Hamburg, Đức, ngày 27 Tháng Tám, năm 2014 - Ngay trước khi khởi hành cho cuộc hành trình trở lại Ấn Độ của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - trước tiên - đã nói chuyện tại một cuộc hội nghị của những người Tây Tạng và người Trung Quốc đang diễn ra với chủ đề “Tìm kiếm những điểm chung”. Ngài bắt đầu bằng sự chào mừng những người tham gia:
Thánh Đức ĐLLM chào mừng những người tham dự khi Ngài đến tại hội nghị của những người Tây Tạng và người Trung Quốc về “Tìm kiếm những điểm chung” ở Hamburg, Đức vào 27 tháng 8, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Tôi muốn chào mừng tất cả quí vị; các anh chị em Trung Quốc, những người đã tụ tập về đây từ nhiều nơi khác nhau. Kể từ khi sự cố Thiên An Môn năm đó, tôi đã khuyến khích người dân Tây Tạng hãy tiếp cận với các anh chị em Trung Quốc của chúng tôi. Đây là cơ hội mới nhất của một số cơ hội đã phát sinh kể từ đó.
“Trong năm 1974, những người Tây Tạng có trách nhiệm trong Ban quản lý của chúng tôi đã thảo luận về những gì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi nhận ra rằng sớm hay muộn gì chúng tôi cũng sẽ phải nói chuyện với các nhà chức trách Trung Quốc; và do đó chúng tôi không thể đặt bất kỳ điều kiện tiên quyết nào về sự độc lập. Kể từ đó, chúng tôi đã tìm đến với phía Trung Quốc bất cứ khi nào chúng tôi có thể”.
Ngài giải thích về việc người Tây Tạng lần đầu tiên đã gặp người cộng sản Trung Quốc như thế nào trong năm 1950-1951; và đến năm 1954 Ngài đã đáp trả với chuyến viếng thăm Bắc Kinh vài tháng, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Hồ Diệu Bang. Ngài đã đề cập đến việc bắt đầu phát triển sự ngưỡng mộ đối với chủ nghĩa xã hội và cảm thấy gần gũi với những người Trung Quốc mà Ngài đã gặp gỡ. Tuy nhiên, sau đó mọi thứ đã thay đổi. Ngài nói rằng người Tây Tạng đã có kinh nghiệm lâu năm sống chung với người Trung Quốc, và đó là lý do tại sao họ đã cố gắng để tiếp cận với người Trung Quốc. Ngài nhớ lại đã nói với một quan chức Trung Quốc mà Ngài gặp trên đường rằng, trong cuộc hành trình đi ra hải ngoại của mình, Ngài cảm thấy sợ hãi; nhưng trên đường trở về nhà, Ngài cảm thấy tự tin rằng mọi thứ có thể được giải quyết. Ngài đã bắt tay với Mao Trạch Đông khi họ chia tay.
“Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là quốc gia đông dân nhất thế giới”. Ngài nói. “Nó có tiềm năng để tạo ra một sự đóng góp lớn cho thế giới, nhưng Nhật Bản và các nước láng giềng khác, trong đó có Ấn Độ, đang chia sẻ một nỗi lo âu đáng kể về nó. Đây là một trở ngại cho Trung Quốc trong việc gia nhập vào dòng chính của quốc tế. Trung Quốc có những truyền thống và phong tục riêng của mình, có dân số khổng lồ và một nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Vì vậy, có hy vọng rằng nó có thể trở thành một quốc gia mà những nước khác tôn kính”.
Ngài báo cáo rằng những người bạn Ấn Độ đã nói với Ngài rằng giới lãnh đạo mới của Trung Quốc, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường có phần khác hơn so với những người tiền nhiệm của họ. Trong quá khứ, khi các cuộc họp Đảng diễn ra, tất cả mọi người đã có một bộ bài phát biểu chuẩn bị sẵn sàng để đọc, nhưng những điều đó đã không còn nữa. Ngài nói rằng Ngài đã nghe từ một Cựu bộ trưởng Ấn Độ đã gặp Tập Cận Bình tại Brazil đã nói rằng ông ta không giống như các nhà lãnh đạo trước đó; ông đã có một cách xử sự nhân đạo hơn.
Thánh Đức ĐLLM nói chuyện trong hội nghị của người Tây Tạng và người Trung Quốc về “Tìm kiếm những điểm chung” ở Hamburg, Đức vào 27 tháng 8, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Ngài lặp lại những gì mà Ngài đã nói trước đây ở những nơi khác rằng 1,3 tỷ người Trung Quốc có quyền được biết về sự thật. Nếu họ có được quyền đó, họ có thể đánh giá được đúng - sai. Minh bạch là điều rất quan trọng - Ngài nói - trong khi sự kiểm duyệt thao túng là vô đạo đức và vô ích.
Ngài giải thích rằng trong 15 năm qua hoặc lâu hơn, kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Samdhong Rinpoche làm Kalon Tripa, Cục Quản lý Trung Ương Tây Tạng đã không sử dụng thuật ngữ “chính phủ lưu vong”, cũng không gọi các nhà lãnh đạo chính trị là Thủ tướng Chính phủ. Các nhà chức trách Trung Quốc nói rằng họ không thừa nhận một chính phủ lưu vong Tây Tạng, cũng không thừa nhận những gì mà họ gọi là “Tây Tạng lớn hơn”, nhưng đây là một biểu hiện của danh xưng của họ. Ngài nói rằng Ngài đã bị chỉ trích vì cuộc gặp gỡ với bà Rebiya Kadeer, nhà lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ, mặc dù là đã thuyết phục bà về công đức của việc áp dụng một phương pháp bất bạo động, đó là một động thái tích cực.
Liên quan đến vấn đề Ngài có thể đến thăm Trung Quốc hay không; Ngài cho biết:
“Tôi luôn muốn đến thăm Ngũ Đài Sơn. Tôi đã suy nghĩ về việc đến đó vào năm 1954. Sau đó, điều này đã đưa ra trong cuộc đàm phán vòng thứ 5 với Trung Quốc, nhưng đã bị từ chối”.
Một thành viên của khán giả muốn biết làm thế nào để giải quyết tình thế khó khăn về việc có sự đàn áp các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc, nhưng các Chính phủ phương Tây không muốn gây áp lực với Trung Quốc vì lý do kinh tế. Ngài trả lời rằng Chính phủ Mỹ công bố báo cáo thường niên về nhân quyền ở Trung Quốc và đề cập đến Tây Tạng một cách rõ ràng. Trong khi đó, Ngài nói rằng Ngài rất cảm kích Thủ Tướng Đức Angel Merkel gần đây đã công khai nói về nhân quyền ở Trung Quốc.
“Khi cách đây vài năm, người ta nói về việc Trung Quốc được cấp cho danh hiệu là “Tối Huệ Quốc” của Mỹ về tình trạng thương mại; lúc đó tôi đang ở Washington và được hỏi về điều đó. Tôi đã nói rằng, là một quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc xứng đáng với danh hiệu đó. Tương tự như vậy, tôi đã ủng hộ sự nỗ lực của Trung Quốc trong việc tổ chức Thế vận hội Olympics. Điều mà Trung Quốc thiếu sót chính là sự Dân chủ và tinh thần trách nhiệm đạo đức; đó là những yếu tố mà họ cần phải có nếu như họ thực sự muốn mở ra với thế giới”.
Ngài nói rằng có vẻ như trong Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào Tháng Mười, các vấn đề có liên quan đến ngành tư pháp sẽ được thảo luận. Ngài hỏi:
“Tại sao trong số các bạn - những người là luật sư - không xem xét kỹ và viết về hệ thống tư pháp? Giơ cao khẩu hiệu là một chuyện, nhưng hành động một cách thầm lặng và kiên định có thể sẽ có hiệu quả hơn”.
Ngài đã được hỏi liệu thông tin liên lạc giữa Trung Quốc và Tây Tạng đã được mở rộng hay bị thu hẹp lại trong thời gian gần đây. Ngài trả lời rằng đã có phần gia tăng; đã có sự giao lưu nhiều hơn. Ngài cho biết ngày càng có nhiều người Trung Quốc đến để nghe Ngài giảng dạy; và 2-3 năm trước đây, Ngài đã bắt đầu dạy cho những nhóm người đến từ Trung Quốc Đại Lục. Ngài trích dẫn nhận xét gần đây của Tập Cận Bình rằng, Phật giáo có một vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền văn hóa Trung Quốc, và thấy rằng hiện nay đã có khoảng 300-400 triệu Phật tử ở Trung Quốc.
Ngài nói với các đại biểu rằng Ngài phải rời khỏi đây để bắt đầu cuộc hành trình của mình trở lại Ấn Độ, nhưng Vị lãnh đạo Tây Tạng được bầu chọn - Sikyong Lobsang Sangay - và những người khác đã có mặt để trả lời các câu hỏi của họ. Nhiều người chen lấn về phía trước với mong muốn được gặp Ngài khi Ngài rời khỏi phòng. Từ đó ông đã đi xe trực tiếp đến sân bay Hamburg để đáp chuyến bay đến Munich và tiếp tục đến Delhi.