Dharamsala, HP, Ấn Độ, ngày 25 tháng 2 năm 2013 - Sáng sớm nay, sau khi tham dự buổi lễ Bố Tát (So-jong) của tu viện trong Chùa chính ở Theckchen Chöling, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quang lâm đến an toạ trên Pháp toà trong vườn Chùa. Trước tiên, Ngài đã giải thích về tầm quan trọng của ngày này:
“Hôm nay, vào lúc trăng tròn, chúng ta nhớ đến dịp mà Đức Phật đã thi triển thần thông và hàng phục các đối thủ. Vào ngày này, có truyền thống đọc một trong những Câu chuyện Jataka, những câu chuyện về tiền kiếp của Đức Phật với tư cách là một vị Bồ tát. Đó là một truyền thống bắt đầu với Ngài Je Tsongkhapa, người đã thành lập Đại lễ Cầu nguyện Mönlam Chenmo vào năm 1409. Lễ hội đã được tổ chức trong 550 năm ở Lhasa và chúng ta đã duy trì truyền thống này kể từ khi sống lưu vong vào năm 1959. Nó cũng đã được hồi sinh ở một mức độ nào đó ở Tây Tạng nhờ vào sự ảnh hưởng của cố Panchen Rinpoche.”
Đức Ngài hỏi, "Chúng ta đang tưởng niệm điều gì?" và giải thích rằng khi Vasubhandu bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Phật, ông xưng tán Ngài đã đoạn trừ được vô minh và đạt được sự giác ngộ; và trên cơ sở kiến thức đó để giảng dạy về thực tại. Có nhiều mức độ kiến thức khác nhau: kiến thức về các pháp mở rộng và rõ ràng hiển nhiên; và kiến thức về những thứ hơi tối nghĩa mà chúng ta chỉ có thể hiểu được thông qua lý trí và suy luận. Nếu chúng ta xác nhận những điều này với chính mình thông qua lý trí và phân tích, chúng ta kết luận rằng ta có thể tin tưởng những gì Đức Phật đã dạy, kể cả những điều rất tiềm ẩn - là sự thật. Như vậy, chúng ta có thể phát triển lòng tin dựa trên sự điều tra và nghiên cứu, chứ không chỉ dựa trên niềm tin mù quáng.
Ngài nêu lên rằng, tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, Đức Ngài nói rằng nguyên nhân chính của đau khổ, nỗi đau mà chúng ta tự gây ra, là do vô minh, thiếu hiểu biết. Vì vậy, chúng ta cần đoạn trừ vô minh. Chúng ta cần hiểu thực tế, đó là cách mà chúng ta có thể trực tiếp đối trị lại sự thiếu hiểu biết của mình. Chúng ta có thể đạt được tự do và giải thoát, vượt qua đau khổ, bằng cách tích luỹ kiến thức, hiểu biết sâu sắc về bản chất tối hậu của các pháp. Chúng ta có thể biết và hiểu bởi vì bản chất của tâm là rõ ràng và thấu biết. Đức Ngài khuyên rằng chúng ta cần đọc và nghe những lời giảng dạy, suy ngẫm về những gì chúng ta đã đọc hoặc đã nghe cho đến khi chúng ta hiểu nó; và sau đó suy ngẫm về những gì chúng ta đã hiểu. Ngài đề cập rằng có một số giáo lý có thể được hiểu theo nghĩa đen; và những giáo lý khác cần phải được giải thích. Ngài nói rằng điều mà Đức Phật giải thích rõ ràng là mọi thứ phụ thuộc lẫn nhau; không có gì tự nó đến một cách độc lập bởi chính nó. Mọi thứ chỉ xảy ra khi phụ thuộc vào các yếu tố khác.
Đức Ngài nói rằng có 7 tỷ người trên thế giới, không ai trong số họ muốn đối mặt với rắc rối. Vậy tại sao chúng ta phải đối mặt với những vấn đề? bởi vì chúng ta có cái nhìn hạn hẹp và không nhìn mọi thứ từ góc độ tổng thể. Mỹ và Trung Quốc có thể là các siêu cường quốc, nhưng họ gặp nhiều vấn đề vì lý do tương tự. Chẳng hạn, các nhà chức trách Trung Quốc cần nhìn vấn đề Tây Tạng từ một góc độ lớn hơn. Thay vì chỉ áp đặt quan điểm của mình, thì họ nên hành động theo thực tế. Đặng Tiểu Bình khuyến nghị nên tìm kiếm sự thật từ các sự kiện. Điều này phù hợp với lời dạy của Đức Phật. Tại sao chúng ta nên tìm kiếm sự thật từ các sự kiện? là để khắc phục những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt.
Đức Ngài nói: “Nếu quý vị cân nhắc đến phúc lợi của người khác, thì quý vị sẽ vẫn duy trì được đạo đức và luân lý. Sau đó, nếu quý vị có cơ hội để lừa đảo và dối gạt người khác, nhưng quý vị sẽ biết tự kiềm chế được mình. Bởi vì chúng ta phụ thuộc vào người khác, cho nên chúng ta nên tránh làm hại họ”.
Khi nói rằng đặt lên trên hạnh phúc của bản thân là quan tâm đến việc giúp đỡ người khác và quý trọng người khác hơn chính mình, các vị Bồ tát đã thông tuệ đảm bảo sự hạnh phúc cho chính mình. Ngài hỏi tại sao chúng ta cần phải có đạo đức; và trả lời rằng đó là vì chúng ta muốn hạnh phúc. Nếu chúng ta có đạo đức, điều đó tạo ra niềm tin. Niềm tin mang đến cho chúng ta những người bằng hữu. Chúng ta tạo được sự tin tưởng bằng sự trung thực, thẳng thắn và minh bạch. Đây là cách sống đạo đức vì lợi ích của chính chúng ta.
Quả vị Phật không chỉ là kết quả của việc vượt qua cả những chướng ngại thô thiển và vi tế bên trong chúng ta; mà Đức Phật cũng dạy cách trau dồi những phẩm chất tích cực bằng cách áp dụng lý trí. Ngài đã chỉ ra những phương tiện mà chúng ta có thể chuyển hoá chính mình từ những người mới bắt đầu chập chững bước đi trên con đường cho đến sự thành tựu cuối cùng của nó.
Trong số 7 tỷ người trên trái đất ngày nay, khoảng 1 tỷ người được cho là không theo tôn giáo nào cả. Nhưng, Đức Ngài hỏi, có bao nhiêu người trong số những người được cho là tín đồ tôn giáo thực sự đang lừa dối chính họ và những người khác. Ở Ấn Độ, phần lớn người dân rất sùng đạo, tuy nhiên nạn tham nhũng lại phát triển mạnh, mâu thuẫn rõ ràng với xu hướng này. Không có tôn giáo nào dạy chúng ta bắt nạt, lừa dối hoặc bóc lột người khác, vì vậy những người tham nhũng theo cách này không thực sự là những người theo tôn giáo. Ngài nói rằng những gì chúng ta có thể học được từ điều này là cần phải thành tâm theo Phật giáo hoặc bất kỳ tôn giáo nào mà chúng ta đã tin tưởng.
Đức Ngài nhận xét rằng văn học Tây Tạng bao gồm hơn 300 tập Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận Tạng), những lời dạy của Đức Phật đã được dịch và các bài luận giải của các bậc thầy Phật giáo Ấn Độ tiếp theo sau đó. Ngài nói rằng chúng ta nên coi chúng như những cuốn sách văn bản để đọc và nghiên cứu, chứ không chỉ là những đối tượng để tôn thờ. Ngài chỉ ra rằng trong các chuyến công du của mình, Ngài không bao giờ khen ngợi Phật giáo hơn các truyền thống tâm linh khác; hoặc gợi ý rằng những người khác nên trở thành Phật tử, tuy nhiên, người Tây Tạng cần phải thừa nhận kho báu là di sản Phật giáo của họ.
“Chúng ta có ngôn ngữ của riêng mình, đó là phương tiện tốt nhất để giải thích về Phật giáo. Tiếng Anh không phải lúc nào cũng đủ hoặc đủ chính xác cho những gì chúng ta muốn diễn đạt. Tiếng Tây Tạng có thể chưa giải thích được khoa học hiện đại, nhưng nó là ngôn ngữ tốt nhất để truyền đạt giáo lý Phật giáo. Chúng ta cần nhận thức được giá trị của những gì chúng ta đang có. Chúng ta cất giữ vàng và các vật có giá trị khác trong két sắt an toàn, nhưng kiến thức thì không phải như vậy. Nếu chúng ta không sử dụng nó hoặc áp dụng nó, thì nó sẽ chẳng hữu ích gì cả!”.
Nói rằng đây là một lời giới thiệu khái quát, Đức Ngài trích dẫn lời xưng tán của Je Tsongkhapa đối với Đức Phật về việc giảng dạy về thực tại; Đạo Phật là một con đường đưa đến giải thoát. Lý luận là một phần của con đường ấy. Ngài nói,
“Vào những năm 60, người Trung Quốc đã coi Phật giáo là một dạng của đức tin mù quáng, họ dự đoán rằng với sự phát triển của hiểu biết về khoa học, Phật giáo sẽ tàn lụi. Nhưng điều này đã không xảy ra. Trên thực tế, nhiều nhà khoa học danh tiếng ngày nay đã rất ngưỡng mộ Phật giáo như chúng ta đã thấy trong hội nghị Tâm thức & Đời sống gần đây ở Tu viện Drepung ở Nam Ấn Độ.”
Chuyển sang Câu chuyện Jataka thứ 29, ‘Một vị khách đến từ Brahmaloka’, Đức Ngài nói rằng Brahmaloka đề cập đến các giai đoạn phát triển khả năng tập trung khác nhau. Ngài nhận xét rằng gần đây Ngài đã được mời tham dự Maha Kumbh Mela ở Allahabad và rất mong được tham dự. Tuy nhiên, ngày đầu tiên hóa ra không phù hợp; và đến lần thứ hai mà Ngài đang hy vọng sẽ đi thì thời tiết đã ngăn cản chuyến viếng thăm của Ngài. Ngài bày tỏ sự tiếc nuối vì Ngài muốn đặc biệt nói chuyện với những thiền giả có kinh nghiệm, những người cũng coi sự bám chấp vào những đối tượng thô thiển là tiêu cực.
Ngài đã đọc Câu chuyện Jataka, kết luận rằng nhờ cuộc diện kiến với Bồ tát mà vị vua trong câu chuyện đã khắc phục được những quan điểm sai lầm của mình và phát triển được lòng khiêm tốn. Khi đi bộ trở về Dinh thự của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vẫy chào nhiều thành viên của công chúng. Chư Tăng, Ni và Cư sĩ vân tập tại Chùa sau đó tiến hành các phần nghi lễ cuối cùng của Lễ hội Đại Cầu Nguyện Mönlam Chenmo năm nay.