San Francisco, California, Hoa Kỳ, ngày 22 tháng hai, năm 2014 - San Francisco là nơi đầu tiên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viếng thăm trong chuyến đi đầu tiên của Ngài đến Hoa Kỳ vào năm 1978 - khi Ngài chấp nhận lời mời của Richard Blum và vợ của ông là Dianne Feinstein. Hôm nay, Ngài là vị khách mời của tổ chức Quỹ tài trợ Hy Mã Lạp Sơn - Hoa Kỳ, được thành lập bởi Blum cách đây 30 năm để giúp đỡ người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn, bao gồm cả người dân Tây Tạng, về lĩnh vực giáo dục và những sự hỗ trợ khác; và Trung tâm Blum dành cho sự phát triển kinh tế, nhằm mục đích khắc phục vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng.
Thánh Đức ĐLLM được giới thiệu bởi Richard Bloom trước khi Ngài nói chuyện tại Hội Trường Davies Symphony ở San Francisco, California vào 22 tháng 2, 2014. Ảnh / Quỹ tài trợ Hy Mã Lạp Sơn - Hoa Kỳ |
Trong bài phát biểu giới thiệu của mình, Richard Blum nói rằng ông và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gần bằng tuổi nhau, họ gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1972, và rằng ông rất vui khi Ngài trở lại San Francisco. Ông kết luận với lời trích của Ted Kennedy: “Đối với tất cả những người mà sự lo lắng của họ cũng chính là mối quan tâm của chúng ta, thì công việc sẽ tiếp tục diễn tiến, nguyên nhân vẫn kéo dài, hy vọng vẫn sống động và giấc mơ sẽ không bao giờ tàn lụi”.
Ngài bắt đầu theo cách thông thường của mình:
“Anh chị em thân mến! Tôi vô cùng hạnh phúc khi được ở đây với quý vị. Tôi ở đây là một con người trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay. Chúng ta đều muốn hạnh phúc và mỗi chúng ta đều có quyền để đạt được nó. Một thế giới mà không có vấn đề rắc rối là điều không thể. Trong tuổi già, chúng ta gặp những rắc rối, nhưng chúng ta cũng có rất nhiều kinh nghiệm - đó là cái đẹp của chúng ta. Mặc khác, những người trẻ tuổi, thì rất tươi tắn với những ý tưởng mới mẻ và tầm nhìn đầy khát vọng - đó là vẻ đẹp của họ. Khi đối mặt với những vấn đề rắc rối, làm thế nào chúng ta có thể hy vọng là sẽ có một cuộc sống hạnh phúc? Nhiều vấn đề rắc rối của chúng ta có liên quan đến thái độ tinh thần của mình. Bạn càng tiếp nhận quan điểm khoáng đạt và thực tế bao nhiêu thì khả năng để đối phó với những vấn đề như vậy của bạn sẽ tốt hơn bấy nhiêu. Duy trì một tâm trí bình tĩnh là chìa khóa để trở nên hạnh phúc hơn và hòa bình hơn. Điều này đúng cho tất cả 7 tỷ người - những người có tình cảm, tinh thần và thể chất như nhau”.
Ngài chỉ ra rằng, đạo đức dường như bị thiếu sót trong hệ thống giáo dục hiện đại định hướng vật chất của chúng ta. Ngài đề cập đến cuộc gặp gỡ sáng nay với người bạn cũ của mình là nhà Tâm lý học Paul Eckman - người đã phát thảo tư tưởng của mình đối với việc cải thiện nền giáo dục, đặc biệt là liên quan đến sự lập bản đồ cảm xúc và phương thức hoạt động của chúng. Viện Tâm thức & Đời sống cũng bắt đầu như một cơ hội cho các nhà Khoa học hiện đại và các thành viên của các truyền thống thiền định Châu Á trao đổi quan điểm cho nhau; và hiện nay đang tích cực tham gia vào việc nghiên cứu phương pháp để kiểm soát những cảm xúc phiền não tiêu cực; và những phương pháp này có thể được kết hợp vào hệ thống giáo dục thế tục của chúng ta.
Ngài nói rằng có một số người cho rằng đạo đức cần phải có một nền tảng tôn giáo. Tuy nhiên, Ngài ủng hộ mô hình của Ấn Độ về đạo đức thế tục. Điều này đòi hỏi sự tôn trọng công bằng đối với tất cả các truyền thống tôn giáo và ngay cả đối với những người không có niềm tin tôn giáo. Điều này cũng cho thấy sự biểu hiện trong hiến pháp thế tục hiện đại của Ấn Độ, được soạn thảo có sự tính kể đến một xã hội đa tôn giáo, đa văn hóa của Ấn Độ. Ngài lưu ý rằng trong số 7 tỷ người đang sống ngày nay, có ít nhất khoảng 1 tỷ người không tin theo tôn giáo nào cả, và họ cần phải được bao gồm vào nếu như nền đạo đức được đưa vào hệ thống giáo dục của chúng ta. Trong khi đó, cũng có rất nhiều người trong số những người tự coi mình là người có niềm tin tôn giáo nhưng lại làm những điều tổn hại hoặc không nghiêm túc và không thành thật trong sự thực hành tôn giáo của mình, họ cần một ý thức về đạo đức.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Hội trường Davies Symphony ở San Francisco, California vào 22 tháng 2, 2014. Ảnh / Quỹ tài trợ Hy Mã Lạp Sơn - Hoa Kỳ |
Tại điểm này, Ngài đã bàn ra ngoài phạm vi đề tài để nói về những người tôn thờ vị tà thần Dolgyal hay Shugden - những người đã biểu tình trên đường phố bên ngoài hội trường khi Ngài vừa đến. Họ đã la hét và phất vẫy biểu ngữ, những khuôn mặt nhăn nhó trong sự thể hiện đầy hung hăng hùng hổ. Những người như thế này đã sát hại một Vị Tăng Sĩ đức hạnh và các học trò của Vị này khi họ đang dịch thuật một bộ Kinh sang tiếng Trung Quốc vào một đêm của năm 1997 gần nơi cư trú của Ngài ở Dharamsala - Ngài nói. Hôm nay, khẩu hiệu của họ là “Đừng nói dối”, nhưng câu hỏi ở đây là ai mới là người thực sự đang nói dối.
“Gần đây, Đức Giáo Hoàng Francis đã khiển trách và đình chỉ một giám mục người Đức về việc sống một lối sống xa hoa không phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo”, Ngài thông báo. “Ông ấy muốn chấm dứt thói đạo đức giả như vậy. Gần đây, ở Đông Ấn Độ khi tôi được hỏi về việc liệu nền giáo dục hiện đại có được hướng dẫn đầy đủ về mặt đạo đức; tôi đã chỉ ra rằng rất nhiều người tài giỏi, được đào tạo tử tế, lại nằm trong số những người tham nhũng. Rõ ràng là càng có nhiều việc cần phải làm để thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo. Điều này có liên quan đến vấn đề đạo đức và sẽ không thành tựu được qua phương pháp cầu nguyện đơn thuần. Nó đòi hỏi chúng ta phải hành động dựa trên tính trung thực, chân thành và minh bạch. Những đức tính này sẽ làm tăng trưởng sự tin tưởng và đưa đến một tình bạn chân thành. Và, vì chúng ta là những động vật mang tính xã hội, nên chúng ta không những cần có bạn bè, mà còn phải phụ thuộc vào những người khác cho sự sống còn của chính chúng ta.
“Sự yên bình của tâm thức và sức khỏe của thân thể có liên quan mật thiết với nhau. Cách đây vài năm, một nhà Khoa học tại Đại học Emory đã nói với tôi rằng sự giận dữ, sợ hãi và nghi ngờ liên tục có xu hướng sẽ bào mòn vào hệ thống miễn dịch của chúng ta. Ngoài ra, sự yên bình trong tâm thức và một tấm lòng nhân hậu sẽ mang lại sự tự tin”.
Ngài hỏi rằng liệu thế giới sẽ được thay đổi bởi các chính phủ hoặc Liên hợp quốc; và được trả lời rằng sự thay đổi thực sự phải được bắt đầu với các cá nhân. Ngài khen ngợi tư tưởng ý thức về 7 tỷ người đều thuộc về một đại gia đình nhân loại. Và kêu gọi những người có con cháu, hãy thể hiện tình cảm đối với chúng và giúp chúng phát triển một quan điểm rộng mở trên toàn thế giới.
Quay trở lại với chủ đề của Shugden, Ngài tuyên bố rằng Ngài đã từng chính mình tôn thờ vị thần này. Tuy nhiên, dần dần Ngài đã nhận ra rằng có điều gì đó sai lầm, đặc biệt là trong bối cảnh của truyền thống Phật giáo. Ngài tìm hiểu về lịch sử của nó và phát hiện ra rằng, nó đã xảy ra trong thời gian của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 - người đã gọi đó là một vị thần ác độc, phát sinh từ lời cầu nguyện méo mó, gây tổn hại đến Phật pháp và chúng sinh. Ngài đề nghị những người biểu tình nên khiếu nại với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5.
Khán giả lắng nghe Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại Hội Trường Davies Symphony với tư cách là một Vị khách mời của Quỹ tài trợ Hy Mã Lạp Sơn - Hoa Kỳ ở San Francisco, California vào 22 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khách sạn của mình, một số vị Ni Cô nói với Ngài rằng đó là một vấn đề của sự tự do tôn giáo, nhưng Ngài nhìn nó theo một cách khác. Sự thờ phụng vị thần này là đi đôi với chủ nghĩa bè phái và những hạn chế về tự do tôn giáo. Ngài nhớ lại khi Ngài muốn nhận được sự khẩu truyền về giáo lý Nyingma từ Khunu Lama Rinpoche, và Ngài đã tham vấn ý kiến của vị Gia sư chính của Ngài là Ling Rinpoche. Mặc dù không có sự kết nối nào đến việc thờ phụng vị thần này cả, nhưng Ling Rinpoche đã cảnh báo Ngài nên đề phòng về việc nhận khẩu truyền, vì sợ những thiệt hại mà vị thần này có thể gây ra. Ngài trích dẫn điều này là một ví dụ điển hình về tự do tôn giáo của mình bị hạn chế. Ngài tuyên bố rằng, chỉ cho đến khi Ngài chấm dứt sự phụng thờ Dolgyal thì Ngài mới thực sự có thể thưởng thức được sự tự do tôn giáo. Tất cả đám đông khán giả bỗng vỡ òa trong những tràng pháo tay không ngớt.
“Do vô minh và do những thông tin bị bóp méo, nên các đệ tử của phái thực hành này đã hoàn toàn bị mơ hồ, nhầm lẫn. Tại Ấn Độ, họ có những tu viện riêng và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Kelsang Gyatso, một trong số những người thầy của họ đã có một lần nói với một phóng viên ở Anh rằng Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã không làm điều gì lợi ích cho sự nghiệp của Tây Tạng cả. Đó chẳng phải là một điều gian dối hay sao?
Quay trở lại bản chất của Tâm, Ngài trích dẫn lời của một người bạn đã từng nói với Ngài rằng tất cả các tôn giáo đều tìm cách trả lời ba câu hỏi: Ngã là gì? Liệu nó có một sự khởi đầu? Và nó có một sự kết thúc hay không? Đối với những tôn giáo tin vào một Đấng Thượng Đế sáng tạo, thì Thượng đế đã tạo ra ngã, vì vậy nó có một sự khởi đầu, nhưng không rõ liệu nó có kết thúc hay không. Đối với các truyền thống như đạo Kỳ Na giáo, các chi nhánh của Số Luận Phái và Phật giáo, thì không có một Đấng Tạo Hóa nào khác hơn là do chính mình tạo ra. Đối với Phật giáo thì thân xác có một sự khởi đầu và kết thúc, nhưng ý thức thì không có. Chỉ có Phật giáo mới khẳng định rằng không hề có một cái ngã tách rời khỏi cơ thể và tâm thức, điều này không có nghĩa là nói rằng không hề có một cái ngã gì cả.
Sự giải thoát có liên quan đến ý thức, và Phật giáo đã cung cấp nhiều sự giải thích về tâm thức. Ngài tiếp tục, ở Ấn Độ cổ đại, những truyền thống có tham gia vào sự phát triển Thiền nhất tâm và thiền quán đều bao gồm những sự giải thích sâu sắc về tâm thức. Họ giải thích rằng, một cách cơ bản thì những cảm xúc phiền não và tiêu cực đều có nền tảng là sự vô minh, thiếu hiểu biết; và phương pháp để đối trị nó chính là trí tuệ và sự tỉnh giác. Vô minh là nguyên nhân gây ra đau khổ, và bằng cách sử dụng trí thông minh của con người một cách trọn vẹn, chúng ta có thể khắc phục được sự vô minh đó. Một khi bạn có thể kiểm soát được tâm trí của mình, bạn có thể thực hiện được sự kiểm soát toàn bộ cơ thể của bạn.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại Hội trường Davies Symphony ở San Francisco, California vào 22 tháng 2, 2014. Ảnh / Quỹ tài trợ Hy Mã Lạp Sơn - Hoa Kỳ |
Ngài nói “Một dấu hiệu khác về sự tương tục của tâm thức và ý thức là, có những trẻ em có thể nhớ lại được kiếp trước của mình. Ian Stevenson tại Đại học Virginia đã tiến hành một sự nghiên cứu thấu đáo về hiện tượng này. Bản thân tôi cũng đã gặp một vài cô bé ở Ấn Độ đã có khả năng nhớ được như thế; và tôi cũng đã được kể lại rằng khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã nhớ được một số lĩnh vực trong kiếp trước của tôi, mặc dù bây giờ tôi không thể nhớ được những gì vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
“Vào hậu thế kỷ 20, các nhà khoa học đã bắt đầu nhận ra một điều mà chúng ta gọi là tâm thức bên ngoài não bộ. Sau đó, họ phát hiện ra sự dễ uốn nắn của não. Theo quan điểm của Phật giáo, vật chất sẽ chẳng bao giờ là nguyên nhân đáng kể của tâm thức; và tâm thức cũng sẽ không phải là nguyên nhân đáng kể của cơ thể. Tâm được cho là trong sáng rõ ràng, giống như nước, và bản chất của nó là sự tỉnh thức”.
Sau khi trả lời ngắn gọn một số câu hỏi từ phía khán giả, mọi người đều đứng lên trân trọng đối với một màn trình diễn độc đáo của bài quốc ca Tây Tạng bằng đàn piano và đàn vi-ô-lông. Sau khi cảm ơn các nhạc sĩ và ban tổ chức cuộc hội nghị về lời mời của họ; trước khi rời khỏi khán đài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với khán giả về lá cờ Tây Tạng đang được treo đứng sang một bên. Ngài giải thích rằng, vào năm 1955, Mao Trạch Đông đã hỏi Ngài là Tây Tạng có lá cờ hay không; và khi được biết là Tây Tạng cũng có lá cờ, Mao Trạch Đông đã nói với Ngài rằng, điều quan trọng là lá cờ ấy phải được bảo tồn và bay bên cạnh lá cờ của Trung Quốc.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói đùa rằng, trong khi những người bảo thủ của Trung Quốc ngày nay phàn nàn rằng lá cờ Tây Tạng là một biểu tượng của chủ nghĩa ly khai, thì Ngài lại cảm thấy Mao Trạch Đông đã cho phép Ngài sử dụng nó, điều đó khiến cho mọi người đều bật cười.
Ngày mai, Ngài sẽ nói chuyện ở Berkeley.