Hamburg, Đức, ngày 23 tháng 8 năm 2014 - Sau trận mưa đêm qua, mặt trời đã xuất hiện sáng nay cho Đức Đạt Lai Lạt đi xe một đoạn đường ngắn đến Trung tâm Hội nghị Hamburg, nơi mà Ngài sẽ nói chuyện với 7000 người về đạo đức thế tục. Trước khi bắt đầu lên đường, Ngài đã trả lời phỏng vấn cho Bettina Hansen, người tổ chức một chương trình của phụ nữ trên kênh truyền hình ZDF.
Bettina Hansen của kênh truyền hình ZDF phỏng vấn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Hamburg, Đức vào 23 tháng 8, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Cô hỏi về mối quan hệ đặc biệt của Ngài đối với nước Đức mà Ngài gán cho cả mối quan hệ của mình với những người Áo nói tiếng Đức Peter Aufschnaiter và Heinrich Harrer khi Ngài còn là một cậu bé ở Tây Tạng; và sự cảm thông của Ngài cho đất nước sau chiến tranh thế giới thứ hai; và lòng ngưỡng mộ đối với sự phục hồi tiếp theo của nó. Cô hỏi điều gì đã làm cho Ngài hạnh phúc và Ngài trả lời rằng mình hạnh phúc là vì mình được là một con người trong số 7 tỷ người khác. Và khi cô ấy hỏi về những kỷ niệm thời thơ ấu của Ngài, Ngài đã nói với cô ấy rằng, trước hết, Ngài nhớ lại khuôn mặt của mẹ mình, nhắc lại rằng mặc dù thất học nhưng bà là một hình ảnh sống động của tấm lòng nhân hậu.
Đối với các báo cáo hàng ngày trong các tin tức bạo lực nhân danh tôn giáo, Ngài hỏi:
“Nếu bạn tin vào một vị thần sáng tạo, và rằng tất cả chúng ta được tạo ra bởi vị thần ấy, vì vậy tất cả chúng ta đều là anh chị em được tạo ra bởi ông ta, vậy thì tại sao các bạn lại có thể giết hại lẫn nhau? Đó là điều không thể tưởng tượng được”.
Những tràng pháo tay ấm áp và thân thiện đã chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài bước lên khán đài tại Trung tâm Hội nghị. Ngài nói:
“Tôi rất hạnh phúc khi được ở đây. Tôi cũng rất vui rằng tại Trung tâm Tây Tạng này, quý vị đang cố gắng làm điều gì đó hơn là chỉ cung cấp giáo lý Phật giáo. Kiến thức về tâm trí có thể được sử dụng cho tất cả mọi người trong truyền thống của chúng ta và quý vị đang làm cho nó có giá trị -. Xin cảm ơn quý vị!”
Khi người điều hành Gert Scobel mời Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lên nói chuyện về đạo đức trong xã hội, Ngài bắt đầu bằng cách nói rằng:
“Bất cứ khi nào tôi gặp gỡ mọi người, những người bình thường, các nhà lãnh đạo chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp hay các nhà lãnh đạo tôn giáo, tôi luôn luôn nghĩ về họ như những con người đồng loại. Chúng ta đều giống nhau về thể chất, tinh thần và tình cảm. Chúng ta là những con người có những cảm giác của niềm vui và nỗi đau; với mong muốn được hạnh phúc và có quyền để được thực hiện những mong ước đó. Sự khác biệt giữa con người và những loài vật khác đó chính là trí thông minh của chúng ta. Nó cho ta khả năng nhìn vào tương lai, tuy nhiên, cũng mang đến cho ta mối băn khoăn và sự lo lắng. Nhưng chỉ có là những con người chúng ta mới có cơ hội để đối phó với tâm thức của mình”.
Quang cảnh của khán đài tại Trung tâm Hội nghị trong phần buổi sáng của cuộc nói chuyện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Hamburg, Đức vào 23 tháng 8, 2014 Ảnh / Manuel Bauer |
Ngài cho rằng, sự quấy nhiễu ở cấp độ tinh thần có liên quan đến thái độ tự cho mình là quan trọng. Càng xem trọng chính mình thì sẽ càng hờ hững và bỏ bê người khác; và khoảng cách chúng ta cảm nhận được từ họ sẽ càng lớn hơn. Phát triển một thái độ quan tâm nhiều hơn đối với người khác sẽ làm giảm bớt nỗi sợ hãi và thúc đẩy tình hữu nghị. Những cảm xúc quấy nhiễu tâm hồn của chúng ta chỉ có thể được giải quyết bằng tâm trí, không phải bằng rượu bia, ma túy hay sự phẫu thuật. Nếu loại bỏ một phần của não bộ có kinh nghiệm về cảm xúc thì sẽ không ổn, bởi vì con người cần cảm xúc. Nhưng chúng ta cũng cần một tâm trí bình tĩnh.
Chúng ta không nói về kiếp sau hay thiên đường và địa ngục; Ngài cho biết, đây không phải là một vấn đề dựa vào giáo lý tôn giáo, mặc dù tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều dựa trên đạo đức và truyền tải một thông điệp về tình yêu thương và lòng từ bi. Nhưng chúng ta cần những cách thức và phương tiện được áp dụng cho tất cả mọi người; vì thế nên chúng ta cần nền đạo đức thế tục. Và theo mô hình lâu đời của Ấn Độ, đạo đức thế tục liên quan đến việc có sự tôn trọng cho tất cả các truyền thống tôn giáo và ngay cả đối với những người không có đức tin. Đạo đức thế tục như là một phương pháp dành cho sự bình yên trong tâm hồn, một phương pháp đạo đức cho các giá trị nội tâm không phụ thuộc vào truyền thống tôn giáo này hay tôn giáo kia, mà là một phương pháp thích hợp cho tất cả 7 tỷ người.
Một lý do khác mà chúng ta cần đạo đức thế tục là chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề do con người tạo ra. Nếu chỉ dựa vào truyền thống tôn giáo thì có thể sẽ dẫn đến một cảm giác về “chúng ta” và “bọn họ”, mà trong những trường hợp cực đoan thì có thể sẽ dẫn đến một điều không thể tưởng tượng được: sự giết hại những người khác.
“Như tôi vừa nói với các đại diện của cộng đồng Hồi giáo ở Ladakh”, Ngài nhấn mạnh, “khi các anh chị em tôn giáo giết hại lẫn nhau, chúng ta cần phải làm điều gì đó. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm phải làm điều gì đó!”.
Ngài nói rằng trong lịch sử, nước Đức đã chiến đấu với Pháp và Nga; và Ngài nhớ lại vị giáo viên vật lý lượng tử của Ngài là Carl Friedrich von Weizsäcker - anh trai của cựu Tổng thống Đức - đã nói với Ngài rằng, trong thời niên thiếu của ông; người Pháp là kẻ thù trong con mắt của mỗi người dân nước Đức; và trong con mắt của mỗi người Pháp thì Đức cũng là kẻ thù. Và điều đó đã hoàn toàn thay đổi với sự ra đời của Liên minh châu Âu, điều mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho là quá tuyệt vời!
Một số trong số hơn 7.000 thành viên của khán giả tham dự buổi nói chuyện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Hamburg, Đức
vào 23 tháng 8, 2014 Ảnh / Manuel Bauer |
“Phương pháp thích hợp để thúc đẩy đạo đức thế tục không phải là thông qua sự giảng đạo mà là thông qua sự giáo dục; và đạo đức thế tục là phù hợp trong bối cảnh giáo dục thế tục. Nếu chúng ta đã làm nhiều hơn để thúc đẩy đạo đức thế tục trong thế kỷ 20, thì có thể chúng ta đã đạt được tiến bộ hơn bây giờ. Nhưng một khi những nguyên nhân của sự xung đột và bạo lực đã chín muồi và sự giết chóc đã bắt đầu thì rất khó ngăn chặn. Vào thời điểm đó cảm xúc đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.
Ngài nhớ lại sự viết thư cho người bạn của mình - Tổng thống Bush - sau sự kiện 11 tháng 9 để bày tỏ lời chia buồn sâu sắc, nhưng cũng gợi ý với ông ta rằng, bất cứ phản ứng nào ông thực hiện thì cũng nên theo tinh thần bất bạo động để cho tình trạng bạo lực không leo thang và không tạo thêm nhiều Bin Laden nữa. Gert Scobel chuyển cuộc thảo luận sang đề tài kinh tế và đạo đức thế tục, và Ngài đã chỉ ra rằng, trong khi Ngài không phải là một nhà kinh tế thì Ngài sẽ lấy quan điểm của chủ nghĩa Mác về sự cần thiết để phân phối công bằng hơn về của cải. Ngài nói rằng ngày nay, không hề có một xã hội xã hội chủ nghĩa đích thực ở bất cứ nơi nào; vì thiếu nguyên tắc đạo đức vững chắc. Ngài nói:
“Khi chúng ta có một động cơ vị tha, thì tất cả các hành động của chúng ta đều trở thành có tính cách xây dựng. Khi chúng ta tự coi trọng bản thân mình thì mọi hành động của chúng ta đều có xu hướng phá hoại. Chúng ta cần phải được hướng dẫn bởi bản đồ của những cảm xúc và sự hiểu biết của chúng ta về cách mà hệ thống của các cảm xúc hoạt động”.
Một câu hỏi từ phía khán giả rằng, ngày nay, làm thế nào mà các khu vực hòa bình có thể thực hiện được; và Ngài đã trả lời rằng có nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt hôm nay là kết quả của sự bất cẩn trong quá khứ. Thế kỷ 20 là thời kỳ đổ máu - Ngài nói - và thay vào đó, chúng ta cần phải đảm bảo rằng thế kỷ 21 là một thế kỷ của đối thoại.
“Tất cả chúng ta đều nói về ‘hòa bình, hòa bình’, nhưng hòa bình không rơi từ trên trời xuống. Chúng ta phải làm một cái gì đó để tạo ra nó. Con người cần phải giải quyết những vấn đề của chính mình. Và phương pháp đúng đắn để tạo ra hòa bình là tham gia vào các cuộc đối thoại. Ý tưởng về sự thất bại đau đớn của một phe trong khi phe bên kia vui mừng chiến thắng là đã lỗi thời. Thay vào đó, chúng ta phải phát triển đối thoại. Chúng ta phải thực hiện một nỗ lực nếu chúng ta muốn có một thế giới hòa bình và từ bi hơn. Nó đòi hỏi sự giáo dục, dựa trên lòng kiên nhẫn, khoan dung và tha thứ. Thông thường bạo lực xảy ra là do tham lam, vì vậy chúng ta cũng cần sự tri túc và tinh thần tự kỷ luật."
Thánh Đức ĐLLM được phỏng vấn bởi Matthias von Hein của Đài Truyền hình Deutsche Welle ở Hamburg, Đức vào 23 tháng 8, 2014 Ảnh / Manuel Bauer |
Trong giờ nghỉ để dùng cơm trưa, Ngài đã có một cuộc phỏng vấn với Matthias von Hein của Đài Truyền hình Deutsche Welle; ông hỏi Ngài rằng, khi phải đối mặt với một đất nước Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ về kinh tế và chính trị, những triển vọng về quyền tự trị của Tây Tạng là gì. Ngài nói với ông rằng có nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là giới trí thức, đã hỗ trợ cho sự tìm kiếm của người Tây Tạng về các quyền cơ bản. Ngài cũng lưu ý rằng hiện nay có hơn 300 triệu Phật tử Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng - một truyền thống cũng giống như truyền thống Trung Quốc - đã được xuất phát từ truyền thống Nalanda. Ngài nói rằng nhiều người Trung Quốc đã nói với Ngài rằng trong khi Trung Quốc có nguồn nhân lực để tạo ra sự khác biệt trên vũ đài thế giới, thì nó lại thiếu đi uy tín về đạo đức. Ngài cho rằng, thay vì sự kiểm duyệt thì nên có một nhu cầu minh bạch hơn. Người dân Trung Quốc đáng được biết những gì đang xảy ra.
Tại một cuộc họp với báo chí tiếp theo sau đó; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên phác thảo lên ba sự cam kết của mình: là một con người chia sẻ sự nhận thức về giá trị của đạo đức con người; thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo; và - là một người Tây Tạng, khuyến khích việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng, đó chính là nền văn hóa của hòa bình và từ bi.
Một câu hỏi đã được đặt ra cho Ngài rằng, trong khi Ngài luôn nói về hòa bình, nhưng thế giới dường như không chú ý đến; “Tại sao Ngài không bỏ cuộc?” Ngài trả lời rằng, bản chất cơ bản của con người là hiền lành; và các nhà khoa học như người bạn của ngài - Richie Davidson - đã phát hiện ra rằng, những em bé trẻ thơ ưa thích những hành động mà trong đó người ta giúp đỡ chứ không phải là hãm hại hay cản trở lẫn nhau; điều đó cho thấy rằng bản chất con người vốn dĩ lương thiện và thích những điều tốt đẹp.
Một người khác quan sát thấy rằng có những người biểu tình trên đường phố bên ngoài đã khẳng định rằng Ngài đã ngăn cấm sự thực hành về Dolgyal; và hỏi rằng Ngài phải nói như thế nào về điều đó. Ngài trả lời:
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với các thành viên của các phương tiện truyền thông ở Hamburg, Đức vào 23 tháng 8, 2014 Ảnh / Manuel Bauer |
“Nếu bạn nghiên cứu tỉ mỉ về lịch sử bốn thế kỷ của vị thần này, bạn có thể tìm ra. Do thiếu hiểu biết nên tôi đã tùng thuận theo nó từ năm 1951-70, nhưng một khi tôi đã hiểu có những nhược điểm đối với sự thực hành đó, tôi liền nghiên cứu nguồn gốc của nó vào thời Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 và tôi đã chấm dứt pháp hành này. Một Tu viện quay sang tôi để được giúp đỡ khi gặp những khó khăn bất thường, và nó xuất hiện ra rằng, sự tùng thuận theo vị thần này là gốc rễ của điều đó. Ngay từ đầu, tôi đã cố gắng để được minh bạch về việc này và đã cố gắng để làm cho mọi việc sáng tỏ. Cho dù người khác có lắng nghe những gì tôi nói hay không là tùy thuộc vào họ. Những người biểu tình bên ngoài dường như không được thông báo một cách đúng đắn. Họ không biết gì về sự thật của trường hợp này. Tôi đã không ngăn cấm bất cứ điều gì và chỉ cố gắng nói lên sự thật về nó”.
Khi được thỉnh cầu một lời khuyên để có một cuộc sống hạnh phúc, đầu tiên Ngài nói rằng Ngài không biết; nhưng sau đó Ngài gợi ý rằng, nên có một cái nhìn toàn diện hơn về những gì đã xảy ra, hãy nhớ rằng mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau, và hãy nuôi dưỡng một thái độ vị tha - thì sẽ giúp ích cho việc có được một cuộc sống hạnh phúc.
Phát biểu trong buổi chiều về việc phát triển các giá trị nội tâm; Ngài đã dẫn chứng một sự nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ, trong đó một nhóm người đã được dạy cho những hướng dẫn cơ bản về thiền định; và được đào tạo trong việc phát triển lòng từ bi. Trước tiên họ đã được đo về huyết áp, nhịp tim và những mức độ căng thẳng phổ biến. Sự đo kiểm tra được thực hiện lại một lần nữa sau khi đã được rèn luyện về lòng từ bi được ba tuần; và kết quả cho thấy một sự cải thiện rất đáng kể. Hơn nữa những người tham gia vào sự thí nghiệm cho việc nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng họ cũng đã sống rất hòa thuận với bạn bè của họ tốt hơn nhiều. Ngài nói:
“Chúng ta là những động vật mang tính xã hội và đó là lợi ích của chúng ta; nếu chúng ta muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, thì hãy nghĩ đến phần còn lại của nhân loại. Nếu chúng ta muốn cải thiện loài người, chúng ta phải bắt đầu với các cá nhân. Chúng ta cần một nền giáo dục tốt hơn được giới thiệu về đạo đức thế tục từ thời thơ ấu cho đến khi vào đại học. Chúng tôi đang thử nghiệm một chương trình giảng dạy để thực hiện điều này. Các bạn có thể thử nó trong các trường học ở đây tại Hamburg và quan sát các kết quả trong vòng 4 hoặc 5 năm. Nếu nó có hiệu quả thì bạn có thể mở rộng đến các trường khác”.
Liên quan đến thiền định, Ngài nói:
“Nếu chỉ nhắm mắt lại và phát triển sự “không suy nghĩ” thôi, thì sẽ không thành công như mong muốn. Tốt hơn hết là trí thông minh của chúng ta nên hoạt động tích cực.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu vào buổi chiều trong cuộc nói chuyện của Ngài tại Hamburg, Đức vào 23 tháng 8, 2014 Ảnh / Manuel Bauer |
Ngài mô tả ba mức độ nhận thức: sự nhận thức đạt được bằng cách lắng nghe hay đọc sách để bắt đầu; sau đó nhận thức đạt được bằng cách suy nghĩ và nghiền ngẫm về những điều trên; và cuối cùng là tập trung nhất tâm đến vấn đề mà mình đã suy tư, làm cho bạn quen thuộc sâu sắc với nó và tạo ra kinh nghiệm thực tế. Ngài đề cập đến lời khuyên vô song của Đức Phật rằng, không nên chấp nhận giáo lý của Ngài theo giá trị bề mặt của đức tin, mà phải nghiên cứu chúng dưới ánh sáng của lý trí. Điều này, Ngài nói, là một nét đặc biệt quan trọng của truyền thống Nalanda. Ngài khuyến cáo rằng, để xây dựng sức mạnh tinh thần cơ bản, chúng ta cần phân tích và nhận thức, Ngài chỉ ra rằng Đức Phật đã nói: “Bạn là người Thầy của chính bạn”.
Trong số các câu hỏi từ khán giả, lại một lần nữa một cuộc điều tra về những người biểu tình bắt gặp trên đường phố bên ngoài. Ngài lặp lại những gì Ngài đã nói với báo chí trước đó, lưu ý rằng những người biểu tình được quyền hưởng tự do ngôn luận, đó là tốt. Ngài nói thêm:
“Vấn đề tôi muốn nói ở đây là tôi đã không ngăn cấm sự thực hành mà họ đang đề cập đến. Nhiệm vụ của tôi là làm cho tình hình được sáng tỏ, không có gì hơn thế cả. Người khác có chú ý hay không là tùy thuộc vào họ. Tôi vẫy tay với họ khi tôi nhìn thấy họ, và đôi khi họ cũng vẫy tay trở lại”.
Một thành viên khác của công chúng muốn biết rằng khi rất nhiều người có những mong đợi từ Ngài, làm thế nào Ngài có thể đáp ứng lòng mong muốn của họ. Ngài trả lời:
“Sự thực hành chính của tôi là cống hiến thân, khẩu, ý của mình cho phúc lợi của người khác. Tôi hy vọng có thể tiếp tục làm điều này trong khi còn thời gian. Lời cầu nguyện ưa thích của tôi là:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Ngài kết thúc buổi chiều bằng cách nói:
“Tôi thực sự rất cảm kích rằng tất cả các bạn đã lắng nghe một cách chăm chú về những gì tôi đã nói. Nếu bạn thấy nó hữu ích thì hãy suy tư về nó nhiều hơn! hãy thảo luận với bạn bè và gia đình của bạn! Mặt khác, nếu bạn thấy nó chẳng hữu ích gì, thì chỉ cần quên nó đi. Xin cảm ơn các bạn!”