi làm thế nào để trau dồi một cái nhìn đúng đắn về điều đó. Ngài nói,
“Việc trau dồi một cái nhìn tổng thể và thực tế hơn cần có thời gian và sự nỗ lực kiên định. Như tôi đã nói, tôi vừa thuyết giảng một đợt thuyết Pháp dài và tận tâm cho 20.000 Tăng Sĩ ở Nam Ấn Độ. Điều đó có mang lại sự thay đổi ngay lập tức trong tư tưởng của họ không? Tôi không chắc chắn về điều đó. Họ cần phải làm việc với nó trong một thời gian dài hơn. Điều chúng ta cần hướng tới lúc này là một kiểu cân bằng cảm xúc; loại bỏ cảm xúc tiêu cực của mình là khó nhưng nó có thể thực hiện được. Chúng ta cần phải nghiêm túc trong quá trình rèn luyện của mình. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị vào ngày mai."