New Delhi, Ấn Độ, 21 tháng 9, 2014 - Ngày thứ hai của Hội nghị các Truyền thống Tôn giáo khác nhau ở Ấn Độ đã mở ra phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề “Môi trường, Giáo dục và Xã hội”. Thành viên Arun Kapur đã mở đầu cho cuộc thảo luận với ý kiến cho rằng, chúng ta dường như đang sống trong cuộc cạnh tranh với thiên nhiên. Người và thiên nhiên không phải là khác biệt với nhau - ông nói - do đó, sẽ là một sai lầm nếu cố gắng để cạnh tranh với thiên nhiên hoặc chinh phục thiên nhiên.
TS. Shayama Chona phát biểu trong phiên họp toàn thể thứ 2 của “Hội nghị những Truyền thống Tâm linh khác nhau” được tổ chức bởi Thánh Đức ĐLLM tại New Delhi, Ấn Độ vào 21, tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
Đầu tiên, ông mời Tiến sĩ Shayama Chona lên phát biểu. Cô nhớ lại lời nhận xét của Gandhi rằng, bao lâu mà nguồn tài nguyên thiên nhiên còn được quan tâm, thì bấy lâu sẽ có đủ cho nhu cầu của tất cả nhân loại, nhưng không đủ cho lòng tham của mọi người. Về giáo dục, cô nói rằng nếu không có đạo đức thì không có giá trị gì cả! khi giáo dục chỉ khiến cho bạn trở thành được tuyển dụng thì giá trị ấy vẫn còn bị giới hạn; nhưng khi nó cung cấp cho bạn những giá trị về tinh thần và đạo đức thì sự giáo dục ấy mới thật sự hoàn hảo.
Mahamadaleshwar Swami Kailashnand Brahmachari nhận xét rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thật sự rất đáng tán thán về việc đã triệu tập cuộc Hội nghị này. Cần lưu ý rằng những người tham gia Hội nghị được yêu cầu để thảo luận về cách để cải thiện con người và bảo vệ môi trường; điểm khởi đầu quan trọng là tư tưởng của chúng ta cần phải thoát khỏi sự hận thù và sân giận. Shaista Amber - người mà với những sự nỗ lực của cô để giúp các bệnh nhân tại một bệnh viện gần đó - đã thành lập một nhà thờ Hồi giáo, và đó là đền thờ duy nhất trong cả nước được chăm sóc bởi một người phụ nữ. Phát biểu về vị trí của người phụ nữ trong xã hội, cô than phiền rằng họ thường bị bỏ lại phía sau. Họ bị phớt lờ đi, họ bị bỏ mặc, bị quên lãng và bị giết khi còn trong bào thai của mẹ. Cô đã hỏi - đó là những loại thái độ gì mà đối xử với phụ nữ theo cách như vậy. Cô cho rằng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo sẽ được thay đổi đáng kể nếu người phụ nữ được ban cho sự giáo dục thích hợp và được tiếp cận với cơ hội bình đẳng.
Nhận thấy rằng hệ thống giáo dục quá thường xuyên chỉ hướng vào việc cho phép mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, Shree Sugunendra Theertha Swami đã đề nghị thiết lập những mục tiêu tốt hơn, chẳng hạn như sự bình yên trong tâm hồn. Ông bày tỏ niềm cảm kích về việc được có cơ hội để tham gia vào cuộc Hội nghị để xem xét cách làm thế nào để sống một cuộc sống tốt hơn. Tiến sĩ Bhalchandra Mungekar thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều có những mong muốn cơ bản, nhưng sự tham lam vô độ sẽ đưa đến những thảm họa của thiên tai. Ông quan sát thấy rằng, trong khi giáo dục phải là một cơ chế hiệu quả để cải thiện xã hội - thì ở Ấn Độ - giáo dục đã được tư nhân hóa đến một mức độ lớn, vì vậy, nó đã trở thành một phương tiện để tạo ra lợi nhuận chứ không phải là để khắc sâu những giá trị vào tâm thức.
Cha Tiến sĩ MD Thomas phát biểu trong phiên họp toàn thể thứ hai của “Hội nghị các Truyền thống Tâm linh khác nhau” được Thánh Đức ĐLLM tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ vào 21 tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trong bài phát biểu của mình, Cha Tiến sĩ MD Thomas đã bắt đầu bằng cách nói rằng, được trở thành một thành viên của cuộc Hội nghị này là một cơ hội tuyệt vời cho tất cả mọi người để khôi phục lại niềm tin của họ. Ông ca ngợi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về sáng kiến của Ngài. Ông tiếp tục nói rằng, ông muốn được nói về khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, bởi vì đã có đến một phần ba dân số đang sống dưới mức nghèo khổ. Ông cho biết những người này phải tìm kiếm thức ăn, quần áo, chỗ ở trong khi những kẻ khác thì hưởng thụ quyền cao chức trọng. Ông đề nghị rằng, mỗi nhà thờ, chùa chiền, đền thờ Hồi giáo và vv có thể đảm bảo rằng, những người nghèo trong vùng lân cận của họ phải được quan tâm chăm sóc.
Giáo sư Jitendra Babulal Shah đề cập đến nguồn gốc cổ xưa của truyền thống Kỳ na giáo, rằng ít nhất là nó đương thời với Đức Phật. Đó là một truyền thống khẳng định sự cần thiết phải biết phân biệt tốt - xấu, thiện - bất thiện, xây dựng - phá hoại. Ông nói rằng những người không biết phân biệt như vậy, thì sẽ không biết làm thế nào để sống một cuộc sống hạnh phúc. Điều quan trọng là không làm hại người khác hoặc không làm xáo trộn sự bình yên của họ. Ông cũng bày tỏ niềm cảm kích về cơ hội mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban cho việc triệu tập Hội nghị này.
Cả hội chúng lại chia ra thành các nhóm để thảo luận. Sau khi đến thăm hai nhóm ngày hôm qua, Ngài đã đến thăm hai nhóm khác vào ngày hôm nay và đóng góp vào các cuộc thảo luận:
Thánh Đức ĐLLM trong các cuộc thảo luận theo nhóm vào ngày 2 của Hội nghị hai ngày của các Truyền thống Tâm linh khác nhau ở New Delhi, Ấn Độ vào 21 tháng 9, 2014 Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Khi thiên tai xảy ra, tôi nghĩ rằng mọi người thường cảm thấy bất lực. Chúng ta cần phải nhìn mọi thứ từ một góc độ rộng hơn, thừa nhận rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên”.
Về giáo dục, Ngài nói:
“Với tôi, dường như giáo dục hiện đại tập trung quá nhiều vào vật chất, trong khi tôn giáo thì liên quan với những giá trị nội tâm. Tuy nhiên, điều mà ngày nay chúng ta cần phải chú ý đến là đạo đức thế tục, đó chính cơ sở của các truyền thống tôn giáo.
Khi được hỏi về định nghĩa của một người Thầy tốt, Ngài nói:
“Đó là một người - không những có kiến thức nhiều hơn, mà còn thể hiện được sự quan tâm đối với sự phát triển toàn diện của học sinh”.
Nhóm thảo luận thứ hai đang nói về sự biến đổi khí hậu và kế hoạch cho mọi người trồng cây vào ngày sinh nhật của mình để bù đắp cho số lượng gỗ cần thiết để hỏa táng khi họ qua đời. Ngài nói với họ là Ngài đã có ấn tượng như thế nào về phương pháp mà Baba Amte đã chấp nhận về sự chôn cất đơn giản trong một tấm vải liệm bông với cây trồng trên mộ. Ngài cũng lặp lại với nhóm này về cảm giác của mình rằng, hệ thống giáo dục hiện tại là không đủ để đối phó với các cuộc khủng hoảng đạo đức mà chúng ta đang đương đầu. Ngài nhắc lại nhu cầu cần thiết đối với đạo đức thế tục và đối với phụ nữ để đảm trách vai trò lãnh đạo tích cực hơn. Vì giá trị của truyền thống tôn giáo này hay tôn giáo khác sẽ không phù hợp với tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay, đạo đức thế tục sẽ đưa ra một giải pháp hiệu quả hơn.
Thánh Đức ĐLLM lắng nghe các bài thuyết trình trong phiên họp toàn thể thứ ba của Hội nghị các Truyền thống Tôn giáo khác nhau ở New Delhi, Ấn Độ vào 21 tháng 9, 2014 Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Sau bữa trưa, phiên họp toàn thể thứ 3 đã được dành riêng để tinh chỉnh một báo cáo của Hội nghị và kế hoạch được đề xuất để thực hiện. Người điều hành cho phiên họp này - Rajiv Mehrotra - đã nhấn mạnh mong muốn để đảm bảo rằng tiếng nói của từng đại biểu đã được lắng nghe. Ông mời các báo cáo viên từ mỗi nhóm thảo luận để tóm tắt những gì mà họ đã bàn thảo đến. Tiếp theo đó là sự đọc bản dự thảo công bố. Những lời nhận xét đã được mời từ phía diễn đàn, sau đó hội chúng nghỉ giải lao để uống trà, trong khi một văn bản cuối cùng đã được chuẩn bị.
Tiến sĩ Kiran Bedi là người điều hành cho phần kết luận của Hội nghị, ông đã nói với đại diện của chín truyền thống tâm linh rằng, vấn đề được đặt ra trước họ là: “Làm thế nào để chúng ta làm một con người tốt hơn?” Cô ấy đã rất nghiêm ngặt về vài phút cho mỗi người trong số họ phải nói. Đối với Do Thái giáo, Rabbi Isaac Ezekiel Malekar đã đề cập rằng, Ấn Độ có lẽ là quốc gia duy nhất nơi mà người Do Thái không phải đối mặt với sự đối xử phân biệt. Ông đã học được cách không ngồi lê đôi mách hay nói xấu người khác. Tiến sĩ Bella đại diện cho Đạo Baha'i đã nói về một chương trình giáo dục đang phát triển của cộng đồng của mình đang được thử nghiệm với hy vọng sẽ đáp ứng một số các câu hỏi được nêu ra trong cuộc Hội nghị này. Tiến sĩ Homi B Dhalla đại diện cho Bái Hỏa Giáo đã ca ngợi cuộc Hội nghị và nhấn mạnh sự cần thiết đối với việc bám sát theo sau đó. Ông nói thêm rằng giáo dục là quan trọng, nhưng âm nhạc và thể thao cũng nên được bao gồm trong đó.
Đại diện cho người Đạo Sikh, Giani Gurbachan Singh đã nhấn mạnh sự bình đẳng, tình yêu thương và tình cảm là những phẩm chất mà trên cơ sở đó - xã hội có thể được cải thiện. Đức Tổng Giám mục Tiến sĩ Felix Machado đã nhắc nhở các bạn đồng sự của mình rằng, tất cả mọi người, bất kể tôn giáo mà họ hướng về để được sự an ủi - đều được bình đẳng trước Chúa. Ông nói - câu hỏi cần được trả lời là liệu họ có muốn được bình đẳng trước nhau hay không. Tiến sĩ Syed Kalbe Sadiq đại diện cho Hồi giáo đã chỉ ra rằng mọi người đều giống nhau về phương diện họ được làm bằng cái gì, bất kể kích thước, màu sắc hoặc hình dạng của họ ra sao.
Tarun Sagar Maharaj, tín đồ Kỳ Na giáo Lõa Thể, đang phát biểu trong lễ Bế mạc “Hội nghị các Truyền thống Tâm linh khác nhau”, được tổ chức bởi Thánh Đức ĐLLM tại Delhi, Ấn Độ vào 21 tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Tarun Sagar Maharaj, một tín đồ Kỳ Na Giáo Lõa Thể đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với sự thành công của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong việc triệu tập một cuộc Hội nghị như vậy, điều đó cho thấy rằng không ai khác có thể thực hiện được. Ông đã so sánh việc tập luyện để nhấc một nhóm ếch lên; ngụ ý rằng, đối với bất cứ ai khác thì những con ếch này sẽ nhảy ra và thoát ra ngoài. Sant Shree Morari Bapu, người giải thích luận điểm của Ram Charit Manas, đã hỏi làm thế nào chúng ta có thể làm cho trái đất này trở thành nơi thích hợp hơn để sống; và ông đã trả lời cho câu hỏi của riêng mình bằng cách cho rằng những phẩm chất cần thiết là tính trung thực, tình yêu thương và lòng từ bi.
Đức Tổng Giám Mục Tiến sĩ Anil Joseph Thomas Couto đã đọc tuyên bố cuối cùng của cuộc Hội nghị bằng tiếng Anh và tiếp theo đó là Giáo sư Tiến Sĩ Ngawang Samten đọc phiên bản Tiếng Hin-di. Trong lời mở đầu, những người tham dự đã công nhận rằng di sản của nền văn minh cổ xưa của Ấn Độ đã đánh dấu sự đa dạng của các truyền thống tâm linh và tôn giáo, làm phong phú lẫn nhau thông qua sự đối thoại, trong khi đó vẫn duy trì được những sự thực hành và những đặc điểm cá nhân của riêng mình. Họ nhận ra rằng giá trị của lòng vị tha, tính kỷ luật và lòng từ bi là đặc điểm chung cho tất cả các tôn giáo; và là nền tảng của một tương lai chung của những cộng đồng địa phương đa dạng và một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Họ thừa nhận rằng hạnh phúc và sự tiến bộ của họ phụ thuộc vào hạnh phúc và sự tiến bộ của người khác và v.v.. Tiếp theo là các khuyến nghị cho hành động, những ý kiến phát sinh trực tiếp từ hai ngày thảo luận vừa qua.
Kiran Bedi sau đó đã mời Ngài đưa ra những lời phát biểu cuối cùng của mình; và Ngài đã cười khi cô nói rằng Ngài chỉ có 25 phút thôi.
“Kính thưa các anh chị em! Tất cả quý vị đã tham gia cuộc Hội nghị này trong hai ngày vừa qua. Chẳng hề có gì là đạo đức giả hay tham nhũng hối lộ trong tiến trình của chúng ta. Người bạn lâu dài của tôi - Tarun Sagar Maharaj - ở đây, đã hoàn toàn khỏa thân, một dấu hiệu cho thấy ông ấy là người trung thực. Tôi vô cùng ngưỡng mộ về sự kiên định của ông. Ông đã nhắc nhở tôi rằng, tiến trình của chúng ta là hoàn toàn minh bạch, không có gì phải che giấu cả!
Thánh Đức ĐLLM phát biểu trong Lễ Bế Mạc “Hội nghị các Truyền thống Tâm linh khác nhau”, do Ngài tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ vào 21 tháng 9, 2014 Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Truyền thống cổ xưa hàng nghìn năm của sự hòa hợp tôn giáo của đất nước này là rất quý giá. Trong quá khứ, mỗi khi tôi tham gia vào các cuộc họp của những bậc thầy tâm linh như thế này, tôi thường mô tả bản thân mình là một người học trò của nền kiến thức cổ đại Ấn Độ, có nghĩa là truyền thống Nalanda. Người Tây Tạng chúng tôi coi những người Ấn Độ cổ đại là những bậc Thầy của mình, trong khi đó, chúng tôi là những người đệ tử hay các môn đệ. Nhưng tôi thường nhấn mạnh rằng, chúng tôi là những người đệ tử đáng tin cậy, bởi vì chúng tôi đã duy trì được một cách nguyên vẹn những kiến thức mà chúng tôi đã nhận được từ quý vị. Sự hòa hợp tôn giáo và bất bạo động phụ thuộc vào lòng Từ bi. Tôi xem mình là một sứ giả của những phẩm chất này”.
Ngài nói rằng, nhu cầu ngày càng tăng về việc phải hành động để đối phó với sự xung đột trong vấn đề nhân danh tôn giáo, bởi vì những lời lẽ tốt đẹp và những động cơ chân chính đã không còn đủ nữa! Ngài tiếp tục rằng, nếu tất cả mọi người đều thực hiện một sự nỗ lực, thì những sự nỗ lực này sẽ được nhân lên. Cuối cùng, nhân loại sẽ là một tập hợp của các cá nhân, do đó, sự khởi đầu cần nên được thực hiện với một mức độ cá nhân.
“Tất cả các tôn giáo đều nói về karuna hay lòng từ bi; và đó là cơ sở để chúng ta có thể cố gắng làm cho thế kỷ này trở nên một thế kỷ hòa bình và từ bi. Và một phương pháp thế tục trên một cơ sở tương tự là cách mà chúng ta có thể trình bày về điều này cho những người không có niềm tin về tôn giáo. Đây là tất cả những gì mà tôi muốn nói. Xin cảm ơn các bạn!”
Vị khách mời chính, Kiren Rijiju, Bộ trưởng Liên bang của Quốc gia thuộc Bộ Nội vụ, và là một Nghị sĩ đến từ bang Arunachal Pradesh, phát biểu trong Lễ Bế mạc của “Hội nghị các Truyền thống Tâm linh khác nhau” tại New Delhi, Ấn Độ vào 21 tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Vị khách mời chính, Kiren Rijiju, Bộ trưởng Liên bang của Quốc gia thuộc Bộ Nội vụ, và là một Nghị sĩ từ bang Arunachal Pradesh đã được mời để phát biểu trong cuộc Hội nghị. Ông quan sát thấy rằng - khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nếu và khi có tình trạng bất ổn chung trong cả nước, ông có thể điều động cảnh sát hoặc quân đội - nếu cần thiết - để làm lắng dịu mọi thứ xuống. Tuy nhiên, ông cảm thấy rằng một bức thông điệp từ những bậc Thầy tâm linh có thể sẽ có hiệu quả hơn. Ông đã hết lời ca ngợi cách mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mang rất nhiều bậc Thầy tâm linh nổi tiếng đến với nhau. Ông nói rằng ông không có điều gì để nói thêm, ông cảm thấy rằng bức thông điệp của các bậc thầy của Giáo Pháp là quá đủ. Ông đảm nhận việc đọc bất cứ tài liệu nào mà cuộc họp đã đề xuất, và hỗ trợ các mục tiêu của cuộc họp bằng bất cứ phương cách nào có thể.
Sự kiện đã được kết thúc đầy sôi động khi các diễn viên của TIPA biểu diễn bài hát “Xin cảm ơn Ấn Độ”, và sau đó được nối tiếp bằng bài Quốc ca Ấn Độ.