Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ, ngày 7 tháng 11 năm 2013 - Hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có cuộc gặp gỡ với một nhóm gồm 71 CEO, nghệ sĩ và trí thức Việt Nam, đa số là phụ nữ, trong khuôn viên Dinh thự của Ngài. Ngài bắt đầu, như Ngài vẫn thường làm, bằng cách nhấn mạnh tính nhân loại chung của Ngài và họ.
“Là con người, chúng ta đều như nhau. Một nhà thần kinh học sẽ cho bạn biết rằng bộ não của người Việt Nam và người Tây Tạng giống nhau, cảm xúc của chúng ta giống nhau, và trí thông minh của chúng ta cũng vậy. Do đó, chúng ta có cùng tiềm năng để suy nghĩ sâu sắc hơn về tình huống mà chúng ta gặp phải”.
Ngài nhận xét rằng xã hội chúng ta đang sống hướng tới sự phát triển vật chất; và hệ thống giáo dục của chúng ta cũng quan tâm đến các giá trị vật chất. Hậu quả là bị khiếm khuyết về các nguyên tắc đạo đức chung. Khi đặt câu hỏi với các vị khách, Ngài phát hiện ra rằng nền kinh tế Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong vòng 30-40 năm qua, tỷ lệ biết chữ ở Việt Nam là khoảng 95% và cả nước có lẽ chỉ có 2 tỷ phú.
Ngài nhận xét rằng, sự tham nhũng đã trở thành một loại bệnh ung thư gây ra cho nhiều nơi trên thế giới, mà hậu quả là phần lớn người nghèo phải gánh chịu. Điều này và sự biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn cần phải được giải quyết hiện nay. Sự tham nhũng xảy ra là vì thiếu đạo đức chung. Đức Ngài gợi ý rằng cần phải tìm ra những cách thức để khắc sâu những giá trị cơ bản như tính trung thực trong thế hệ trẻ; nếu không thì nạn tham nhũng sẽ tiếp tục dai dẳng. Đây là lý do tại sao Ngài rất tin tưởng vào sự cần thiết phải nâng cao đạo đức thế tục trong hệ thống giáo dục. Đạo đức thế tục sẽ hình thành một nền tảng để giải quyết phần lớn các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt ngày nay, nhiều vấn đề trong số đó là do con người tạo ra.
Đức Ngài đã mời các thính giả đặt câu hỏi. Một phụ nữ nói rằng cô ấy là Phật tử, điều đó khiến cô ấy cảm thấy hạnh phúc. Bạn bè của cô ấy yêu cầu cô giúp đỡ và cho lời khuyên; và cô ấy bảo họ hãy hỏi Chư Tăng, nhưng họ khẳng định họ quan tâm hơn đến những gì cô ấy nói - vậy cô ấy nên làm gì? Đức Ngài trả lời rằng vì chúng ta ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, nên đã đến lúc phát triển ý thức trách nhiệm toàn cầu, giúp đỡ lẫn nhau và thúc đẩy các giá trị của con người. Một người hỏi khác nói rằng ngày càng có nhiều người mà cô ấy quen biết - họ thấy rằng những lời cầu nguyện và nghi lễ không hữu ích, họ nên làm gì? Đức Ngài trả lời:
“Nếu chỉ trì tụng các câu thần chú là tất cả những gì cần thiết để vượt qua đau khổ thì các vị Bồ tát đã làm được rồi, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Chư Phật chỉ cho chúng ta sự thật về thực tại, các Ngài chỉ cho chúng ta con đường, nhưng đi theo hay không là tuỳ thuộc vào chúng ta.”
Dựa trên quan sát của một giáo viên Sufi tại một hội nghị liên tôn giáo ở Ấn Độ rằng, tất cả các tôn giáo đều có xu hướng giải quyết ba câu hỏi: Cái tôi là gì? Nó có một sự khởi đầu hay không? Và nó có kết thúc không? Đức Ngài đã giới thiệu các giáo lý Phật giáo trong bối cảnh khái quát chung của các tôn giáo lớn khác trên thế giới. Ngài giải thích rằng chỉ có Phật giáo mới dạy rằng cái tôi không phải là một cái gì đó tồn tại vững chắc, độc lập, mà được định danh dựa trên nền tảng của cơ thể và tâm thức mà thôi, nó giống như một chiếc xe đẩy được dán nhãn trên cơ sở các bộ phận của nó.
Đề cập đến Tứ Diệu Đế, Ngài nêu bật hai khuôn mẫu của quan hệ nhân quả: đau khổ và nguyên nhân của đau khổ - như được mô tả trong hai sự thật đầu tiên; và sự chấm dứt và con đường dẫn đến đến sự chấm dứt - được nêu trong sự thật thứ ba và thứ tư. Ngài nhắc lại rằng sự chấm dứt đau khổ được mang lại bằng cách thực hành con đường và rằng con đường bao gồm ba sự rèn luyện về định và tuệ dựa trên nền tảng của giới luật.
Các cuộc thảo luận của Ngài với nhóm sẽ được tiếp tục vào ngày mai.