New Delhi, Ấn Độ, ngày 20 tháng 9 năm 2014 - Sáng nay, ngay trước khi bắt đầu công bố thời gian cho “Cuộc Hội nghị của các Truyền thống Tâm linh Khác nhau ở Ấn Độ”, trong đó Ngài là chủ nhà; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hiện diện ngay tại cửa của Hội trường để chào đón từng vị đại biểu khi họ đến.
Thánh Đức ĐLLM đón chào các vị đại biểu khi họ đến tham dự “Hội nghị của các Truyền thống Tâm linh khác nhau ở Ấn Độ” tại New Delhi, Ấn Độ vào 20 tháng 9, năm 2014 Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trong một tuyên bố đã được chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả những người tham gia, Ngài giải thích lý do tại sao Ngài đã mời họ. “Các tín đồ của tất cả các truyền thống tâm linh đều cố gắng theo cách của riêng mình để vượt qua những đau khổ gây tác hại cho chúng sinh trong thế gian, và mang lại sự hạnh phúc cho họ. Tuy nhiên, điều này sẽ được tốt hơn nếu chúng ta cùng làm việc với nhau để thực hiện những khát vọng đó”.
Sau khi các vị đại diện của chín truyền thống tâm linh đã an tọa vào vị trí của mình trên diễn đàn, nhà cựu ngoại giao Lalit Mansingh đã mở đầu cho cuộc Hội nghị này. Ông nhiệt liệt hoan nghênh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị Chánh Khách - Phó Thống đốc của Delhi - Najeeb Jung, và tất cả các vị đại biểu. Ông nêu lên một số chủ đề mà cuộc Hội nghị lừng lẫy này của các nhà lãnh đạo tinh thần và các vị đại diện có thể thảo luận đến, chẳng hạn như bạo lực nhân danh tôn giáo; sự biến đổi về khí hậu và sự tồn tại tiếp tục của nhiều ngàn vũ khí hạt nhân trên thế giới. Ông thỉnh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lên khai mạc sự kiện này bằng sự thắp sáng những ngọn đèn; và Ngài đã mời những người bạn của mình cùng lên khán đài để tham gia với Ngài trong việc này.
Chủ tịch Ủy ban Trù bị, Giáo sư Samdhong Rinpoche đã phát biểu trước hội chúng. Ông chỉ ra rằng đã có những tiến bộ lớn lao trong sự phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, sự tồn tại của bạo lực trên thế giới và thiệt hại đối với môi trường tự nhiên là một trong số những lý do khiến cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phải suy nghĩ về việc triệu tập hội nghị này.
Một tiết mục âm nhạc đầy màu sắc được xen kẽ theo sau đó, khi những thành viên của Viện Biểu diễn Nghệ thuật Tây Tạng đã hát một bài hát về sự Hòa hợp giữa các Tôn giáo, được sáng tác đặc biệt bằng Tiếng Hin-di cho dịp này.
Tiếp theo, những vị đại diện của chín tôn giáo đã được trao cho cơ hội để tụng lời nguyện cầu hoặc lời thông điệp. Ezekiel Isaac Malekar đại diện cho Do Thái giáo tụng bài Thánh Ca thứ 23 bằng tiếng Do Thái và tiếng Anh; Dadi Mistry tụng hai bài cầu nguyện ngắn của Bái Hỏa Giáo. Bà Nazneen Rowhani đã đưa ra một bài đọc ngắn từ Thánh Kinh của Đạo Bahai và đảm bảo với các đại biểu rằng, cộng đồng của cô sẽ nhớ đến tất cả mọi người trong lời cầu nguyện của họ. Giáo sư Manjit Singh đại diện cho đạo Sikh đọc một bài cầu nguyện bằng tiếng Punjabi. Ngài Ganden Tri Rinpoche, Rinpoche Rizong đã hoàn thành với lời thông điệp ngắn gọn về sự hồi hướng của Bồ đề tâm:
“Nguyện Bồ đề tâm cao thượng và quý báu,
Hãy sinh ra nơi nó chưa được sinh ra;
Nơi đã được sinh ra, nguyện cầu không thuyên giảm;
Nơi không thuyên giảm, nguyện được tăng trưởng miên trường”.
Acharya Mahashraman đọc lời cầu nguyện của Kỳ Na Giáo trong buổi khai mạc của “Cuộc Hội nghị của các Truyền thống Tâm linh khác nhau ở Ấn Độ” do Thánh Đức ĐLLM tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ vào 20 tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Acharya Mahashraman đã tụng một bài cầu nguyện của Kỳ Na Giáo; và Đức Hồng Y Oswald Gracias đã hoàn tất lời Kinh nguyện Thiên Chúa Giáo của Thánh Phanxicô được bắt đầu bằng: “Lạy Chúa, xin hãy làm cho con trở thành công cụ hòa bình của Ngài...”; Sheikhuni Masheikh Dewab Syed Zainul Abedin Ali Khan đại diện cho Hồi giáo đã khuyên rằng: “Trở thành người tốt bằng cách thực hiện điều tốt”. Cuối cùng, Swami Avimuktetshwaranand Saraswati trong thông điệp của ông đã thông báo rằng, Shankaracharya là người thầy của mình đã khuyên các đại biểu hãy suy tư về việc nước và ngũ cốc là những nhu cầu chung cần thiết như thế nào cho tất cả mọi loài.
Lalit Mansingh sau đó đã mời Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lên để phát biểu bài diễn văn chính; và Ngài đã bắt đầu:
“Các Anh chị em Tâm linh thân mến! Tôi thực sự cảm kích biết bao khi các bạn chấp nhận lời mời của tôi, và đã cùng tham gia với chúng tôi trong cuộc Hội nghị này! Xin cảm ơn tất cả các bạn đã quang lâm đến đây! “Tôi chỉ là một con người trong số rất nhiều người. Loài người chúng ta là một loài động vật mang tính xã hội; mỗi chúng ta đều phụ thuộc đối với sự tồn tại của chúng ta vào những người khác. Ngay cả Đức Phật cũng phụ thuộc vào việc khất thực. Bất cứ nơi nào tôi đến - như tôi đã nói - tôi chỉ nghĩ về bản thân mình như một con người tương tự. Tôi không nghĩ mình là một người Tây Tạng, một Phật tử, hay là một ai đó đặc biệt như Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tất cả con người chúng ta đều giống nhau về phương diện thể chất, tinh thần và tình cảm. Chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và chúng ta có quyền để thực hiện điều đó. Và nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt là do chính chúng ta tạo ra. Tại sao? Bởi vì chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình và hờ hững đối với những người khác.
“Nếu chúng ta suy nghĩ về người khác như những người anh chị em của chúng ta, thì sẽ không có chỗ cho sự cãi nhau hoặc giết hại lẫn nhau. Chúng ta cần nhớ rằng ngay cả những người mà chúng ta gọi là kẻ thù của mình, thì cũng chỉ là một con người tương tự. Điều này có nghĩa rằng trí thông minh của chúng ta cần phải được hướng dẫn bằng một trái tim nhân từ nồng nhiệt”.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu bài diễn văn chính trong lễ khai mạc của “Hội nghị các Truyền thống Tâm linh khác nhau ở Ấn Độ” tại New Delhi, Ấn Độ vào 20, tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nói rằng, vì một số ước tính cho rằng có khoảng 200 triệu người đã bị chết do hậu quả của bạo lực và đổ máu trong thế kỷ 20; thế nên, thay vào đó, điều quan trọng là thế kỷ này phải là thế kỷ của hòa bình. Chúng ta phải học cách giải quyết xung đột thông qua sự đối thoại, cơ sở cho điều đó chính là sự quan tâm đến hạnh phúc của tha nhân. Điều này được sinh ra bởi thực tế là - nếu bạn tốt bụng, thì chính bản thân bạn, gia đình và hàng xóm của bạn sẽ được hạnh phúc, thoát khỏi nỗi sợ hãi và tức giận. Một nền tảng thế tục như thế đối với đạo đức cũng có thể hấp dẫn đối với những người trong số 1 tỷ người không tin vào bất cứ truyền thống tâm linh nào.
Tất cả các truyền thống tâm linh lớn của thế giới đều chuyển tải một thông điệp của tình thương yêu và lòng từ bi; đó là lý do tại sao chúng ta có thể xem những người thuộc về các truyền thống ấy đều là những anh chị em tinh thần của mình. Tuy nhiên, Ngài nói, những ngày này, chúng ta đã nghe rất nhiều về sự xung đột nhân danh tôn giáo. Điều này thật đáng buồn! Ý tưởng cho rằng mọi người đang giết chết những người khác trong sự nhân danh tôn giáo là điều không thể tưởng tượng được!
“Ấn Độ là quốc gia duy nhất mà tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều sống bên nhau, và điều này đã được thực hiện trong hơn 1000 năm qua. Đây là một ví dụ điển hình mà cả phần còn lại của thế giới có thể học hỏi. Và đó là một trong những lý do tại sao tôi đã triệu tập Hội nghị này”.
Khi vị Chánh Khách - Najeeb Jung - được mời lên để nói chuyện tiếp theo sau Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma; ông đã nói rằng ông cảm thấy sự thách thức là tương đương với điều mà Swami Vivekananda đã phải đối mặt vào năm 1893, khi ông nói chuyện với Quốc hội Tôn Giáo Thế Giới ở Chicago. Ông trích dẫn những gì mà Swami cho biết:
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc của “Hội nghị các Truyền thống Tâm linh khác nhau ở Ấn Độ” do Thánh Đức ĐLLM tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ vào 20 tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Tôi tự hào vì thuộc về một tôn giáo mà đã dạy cho cả thế giới về lòng khoan dung lẫn sự chấp nhận phổ quát. Chúng tôi tin rằng không những chỉ có sự khoan dung phổ quát, mà chúng tôi còn chấp nhận tất cả các tôn giáo là đúng sự thật. Tôi tự hào vì thuộc về một quốc gia mà đã che chở cho những người bị đàn áp và những người tị nạn của tất cả các tôn giáo và tất cả các quốc gia trên trái đất”. Ông kết luận với một lời cầu nguyện chung:
“Như những dòng suối khác nhau có nguồn của chúng từ những lộ trình khác nhau; con người đã đi xuyên qua những chiều hướng khác nhau, đa dạng; cho dù chúng xuất hiện, quanh co hay thẳng tắp, tất cả đều dẫn đến với Ngài”.
Vị Chánh Khách tiếp tục, giải thích rằng chủ nghĩa bè phái và sự cố chấp vẫn còn tồn tại, và cần phải được khắc phục. Nếu chúng không được khắc phục, ông cảnh báo rằng, thảm họa cuối cùng có thể sẽ còn tồi tệ hơn so với sự tàn phá của Hiroshima. Ông nhận xét rằng sự huyền bí của tất cả các tôn giáo đã mô tả những kinh nghiệm của họ theo những cách khác nhau, đó là một lý do để nói về sự tốt đẹp của các tôn giáo khác. Ông kết luận bằng cách trích dẫn một lần nữa lời của Swami Vivekananda tại một vài đoạn:
“Có phải tôi mong rằng người Thiên Chúa Giáo sẽ trở thành người Hindu? Đức Chúa đã cấm. Có phải tôi muốn rằng tín đồ Ấn Độ giáo hay Phật tử sẽ trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo? Đức Chúa đã cấm. Hạt giống được đặt vào lòng đất; đất, không khí và nước được đặt xung quanh nó. Có phải hạt giống sẽ trở thành đất, hoặc không khí, hoặc nước? Không. Nó trở thành một cây thực vật. Nó phát triển theo quy luật sinh trưởng của riêng mình, hấp thụ không khí, đất và nước, chuyển đổi chúng thành chất thực vật, và phát triển thành một cây thực vật.
Tương tự như thế đối với trường hợp của tôn giáo. Người Thiên Chúa giáo không phải để trở thành một người Hindu hay một Phật tử; cũng không phải người Ấn độ giáo hay một Phật tử để trở thành một tín đồ Thiên Chúa giáo. Nhưng mỗi người phải hấp thụ tinh thần của những người khác và còn phải duy trì bảo tồn cá tính của mình, và phát triển theo quy luật tăng trưởng của riêng mình”.
Thánh Đức ĐLLM tặng quà lưu niệm cho các đại biểu khi kết thúc lễ khai mạc của “Hội nghị các Truyền thống Tâm linh khác nhau ở Ấn Độ” tại New Delhi, Ấn Độ vào 20, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Khi buổi lễ khai mạc đã kết thúc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phát quà lưu niệm cho các đại biểu; và tất cả mọi người cùng nhau chụp một bức ảnh tập thể của cả nhóm.
Vào phiên họp toàn thể đầu tiên sau giờ cơm trưa với chủ đề “Hiểu biết Liên tôn giáo và Giá trị Con người” được chủ trì bởi phóng viên bình luận tin tức của giới truyền thông - Karma Paljor - người đã mời Gopalkrishna Gandhi mở đầu cho cuộc thảo luận. Đầu tiên ông trích dẫn ba trường hợp khác nhau ở Kanpur vào năm 1931, ở Ahmadabad một vài năm sau đó và ở Calcutta vào năm 1947, khi các cá nhân can thiệp giữa các đám đông hỗn loạn đầy bạo lực. Họ đã chết, nhưng đã cứu được rất nhiều người khác. Họ đã hành động không phải vì họ công khai về tâm linh hay tôn giáo; mà là vì họ - cơ bản - là một con người tốt. Tấm gương điển hình của họ - ông Gandhi nói - nên khuyến khích chúng ta để cứu đạo đức thoát khỏi các tổ chức tôn giáo. Ông cho rằng sự hòa hợp tôn giáo không phải là công việc của các tổ chức tôn giáo; vì đó là những người dân thường của Ấn Độ đã duy trì sự hài hòa tôn giáo và tính cộng đồng chứ không phải là các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ. Ông đề cập rằng một trong những phẩm chất của Mahatma Gandhi là công nhận mà cũng còn thể hiện một phép lịch sự cơ bản của con người.
Pujya Swami Chidanand Saraswati phát biểu trong phiên họp toàn thể đầu tiên của “Hội nghị các Truyền Thống Tâm Linh khác nhau ở Ấn Độ” tại New Delhi, Ấn Độ vào 20 tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Pujya Swami Chidanand Saraswati cho rằng, xung đột sẽ xảy ra khi chúng ta chỉ nghĩ về chương trình nghị sự của chúng ta, về lợi ích của chúng ta; khi chúng ta nghĩ về bản thân mình như là trung tâm của mọi thứ. Ông nói rằng nếu chúng ta bỏ đi cái nhìn hẹp hòi như vậy và xem những người khác như chính mình, thì sẽ có sự thay đổi rất hiệu quả. Maulana Wahiduddin Khan đã nói với hội chúng rằng, nếu có sự khác biệt giữa tôn giáo của tôi và tôn giáo của bạn, thì chúng ta nên cố gắng để điều khiển nó, để thích nghi với nó. Sự khác biệt tạo ra những ý kiến cá nhân để đối thoại và thảo luận, từ đó kích thích sự phát triển về trí tuệ. Ông cũng kể lại rằng khi Prophet ở tại Medina, ông đã thể hiện sự kính trọng đối với một người Do Thái; và khi được hỏi lý do tại sao ông đã làm như vậy, ông trả lời: “Chẳng lẻ anh ấy không phải là một con người hay sao?”
Paul Dhinakaran cho biết, Ấn Độ là quốc gia duy nhất mà ông ta đã đi qua và quan sát sự tôn trọng đối với tất cả các truyền thống tâm linh và yêu chuộng tất cả. Ông kể câu chuyện về một cô gái giàu có đã tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ Mẹ Teresa. Mẹ yêu cầu cô ấy an ủi và băng bó cho một người bị bệnh phung hủi mới đến. Cô gái không thể làm điều đó được; vì thế, Mẹ Teresa đã làm và nói rằng, bà hình dung rằng mình đang băng bó những vết thương cho Chúa. Karmyogi Peethadheesh Swasti Shri Ravindra Keerti Swami lặp lại rằng, bằng cách đi theo những con đường khác nhau, chúng ta có thể đến cùng một điểm đích tương tự; nhưng để làm được như vậy, đòi hỏi phải có một ý thức về tình huynh đệ, và không nên suy nghĩ rằng tôn giáo của mình là tốt nhất.
Sheikhul Masheikh Dewan Syed Zainul Abedin Ali Khan đã chỉ ra rằng, nếu bạn có một nhóm trẻ em đang chờ điều trị ở bệnh viện và đang cần máu; bạn không thể yêu cầu xin máu của người đạo Sikh, Hindu hoặc máu của người Hồi giáo; mà điều kiện duy nhất chỉ là nhóm máu cần thiết. Ông khuyên rằng chúng ta không thể lấy đi những gì mà chúng ta không thể cho; vì chúng ta không thể cho đi sự sống, do vậy chúng ta cũng không nên tước đoạt nó. Khi ông phát biểu xong, Swami Avimuktetshwaranand Saraswati đã đứng lên từ chỗ ngồi của mình và đi lên khán đài để tặng cho Maulana một bông hoa như một dấu hiệu về sự cảm kích của mình.
Các đại biểu đang lắng nghe thuyết trình trong phiên họp toàn thể đầu tiên của “Hội nghị các Truyền Thống Tâm Linh khác nhau ở Ấn Độ” do Thánh Đức ĐLLM tổ chức tại Delhi, Ấn Độ vào 20, tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Lochen Rinpoche khẳng định rằng, nếu không có sự hòa hợp thì hòa bình thế giới sẽ vẫn là một huyền thoại; tuy nhiên, đồng thời, ông cảm thấy rằng cuộc hội nghị này đã cung cấp một cơ hội để định hình nên lịch sử. Tiến sĩ Shernaz Cama nhớ lại rằng, bà đã được dạy trong thời thơ ấu để tin rằng hạnh phúc sẽ đến với những ai đã mang lại hạnh phúc cho người khác. Tuy nhiên, bà nhận xét rằng, ngày nay, hạnh phúc ngày càng được gắn liền với thế giới vật chất.
Một số câu hỏi đã được đặt ra từ phía hội chúng cho những người tham gia trả lời câu hỏi - trước khi toàn bộ hội chúng nghỉ giải lao để dùng trà và chia thành bốn nhóm để thảo luận. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dành thời gian ngày hôm nay cho hai trong số các nhóm này, chủ yếu là lắng nghe cuộc thảo luận sôi nổi.
Ngày mai Hội nghị sẽ tiếp tục với phiên họp toàn thể lần thứ 2 với chủ đề “Môi trường, Giáo dục và Xã hội”, và phiên họp thứ 3 sẽ liên quan đến việc trình bày những báo cáo của nhóm.