San Jose, CA, Hoa Kỳ, ngày 24 tháng 2, 2014 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dành một ngày hôm nay cho Đại học Santa Clara (SCU), một trường đại học Dòng Tên; cam kết một sự công bằng, bền vững và nhân đạo hơn trên thế giới. Ngài là khách mời của Trung tâm Markkula về Đạo đức Ứng dụng của SCU và Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục về Lòng Từ Bi và Vị Tha của Đại học Stanford. Đó là một buổi sáng rực rỡ tại California khi Ngài được chào đón bởi Linh mục Michael Engh, Hiệu Trưởng của SCU và Tiến sĩ James Doty, Giám đốc của CCARE.
Các học sinh của trường Trí Tuệ Sôi Động đang trình diễn trước khi bắt đầu cuộc đối thoại với Thánh Đức ĐLLM tại ĐH Santa Clara ở Santa Clara, California vào 24 tháng 2, 2014 Ảnh / Jeremy Russell |
Sau khi các Tăng Sĩ Gyuto tụng kinh xong, Linh mục Engh đã mở đầu cuộc đối thoại về Kinh doanh, Đạo đức và Lòng từ bi tại Trung tâm Leavey; và Tiến sĩ Doty đã giới thiệu về Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, nói rằng nhiều người có thể không biết cảm kích sự tham gia của Ngài trong việc nghiên cứu đi đầu trong khoa học thần kinh, và Lloyd Dean, Giám đốc điều hành của tổ chức Chân Giá Trị Y Tế. Trước khi họ thuyết trình, các em thiếu nhi của Trường Trí Tuệ Sôi Động, Palo Alto đã làm say mê toàn bộ 3300 người tập hợp ở đó với một liên khúc nhạc.
“Các anh chị em thân mến! Tôi rất vui khi được ở đây”, đó là lời mở đầu của Ngài. “Tôi luôn luôn nói về việc là làm thế nào để có được hạnh phúc, trong phạm vi một cá nhân, trong gia đình, cộng đồng và nhân loại nói chung. Trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay, mọi người đều có quyền được hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta có xu hướng tập trung vào tiện nghi vật chất trong khi bỏ qua các giá trị bên trong nội tâm của mình.
“Tôi muốn cảm ơn các cháu thiếu nhi trẻ đẹp này về sự trình diễn bài hát của các cháu. Các cháu khiến cho tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình. Tôi được sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường. Chúng tôi không phải là khá giả lắm, tài sản thực sự của chúng tôi chính là tình cảm của mẹ tôi đã dành cho chúng tôi. Do đó gia đình chúng tôi tràn đầy niềm vui. Khi tôi còn là một đứa bé nhỏ nhất, một cách tự nhiên là Bà chăm sóc cho tôi nhiều hơn. Tôi cưỡi trên vai Bà khi Bà đi đây đó để làm công việc của mình. Anh chị em chúng tôi không bao giờ nhìn thấy Bà với khuôn mặt giận dữ. Bây giờ tôi cảm thấy đây chính là phước lành thực sự mà tôi được lớn lên trong đó. Sau này, tôi đã có thể rèn luyện trong việc trưởng dưỡng lòng từ bi bằng cách sử dụng trí thông minh của mình, tuy nhiên, hạt giống từ bi đã được gieo trồng bởi mẹ của tôi”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng giá trị của tình cảm là rất lớn, hỏi tại sao con người lại bỏ qua các giá trị bên trong như vậy, thay vì tập trung vào việc làm tăng trưởng trí thông minh; vào thái độ tự cho mình là quan trọng hơn hết; và một cách thiên về vật chất của cuộc sống? Có bất cứ điều gì để được thực hiện không? Ngài hỏi và gợi ý rằng bản chất con người là thực sự cao thượng hơn. Ngài nói rằng chúng ta là những động vật mang tính xã hội, có xu hướng tự nhiên để tìm đến với nhau. Sự tồn tại cá nhân phụ thuộc vào sự hợp tác của tập thể, nếu chúng ta đầy lòng hận thù và nghi ngờ, thì sự hợp tát ấy không thể đạt được. Chúng ta có hạt giống từ bi trong chúng ta; và khi chúng ta còn trẻ thì nó còn tươi mới; và nó sẽ được chín muồi nhờ vào sự trưởng dưỡng trau giồi.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại cuộc thảo luận buổi sáng về “Kinh doanh, Đạo đức và lòng Từ bi" tại ĐH Santa Clara ở Santa Clara, California vào 24 tháng 2, 2014. Ảnh / Charles Barry |
Trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta thấy quá thường xuyên về vấn đề tham nhũng, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo; thiếu tình cảm và sự tôn trọng đối với cuộc sống của những người khác. Do đó, một tấm lòng từ ái, nhiệt tâm là rất quan trọng. Chúng ta cần phải bao gồm sự rèn luyện Tâm Từ bi và sự nhiệt tâm trong giáo dục từ lúc mẫu giáo cho đến đại học. Đó là điều quan trọng đối với tất cả mọi người.
Các nhà nghiên cứu y tế đã phát hiện ra rằng, một thái độ từ bi hơn sẽ mang lại một tâm trí bình tĩnh hơn, đưa đến sự tự tin và sức mạnh nội tâm, do đó hỗ trợ cho sức khỏe tốt hơn. Với sức mạnh nội tâm về lòng Từ được tăng trưởng; thì sự lo lắng, cảm thấy bị áp lực và tâm trạng căng thẳng sẽ giảm bớt. Sự lo lắng và giận dữ sẽ hủy hoại sức khỏe của chúng ta và phá vỡ gia đình chúng ta, vì vậy, từ bi có ảnh hưởng tích cực sâu sắc về bất cứ điều gì chúng ta làm.
“Chăm sóc y tế hiện đại được điều hành như một doanh nghiệp, nhưng ngay cả doanh nghiệp cũng cần sự ý thức về đạo đức. Vì chúng ta có một cơ thể và tâm trí, chúng ta cần sự an lạc về tinh thần và tiện nghi về vật chất mà lòng từ đưa đến. Chúng ta cần phải giáo dục mọi người để gia tăng mối quan tâm của mình đối với hạnh phúc của người khác. Đương nhiên là chúng ta có sự lo lắng cho bản thân, trong tận đáy tim, chúng ta có sự tự quan tâm cho riêng mình; nhưng chúng ta cần phải thực hiện nó một cách khôn ngoan, bằng cách phát triển mối quan tâm đối với người khác hơn là chỉ đơn thuần ích kỷ một cách ngu ngốc. Xin cảm ơn quý vị!”
Lloyd Dean, Giám đốc điều hành của tổ chức Chân Giá Trị Y Tế, đã mô tả nó như là một tổ chức cố gắng xây dựng lòng từ bi. Ông giải thích rằng cội rễ của nó nằm ở các hành động vị tha của 8 chị em đã đến San Francisco vào thế kỷ 19 với mục đích cung cấp sự chữa bệnh và chăm sóc cho người nghèo. Ông đã nói về ba nguyên tắc cơ bản mà họ tuân theo tại Chân Giá Trị: thứ nhất, khi họ cần đưa ra những quyết định lớn, họ cố gắng lắng nghe những nhu cầu của những người sẽ bị ảnh hưởng bởi các quyết định đó. Thứ hai, họ đảm bảo rằng không có ai bị chết trong cô đơn. Thứ ba, lòng từ bi là một bổn phận, chứ không phải chỉ đơn thuần là một sự tế nhị mang tính xã hội. Ông nói:
“Từ bi và lòng tốt thì chi phí rất ít, nhưng lại thu được lợi nhuận cao”. Câu trả lời đơn giản của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là: “Thật tuyệt vời!”
Quang cảnh của khán đài tại Trung tâm Leavey của Đại học Santa Clara trong cuộc đối thoại buổi sáng với Thánh Đức ĐLLM tại Santa Clara, California vào 24 tháng 2, 2014 Ảnh / YoWangdu |
Nói về những phương pháp để truyền cảm hứng cho mọi người nuôi dưỡng các giá trị bên trong như sự tử tế và lòng từ bi, Ngài nhận xét rằng cần phải bao gồm cả 1 tỷ người đã tuyên bố rằng họ không quan tâm đến tôn giáo. Vì lý do này, nên Ngài ủng hộ sự tiếp nhận một phương pháp thế tục đối với vấn đề đạo đức, một phương pháp dựa trên mô hình Ấn Độ cho thấy sự đánh giá cao và tôn trọng công bằng cho tất cả các tôn giáo, và cho cả những người không có bất cứ niềm tin tôn giáo nào.
Khi được hỏi về một điều mà có thể làm nên một sự khác biệt, Lloyd Dean cho biết:
“Tôi muốn các chuyên gia y tế của tôi nhìn vào mắt tôi và sử dụng tên tôi”. Ngài đồng ý, và nói rằng, chỉ khi nào các bác sĩ và y tá tiếp cận Ngài với một nụ cười thì Ngài mới cảm thấy an toàn và an tâm. Ngài nói: “Nếu bạn cởi mở, chân thành và trung thực, bạn sẽ thành công. Trong sự lợi ích của riêng bạn, tốt hơn hết là nên giúp đỡ người khác hơn là hờ hững với họ hoặc làm hại họ”.
Ngài đã được vinh danh trong số các vị khách quý khác tại bữa trưa của Hiệu Trưởng, sau đó Ngài có đưa ra một số nhận xét. Vào buổi chiều, Ngài trở lại Trung tâm Leavey để tham dự một cuộc thảo luận với đề tài “Kết hợp Đạo đức và Lòng Từ Bi vào Đời sống Kinh doanh”. Trước đám đông khán giả của khoảng 450 người, Kirk Hanson - Giám đốc Trung tâm Đạo đức Ứng dụng Markkula - đã giới thiệu các thành viên khác trong ban hội thẩm: Charles Geschke - đồng sáng lập của Adobe; Jane Shaw - Chủ tịch Hội đồng; Intel (retd) và Monica Worline, nhà nghiên cứu về lòng Từ Bi thuộc Đại học Michigan.
Chuck Geschke đã mô tả các nguyên tắc đã được áp dụng trong sự thiết lập của Adobe. Thứ nhất, thuê những người có trình độ tốt nhất mà bạn có thể, và nếu bạn muốn tiến bộ thì hãy thuê những người thông minh hơn bạn. Thứ hai, công ty ghi nhận và ủng hộ quyền về cuộc sống cá nhân của nhân viên. Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi liệu những người thông minh nhưng thủ đoạn thì có thể được bao gồm trong nguyên tắc đầu tiên hay không; Geschke trả lời rằng những người ấy sẽ không phải là những người mà họ muốn thuê. Thứ ba, vì có một số cử tri tham gia vào một công ty, chẳng hạn như khách hàng, nhân viên và cổ đông, bạn cần phải làm việc để đảm bảo sự trung thành của tất cả họ. Ngài nhận xét rằng Ngài rất ấn tượng bởi sự quan tâm vốn có trong những nguyên tắc này.
Thánh Đức ĐLLM và các hội viên ban hội thẩm trong cuộc thảo luận buổi chiều về “Sự kết hợp Đạo đức và lòng Từ bi vào Đời sống Kinh doanh” tại Trung tâm Leavey của Đại học Santa Clara ở Santa Clara, California vào 24 tháng 2, 2014. Ảnh / Charles Barry |
Về phần mình, Jane Shaw nói rằng việc chuẩn bị cho sự tham gia của mình đã đưa cô về với việc ôn lại quãng đời của mình. Lời nhận xét của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về mẹ của Ngài đã gợi nhắc cô về sự giáo dục của chính mình. Cô lớn lên trong một ngôi làng ở Worcester thuộc nước Anh sau thế chiến thứ hai trong một gia đình với những giá trị gia dòng dõi tốt đẹp: san sẻ, chơi công bằng, không đánh nhau với bất cứ ai, tôn trọng người lớn tuổi và nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng từ bi. Cô đã làm việc 24 năm trong một công ty mà người sáng lập của nó đã khắc sâu lòng từ bi trong sự thực hành. Khi cô đang lãnh đạo công ty riêng của mình, cô đặt niềm tin vào nhân viên và điều đó đã chiếm được sự trung thành và nghĩa trung kiên của họ. Cuối cùng, Intel đã có một cơ hội khi họ muốn thiết lập một nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, nơi mà sự đút lót được coi là chuẩn mực. Chỉ khi nào nó được đồng ý thống nhất rằng, sự hối lộ sẽ không đóng một phần vai trò nào cả, thì họ mới tiếp tục tiến triển. Bên cạnh đó, khi Intel đã nhận thức được rằng một số khoáng sản đã được chế tạo có hiệu lực như là một kết quả của các cuộc xung đột bạo lực mạnh mẽ tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo; các bước được thực hiện để đảm bảo rằng công ty, và sản phẩm của nó cũng vậy, không sử dụng những “khoáng sản xung đột” như thế. Cô cảm thấy đây chính là lòng từ bi trong công việc kinh doanh; và các nhân viên và khách hàng đều cảm thấy tốt về nó.
Monica Worline đề cập rằng, trong sự nghiên cứu của mình, cô đã phát hiện ra rằng việc người dân phân biệt được sự cần thiết của lòng từ bi trong các tổ chức, thật khó hơn là chúng ta nghĩ.
Ngài phân biệt hai loại từ bi, một là bản năng quan tâm đối với người khác mà chúng ta cảm thấy được về bạn bè và người thân của mình; và một lòng từ bi bao quát hơn, đó là kết quả của tư duy phân tích. Sau đó, thêm vào trong ý thức quan tâm đến người khác, đó là mong muốn chịu trách nhiệm để làm một điều gì đó về sự quan tâm ấy. Đặt câu hỏi về sự cạnh tranh, Ngài nói rằng có hai loại, cạnh tranh tập trung vào sự thành công và đạt đến đỉnh cao nhất; và cạnh tranh để tìm cách dìm người khác xuống.
Được hỏi làm thế nào để người ta có thể tìm chỗ cho sự thực hành tâm linh trong cuộc sống của mình; Ngài nhận xét rằng một trong những đặc điểm của tương lai, đó là nó đang rộng mở, không có sự hạn chế. Tuy nhiên, Jane Shaw cho rằng, cách để tìm được thời gian là yếu tố ưu tiên. Liên quan đến vai trò của người phụ nữ, Ngài giải thích rằng xã hội loài người vào thời kỳ đầu có nhu cầu rất ít về sự lãnh đạo. Sau khi thành lập nền nông nghiệp và có ý thức về sự sở hữu thì nhu cầu về sự lãnh đạo mới xuất hiện; các tiêu chí cho sự lãnh đạo là sức mạnh thể chất. Điều này đã ủng hộ cho Nam giới. Kể từ khi sự giáo dục loại bỏ được ưu thế của sức mạnh thể chất; ngày nay, khi cần phải thúc đẩy lòng từ bi, thì có một nhu cầu cần những người lãnh đạo thuộc phái nữ, bởi vì đó là một lĩnh vực mà họ có kinh nghiệm hơn. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, nếu có nhiều nhà lãnh đạo là phụ nữ, thì sự xung đột bạo lực có khả năng sẽ ít hơn.
Ngài kết luận:
“Chúng ta có một bản năng cơ bản đối với lòng từ bi, nhưng chúng ta cần phải phát triển nó. Sự quan tâm đến những người khác có liên quan đến quyền của con người; và tất cả mọi người cần phải được đảm bảo các quyền con người của họ, vì ai cũng muốn hạnh phúc và có quyền được hạnh phúc”.