Dharamsala, HP, Ấn Độ, ngày 10 tháng 2 năm 2012 (Theo tờ thời báo Hindustan) - Ông ta không có quân đội, ông ta không thể chỉ huy người dân của mình bằng súng đạn và ông ta không phải là người ly khai.
Biểu tượng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Nam Phi - Đức Tổng Giám mục Desmond Tutu - đã nói những lời này với người Trung Quốc trong khi đề cập đến nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng và là người đã từng đoạt giải Nobel - Đức Đạt Lai Lạt Ma - tại đây hôm thứ Sáu.
"Tôi muốn nói với chính phủ Trung Quốc rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là người yêu chuộng hòa bình nhất trên trái đất này. Tôi muốn nói với chính phủ Trung Quốc rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma không có quân đội, Ngài không thể chỉ huy người dân của mình bằng súng đạn, Ông ấy không phải là một người ly khai," Tutu đã nói tại một buổi lễ công khai do chính phủ lưu vong Tây Tạng tổ chức trong chuyến viếng thăm của mình.
Tìm kiếm quyền tự chủ nhiều hơn cho người dân Tây Tạng, Tutu nói: "Làm ơn, các vị lãnh đạo ở Bắc Kinh, chúng tôi cầu xin quý vị, hãy cho phép Tây Tạng được như hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cam kết. Hiến pháp cho phép quyền tự trị và đó là tất cả những gì mà Ngài Đạt Lai Lạt Ma và những người dân của Ngài ấy mong muốn."
"Chúng tôi cầu xin quý vị! và đồng thời cũng nhắc nhở quý vị rằng đây là một vũ trụ đạo đức. Không có cách nào mà bất công, áp bức và xấu xa có thể có lời nói cuối cùng", cựu tổng giám mục nói trong thông điệp gửi tới giới lãnh đạo Trung Quốc.
Với người dân Tây Tạng, ông nói: "Chúng tôi sẽ đến thăm các bạn ở Tây Tạng. Chúng tôi sẽ tiến vào một Tây Tạng tự do."
Người bạn lâu năm của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - Tutu đã đến Dharamsala để gặp gỡ Ngài.
Để bày tỏ một cử chỉ của tình bằng hữu, Đại Lão Hoà Thượng này đã đặc biệt đến sân bay Gaggal, cách 15 km từ cung điện của Ngài tại McLeodganj, để đón Tutu vào buổi sáng.
"Tôi chào đón một bậc vĩ nhân của ngày hôm nay. Ông ấy là một nhân cách vĩ đại và nổi tiếng trên thế giới", Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trong bài diễn văn chào mừng của mình.
“Ông ấy là một người ủng hộ mạnh mẽ tầm quan trọng của tình yêu thương, lòng từ bi và tinh thần bình đẳng. Ngay cả ở đất nước Nam Phi của mình, ông ấy đã cùng với Nelson Mandela đã làm việc hết lòng thông qua tinh thần bất bạo động vì quyền bình đẳng và dân chủ thực sự", Ngài nói.
"Điều quan trọng nhất là, ngay cả sau khi đã giành được dân chủ và quyền bình đẳng ở đất nước của ngài, những cảm giác thù hận và ác ý khó chịu vẫn còn tồn tại trong lòng người dân. Đức Tổng Giám mục Tutu đã có những nỗ lực đặc biệt để hòa giải mọi người và loại bỏ những cảm xúc bất bình và ác ý đối với nhau.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi người đồng giải Nobel hãy cầu nguyện cho hạnh phúc của những người dân Tây Tạng đang bị đàn áp ở Tây Tạng.
"Người Tây Tạng đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Nền văn hóa Tây Tạng tinh vi và giàu lòng nhân ái của chúng tôi đang thực sự phải đối mặt với rất nhiều khó khăn", bậc Đại Lão Hoà Thượng nói.
"Một điều nữa là, ông ấy đã làm việc không mệt mỏi vì sự thật, lương thiện và bình đẳng. Ông ấy không thấy có bất kỳ sự khác biệt nào. Bất cứ nơi nào có sự lạm dụng nhân quyền hay quyền tự do của người dân bị cướp đi, dù là Miến Điện hay Tây Tạng, ông ấy vẫn luôn là người đầu tiên nói về việc chống lại nó," Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về Tutu.
Vào tháng 10, Vị Tăng Sĩ công du khắp thế giới này đã phải hủy chuyến viếng thăm Nam Phi của mình vì việc chính phủ ở đó cấp thị thực cho Ngài là "bất tiện" vì nước này có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Ngài đã được Tutu mời vào dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sống lưu vong ở Ấn Độ kể từ khi Ngài rời khỏi Tây Tạng trong một cuộc khởi nghĩa thất bại vào năm 1959. Ngài yêu cầu “quyền tự trị nhiều hơn" cho người dân Tây Tạng hơn là “độc lập hoàn toàn”.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi Ngài là một người ly khai muốn Tây Tạng ly khai khỏi Trung Quốc.