Boston, MA, Hoa kỳ, ngày 1, tháng 11, năm 2104 - Hiệp hội Tây Tạng của Boston đã tổ chức chương trình vào ngày cuối cùng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại thành phố về buổi nói chuyện với công chúng tại Vườn TD, tại các nhà thi đấu môn hockey trên băng và thi đấu bóng rổ của Bruins và Celtics. Với sự dự báo thời tiết gió mạnh và bão, những con đường bị ướt đẫm khi Ngài đi xe từ khách sạn của mình đến đó. Ngài đã được cung nghinh theo truyền thống Tây Tạng tại cửa của nhà thi đấu và được thỉnh vào gặp gỡ với Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren, Thị trưởng của Boston - Martin J Walsh và Thị trưởng của Medford - Michael J McGlynn.
Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren giới thiệu Thánh Đức ĐLLM vào lúc bắt đầu buổi nói chuyện tại Vườn TD ở Boston, MA, Mỹ vào 01 tháng 11, 2014. Ảnh / Sonam Zoksang |
Thượng nghị sĩ Warren đã hộ tống Ngài lên khán đài, nơi mà họ được chào đón với sự cổ vũ hết sức nồng nhiệt. Các Thanh niên Tây Tạng trình diễn một bản nhạc tán thán Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và cầu nguyện cho Ngài được trường thọ. Chủ tịch Hiệp Hội Tây Tạng của Boston - Pema Tsewang Shastri - đã mời Thượng nghị sĩ Warren lên để giới thiệu về Ngài. Cô ca ngợi Ngài là nguồn cảm hứng đối với nhân dân của tất cả các tôn giáo trên thế giới và Cô trích dẫn lời của Ngài rằng:
“Khi chúng ta có sự bình an nội tâm, chúng ta có thể có sự hòa bình với những người xung quanh ta. Tình yêu thương và lòng Từ bi là rất cần thiết cho sự sống còn của chúng ta chứ không phải là những sự xa hoa sang trọng”. Cô mời các khán giả cùng tham gia với cô để chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng. Ngài trả lời:
“Kính thưa Thượng nghị sĩ, kính thưa các anh chị và các em trong công chúng nói chung. Trước hết, chúng tôi xin được cảm ơn các diễn viên trẻ vừa mới trình diễn các ca khúc và các vũ điệu. Họ nhắc tôi nhớ về lúc tôi còn rất trẻ ở Lhasa, mặc dù các nhà sư không được phép múa và hát, nhưng chính bản thân tôi thường hay hát và nhảy múa như thế. Có những buổi trình diễn opera trong suốt sáu ngày tại Norbulingka, và tôi đã cùng với mẹ tôi thưởng thức những buổi nhạc kịch ấy và tôi đã trốn học.
"Boston là một nơi mà tôi cảm thấy đã trở nên quen thuộc; và vài ngày gần đây đã trở nên rất có ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã học được nhiều điều bổ ích về tâm thức và cảm xúc cũng như về vấn đề môi trường.” Ngài nói rằng, bất cứ nơi nào Ngài đến, Ngài đều nói rõ ràng rằng không có sự khác biệt giữa người thuyết trình và khán giả. Cũng như tất cả 7 tỷ con người, họ đều giống nhau. Tất cả đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, và tất cả đều có quyền thực hiện điều đó. Trong lĩnh vực này, tất cả mọi người đều là một. Và do vì tất cả chúng ta đều giống nhau trên cấp độ của con người nên không hề có cơ sở cho sự đánh đấu và giết chóc. Ngài nói rằng những sự khác biệt về đức tin, chủng tộc, quốc tịch và màu sắc vẫn tồn tại, nhưng đó chỉ là những điều thứ yếu. Chính những điều này đã tạo ra những rắc rối giữa chúng ta. Nó khiến chúng ta suy nghĩ đến “chúng tôi” và “bọn họ”. Điều đó rất dễ dàng dẫn đến sự xung đột.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại Vườn TD ở Boston, MA, Mỹ, ngày 1 tháng 11, 2014. Ảnh / Ganzey Tshering |
“Chúng ta đều có quyền được sống một cuộc sống hạnh phúc, nhưng điều đó có nghĩa gì? Nó là về tiền bạc và quyền lực? Không, tiền bạc tự nó không mang lại hạnh phúc. Tôi có những người bạn giàu có nhưng họ không được hạnh phúc. Nguồn gốc thật sự của hòa bình và hạnh phúc là nằm tại trong trái tim và tâm thức và chúng ta, và chúng ta cần phải phát triển nó trong tâm thức của mình”.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đội chiếc mũ do đội Hockey Bruins trao tặng để che cho đôi mắt, hội trường một lần nữa vang dội những tiếng hoan hô vui nhộn.
“Phương pháp đúng đắn để đối phó với trạng thái tinh thần buồn bã phải nằm trong tâm thức của chúng ta. Về lĩnh vực tình cảm; sự giận dữ, sợ hãi và lo lắng đều đem lại sự bất hạnh. Các nhà khoa học nói rằng chúng sẽ bào mòn hệ thống miễn dịch của chúng ta. Mặt khác, chúng ta cũng được trang bị một ý thức về tình cảm và lòng từ bi để quan tâm đến phúc lợi của người khác.
“Khi chúng ta bị vướng vào sự tức giận và cãi nhau; ngày hôm sau, chúng ta cảm thấy không thoải mái. Nhưng vào những ngày khác, khi chúng ta được thưởng thức sự vui đùa cùng với những người khác; ngày hôm sau, chúng ta cảm thấy trong lòng thật nhẹ nhàng sảng khoái.
Ngài giải thích rằng, con người chúng ta được trang bị về mặt sinh học để cảm nhận và thể hiện tình cảm. Khi chúng ta đang ở trong bào thai mẹ, chúng ta được lợi lạc từ sự quan tâm và tình cảm của mẹ. Trong những tuần sau khi ta được sinh ra, sự âu yếm của mẹ là rất quan trọng đối với sự phát triển đúng đắn về não bộ của chúng ta. Đây là cách mà cuộc sống của chúng ta được bắt đầu như thế nào. “Giá trị của lòng từ bi và sự tha thứ không phải chỉ giới hạn trong những vấn đề của tôn giáo. Đây là những giá trị của con người mà chúng ta không nên hờ hững. Chúng ta có thể trau giồi chúng bằng phương pháp thế tục. Trong ý thức của người Ấn Độ, chủ nghĩa thế tục có nghĩa là tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo cũng như những người không có niềm tin tôn giáo. Sau khi độc lập, Ấn Độ - một xã hội đa tôn giáo với một nền hiến pháp thế tục - đã trở nên ổn định và hài hòa so với các nước láng giềng. Nó cũng là nhà nước dân chủ đông dân nhất thế giới.
Một quang cảnh của Vườn TD trong buổi nói chuyện của Thánh Đức ĐLLM về “Giáo dục Trái Tim và Khối óc” ở Boston, MA, Mỹ, ngày 1 tháng 11, 2014. Ảnh / Sonam Zoksang |
“Chúng ta cần phải tìm ra những phương pháp thế tục để trau giồi lòng nhiệt thành. Chúng ta cần những phương pháp thế tục để giáo dục bản thân về giá trị nội tâm. Nguồn của một cuộc sống hạnh phúc là ở bên trong chúng ta. Những người gây phiền phức khó khăn cho nhiều nơi trên thế giới thường là được giáo dục khá tốt; vì vậy, sự giáo dục không phải là điều duy nhất mà chúng ta cần. Chúng ta cần phải chú ý đến các giá trị của nội tâm bên trong”.
Ngài cảnh báo rằng, chúng ta không nên mong đợi kết quả trong một sớm một chiều. Sự thay đổi có thể mất cả hàng chục năm; nhưng chúng ta nên tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn, hòa bình hơn vào cuối thế kỷ 21. Thế kỷ 20 đã là kỷ nguyên của bạo lực, nhưng chúng ta có thể làm cho thế kỷ này trở thành một kỷ nguyên của hòa bình. Khi chúng ta phải đối mặt với những rắc rối, chúng ta nên giải quyết chúng bằng phương cách của con người thông qua sự đối thoại. Chúng ta cần phải tìm ra giải pháp chung tốt nhất và chúng ta cũng phải tìm cách để bảo vệ môi trường nữa.
“Chúng ta cần một phương pháp thế tục. Chúng ta có thể thay đổi xã hội, thay đổi nhân loại bằng cách thay đổi chính cá nhân mình. Bằng cách nuôi dưỡng các giá trị nội tâm, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình và của những người trong gia đình mình. Đây là cách mà chúng ta có thể tạo ra một thế giới hòa bình hơn. “Tôi không hề nghĩ mình là người đặc biệt gì cả. Tôi không chú trọng vào việc mình là Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, điều đó sẽ tạo ra một khoảng cách và tách biệt tôi với những người khác. Tôi luôn nghĩ mình như những người khác, điều này giúp tôi dễ dàng giao tiếp với họ hơn. Nếu bạn nghĩ về những gì tôi đã nói và bạn cảm thấy nó hữu ích thì hãy nỗ lực thực hiện để đạt được hiệu quả tốt. Nhưng nếu bạn cảm thấy bạn không có hứng thú về điều đó thì hãy quên nó đi. Xin cảm ơn quý vị!”
Thánh Đức ĐLLM trả lời các câu hỏi của khán giả trong buổi nói chuyện tại Vườn TD ở Boston, MA, Mỹ, ngày 1 tháng 11, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Sau đó Ngài đã trả lời những câu hỏi do khán giả gửi đến. Về việc tìm kiếm một con đường trung đạo thông qua lối sống bận rộn của người Mỹ, Ngài nhận xét rằng, tốt hơn hết là không nên sống trong sự sang trọng tột bực và nên sử dụng chi tiêu tiền bạc một cách có ý nghĩa hơn.
Một trong số những trẻ em học ở trường Tây Tạng Chủ nhật muốn biết là Ngài có con thú nuôi nào không. Ngài trả lời rằng Ngài có một con mèo già. Khi được hỏi có bao giờ Ngài tức giận không; Ngài cười và nói “Có”; Ngài kể về câu chuyện của một nhà báo New York đã liên tục hỏi cùng một câu hỏi rằng Ngài xem những gì là di sản của mình. Sau khi kiên nhẫn giải thích rằng cách suy nghĩ như thế là không phù hợp đối với một tu sĩ Phật giáo, cho đến lần thứ ba, Ngài nói rằng Ngài đã phải bực mình.
Một câu hỏi khác đề cập về cách mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình. Ngài trả lời rằng, khi còn trẻ, Ngài thường làm vườn và sửa chữa những chiếc đồng hồ; nhưng bây giờ, mỗi khi rãnh rỗi, Ngài thường nghiên cứu bằng cách đọc những tác phẩm của các bậc thầy Nalanda. Đối với câu hỏi rằng, Mỹ có thể làm gì để giúp cho sự nghiệp của Tây Tạng, Ngài nói rằng, trước tiên, vấn đề Tây Tạng chỉ là một chủ đề thảo luận. Ngài cho biết mối quan tâm chính của mình là bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của Tây Tạng; vì nó duy trì được những phương tiện chính xác nhất của việc truyền đạt kiến thức của truyền thống Nalanda, một nền kiến thức có giá trị cần được bảo tồn. Ngài lưu ý rằng, ngay cả Tập Cận Bình cũng đã nhận xét rằng Phật giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục lại nền văn hóa Trung Quốc. “Hãy đến thăm Tây Tạng!”, Ngài khuyên. “Hãy đến đó và xem tình hình ở đó như thế nào và báo cáo lại cho bạn bè của bạn biết về những gì mà bạn đã nhìn thấy. Vào thế kỷ thứ 7, 8 và 9, Tây Tạng, Trung Hoa và Mông Cổ đều có các vị Hoàng Đế; nhưng sau thế kỷ thứ 9 Tây Tạng đã bị tan rã. Các Liên Bang mà chúng tôi thấy ở châu Âu và Hoa Kỳ là một điều mà tôi ngưỡng mộ. Hiến pháp Trung Quốc cho phép các khu vực Tây Tạng về việc thực hiện các quyền lợi nhất định. Phương pháp Trung Đạo của chúng tôi chỉ tìm cách để thực hiện điều đó mà thôi”.
Thánh Đức ĐLLM cảm ơn Richard Gere về phần kết luận của ông tại Vườn TD ở Boston, MA, Mỹ vào ngày 01 tháng 11, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Sau đó, Ngài nói chuyện với người Tây Tạng bằng ngôn ngữ riêng của họ. Khi Ngài nói xong, Pema Tsewang đã yêu cầu Richard Gere lên khán đài để nói vài lời cảm ơn. Sau khi chào mọi người với một nụ cười ấm áp, Gere nói:
“Tôi rất vui khi được ở đây, thật là may mắn khi có được vài tiếng đồng hồ cùng ở chung với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài là một người bạn dành cho tất cả chúng ta. Tôi nhớ rằng, sau khi xem bộ phim tuyệt vời của Scorsese “Kundun” về cuộc sống của mình, Ngài nói rằng khi rời khỏi Tây Tạng, Ngài đã vượt qua biên giới và những người ở vùng Kham hộ tống Ngài đã cởi trên những con ngựa của họ để quay trở lại Tây Tạng. Ngài suy ngẫm rằng Ngài sẽ không bao giờ nhìn thấy họ một lần nữa; và Ngài đã không được nhìn thấy họ. Hướng về phía Ấn Độ, Ngài nói rằng chỉ còn có những người mà Ngài chưa hề quen biết. Bây giờ, Ngài nói, “Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều có những người bạn bè của mình”, và điều đó thật là tốt đối với tất cả chúng ta. Xin cảm ơn các bạn!”.