Mumbai, Ấn Độ, ngày 18 tháng chín 2014 - Phòng Thương Mại Ấn Độ được thành lập vào đầu thế kỷ 20 bởi các doanh nhân Ấn Độ để thúc đẩy ngành mậu dịch, thương mại và công nghiệp. Nhờ sự cống hiến của nó để làm cho nền kinh tế Ấn Độ trở thành nền kinh tế tự lực, Mahatma Gandhi đã chấp nhận một thành viên danh dự vào năm 1931. Nó bao gồm một Cánh nữ có liên quan đến việc tạo nguồn cảm hứng, thúc đẩy và khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Ban quản lý đã mời Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là Vị Khách Mời Chính tại Lễ kỷ niệm lần thứ 108 Ngày Thành Lập của Hiệp Hội và để nói chuyện với họ về “Đạo đức Thế tục”.
Thánh Đức ĐLLM và các vị khách đang thắp sáng đèn để khai mạc Lễ kỷ niệm lần 108 ngày Thành Lập Phòng Thương Mại Ấn Độ tại Mumbai, Ấn Độ vào 18 tháng 9, 2014 Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Chủ tịch Phòng Thương Mại Ấn Độ (IMC) - Prabodh Thakker - đã cung nghinh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài đến tại Hội Trường YB Chavan ở Nariman Point và hộ tống Ngài lên khán đài. Ngài được mời đến khai mạc tiến trình này bằng việc thắp sáng các ngọn đèn nến. Bà Leena Vaidya, cựu Chủ tịch Cánh Nữ của IMC đã giới thiệu Ngài với đám đông khán giả của hơn 600 người.
Ngài bắt đầu buổi nói chuyện cũng như trước đây với lời chào các thính giả của mình như những người anh chị em, nói với họ rằng mình đã vui mừng như thế nào khi được đến đây với họ, nói đùa rằng Ngài đã hiểu là họ đã cố gắng để mời Ngài trong hai năm nay. Ngài tiếp tục:
“Bất cứ khi nào tôi gặp bất cứ ai, tôi đều nghĩ về họ cũng như một con người vậy. Nhiều người trong chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề rắc rối, phần lớn trong số đó là do chính chúng ta tạo ra. Chúng được sinh ra bởi vì chúng ta tập trung quá nhiều vào sự khác biệt thứ yếu giữa chúng ta, chứ không phải là những gì liên kết chúng ta như những thành viên của một gia đình nhân loại. Nếu ta chiếu cố đến tất cả nhân loại thì sẽ không có những cuộc cãi vã giữa chúng ta. Sự biến đổi về khí hậu là một điều có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, trong khi nền kinh tế toàn cầu cũng thực hiện những chức năng vượt ra ngoài biên giới quốc gia hoặc các giới hạn của đức tin về tôn giáo này hay tôn giáo khác.
“Dân số thế giới tiếp tục phát triển, bỏ lại rất nhiều người nghèo đói. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là sự bất ổn về mặt đạo đức. Nó cũng dẫn đến những vấn đề rắc rối thực tế. Để đối phó với những điều này, chúng ta phải xem nhau như các thành viên của gia đình nhân loại. Chúng ta cần phải tin tưởng lẫn nhau và sự tin tưởng như vậy có thể được dựa trên một ý thức về tất cả chúng ta đều là những con người tương tự như nhau”.
Ngài đã nói về cuộc gặp gỡ với một quan chức Ấn Độ và vợ của ông ta và Ngài đã bắt tay họ. Nhưng khi Ngài đưa tay ra cho người vú em của con cái họ, thì cô ta đã rút tay trở lại trong sự do dự; bởi vì trước mặt họ, cô cảm thấy một cách hiển nhiên là cô thấp kém hơn họ. Ngài cũng mô tả về cuộc gặp gỡ với một gia đình châu Phi ở Soweto, Nam Phi. Khi Ngài hỏi về những hy vọng của họ để đạt được tự do và bình đẳng hơn theo hiến pháp dân chủ mới; một người trong số họ đã cúi đầu xuống và nói: “Chúng tôi không thể cạnh tranh với người da trắng; bộ não của chúng tôi không tốt bằng họ”. Ngài nói rằng Ngài đã bị sốc và phản đối với ông ta rằng, bộ não người da trắng và da đen không khác nhau. Ngài tranh luận rằng nếu họ hỏi các nhà khoa học thì các khoa học gia sẽ nói với họ rằng bộ não của họ cũng không khác nhau. Cuối cùng, Người Châu Phi ấy thở dài và đồng ý rằng điều đó có thể là thật; trong khi Ngài cảm thấy rằng Ngài đã đạt được ít nhất một điều gì đó bằng cách thuyết phục anh ta về vấn đề ấy.
Chuyển sự chú ý của mình trở lại Ấn Độ, Ngài nói rằng nền văn minh Thung lũng Indus cổ đại đã đưa đến một số lượng đáng kể của các nhà tư tưởng và triết học. Trong tiến trình của các truyền thống Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và Phật giáo đã sản sinh ra những bậc Thầy tuyệt vời của Đại học Nalanda. Ngày nay nhiều nhà khoa học đang mong muốn học hỏi từ những kiến thức đã được phát triển ở đó, vì vậy những gì bắt đầu trong Thung lũng Indus vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đến những gì mà ngày nay chúng ta đã biết được.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần 108 ngày Thành lập Phòng Thương Mại Ấn Độ tại Mumbai, Ấn Độ vào 18 tháng 9, 2014 Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Ngài lặp lại một bài Kệ của một bậc Thầy Tây Tạng vào thế kỷ 14/15 nói rằng:
Ở Tây Tạng, vùng đất của xứ Tuyết,
Màu sắc tự nhiên chính là màu trắng,
Nhưng trước khi ánh sáng từ Ấn Độ truyền vào,
Tây Tạng vẫn còn trong bóng tối âm u.
Đối với người Tây Tạng, Ấn Độ là những bậc Thầy, trong khi họ là những người đệ tử. Tuy nhiên, Ngài cười và nói rằng họ là những đệ tử khá đáng tin cậy, bởi vì kho tàng kiến thức có nguồn gốc từ Nalanda đã có tất cả nhưng đã biến mất ở Ấn Độ, trong khi đó nó lại được bảo tồn nguyên vẹn ở xứ Tây Tạng. Bây giờ nó đã được mang trả trở về cho mảnh đất đã sinh ra nó.
“Ngày nay, người Ấn Độ hiện đại có khả năng kết hợp kiến thức hiện đại của thế giới vật chất với những kiến thức cổ xưa được thể hiện trong truyền thống Nalanda. Nhiều vấn đề của chúng ta hôm nay xuất phát từ việc chúng ta bị thiếu các giá trị bên trong. Mọi người đều muốn hòa bình, nhưng hòa bình đang ở đâu? Khi một người có một cái Tâm bình yên, thì ở đó có hòa bình và bất bạo động. Nếu không có bình an nội tâm như vậy, thì bất bạo động là điều không thể. Vì vậy hòa bình phụ thuộc vào cách mà chúng ta điều khiển những cảm xúc của mình. Để đối phó với những cảm xúc tiêu cực của chúng ta, ta phải biết cách hoạt động của những cảm xúc ấy như thế nào. Sau đó, chúng ta có thể khắc phục được sự tức giận và sợ hãi của mình”.
Ngài trêu các thính giả của mình bằng cách nhận xét rằng, hầu hết người Ấn Độ thích thực hiện lời cầu nguyện mỗi buổi sáng đến các vị Thần Ganesh, Sarasvati, Shiva và v.v., nhưng những lời cầu nguyện như thế không mang lại sự bình yên trong tâm hồn. Phương pháp đúng đắn để đạt được sự bình an nội tâm - Ngài nói - là phải khắc phục được những cảm xúc tiêu cực của mình và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực. Ngài mô tả kiến thức về cách để thực hiện điều này đã có trong truyền thống tâm linh cổ xưa và được xem như là kho báu của Ấn Độ.
“Không phải chúng ta cần chỉ có tiền thì chúng ta sẽ có sống một cuộc sống hạnh phúc; mà điều còn quan trọng hơn là tìm sự bình an nội tâm. Chúng ta có thể tìm thấy nó bằng cách áp dụng nền đạo đức thế tục, các giá trị bên trong của những truyền thống cổ xưa của chúng ta. Do đó, chúng ta đang thực hiện việc phác thảo một chương trình giảng dạy - mà thông qua đó - chúng ta có thể giới thiệu nền đạo đức thế tục vào trong hệ thống giáo dục của chúng ta”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sau đó đã mời các khán giả đưa ra câu hỏi; câu hỏi đầu tiên là về kiến thức của Nalanda đã được bảo tồn ở Tây Tạng như thế nào. Ngài trả lời rằng có hơn 300 tập đã được dịch từ bản văn gốc Ấn Độ, chủ yếu là từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Khoảng 10 tập đã được dịch từ tiếng Trung Quốc. Nội dung của các bản văn có thể được phân loại thành ba đề mục chính: khoa học, triết học và tôn giáo. Khoa học có thể được nghiên cứu như bất kỳ môn học nào khác. Về triết học, sự giải thích về Tứ Diệu Đế là một cách hướng dẫn Phật tử, nhưng lời giải thích của Nhị Đế này có thể được nghiên cứu bởi bất cứ ai thực hiện phương pháp học tập. Một cuốn sách khoa học được tìm thấy trong văn học Phật giáo đã được chuẩn bị từ các nguồn kiến thức như thế và hiện đang được chuẩn bị cho một phiên bản tiếng Anh, và dựa trên phiên bản ấy mà các bản dịch của các ngôn ngữ khác có thể được thực hiện.
His Holiness the Dalai Lama responding to questions from the audience during the Indian Merchants’ Chamber's 108th Foundation Day Celebrations in Mumbai, India on September 18, 2014. Photo/Jeremy Russell/OHHDL |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay, 1 tỷ người đã tuyên bố rằng mình là người không có đức tin tôn giáo. Cũng cần có những phương thức để chia sẻ ý tưởng về sự bình an nội tâm và các biện pháp để đạt được điều đó với những người ấy nữa! và Ngài tin rằng điều này có thể được thực hiện thông qua sự giáo dục.
Được hỏi làm thế nào để cân bằng con đường tâm linh với cuộc sống trong một thế giới vật chất, Ngài chỉ ra rằng, những tiện nghi về vật chất chỉ cung cấp những sự thoải mái về thể xác, điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, Ngài nói rằng niềm vui của cảm giác chỉ mang lại một số sự hài lòng thoáng qua, trong khi sự hài lòng bắt nguồn từ kinh nghiệm của tinh thần mà không phụ thuộc vào các nguồn cảm giác thì sẽ được lâu bền hơn. Nhiều người dường như nghĩ rằng sự hạnh phúc phụ thuộc vào tiền bạc và quyền lực; trong khi một số phụ nữ dường như nghĩ rằng nó đòi hỏi phải có một khuôn mặt xinh đẹp. Ngài kể lại chuyện một quan chức chính phủ Tây Tạng, trong những năm 1960 là một tu sĩ nhưng đã hoàn tục và đã kết hôn. Ngài trêu ông ta rằng, vợ của ông không phải là hấp dẫn lắm; và một quan chức đã vặn lại rằng, cô ấy có thể không có nhiều điểm hấp dẫn để ngắm, nhưng về vẻ đẹp bên trong của cô ấy thì rất là đặc biệt. Ngài khẳng định rằng vẻ đẹp bên trong như thế - lòng nhiệt tâm chân thành - là điều thực sự rất quan trọng.
Ngài nhận xét rằng, ngày nay, thật không may, chúng ta thấy ngay cả những người tôn giáo cũng tham nhũng. Họ có niềm tin nhưng không có ý thức về đạo đức. Họ cầu nguyện mỗi buổi sáng, cúng dường hoa và hương; nhưng điều đó như thể là họ đang yêu cầu: “Xin hãy ban phước cho con để cho các hành động tham nhũng của con được thành công!”. Khán giả phá lên cười; và Ngài đã kể về một câu chuyện khác của một người tị nạn Cuba sùng đạo mà Ngài đã gặp tại Hoa Kỳ. Ông ta đã nói với Ngài rằng ông tha thiết cầu nguyện mỗi ngày rằng xin Chúa hãy đưa Fidel Castro lên thiên đàng càng sớm càng tốt.
Đối với một câu hỏi về việc Ngài sẽ nói gì nếu như Ngài gặp một trong những nhà lãnh đạo ISIS hôm nay; Ngài trả lời rằng khi những cảm xúc của con người hoàn toàn không thể kiểm soát được thì rất khó khăn để đối phó với họ. Ngài nhớ lại Ngài đã viết thư cho người bạn của mình - Tổng thống Bush - sau sự kiện ngày 11 tháng 9 để bày tỏ lời chia buồn của mình, nhưng hy vọng rằng bất cứ biện pháp nào được thực hiện cũng đều như là kết quả của sự bất bạo động. Ngài cảnh báo về nguy cơ rằng, nếu không, thì một Bin Laden sẽ trở thành mười hay một trăm Bin Ladens, mà có vẻ là điều đó đã xảy ra. Ngài nói rằng những người bạn Hồi giáo đã nói với Ngài rằng, một người Hồi giáo gây ra đổ máu thì không còn là một người Hồi giáo thực sự nữa; và thánh chiến không phải là sự xung đột bên ngoài, mà là sự chiến đấu với những cảm xúc tiêu cực của chúng ta.
Một người hỏi đề cập đến việc Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân của ông ta đang viếng thăm Ấn Độ, và muốn biết suy nghĩ của Ngài về ông ta. Để bắt đầu, Ngài trả lời rằng đây là điều thuộc về câu hỏi chính trị; và rằng Ngài đã hoàn toàn rút lui khỏi trách nhiệm chính trị vào năm 2011 Mặt khác, Ngài cho rằng điều quan trọng nhất đối với quan hệ Trung-Ấn là được thành lập trên sự tin tưởng lẫn nhau. Ngài hy vọng rằng Tập Cận Bình sẽ quán sát trong thời gian ông ta ở Ấn Độ rằng, mặc dù ngôn ngữ, chữ viết và các truyền thống văn hóa khác nhau đã phát triển mạnh ở đất nước này, chúng không hề mang theo một mối đe dọa nào của chủ nghĩa ly khai hoặc sự chia ly của đất nước. Ngài lưu ý rằng sự hài hòa của xã hội đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi, chỉ có thể xảy ra trên cơ sở tin tưởng, chứ không phải là một kết quả của việc sử dụng vũ lực. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có ngân sách an ninh nội bộ vượt trội hơn so với ngân sách quốc phòng.
Ngài lên tiếng ủng hộ và ngưỡng mộ đối với cách mà Tập Cận Bình đang cố gắng để giải quyết vấn đề tham nhũng và ghi nhận với sự quan tâm về lời phát biểu của ông tại Paris rằng Phật giáo có một vai trò quan trọng trong việc phục hồi văn hóa Trung Quốc. Trong khi những người bảo thủ trong hệ thống Trung Quốc tiếp tục áp dụng một phương pháp không suy tính, với phạm vi hạn hẹp đối với ý thức cộng đồng, thì Tập Cận Bình có vẻ thực tế và thực tiễn hơn.
“Nói chung tôi rất lạc quan”, Ngài nói, và thêm rằng “tất nhiên tôi biết cha của ông ta là ông Tập Trọng Huân, đã từng là thư ký cho Chu Ân Lai”.
Một người cuối cùng đã hỏi về sự khác nhau giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo. Ngài trả lời rằng về Shila - đạo đức, thiền định - thiền chỉ và thiền quán, họ rất giống nhau. Cả hai cũng chấp nhận sự tồn tại của nghiệp báo và sự tái sinh. Sự khác biệt giữa họ là ở chỗ những khẳng định của họ về atman (ngã) và anatman (vô ngã). Ngài nói:
“Tôi là một Phật tử, vì vậy tôi theo quan điểm của vô ngã, nhưng cho dù bạn tin vào quan điểm nào, ngã hoặc vô ngã, thì đó lại là một vấn đề riêng tư”.
Để kết thúc cuộc họp, bà Arti Sanghi, Chủ tịch Cánh Nữ của Phòng Thương mại Ấn độ đã cảm ơn Ngài vì đã quang lâm và đã ban cho một cuộc nói chuyện sâu sắc như vậy. Khán giả đã cho thêm những tràng pháp tay nồng nhiệt, và nhiều người đã lấn về phía trước để được gần Ngài hơn khi Ngài rời khỏi tòa nhà.