Vancouver, BC, Canada, ngày 23 tháng 10 năm 2014 - Trời vẫn còn tối om khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe trong mưa - thời tiết địa phương điển hình của Vancouver - để đến Khán đài Lôi Điểu, sáng nay. Ngài đã thực hiện những nghi thức nhập môn cho các nghi lễ chuẩn bị cho Lễ Quán Đảnh Quán Thế Âm.
Thánh Đức ĐLLM thực hiện các nghi lễ chuẩn bị trước khi bắt đầu sự thuyết giảng của mình tại Vancouver, Canada vào 23 tháng 10, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Bước lên khán đài của Hội trường gần như trống rỗng, Ngài chăm chú nhìn những hình ảnh của Đức Phật, Đức Quán Thế Âm và 21 Vị Taras trong những bức Thangka treo phía sau Pháp Tòa. Ngài cùng với Tsengdok Rinpoche thắp sáng ngọn đèn bơ lớn được đặt trước những bức Thangka ấy, sau đó an tọa trước bức rèm của Mạn đà la và bắt đầu các nghi thức chuẩn bị. Khi Hội trường dần dần đầy người, Ngài yêu cầu họ tụng Om mani padme hung.
An tọa trên Pháp Tòa đối diện với thính chúng của hơn 5000 người, Ngài giải thích rằng, khi có thể, Ngài thích bắt đầu buổi thuyết giảng giáo lý Phật giáo với sự tụng một thời Kinh Hạnh Phúc bằng tiếng Pali; nhưng hôm nay không có sự hiện diện của những vị có kỹ năng cần thiết để tụng Kinh này. Thay vào đó, Ngài yêu cầu tụng Bát Nhã Tâm Kinh, một bản Kinh phổ biến cho tất cả các nước Phật giáo theo truyền thống Sanskrit, được tụng bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Việt và tiếng Anh. Sau đó, Ngài hoàn tất thời tụng Kinh bằng những vần Kệ xưng tán Đức Phật bằng tiếng Tây Tạng và thần chú của Bát Nhã Tâm Kinh.
Các Tăng Sĩ Việt nam tụng Bát Nhã Tâm Kinh vào lúc bắt đầu buổi thuyết giảng của Thánh Đức ĐLLM tại Vancouver, Canada vào 23, tháng 10, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Ngài nhận xét rằng, trong hai ngày trước đó, Ngài đã nói chuyện với quan điểm của con người; phù hợp với cam kết đầu tiên trong cuộc đời của mình để thực hiện những biện pháp mang lại hạnh phúc cá nhân trong một xã hội hòa bình hơn. Sự cam kết thứ hai của Ngài, là một Phật tử, Ngài khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo, lưu tâm đến những mục đích và thông điệp chung của tất cả các truyền thống tôn giáo lớn. Ngài chỉ ra rằng, Ấn Độ là một ví dụ điển hình sống động cho thấy rằng, hàng loạt các truyền thống tôn giáo đều sống chung với nhau, tồn tại bên cạnh nhau trong sự tôn trọng và hài hòa - là điều có thể thực thi được. Vì sự xung đột nhân danh tôn giáo không chỉ giới hạn trong quá khứ, mà ngày nay nó đang ngóc đầu dậy, thế nên, điều cam kết này là rất quan trọng.
Thứ ba, Ngài nói rằng, mình là một người Tây Tạng, và mặc dù Ngài đã rút lui khỏi trách nhiệm chính trị, Ngài vẫn giữ vững một sự quan tâm mạnh mẽ trong việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng. Ngài nhận xét:
“Khi Giáo lý của Đức Phật được truyền vào Tây Tạng, nền văn hóa của chúng tôi trở nên thấm đượm với tinh thần hòa bình và bất bạo động. Phương pháp đúng đắn để theo đuổi giáo lý Phật giáo không phải là chỉ dựa vào đức tin, mà là phải tìm hiểu và nghiên cứu. Điều này phản ánh được tinh thần truyền thống của Đại học Nalanda; đó cũng là cốt lõi của truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Sáng nay tôi sẽ giải thích một bản văn ngắn về “Tám Bài Kệ Luyện Tâm”; và buổi chiều tôi sẽ truyền Quán đảnh của Đức Quán Thế Âm”.
Ngài giải thích rằng Giáo lý của Đức Phật được bảo tồn trong hai truyền thống nguyên bản chính: tiếng Pali và Sanskrit. Các cơ sở của truyền thống Pali là đầu tiên của Giáo lý Đức Phật - sự giải thích về Tứ Diệu Đế. Truyền thống tiếng Phạn bao gồm giáo lý từ ba sự kiện Chuyển Pháp Luân. Lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên cũng tương ứng với Tứ Diệu Đế. Lần thứ hai liên quan đến Giáo lý của Bát Nhã Ba La Mật; và lần thứ ba bao gồm những giáo lý như “Làm sáng tỏ tư tưởng của Kinh điển” và giải thích về Phật tính. Truyền thống này được duy trì đầu tiên tại Đại học Taxila và sau đó tại Đại học Nalanda, nơi mà phần lớn các bộ Luận Phật giáo cổ điển được sáng tác. Đặc tính của những tác phẩm của Ngài Long Thọ và Ngài Pháp Xứng cũng như những người đệ tử của họ cho thấy rằng họ đã sáng tác trực tiếp bằng tiếng Phạn.
Ngài thừa nhận rằng trong thời Ấn Độ cổ đại cũng như trong thời hiện đại, một số học giả đã nghi ngờ rằng liệu truyền thống tiếng Phạn có phải là những lời dạy đích thực của Đức Phật hay không. Những bậc Luận Sư như Ngài Long Thọ trong “Vòng Hoa Báu” đã bảo vệ cho truyền thống này, khẳng định rằng truyền thống Mahayana, hay Đại Thừa, đã trình bày một cách tỉ mỉ về giáo lý được tìm thấy trong Tứ Diệu Đế. Diệu Đế thứ ba liên quan đến sự đoạn tận (Diệt Đế) được giải thích sâu sắc hơn về thuật ngữ Tánh Không trong kinh điển Đại Thừa. Tương tự như vậy, Diệu Đế thứ tư liên quan đến con đường (Đạo Đế) được giải thích tỉ mỉ hơn trong kỳ Chuyển Pháp Luân lần thứ ba về bản chất của ý thức. Do đó, Ngài nói rằng, chúng ta có thể xem kinh điển Đại Thừa là sự giải thích tỉ mỉ về Tứ Diệu Đế.
Một quang cảnh của khán đài Lôi Điểu của Trường ĐH British Columbia, nơi thuyết Pháp của Thánh Đức ĐLLM tại Vancouver, Canada vào 23 tháng 10, 2014. Ảnh / Paula Wallis |
Ngài nói rằng, Kim Cương thừa hay Mật thừa cũng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng tương tự. Ngài thừa nhận rằng có rất nhiều cách thực hành phổ biến giữa Mật tông Phật giáo và Mật tông Ấn giáo.
Chúng bao gồm prana hoặc sự thở yoga, quán tưởng về các luân xa năng lượng, các đường kinh mạch, các giọt; và những sự thực hành như yoga về nội nhiệt. Ngài nói rằng Ngài đã thảo luận về những điều này với các hành giả Ấn giáo hoàn hảo mà Ngài đã gặp. Ngài nói:
“Tôi hỏi Khunu Lama Rinpoche làm thế nào để phân biệt những truyền thống này; và ông đã nói với tôi rằng, nó không thể được thực hành trên cơ sở của nghi lễ, mà là trên cơ sở của quan điểm. Sự thực hành của Phật Giáo đặt trên nền tảng của quan điểm Vô Ngã, trong khi sự thực hành của Ấn giáo được đặt nền tảng trên quan điểm của Ngã hay “atman”.
Ngài mô tả về sự thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8 nhờ vào một bộ ba được biết đến như là Hòa Thượng, Nhà Thông Thái và Hoàng Đế. Hòa Thượng là Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, một bậc Đạo Sư chốn Thiền môn của Ấn Độ, một nhà logic học và là một triết gia nổi tiếng. Ngài Liên Hoa Sanh, một Hành giả Mật Tông thông thái nhưng không phải là Tăng Sĩ. Kết quả là hai cộng đồng đã phát sinh ở Tây Tạng, các Tu sĩ chốn thiền môn với những Tăng phục màu đỏ và các Hành giả Mật Tông với những y phục màu trắng. Tại Ấn Độ chỉ có các Tu sĩ hình thành nên một cộng đồng. Khi một nhà sư Mật tông Ấn Độ cần phải rời bỏ sự hạn chế của cộng đồng tu sĩ, thì ông thường sẽ ra đi trên con đường của riêng mình. Ngài nói thêm:
“Giáo sư LM Joshi, một học giả Ấn Độ thời cận đại, đã nói với tôi rằng, ông ta đã xem xét có ba điều kiện góp phần vào sự suy tàn của Phật giáo ở Ấn Độ. Điều kiện thứ nhất liên quan đến nạn tham nhũng; khi các cộng đồng tu sĩ trở nên quá quan tâm đến việc tích lũy của cải, làm suy yếu sự tôn trọng mà công chúng đã dành cho họ. Điều kiện thứ hai liên quan đến sự phát triển của sự phô trương thái quá về những hành vi liên quan đến Mật tông mà trái ngược với những nguyên tắc chuẩn mực của Thiền môn, làm suy giảm sự tôn trọng của công chúng. Điều kiện thứ ba là những người cai trị đã bắt đầu không còn hứng thú trong việc hỗ trợ cho các tổ chức Phật giáo nữa”.
Liên quan đến vấn đề này, Ngài kể lại lời báo cáo của một Phật tử Trung Quốc một năm trước đã nói với Ngài rằng, những vị Lạt Ma Tây Tạng đã đến Trung Quốc trong cái vỏ bọc của bậc thầy vĩ đại. Tuy nhiên, cuối cùng đã lòi ra rằng, các vị ấy chỉ quan tâm chủ yếu đến tiền bạc và phụ nữ. Họ đã thỉnh cầu sự can thiệp của Ngài; nhưng rất lấy làm tiếc, Ngài đã phải trả lời rằng; nếu ở Ấn Độ thì Ngài còn có thể làm được một chút gì đó, nhưng đằng này lại không phải là ở Ấn độ. Tuy nhiên, Ngài khuyên Phật tử Trung Quốc nên tìm hiểu rõ về những phẩm chất đúng đắn của một bậc Thầy tâm linh; và nên so sánh để thấy được tư cách của những người thầy như thế là trái ngược với những tiêu chuẩn đó. Ngài cho biết rằng, lời khuyên này cũng đã được áp dụng như thế ở phương Tây.
Một số trong số hơn 5.000 người tham dự buổi thuyết Pháp của Thánh Đức ĐLLM tại Vancouver, Canada vào 23 tháng 10, 2014. Ảnh / Paula Wallis |
Sự thực hành Mật tông như được mô tả trong cẩm nang thực hành bao hàm một sự hiểu biết về tánh Không. Vị Thần yoga liên quan đầu tiên đến sự suy tư về tánh Không và ngay tâm thức ấy phát sinh hình thức của vị thần thiền định.
Các kỹ thuật thiền định như vậy là rất phức tạp và cho phép Hành giả sử dụng một mức độ tinh vi hơn của ý thức so với tâm thức bình thường. Điều này không những có năng lực mạnh mẽ, mà còn là cách duy nhất để vượt qua những sở tri chướng vi tế. Ngài nhận xét:
“Chúng ta có hai kẻ thù, một cái tâm ôm ấp cái Ngã, hay tâm chấp Ngã; và quan niệm sai lầm về Ngã. Hiểu biết được Tánh Không có thể giúp chúng ta chống lại những kẻ thù này. Tôi không cho rằng tôi đã hiểu được tánh Không, nhưng tôi cảm thấy tôi có thể nói rằng tôi gần như ở đó; và tôi có thể đảm bảo với quý vị về sức mạnh của việc thực hành. Điều quan trọng đối với Phật giáo nói chung, đặc biệt là truyền thống Nalanda, là sự cần thiết phải sử dụng trí thông minh để chuyển hóa những cảm xúc của mình. Hiện giờ tôi đã lớn tuổi, nhưng tôi vẫn xem mình là một học trò. Tôi cũng thường mô tả truyền thống Tây Tạng như một hình thức hoàn hảo của Phật giáo, bởi vì nó là một hệ thống cho phép bạn sử dụng các truyền thống Pali và Sanskrit, Đại Thừa và Kim Cương thừa trong một thời khóa duy nhất”.
“Tám Bài Kệ Luyện Tâm” xuất phát từ truyền thống Kadampa, Ngài nói rằng truyền thống ấy bắt đầu từ Ngài Atisha, từ đó các dòng truyền thừa của các truyền thống rộng lớn và thâm sâu được kết hợp. Tác giả, Geshe Langri Tangpa, đã dò tìm sự khẩu truyền của giáo lý này trở ngược về các Ngài Sharawa, Potowa, và Drom-ton-pa đến Ngài Atisha. Chủ đề của nó là tâm tỉnh thức thông thường và tâm tỉnh thức tối hậu; và đó là một bản văn mà cá nhân Ngài rất thích. Ngài đã thuộc lòng nó và đọc cho chính mình nghe bất cứ khi nào Ngài có cơ hội, chẳng hạn như khi Ngài bị trì hoãn lại tại sân bay. Ngài đã đọc nó một cách nhanh chóng, tóm tắt ngắn gọn mỗi vần Kệ.
Vần kệ đầu tiên nhấn mạnh thái độ đúng đắn đối với tha nhân; vần thứ hai là chúng ta tự xem mình thấp kém hơn so với họ. Thứ ba, cảnh báo chúng ta hãy cẩn thận về những cảm xúc phiền não; thứ tư, chúng ta nên trân trọng những sự khó khăn. Thứ năm, lời khuyên dành cho chúng ta nên chấp nhận sự thất bại và nhường phần chiến thắng cho người khác; thứ sáu, sự kỳ vọng của chúng ta sẽ bị thất vọng nếu chúng ta cầu mong rằng điều tốt sẽ được đền đáp bằng điều tốt. Vần thứ bảy đề cập đến việc thực hành phương pháp cho và nhận, hoán đổi vị trí bản thân mình với những người khác, trong khi hai dòng cuối cùng của bài Kệ thứ tám là gạn lọc quan điểm.
Thánh Đức ĐLLM gặp gỡ các thành viên của cộng đồng Tây Tạng ở Vancouver, Canada vào 23 tháng 10, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Sau bữa trưa, Ngài đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với khoảng 1000 người Tây Tạng. 270 người đến từ Vancouver, phần còn lại chủ yếu đến từ Calgary, Seattle và Portland. Sau bài hát truyền thống được tiếp nối bằng một bản báo cáo do một vị đại diện của địa phương đọc.
Bản báo cáo này đề cập đến tổ chức gây quỹ hỗ trợ cho cộng đồng địa phương đang cố gắng để cung cấp cho những người Tây Tạng mới đến từ Arunachal Pradesh là một phần của làn sóng mới nhất của việc tái định cư Tây Tạng ở Canada. Bản báo cáo cũng nói lên sự kinh hoàng như thế nào của người Tây Tạng ở Vancouver do các cuộc biểu tình ủng hộ Shugden chống lại Ngài. Họ gọi đó là nguồn gốc của sự tổn thương đối với người Tây Tạng trên khắp thế giới.
Trong sự trả lời của mình, Ngài nói rằng Ngài đã hạnh phúc như thế nào khi tất cả mọi người đều có cơ hội này để gặp gỡ nhau.
“Đã 55 năm kể từ khi chúng ta đến sống lưu vong, và những thế hệ mới đang nuôi nấng con cái riêng của họ. Chúng ta vẫn duy trì sự cống hiến cho tôn giáo và văn hóa của chúng ta, trong khi đó, dù cho bất cứ điều gì xảy ra thì tinh thần của nhân dân Tây Tạng vẫn phát triển mạnh mẽ hơn. Đại nghĩa của dân tộc Tây Tạng vẫn còn tươi tắn và thu hút sự quan tâm nhờ vào nền văn hóa và tôn giáo của chúng ta. Như tôi đã giải thích trước đó, truyền thống Phật giáo của chúng ta là truyền thống duy nhất sử dụng phương pháp logic và lý luận. Và sự thật vẫn là, truyền thống Nalanda được giải thích một cách chính xác nhất thông qua ngôn ngữ Tây Tạng. Trong khi Đại học Nalanda nằm trong đống đổ nát ở Ấn Độ, thì truyền thống của nó vẫn được thực hiện sống động giữa những người dân Tây tạng. Điều này là rất quan trọng! Vì ước tính là có khoảng 4 đến 5 trăm triệu (500.000.000) Phật tử ở Trung Quốc hiện nay, nhiều người trong số họ đã có một mối quan tâm ngày càng tăng về những điều này”.
Bàn về những nhận xét về vấn đề Dolgyal / Shugden, Ngài nói rằng nó bắt đầu vào thời của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 - người đã viết về nó trong cuốn tự truyện của mình, đề cập đến những tổn hại mà vị tà thần này đã gây ra cho Giáo Pháp và chúng sinh. Ngài cho biết, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 và thứ 13 đã hạn chế sự thực hành này, mà ngay cả các bậc thầy nổi bật trong thời gian của vị thứ 7 cũng đã phản đối nó. Trong bối cảnh này, Ngài nói đó là một sai lầm khi Ngài bắt đầu thực hành, nhưng khi nhận thấy nó là một sai lầm thì Ngài đã dừng lại.
“Tôi cảm thấy tiếc cho những người biểu tình”, Ngài nói, “bởi vì họ được thông báo một cách sai lạc. Ví dụ, ở Hamburg họ trưng bày hình ảnh của tôi đang đội chiếc mũ sọ người của người Hồi giáo và nói rằng tôi là một người Hồi giáo thay vì một Phật tử. Tôi không lo lắng, sự thật sẽ phơi bày. Một số người biểu tình là người Tây Tạng. Tôi cảm thấy tiếc cho họ; không cảm thấy tức giận đối với họ”.
Thánh Đức ĐLLM truyền Quán đảnh Quán Thế Âm tại Vancouver, Canada vào 23 tháng 10, 2014. Ảnh / Paula Wallis |
Phần buổi chiều được dành riêng cho lễ Quán đảnh Quan Âm Thiên Thủ. Ngài trích dẫn lời khuyên của Ngài Gungthang Tenpai Dronmey rằng không nên thọ Quán đảnh để đảm bảo sự giàu có hay tuổi thọ. Mật tông là phương tiện để đạt được Phật quả. Trong quá trình của các Nghi thức, Ngài đã hướng dẫn thính chúng thọ các giới nguyện của Bồ Tát. Cuối cùng, Ngài nói:
“Ba ngày ở Vancouver đã trôi qua; tôi rất thích thời gian ấy, xin cảm ơn quý vị! Hãy giữ trong tâm những điều mà chúng ta đã bàn luận đến! Nhưng đừng làm như vậy với sự mong đợi thiển cận. Ngài Long Thọ nói rằng con đường của Đức Phật là dành để giải thoát cho vô số chúng sinh trong thời gian vô hạn. Xin cảm ơn quý vị! Và xin hẹn gặp lại quý vị vào lần sau!”.