Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 20 tháng Hai, năm 2014 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) sáng nay để tham gia vào hai cuộc thảo luận; cuộc thảo luận thứ nhất liên quan đến các thành viên của AEI và cuộc thứ hai liên quan đến các thành viên của Viện Tâm thức và Đời sống (MLI). Câu hỏi của vị Chủ tịch của AEI - Arthur Brooks - cho buổi sáng là liệu có phải hệ thống Doanh nghiệp Tự do là cách tốt nhất để đối phó với tình hình của chúng ta. Trước tiên, ông giới thiệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các thành viên hội thảo khác: Glenn Hubbard - Chủ nhiệm Khoa của Trường Thương Mại Columbia, Dan Loeb - Giám Đốc Công Ty Hedge Fund (Công ty liều lĩnh, dám làm những việc có nhiều rủi ro, miễn sao thu lợi nhuận càng cao càng tốt); và Giáo sư Jon Haidt của Đại học New York - trước khi yêu cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu vài nhận xét ban đầu. Ngài trả lời:
Thánh Đức ĐLLM chào mừng các thành viên của khán giả khi Ngài đến tham gia cuộc thảo luận tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC vào 20 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Chúng ta đang tìm kiếm một phương pháp đúng đắn để sống một cuộc sống hạnh phúc trong một gia đình hạnh phúc, một quốc gia hạnh phúc, một thế giới hạnh phúc. Nhưng cuộc tìm kiếm cho sự hạnh phúc này phải bắt đầu từ đâu? Với chính phủ? Với Liên Hiệp Quốc? Không! công việc xây dựng này phải được bắt đầu với từng cá nhân. Bất luận người ấy đang theo đuổi nghề nghiệp gì hay thực hiện chuyên ngành gì; họ đều là những con người. Một số người đã nói với tôi rằng, thành phố này có quá nhiều chính trị gia; các chính trị gia cũng là con người vậy! Là con người, chúng ta cần phải hợp tác với nhau để đối phó với những thách thức - chẳng hạn như - sự biến đổi khí hậu và sự bùng nổ dân số.
“Trong quá khứ, chỉ có người Mỹ bản địa sống ở đây cho đến khi những người từ bên ngoài nhập cư đến và xây dựng đất nước tuyệt vời này. Tuy nhiên, bây giờ các mô hình của sự tư duy cũ kỹ về “họ” và “chúng ta” là đã lỗi thời. Thay vào đó, chúng ta cần phải suy nghĩ về toàn thể nhân loại, và hãy nhớ rằng, ngay cả khi một người lạ lẫm nào đó - họ vẫn là một con người. Thế kỷ 20 là một bước ngoặt trong nhiều phương diện, nhưng đó cũng là một kỷ nguyên của bạo lực và chiến tranh. Thế kỷ này nên được mô tả như là một kỷ nguyên của hòa bình, nó không phải kết quả của lời cầu nguyện, mà là của sự hành động. Bất luận niềm tin cá nhân của chúng ta là gì, tất cả chúng ta đều có tiềm năng để trở nên từ bi hơn. Các nhà khoa học bạn bè của tôi ở đây sẽ có nhiều điều để nói về vấn đề này. Tôi đang mong đợi cuộc thảo luận của chúng ta”.
Glenn Hubbard hỏi tại sao cả thế giới không giàu có. Ngài cho rằng doanh nghiệp tự do chính là một động lực; Ngài ghi nhận sự cần thiết của một Chương trình cho vay vốn và Viện trợ Kinh tế của Hoa Kỳ để thúc đẩy cơ hội thực hiện. Ngài đã nói một cách đồng tình về chủ đề của Arthur Brooks rằng “sự thành công xứng đáng” là một mục tiêu quan trọng. Brooks quay sang hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, làm thế nào chúng ta có thể làm cho Doanh nghiệp Tự do trở nên hiệu quả hơn. Ngài trả lời:
Glenn Hubbard thực hiện sự thuyết trình của mình trong cuộc thảo luận đầu tiên với Thánh Đức ĐLLM tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC vào 20 tháng 2, 2014 Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Điều này rất khó khăn. Một mặt, hệ thống Tư bản Mỹ đã tạo ra một khoảng cách khá lớn giữa người giàu và người nghèo; mặt khác, hệ thống Xã hội chủ nghĩa của Ấn Độ độc lập trong nhiệm kỳ của Nehru không phải là rất thành công và cũng không có hiệu quả. Rõ ràng cả hai hệ thống Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa đều có những điểm thiếu sót. Chúng ta cần phải thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đối với những người khác và xem xét về sự hiệp nhất của nhân loại. Điều này sẽ liên quan đến việc tiếp thu kiến thức để thay đổi và thích nghi”.
Dan Loeb đã bày tỏ cảm giác của mình về niềm vinh dự được chia sẻ cùng một diễn đàn với Bậc lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma; và nhà lãnh đạo tinh thần của Chủ nghĩa Tư bản hiện đại - Glenn Hubbard. Ông đề cập rằng khi ông bắt đầu nguồn Quỹ của mình, cũng là lúc ông bắt đầu luyện tập Ashtanga Yoga, giúp cho ông ý thức được sự thay đổi bất thường của tâm, và khám phá ra chính mình trong những vị trí khó khăn. Ông phải đối phó với cả hai vấn đề về “sự quyết định thực hiện” và “thực hiện những sự quyết định” là những gì mà ông ấy đã phải làm suốt ngày, về con người, về thị trường và cổ phiếu. Ông đã nói về sự khó khăn như thế nào, khi một ai đó có ý tưởng và họ cần sự hỗ trợ nhưng lại không có một hệ thống cung cấp tín dụng. Do đó, cần phải có một nguồn về thanh khoản (khả năng thanh toán bằng tiền mặt) và nguồn vốn chi phí thấp. Ông nói rằng không có hệ thống khác hơn là sự đổi mới Quỹ Doanh nghiệp Tự do. Trong bối cảnh này, yếu tố quan trọng nhất mà ông thấy được đó chính là sự giáo dục; với sự giáo dục thì ngay cả những người nghèo khổ vẫn có thể thành công.
Arthur Brooks hỏi Ngài những gì có thể được thực hiện để đưa đến sự thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Ngài trả lời rằng, vì các pháp đều có sự liên kết với nhau, vì vậy, chúng ta cần phải nhìn vào bức tranh của bối cảnh lớn hơn. Chúng ta cần sự giáo dục, điều này là thực tế hơn. Chúng ta cần sự bảo vệ của hệ thống pháp luật vững chắc; và chúng ta cần sự tín nhiệm. Để phát triển sự tín nhiệm, chúng ta cần phải trung thực, chân thành và minh bạch. Ngài nhấn mạnh rằng, bao lâu chúng ta còn có sự quan tâm đến phúc lợi của người khác, thì bấy lâu sẽ không có chỗ cho sự lường gạt, gian lận hoặc bóc lột. Vì lợi ích của nhân loại, chúng ta cần có một ý thức về trách nhiệm toàn cầu.
Thánh Đức ĐLLM nói chuyện trong cuộc thảo luận với các thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington DC 20 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Jon Haidt đã đề cập đến ba sự kiện. Sự kiện đầu tiên, Chủ nghĩa Tư bản là bóc lột. Nhà tư bản hút tất cả các nguồn lực và bóc lột tất cả mọi người khác. Và những nhà kinh doanh đã cải thiện cuộc sống của chúng ta. Trong sự kiện thứ hai, mọi người đều vẫn nghèo cho đến khi những người Anh và Hà Lan phát minh ra Chủ nghĩa Tư bản Thị trường Tự do và sự đói nghèo đã biến mất. Trong sự kiện này, Chủ nghĩa Tư bản lại chính là vị cứu tinh. Trong sự kiện thứ ba, Chủ nghĩa Tư bản đã thành công vào những năm 1990, nhưng chúng ta - không phải tất cả - đều được sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng tăng. Người giàu sang đã mua được uy quyền và thế lực. Sự biến đổi khí hậu đã trổi dậy. Tất cả những điều này đã làm cho chúng ta cảm thấy một cái gì đó đã bị mất mát. Ông kết luận với một lời yêu cầu khẩn khoản rằng hãy viết về một sự kiện mới để lôi cuốn sự nhận thức sâu sắc của cánh Tả và cánh Hữu.
Arthur Brooks đã lưu ý rằng trong khi Chủ nghĩa Tư bản có thể là một chế độ thành đạt tuyệt vời, những nó không phải là không nguy hiểm. Ông thỉnh cầu lời khuyên của Ngài về việc làm thế nào để giúp đỡ người nghèo được hưởng lợi từ hệ thống Tư bản Chủ nghĩa mà chúng ta đang được hưởng ngày hôm nay.
“Tôi không biết”, Ngài trả lời. “Mỗi ngày tôi nghiền ngẫm phân tích sâu xa về bản chất của ngã (bản thân) và pháp (hiện tượng). Nếu chúng ta ích kỷ và tự xem mình là quan trọng, thì chúng ta cũng cần phải ích kỷ một cách khôn ngoan chứ không khờ khạo như vậy. Nếu chúng ta bỏ mặc những người khác, thì chúng ta cũng sẽ bị mất mát. Chúng ta cần phải hỗ trợ những người khác. Đây là bức thông điệp chung của tất cả các truyền thống tôn giáo lớn. Vì sự tham lam là rất nguy hiểm, thế nên tất cả những truyền thống này đều khuyên chúng ta phải biết bằng lòng về cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta có thể giáo dục cho mọi người hiểu rằng cách tốt nhất để thực hiện quyền lợi của mình là phải quan tâm đến phúc lợi của người khác. Nhưng điều này đòi hỏi cần phải có thời gian”.
Arthur Brooks tóm tắt những gì đã được học hỏi. Mỗi người chúng ta chỉ là một trong số 7 tỷ người, mà sự hiểu biết về lợi ích chung của chúng ta là một nguồn hạnh phúc; điều này phải được dựa trên đời sống đạo đức; đời sống đạo đức là một thực tế; và tiềm năng để xây dựng tình huynh đệ nằm trong tay của chúng ta. Ông cảm ơn tất cả những người đã góp phần vào sự thành công của cuộc hội thảo này.
Khi cuộc thảo luận thứ hai bắt đầu, Arthur Zajonc giải thích rằng Viện Tâm thức và Đời sống đã hoạt động như là một điểm gặp gỡ giữa Khoa học và các truyền thống Thiền định của Châu Á. Nó đã được phát triển trong khoảng thời gian 30 năm, trong đó đã có 27 cuộc hội nghị quan trọng và có nhiều ấn phẩm xuất bản. Ngày nay, MLI đã tích cực tham gia vào các chiến lược phát triển giáo dục và dự án Bản đồ Tâm thức.
Ông nói rằng, khi bắt đầu thực hành, chúng tôi đã thiết lập một động lực của mình, chúng tôi tự hỏi: “Mục đích của chúng ta là gì?” và câu trả lời là "Chúng ta cần quan tâm đến nhau”.
Richard Davidson, Arthur Zajoric và Thánh Đức ĐLLM trong buổi thảo luận về “Mở khóa Tâm Thức và Hạnh phúc Nhân loại” tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC vào 20 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell /PĐLLM |
Richard Davidson - người đã quen biết Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hầu như kể từ khi bắt đầu của Tâm thức và Đời sống - đã mở đầu sự thuyết trình của mình. Ông nói rằng các nhà khoa học đang bắt đầu phân biệt sự khác nhau giữa sự hạnh phúc và hạnh phúc. Ông đề cập đến vấn đề di truyền và phát hiện cho thấy rằng 20/40% ý thức của chúng ta về hạnh phúc được lý giải bởi các yếu tố di truyền. Điều đó nói rằng, sự nghiên cứu về biểu sinh cho thấy gen có một cái gì đó giống như một sự điều khiển âm lượng, nó đáp ứng các yếu tố của môi trường, vì vậy khả năng tác động của chúng là không cố định.
Nhắc lại bốn yếu tố mà Arthur Brooks gợi ý rằng chúng đóng vai trò trong sự hạnh phúc, đó là: niềm tin, gia đình, cộng đồng và công việc, Davidson nói rằng nghiên cứu hiện đại cho thấy sự hảo tâm và tận tụy cũng rất quan trọng. Liên quan đến việc tăng cường các yếu tố này thông qua sự giáo dục, nghiên cứu cho thấy rằng, có những giai đoạn mà bộ não đặc biệt nhạy cảm để được đào tạo. Ông kết luận rằng hạnh phúc có thể được học hỏi. Não dễ được uốn nắn trong lúc còn thơ bé, vì vậy những chương trình có thể được phác thảo để giáo dục nó về lòng hảo tâm và sự tận tụy. Sự đầu tư ban đầu như thế sẽ mang lại một kết quả tốt thông qua hệ thống giáo dục.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói đùa rằng, người bạn cũ của Ngài đã đề cập rằng, trong độ tuổi từ 4 đến 7, bộ não đặc biệt nhạy cảm với sự đào tạo và uốn nắn, và cười giải thích rằng, Ngài đã là một học sinh bất đắc dĩ và lo lắng cho những năm đầu trong thời kỳ thiếu niên của mình. Tuy nhiên, Ngài nói rằng, sự đào tạo của Ngài đã được tiếp tục sau đó cho đến thông qua độ tuổi 20, 30 và 40 tuổi. Ngài cảm thấy rằng, bao lâu bộ não vẫn còn hoạt động thì sự thay đổi vẫn có thể được tiếp tục.
Liên quan đến sự giáo dục và đào tạo trong thời thơ ấu, Arthur Zajonc đã đề cập đến ba chế độ chăm sóc: nhận được sự chăm sóc của người khác; tự chăm sóc cho bản thân mình; và quan tâm chăm sóc cho người khác.
Diana Chapman-Walsh đã bày tỏ niềm vui của mình khi được có mặt ở đây, bà nói rằng mình đã đến với ý nghĩ được tìm hiểu về tấm lòng nhân hậu của con người. Sau khi cám ơn ba Vị đại biểu của AEI về sự thuyết trình của họ, bà bắt đầu bằng câu hỏi về cái giá phải trả cho sự hạnh phúc khi chúng ta tập trung quá nhiều vào bản thân mình. Trong sự quan tâm của chúng ta về hạnh phúc cá nhân, có bao nhiêu phần trăm trong số đó là sự phóng chiếu của ý nghĩ về việc coi trọng bản ngã của mình?
Bà gợi ý rằng nếu chúng ta muốn giải quyết những vấn đề khó khăn mà mình phải đối mặt, thì chúng ta sẽ cần một mẫu người lãnh đạo khác; người có kỹ năng trong việc lãnh đạo với lòng từ bi. Những người hướng dẫn từ bên trong nội tâm. Bà nói, chúng ta phải tự hỏi rằng, ta muốn những mẫu người nào lãnh đạo chúng ta; và ta mong đợi điều gì ở họ. Bà kể lại rằng, trong thời gian bà là Hiệu trưởng của trường đại học Wellesley, Bà đã học được rằng, một khía cạnh của người lãnh đạo là cho phép những người khác tìm được mục tiêu riêng của họ. Sự đa dạng luôn có giá trị của nó. Con đường đi đến hạnh phúc của chúng ta đòi hỏi một khả năng tìm kiếm và đánh thức được những điều tốt đẹp nhất ở những người khác và ở bản thân mình. Trả lời sự nhận xét về sự lãnh đạo của chính mình, Ngài nói:
Thánh Đức ĐLLM lắng nghe ý kiến của các thành viên đồng tham gia trong các cuộc thảo luận đồng tổ chức bởi Viện Tâm thức và Đời sống được tổ chức tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC vào 20 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Hầu hết cuộc đời mình, tôi đã sống như một người tị nạn. Ban đầu, đối với những người nản chí, tôi đã cố gắng để khuyến khích họ. Sự tự tin là yếu tố rất quan trọng và thực sự cần thiết. Tôi cổ vũ cho chế độ dân chủ. Tôi cũng động viên người dân Tây Tạng cần nên hiểu được giá trị to lớn của di sản văn hóa và tinh thần của họ. Chúng ta có thể phân loại văn học Phật giáo ra thành khoa học, triết học và tôn giáo. Tôi đã chỉ ra rằng các cuộc thảo luận về tâm thức và cảm xúc là điều mà có thể hình thành nên cơ sở để đối thoại với khoa học hiện đại. Đây là một điều đáng để tự hào”.
Otto Scharmer nói về sự hội tụ của các yếu tố: lãnh đạo, đổi mới và thay đổi đã đề cập đến hai nguồn tiếp thu kiến thức khác nhau: học hỏi từ quá khứ và học hỏi từ tương lai mới mẻ. Ông khen ngợi tinh thần quán sát, ẩn cư và thiền định; và nuôi dưỡng một tư tưởng rộng rãi, một trái tim cởi mở, và một ý chí khoáng đạt. Ông đồng tình với sự quan sát của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng mọi thứ đều liên quan với nhau; cho nên việc quan tâm đến người khác chính là một cách để quan tâm đến bản thân mình. Không ai có thể một mình tự giải quyết được những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt, do đó, cần phải mang các bên có liên quan lại với nhau.
Ngoài hai nguồn tiếp thu kiến thức, các nhà lãnh đạo cần có một tâm trí khoáng đạt, giống như sự chánh niệm, một trái tim cởi mở - lòng từ bi - và một ý chí rộng rãi sẽ cho phép họ hành động. Một trong những thách thức đầu tiên của sự lãnh đạo là để thay đổi từ sự quan tâm thành một sự nhận thức chung của tổng thể. Câu hỏi của ông dành cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là, từ sự nhìn thấy được những tác dụng của sự Chánh niệm đối với cá nhân, làm thế nào để điều này có thể được áp dụng cho hệ thống mang tính tổng thể? Ngài trả lời là:
“Bạn biết rõ hơn tôi mà! Nhưng chúng ta cần phải bắt đầu phương thức mới của chúng ta đối với sự giáo dục ngay từ lúc ban đầu, từ thời thơ ấu”.
Thánh Đức ĐLLM được phỏng vấn bởi Jonathan Karl của Đài Truyền hình ABC tại Washington DC vào 20 tháng 2, 2014 Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Arthur Zajonc kết thúc cuộc thảo luận bằng sự diễn tả về sự tham dự của mình và của các bạn đồng nghiệp như là một niềm vui và một sự đặc ân. Ông cảm ơn Arthur Brooks và nhân viên của ông ta đã tạo cho cơ hội này, và thành kính tri ân Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về sự hiện diện của Ngài.
Vào cuối buổi chiều, Ngài đã trả lời phỏng vấn của Jonathan Karl của Đài truyền hình ABC, trong đó Ngài ca ngợi nhu cầu của nền đạo đức thế tục trong thế giới ngày nay. Ngài cũng giải thích vị trí của mình liên quan đến việc liệu có thể có một Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 hay không; và liệu ứng cử viên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 có thể là một người thuộc nữ giới. Khi được hỏi rằng điều gì khiến cho Ngài cảm thấy bị căng thẳng, Ngài trả lời rằng Ngài luôn luôn cảm thấy thoải mái, ngay cả khi thỉnh thoảng Ngài bị kích động.
Trong cuộc gặp gỡ với người dân Tây Tạng, hầu hết trong số đó đang hiện đang sinh sống ở khu vực Washington, Ngài lưu ý rằng họ đã sống lưu vong trong gần 55 năm qua, và đã hơn 60 năm người dân Tây Tạng ở Tây Tạng đã phải chịu đựng sự khổ đau cùng cực.
“Nhưng”, Ngài nói, “ít ra thì chúng ta cũng vẫn duy trì được cuộc đấu tranh của mình dù là đang phải sống lưu vong. Nền văn hóa của chúng ta đang trên bờ vực của sự hủy diệt, nhưng chúng ta vẫn có thể chia sẻ những ưu điểm của nó với những người khác, đó là một điều để chúng ta có thể tự hào. Trong hai ngày qua, tôi đã được gặp gỡ với những người tại Viện Doanh nghiệp Mỹ về các cuộc thảo luận liên quan đến kinh tế và hạnh phúc. Tôi đã đề cập ở đó rằng, Khoa học Phật giáo là điều có thể giúp ích và làm lợi lạc cho tất cả mọi người”.
Các thành viên của cộng đồng Tây Tạng lắng nghe Thánh Đức ĐLLM nói chuyện trong cuộc gặp gỡ tại Washington DC 20 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Ngài khuyến khích các thanh niên Tây Tạng không được quên ngôn ngữ Tây Tạng của mình; Ngài nói với họ về những người Hồi giáo Tây Tạng mà Ngài đã gặp hai năm trước đây ở Srinagar, Ấn Độ, sự thành thạo của họ về tiếng Tây Tạng là tuyệt vời.
Chúng ta cần phải duy trì sự tự tin của mình! Nhìn chung, người Tây Tạng có một danh tiếng tốt về tử tế và lòng trung thực. Mọi người tin tưởng chúng ta. Vì vậy quý vị nên duy trì điều này; và giữ cho nền văn hóa về lòng từ bi của chúng ta luôn được sống động. Đối với các vấn đề chính trị, thì Sikyong ở đây đã đảm nhận trách nhiệm về những vấn đề đó. Xin hết. Xin cảm ơn quý vị!”
Ngày mai, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ bay đến San Francisco.