Hamburg, Đức, ngày 24 tháng 8 năm 2014 - Xuất hiện từ khách sạn của Ngài, trong ánh sáng mặt trời chiếu xuống qua những hàng cây, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dành thời gian để chào đón những người Tây Tạng và những người thiện ý khác, họ đã tập trung đến để bày tỏ lòng tôn trọng và sự ủng hộ của họ đối với Ngài.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ôm vai Bà Cụ 104 tuổi khi bắt đầu buổi thuyết Pháp của Ngài ở Hamburg, Đức vào 24 tháng 8, 2014. Ảnh / Manuel Bauer |
Khi đến khán đài của Trung tâm Hội nghị Hamburg, việc làm đầu tiên của Ngài là chào mừng một bà Cụ 104 tuổi đã được đưa đến để gặp Ngài. Khán giả đã rất xúc động khi một nụ cười mãn nguyện đã thắp sáng lên khuôn mặt của bà Cụ già gần như bất động trên chiếc xe lăn của mình.
“Hôm nay tôi sẽ giải thích Phật Pháp theo truyền thống Nalanda”, Ngài bắt đầu. “Truyền thống Phật giáo Tây Tạng bắt nguồn từ lời mời của Hoàng đế Tây Tạng - Trisong Detsen - vào thế kỷ thứ 8, thỉnh mời vị học giả hàng đầu của Đại học Nalanda - Thiện Hải Tịch Hộ - đến Tây Tạng. Phật giáo đã được giới thiệu đến Trung Quốc vào khoảng bốn thế kỷ trước, là một truyền thống cũng liên quan đến Nalanda bởi Ngài Huyền Trang đã học ở đó với Ngài Pháp Hộ. Những quan điểm triết học hiện hành thuộc về các Trường phái Duy Tâm và Trung Đạo; trong khi Trung Quốc chủ yếu là theo Duy tâm, Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã thiết lập quan điểm Trung Đạo, một truyền thống theo Ngài Long Thọ, ở Tây Tạng”.
Tự coi mình là một học sinh nhỏ bé của truyền thống Nalanda, Ngài nói rằng Ngài rất vui khi có cơ hội để thảo luận về “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên và “37 Pháp Hành của Bồ Tát” của Ngài Thogme Sangpo. Ngài chỉ ra những khó khăn trong việc giải thích tất cả mọi thứ trong bốn phần, nhưng khuyến khích các thính giả của mình nên mang theo sách về để đọc và tự mình nghiên cứu.
Ngài giải thích rằng Ngài Tịch Thiên, sống vào thế kỷ thứ 8, đã trước tác hai tác phẩm “Yếu Lược của sự Rèn Luyện” và “Nhập Bồ Tát Hạnh” đã bổ sung cho nhau. Ngài Tịch Thiên theo truyền thống Trung Quán Cựu Duyên được đề xuất bởi Ngài Nguyệt Xứng; nó khẳng định rằng trong khi các pháp không có sự tồn tại khách quan nhưng vẫn tồn tại theo khía cạnh thông thường.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích cặn kẽ cho các thông dịch viên của mình - Cristof Spitz và Kelsang Wangmo - trong buổi thuyết Pháp của Ngài ở Hamburg, Đức vào 24 tháng 8, 2014 Ảnh / Manuel Bauer |
Ngài dừng lại để khen Kelsang Wangmo, một Sư cô người Đức đang trợ giúp cho vị thông dịch viên tiếng Đức của Ngài - Christof Spitz; Sư Cô là người phụ nữ đầu tiên được cấp bằng Geshe-ma (Nữ Tiến Sĩ Phật Học Tây Tạng).
Trở lại với bản văn, Ngài đã đọc tiêu đề của nó bằng tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng, bắt đầu một sự thảo luận phức tạp của từ 'bồ đề' hay 'chang-chub', được dịch là giác ngộ, nhưng đặc biệt đề cập đến sự tịnh hóa hay diệt trừ vô minh và đưa đến một sự hiểu biết tỏ tường.
Điều đó ngụ ý rằng Quả vị Phật sẽ đạt được bằng cách khắc phục sự vô minh, đoạn trừ sở tri chướng bằng cách phát triển một sự hiểu biết về tánh Không, với sự hỗ trợ của phương tiện thiện xảo của Bồ đề tâm. Đức Phật đã nói rõ rằng đây là điều mà chúng ta phải tự làm cho chính mình bằng cách đi theo con đường mà Ngài đã chỉ dẫn.
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát chúng sanh bằng cách giảng dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Ngài quay sang Chương thứ Chín của “Nhập Bồ Tát Hạnh” thuộc về Chương Trí Tuệ. Ngài nói rằng tất cả 84.000 pháp môn của Giáo lý Đức Phật đã dạy cho mọi người có thể phát triển sự hiểu biết về sự thật để họ có thể tịnh hóa tâm mình khỏi những phiền não. Để khắc phục sự vô minh, là cơ sở của những cảm xúc phiền não như sự tham đắm, chúng ta cần phải biết về các pháp như chúng thật sự là. Ngài nhớ lại lời khuyên của một nhà tâm lý học người Mỹ - Aaron Beck nói rằng, khi chúng ta tức giận hay tham đắm vào một điều gì; khoảng 90% của sự tức giận hay tham đắm là do sự tưởng tượng của tâm thức chúng ta; điều này phù hợp với quan điểm của Ngài Long Thọ. Chúng ta bị nhiễm thói quen về cách mà các pháp đã xuất hiện như thế nào đối với chúng ta; thay vì nhìn thấy chúng như chúng thật sự là.
Một quang cảnh của khán đài tại Trung tâm hội nghị, nơi tổ chức cho sự thuyết Pháp của Thánh Đức ĐLLM tại Hamburg, Đức vào 24 tháng 8, 2014 Ảnh / Manuel Bauer |
Ngài nhận xét, “Trong loài người, có những người sử dụng tâm trí của mình để điều tra về sự thật, những người mà bản Kinh ở đây đã nói đến như những vị hành giả Du già, và những người chỉ cần đơn thuần làm theo họ để sống cuộc sống mỗi ngày của mình. Chúng ta có thể nói rằng ngày nay, các nhà khoa học cũng giống như những hành giả về khía cạnh mà họ đã cố gắng để nhìn mọi vật như chúng thật sự là. Nhưng ngay cả trong số các hành giả cũng có những khác biệt về sự hiểu biết”.
Ngài tiếp tục nhận xét rằng những quan điểm khác nhau của sự thật được giải thích trong Chương Chín của “Nhập Bồ Tát Hạnh” rất phức tạp, nhưng sự phân tích về chúng thì rất là hữu ích. Mục đích của sự phân tích này là để diệt trừ tận gốc của vô minh - là cội nguồn của tất cả các cảm xúc phiền não. Ngài nói rằng mãi cho đến năm 15 tuổi Ngài mới bắt đầu thực sự có sự quan tâm đến Tánh Không. Ở độ tuổi 30 của mình, Ngài mới thực sự cố gắng để nghiên cứu và đưa vào thực hành những gì mình hiểu.
“Chỉ khi nào bạn phát triển một số hiểu biết về tánh Không thì bạn mới nhận thức được khả năng thực sự của việc đạt được Phật quả. Mặc dù tất cả chúng ta đọc thuộc lòng những câu thơ về quy y Phật, Pháp, Tăng và phát triển Bồ đề tâm, nhưng chúng ta thường không hiểu ý nghĩa của nó. Nếu bạn suy ngẫm kỹ về nó, bạn có thể hiểu được quá trình chuyển hóa của tâm thức thành Bồ Đề Tâm.
Khi đến giờ giải lao để dùng cơm trưa, Ngài khuyên:
“Hãy tự hỏi chính mình, cái “Tôi” đang ăn cơm trưa này là ai vậy? Nó ở đâu? Cái “Tôi” không phải là cái thân này, và nó cũng không phải là cái tâm. Nó ở đâu? Người đói bụng này là ai vậy? Bằng cách đó chúng ta cũng có thể làm cho bữa ăn trưa của mình trở nên hữu ích”.
Thánh Đức ĐLLM chào mừng các thành viên của cộng đồng người Tây Tạng sinh sống tại châu Âu trước khi bắt đầu cuộc gặp gỡ của họ ở Hamburg, Đức vào 24 tháng 8, 2014 Ảnh / Manuel Bauer |
Trong cuộc gặp gỡ với các thành viên của Trung tâm Tây Tạng ở Hamburg sau đó; Ngài khuyến khích họ tiếp tục làm cho nó trở thành một trung tâm học tập, không chỉ dành riêng cho Phật giáo, mà còn cho một kiến thức uyên bác hơn về các hoạt động của tâm thức.
Ngài đề cập đến việc gần đây đã cho xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Tây Tạng có nội dung về khoa học được trích chiết từ Kangyur (Kinh Tạng) và Tengyur (Luận Tạng). Ngài nói rằng bản dịch tiếng Anh có thể sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay và yêu cầu Trung tâm hãy tham gia vào việc dịch nó sang tiếng Đức. Ngài cũng đã nói chuyện với khoảng 650 người Tây Tạng cư trú tại châu Âu. Ngài lưu ý rằng là những người tị nạn, họ đã phải sống lưu vong đã 55 năm rồi. Ngài ca ngợi những người dân đang sống ở Tây Tạng, tinh thần của họ vẫn duy trì không hề nao núng, bất chấp sự thay đổi của các thế hệ so với cùng kỳ. Ngài khuyến khích họ phải cẩn thận để duy trì danh tiếng tốt của người Tây Tạng về sự dịu dàng và trung thực.
Trở lại trong hội trường Trung tâm Hội nghị, Ngài tiếp nhận và trả lời một số câu hỏi từ phía khán giả, trong đó có một thỉnh cầu để được hướng dẫn về cách chọn một vị Thầy tâm linh. Lời khuyên của Ngài là cần phải tham khảo danh sách về các phẩm hạnh mà một vị Thầy như thế cần phải hội đủ như đã được mô tả trong Kinh điển; và kiểm tra xem vị Thầy tương lai có đáp ứng được những tiêu chuẩn đó không; một quá trình mà thậm chí có thể mất nhiều năm. Ngài khuyên nên thực hiện sự cam kết với một vị Thầy chỉ khi nào bạn cảm thấy tự tin về người đó.
Trở về với sự nghiên cứu của Ngài về Chương thứ Chín của “Nhập Bồ Tát Hạnh”, Ngài giải thích rằng vô minh sẽ được loại trừ nhờ trí tuệ Tánh Không; bởi vì vô minh và trí tuệ giống như bóng tối và ánh sáng vậy, chúng không thể cùng nhau tồn tại được; và vô minh thì yếu hơn bởi nó không được sự hỗ trợ của kiến thức. Ngài nói:
Các thành viên của khán giả trong buổi thuyết Pháp của Thánh Đức ĐLLM tại TT Hội nghị ở Hamburg, Đức vào 24 tháng 8, 2014 Ảnh / Manuel Bauer |
“Chương thứ Chín rất quan trọng! bởi vì nó dựa trên nền tảng của sự hiểu biết thật sự về tánh Không, để rồi từ đó, chúng ta phát triển một ý thức rằng sự giải thoát khỏi đau khổ là điều có thể; và những cảm xúc phiền não cũng có thể loại bỏ được. Từ sự hiểu biết ấy sẽ phát khởi một niềm khát khao muốn đạt được sự giải thoát như vậy. Sau đó, xem xét tình trạng khó khăn của chúng sinh và chúng ta sẽ phát khởi Bồ đề tâm mong muốn được phụng sự cho họ”. Ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng Phật tử nên khát khao được trở thành người Phật tử của thế kỷ 21 - hiểu biết tỏ tường về Đức Phật, và hiểu rằng Pháp chính là Đạo Đế và Diệt Đế.
Trở về Chương Một của “Nhập Bồ Tát Hạnh”, Ngài nói nó giải thích về tâm thức tỉnh của Bồ Đề Tâm, sự mong muốn tối thượng để giúp đỡ những chúng sinh khác. Nó liên quan đến một khát vọng để đạt được giác ngộ, không chỉ là mơ tưởng mà là dựa trên sự hiểu biết rằng việc trở thành một người giúp đỡ thực sự cho những chúng sinh khác là điều có thể.
Ngài đã đưa phần thuyết Pháp trong ngày của mình đến đoạn kết và nói rằng ngày mai sẽ thực hiện quá trình chính thức về phát Bồ Đề Tâm. Ngài nói đùa rằng phương pháp giải thích qua bản Kinh này hơi giống như cách mà mấy Cụ già chọn thức ăn vậy; chỉ chọn những món nào dễ nhai mà thôi! Ngài đề cập đến sự lợi lạc tạm thời và lâu dài của Bồ đề tâm, bao gồm cả việc thoát khỏi các đọa xứ, đạt được sự tái sinh ở những cảnh giới cao, và cuối cùng là sự Giác ngộ. Tuy nhiên, Ngài cho biết, quá trình tương ứng của sự chuyển hóa chính mình cần phải có thời gian. Ngài nhớ khi Ngài thường làm vườn ở Dharamsala; vì Ngài muốn nhìn thấy những bông hoa nở sớm nên Ngài đã cố gắng để thúc cho tiến trình này; và khi làm như thế Ngài đã làm hư hỏng những hạt giống. Ngài kết luận:
“Chúng ta cần phải cho nó thời gian để nó trưởng thành”.