Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ, ngày 08 Tháng 7 năm 2014 – Sau những vần thơ kính lễ từ “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” và “Trí Tuệ Căn Bản”, vào lúc bắt đầu của ngày thứ ba của Giáo lý nhập môn về Quán đảnh Thời Luân; tiếp theo là phần cầu nguyện cho Giáo pháp được trường tồn.
“Sau khi thực hành trải qua vô số kiếp,cuối cùng Đức Phật đã đạt được giác ngộ; Nhờ năng lực này, nguyện cầu cho Giáo Pháp mãi mãi được trường tồn!”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng trong khi thân, khẩu, ý của Đức Phật có rất nhiều phẩm hạnh thì đức tính chủ yếu nhất của Ngài chính là tình yêu thương và lòng từ bi. Vì vậy, Phật giáo có thể được mô tả như là một hệ thống dựa trên lòng từ bi. Bồ Tát Đạo có liên quan đến lòng từ bi và trí tuệ- là những phương tiện để đạt được sự Giác ngộ. Tất cả những điều tốt lành đều xuất phát từ lòng từ bivà tất cả các chướng duyên đều là kết quả của sự yêu chuộng chính bản thân mình. Trong thế giới rộng lớn, từ các cuộc xung đột quốc tế xuống cho đến những sự cãi vã trong gia đình, tất cả đều xuất phát từ một thái độ tự yêu chuộng bản thân mình là chủ yếu. “Bảo Hành Vương Chánh Luận” nói rằng:
“Nếu bạn chỉ quan tâm cho chính bản thân mình;
Thì đừng nói chi đến việc thành tựu sự giác ngộ, giải thoát;
Mà ngay cả hạnh phúc bình thường bạn cũng sẽ không bao giờ đạt được!”.
Vị Bồ Tát thường có hai nguyện vọng: để giải thoát tất cả chúng sinh và để đạt được sự giác ngộ cho họ.
Thánh Đức ĐLLM vẫy tay chào những người thiện ý khi Ngài đến nơi vào cuối cùng của Giáo lý nhập môn cho Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 ở Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 08 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thông báo rằng vì Ngài vẫn chưa hoàn tất bản “Bảo Hành Vương Chánh Luận” nên Ngài sẽ đọc lướt qua rất nhanh; chỉ dừng lại vài chỗ để giải thích những vần kệ cụ thể. Ngài bắt đầu bằng cách đề cập đến tánh Không của tánh Không; nó trái ngược với ý nghĩa rằng - bằng cách nào đó- sự thiếu vắng của sự tồn tại cố hữu lại được tìm thấy qua cách phân tích - và chính nó (sự thiếu vắng ấy) có thể là sự tồn tại cố hữu. Nó được tìm thấy giống như một ảo ảnh. Ngài nhận xét rằng sự hiểu biết về tánh Không thì chẳng dễ dàng chút nào! Nó đòi hỏi cần phải có thời gian và sự cống hiến hết mình để tìm hiểu nó.
Ngài Tịch Thiên nhận xét rằng, trong khi tất cả mọi người đều mong muốn tìm thấy hạnh phúc, thì nhiều người trong chúng ta bị thất bại trong sự kiếm tìm hạnh phúc này. Chúng ta có xu hướng phá huỷ hạnh phúc như thể nó là kẻ thù của chúng ta vậy. Trái lại, trẻ em thì tràn đầy niềm vui, chúng phản ứng với nhau bằng sự trung thực và trong sáng. Ngài nhớ lại khi nhìn thấy những trẻ em từ các cộng đồng khác nhau tại ngôi làng Pestalozzi ở Thụy Sĩ đã chơi đùa với nhau một cách dễ dàng vì chúng không hề có ý nghĩ về “chúng ta” và “bọn họ”; những sự phân biệt này sẽ phát triển dần lên khi chúng trưởng thành. Ngài nói rằng, là những con người, chúng ta thuộc về loài động vật xã hội với một khuynh hướng tự nhiên, một xu hướng sinh học đối với tình cảm. Nếu chúng ta trau giồi nó, ta sẽ đạt được cuộc sống hạnh phúc hơn và một thế giới hòa bình hơn. Bằng cách sử dụngl ý luận và sự thông minh của mình, chúng ta có thể phát triển một ý nghĩa rộng lớn của tình cảm mà thậm chí chúng ta có thể cầu mong cho kẻ thù của mình được hạnh phúc!
Để đạt được sự tốt đẹp chắc chắn như đã được đề cập trong bản Kinh này; có hai phương pháp để phát triển tâm thức tỉnh của Bồ đề tâm: “Thất Nhân Quả Khẩu Quyết” (Nhân Quả 7 lần) và“Hoán Đổi Ngã - Tha” (đặt mình vào hoàn cảnh của người khác). Những người có tính năng sắc bén sẽ thích phương pháp thứ hai hơn, nó không chỉ liên quan đến sự mong muốn cứu độ những chúng sanh khác, mà còn liên quan đến sự hiểu biếtvề tánh Không.
Ngài đã chỉ ra rằng sự tích tập các hạnh lành mà Ngài Long Thọ thảo luận ở đây -ngoại trừ yếu tố tà kiến ra -còn lại đều giống nhau trong tất cả các truyền thống tâm linh. Suy tư về sự tích tập các hạnh lành này sẽ giúp cho các môn đệ hiểu được sự quý báu của kiếp người; và chính những hạnh lành này mới dẫn đến sự đạt được thân người hiếm hoi khó được này. Ngài nói rằng trong “Ba Cốt Tủy của Đạo Lộ” Ngài Tsongkhapa đã giải thích làm thế nào mà - bằng cách khắc phục những cám dỗ của những thú vui trong đời này và đời sau - người đệ tử có thể phát triển một sự quyết tâm để đạt được sự giải thoát và phát khởi tâm tỉnh thức của Bồ đề tâm. Hướng đến cuối chương thứ hai và vào chương thứ ba, Ngài Long Thọ đã liệt kê cho nhà vua về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của cơ thể của Đức Phật và những hạnh lành nào sẽ tạo ra các Hảo Tướng ấy. Ngài cũng nhắc lại rằng tâm chánh niệm tỉnh thức không phải chỉ có ý định giải thoát cho một vài chúng sinh, mà là cho tất cả chúng sinh nhiều vô số và không có giới hạn - như hư không. Đó chính là ý định đưa tất cả họ đến với sự Giác ngộ.
Thánh Đức ĐLLM thuyết Pháp trong ngày cuối của Giáo lý nhập môn cho Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh, J& K, Ấn Độ vào 08 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
Cần lưu ý rằng giáo dục là vấn đề quan trọng trên toàn thế giới, trong khi hầu hết chúng ta sống cuộc sống bị thúc đẩy bởi sự yêu chuộng chính mình dựa trên một quan niệm sai lầm về “ngã”. Ngài giải thích rằng là một Lạt Ma đòi hỏi phải có sự rèn luyện và giáo dục. Ngài lại trích dẫn lời nói của Ngài Tsongkhapa rằng để dạy dỗ thuần hóa những người khác, trước tiên, người Thầy phải chế ngự được bản thân mình.Vì vậy, chỉ với một ít kiến thức về Phật pháp là không đủ; một vị Thầy tâm linh cũng cần phải rèn luyện trau giồi về Giới, Định và Tuệ.
Ngài nói rằng, vài năm trước, Phật tử Trung Quốc đã nói với Ngài rằng có mấy Thầy Tây Tạng xuất hiện ở Trung Quốc với danh hiệu rất quan trọng và lôi cuốn những người đệ tử có tấm lòng khao khát. Các môn đồ này cuối cùng đã thất vọng khi phát hiện ra rằng những người được gọi là “Lạt Ma” này chỉ quan tâm chủ yếu đến tiền bạc và tình dục. Họ yêu cầu Ngài nên làm điều gì đó, nhưng Ngài trả lời rằng Ngài chỉ có thể làm được một chút gì đó nếu như ở Ấn Độ. Ngài khuyên rằng, trước khi cam kết với họ, người đệ tử cần phải kiểm tra xem vị Thầy ấy thật sự có trí tuệ, lòng từ bi và sự an tịnh hay không. Ngài đề nghị rằng, chỉ nên kết nguyện với vị Lạt Ma sau khi đã chắc chắn về đức hạnh của vị ấy. Để bảo vệ Giáo Pháp, người Thầy cần phải thanh liêm minh bạch. Lừa dối người khácl à một hành động sai trái. Tiếng Trung Quốc từ “Lạt Ma” có nghĩa là “Đức Phật sống”, nhưng trong tiếng Phạn từ tương đương là “guru”, có nghĩa là một người có đủ tư cách để giảng dạy.
Những câu chuyện về mối quan hệ của Ngài Milarepa với Đức Marpa; và Ngài Naropa với Tilopa đã làm rõ tầm quan trọng của mối quan hệ giữa thầy và đệ tử. Sự xuất hiện của một Lạt Ma trong một hình thức bình thường là để giúp cho vị ấy dễ dàng tiếp cận với chúng ta và cho chúng ta cơ hội để học hỏi.
Ngài đã chỉ ra rằng chương năm của “Bảo Hành Vương Chánh Luận” bao gồm sự giải thích về bảy loại kiêu mạn, thập địa Bồ Tát, và từ câu 465, có hai mươi câu kệ bao gồm Bảy Chi Phần Thực Hành. Ngài khuyên rằng nếu thường xuyên tụng được những phần này thì sẽ rất tốt! Đó là điểm đỉnh của sự tóm tắt về Tâm tỉnh thức của Bồ đề tâm:
Nguyện cho con luôn là đối tượng của sự hưởng thụ
Đối với tất cả chúng sinh tùy theo ý muốn của họ;
Và không hề có một sự cản trở nào - cũng như đất,
Nước, lửa, gió, thảo mộc, và khu rừng hoang dã!
Nguyện cho con được thân thiết với chúng sinh như cuộc đời của chính họ,
Và nguyện cho họ thậm chí còn đáng quý hơn đối với bản thân con!
Cầu cho những ác nghiệp của họ hãy giáng xuống đời con!
Và tất cả những hạnh lành của con xin hãy trổ quả tốt đẹp cho đời họ!
Dù cho có bao lâu - còn bất cứ chúng sinh nào
Ở bất cứ nơi đâu - mà chưa được giải thoát
Nguyện cho con được lưu lại [cõi trần] vì lợi ích của họ
Mặc dù con đã đạt được sự Giác ngộ tối cao!
Một vài trong số hơn 100.000 người đã tập trung để tham dự ngày cuối cùng của Giáo lý nhập môn cho Quán Đảnh Thời Luân lần 33 của Thánh Đức ĐLLM tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 8, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
Sau khi đọc xong “Bảo Hành Vương Chánh Luận”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chuyển sang “Thư gửi một người bạn” của Ngài Long Thọ, và Ngài cũng lại nói rằng Ngài sẽ đọc lướt qua thật nhanh. Ngài chỉ trình bày ngắn gọn ở đoạn mô tả về tám mối bận tâm của thế gian và đoạn nghiên cứu về những cõi khác nhau của vòng luân hồi bao gồm các lĩnh vực của địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Ngài nhận xét rằng bản chất của vòng luân hồi là sự đau khổ ngập tràn do nghiệp báo và si mê. Bởi vì điều này, cho nên bao lâu chúng ta còn mong muốn đạt được giác ngộ, thì bấy lâu chúng ta phải suy tư về vô ngã,trừ khi chúng ta thực sự làm như vậy, bằng không thì sự thay đổi sẽ chẳng bao giờ xảy ra!
Đến phần cuối của bản Kinh có nói rằng trong kho tàng từ ngữ của Đức Phật chẳng có gì quý giá bằng lời giải thích của Ngài về Lý Duyên Sinh. Từ Vô Minh duyên Hành; Hành duyên Thức; Thức duyên Danh-Sắc; Danh- Sắc duyên Lục Nhập; Lục Nhập duyên Xúc; từ Xúc mà hình thành nên sự cảm thọ (Thọ); dựa trên những cảm thọ mà Ái xuất hiện; và bởi vì do Ái cho nên muốn bám giữ (Thủ); Thủ duyên Hữu; và do đó mà có sự “Sinh” như là một kết quả của quá trình này. Đó là mười hai mắc xích của Lý Duyên Khởi đã được Đức Phật thuyết giảng.
Một khi có “Sinh” thì sẽ có sự đau khổ không kể xiết: bệnh tật, già nua, tuyệt vọng, chết chóc và hủy diệt; tóm lại là vô cùng đau đớn! Nếu sự “Sinh” được chấm dứt thì những điều này sẽ không xảy ra.
Ngài trích dẫn một đoạn văn có đưa ra giải pháp rằng áp dụng Bát Chánh Đạo để tiến triển sự chánh niệm, tinh tấn và đức hạnh của mình. Lời khuyên chính của Ngài Long Thọ dành cho nhà vua là để trau giồi một tâm trí yên bình, bởi vì tâm trí chính là cội rễ của Pháp. Trong lời khuyên kết luận của mình, Thánh Đức ĐLLM nói:
“Mặc dù không có thời gian để giải thích hai tác phẩm của Ngài Long Thọ kỹ càng hơn, nhưng quý vị đã nhận được sự “khẩu truyền” và quý vị cũng đã có những cuốn sách ấy; vì vậy quý vị có thể tự mình đọc những tác phẩm này. Sau đó, suy nghĩ về ý nghĩa của chúng. Quý vị cũng có thể tổ chức các cuộc thảo luận với nhau về nội dung của sách. Tôi rất vui vì trong ba ngày qua, chúng ta đã có thể thực hiện được các bài Pháp này. Hãy khiêm tốn và tôn trọng người khác và không nên chỉ nghĩ cho riêng bản thân mình!”
Mạn-đà-la Thời Luân bằng cát cho Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 đã được hoàn thành tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 08 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
“Ngày mốt chúng ta sẽ bắt đầu Quán Đảnh Thời Luân với phần đi vào mạn đà la và những quán đảnh ban đầu. Nếu vào buổi chiều trời nóng thì phải nên cẩn thận che đầu của mình lại để tránh ánh nắng mặt trời. Các vị Cư sĩ thì có thể sử dụng những chiếc dù để che nắng; và các vị Tu Sĩ thì có thể dùng những chiếc Thượng Y để tự bảo vệ mình.
Vào buổi chiều, cũng như những ngày trước đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tham gia những lễ cầu nguyện và các nghi thức liên quan đến Quán Đảnh Thời Luân. Việc xây dựng Mạn-đà-la cát đã được hoàn tất và các tu sĩ của Tu viện Namgyal- những vị đã làm việc rất lâu với Mạn-đà-la - đã đóng gói những dụng cụ của mình. Sự cầu nguyện và các nghi lễ sẽ tiếp tục vào ngày mai, bao gồm cả chương trình vào đầu giờ chiều, trước tiên các Tăng sĩ của Tu viện Namgyal sẽ trình diễn Vũ Điệu Cúng Dường, và trong thời gian đó, các nhóm Tu sĩ và Cư sĩ khác cũng được mời để tham gia.