Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ, ngày 12 Tháng 7 năm 2014 - Hôm nay được nhìn thấy đỉnh cao của Quán đảnh Thời Luân lần thứ 33. Sau năm tiếng đồng hồ thực hiện các nghi lễ chuẩn bị và dùng cơm trưa nhanh chóng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sẵn sàng để bắt đầu cho phần cuối của lễ Quán Đảnh trước giờ ngọ. Ngài đã dành thời gian một lần nữa để chào đón đám đông rất lớn và chào mừng các vị Lạt ma, các quan chức địa phương và những vị khách khác trước khi an tọa trên Pháp tòa.
Trong phần cuối cùng này, ngài sẽ ban truyền bảy quán đảnh theo mô hình của thời thơ ấu và bốn quán đảnh cao hơn, Ngài bắt đầu bằng việc cúng thí một chiếc bánh nghi lễ để ngăn chặn những lực lượng can thiệp quấy nhiễu.
“Tất cả những ai có thể cản trở lễ Quán đảnh, tôi xin mời các vị hãy rời khỏi đây một cách yên bình.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trong phần cuối cùng của Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 12 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
“Như đã được đề cập trong kinh điển, tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và không ai cần phải tranh luận về nó hoặc đưa ra lý do cho điều đó. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc một cách tự nhiên, ngay cả trong những giấc mơ của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần phải phân biệt giữa hạnh phúc ngắn hạn và hạnh phúc lâu dài”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, ngay cả loài động vật cũng có thể đạt được hạnh phúc tạm thời, chúng đã thực hiện được điều đó và đã tái tạo thành công trải qua hàng nghìn năm như Lý thuyết của Darwin đã phân tích rất rõ ràng. Chúng đã tìm kiếm và tìm thấy được sự hạnh phúc về xác thịt. Tuy nhiên, mục đích mà loài người chúng ta quan tâm cho đến tận bây giờ đó là khắc phục đau khổ và đạt được hạnh phúc bền vững trong thời gian lâu dài. Trong khi các tín đồ Thiên chúa giáo và những người khác nương tựa vào Đức Chúa của họ, còn những người theo thuyết vô thần như Phật tử thì tin tưởng vào quan hệ nhân quả. Họ tìm kiếm sự tái sinh vào những cảnh giới cao hơn và cuối cùng là đạt được sự giác ngộ. Thậm chí ngay cả trong đời này; vẫn có một sự nỗ lực để làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Người Phật tử được dạy cho cách làm thế nào để đạt được sự giải thoát cao nhất của trạng thái Nhất Thiết Trí (toàn tri).
“Một nguồn hạnh phúc”, Ngài nói, “là sự hòa hợp giữa Tăng đoàn. Tăng đoàn bao gồm các thành viên Tăng và Ni. Chúng ta cũng có truyền thống Pali và các nước ủng hộ truyền thống tiếng Phạn. Trong quá khứ, rất khó khăn để chúng ta có thể liên lạc được với nhau; nhưng bây giờ thì thông tin liên lạc dễ dàng hơn; chúng ta có thể khắc phục được những khoảng cách giữa chúng ta.Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần phải phát triển và duy trì sự thân thiện và những mỗi quan hệ chân thành. Trong lịch sử các truyền thống Pali và Sanskrit đã từng có sự cảnh giác đề phòng lẫn nhau; và đã đến lúc chúng ta phải bỏ những tình trạng đó lại đằng sau lưng của mình!
“Phật giáo Tây Tạng là một sự kết hợp của Kinh điển và Mật điển, nhưng chúng ta phải bảo vệ chính mình để không bị trở nên thiên vị và phe phái. Trong một bối cảnh hoàn toàn khác tôi đã cảnh báo các Tu sĩ ở Tawang và ở những nơi khác của tiểu bang Arunachal Pradesh là nên tránh để không bị trở nên thành kiến hay phe phái trong các vấn đề chính trị. Chẳng hạn, tôi khuyên họ không nên vận động cho bất kỳ bên phe đảng nào trong cuộc bầu cử. Họ phải là những người trung lập và không thiên vị. Rồi lại có những Tu sĩ và những nhà mạnh thường quân hỗ trợ của họ cũng bám víu vào truyền thống mà họ đang thuộc về. Nếu chúng ta muốn thúc đẩy sự hòa hợp giữa chúng ta, thì tốt hơn hết là nên suy nghĩ rằng tất cả chúng ta - căn bản - đều là những đệ tử của Đức Phật.
“Từ lâu, tôi đã kêu gọi và thuyết phục các Tu sĩ nên học hỏi và nghiên cứu; và chủ yếu là nên nghiên cứu kinh điển Phật giáo cổ điển.Tôi đã khuyến khích điều này trong các Ni viện cũng như các Tu viện. Thực hiện các nghi lễ một cách liên tục cũng chưa đủ; điều quan trọng là học hỏi và nghiên cứu. Gần đây tôi đã chứng kiến một cuộc hội thảo và tranh luận về Giáo lý Bát nhã Ba-la-mật tại Tu viện Likir mà tôi nghĩ rằng nên thiết lập nó như là một tấm gương điển hình. Các tu viện ở đây nên khuyến khích Tăng chúng của mình nhiều hơn nữa để họ tham gia vào các Tu viện lớn đã được tái lập ở Ấn Độ.
Một thành viên của khán giả đang lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong phần cuối cùng của Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 12 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
“Chúng ta có GandenTri Rinpoche, Sharpa Chojey và một số Geshe và Rinpoche ở đây và tôi muốn nói điều này trước sự hiện diện của các vị ấy. Có sự nghiên cứu các bản Kinh cổ điển ở đây, ở Tashi Lhunpo và Tu viện Drepung. Những gì họ đang làm ở đó là rất tốt; nhưng chúng ta không nên cứ công nhận rằng mọi thứ đều ổn như nó đang hiện có! Chúng ta cần phải kiểm tra ngay bây giờ và sau đó cũng vậy. Các Thầy giáo nên cùng nhau thảo luận xem còn điều gì khác nữa cần phải làm. Đã 55 năm trôi qua kể từ khi chúng ta thiết lập trại tỵ nạn tại Buxa Duar; chúng ta cần phải kiểm tra xem các tiêu chuẩn mà chúng ta đã thiết lập sau đó có được tiếp tục giữ gìn hay không”.
Ngài đề cập đến những phiền nhiễu của thế giới hiện đại và sự cần thiết phải đảm bảo rằng chư Tăng không bị chúng áp đảo. Ngài cho biết rằng cần phải xem xét thử tinh thần của Tam Vô Lậu Học (Giới, Định, Tuệ) có được chấp hành một cách đúng đắn hay không? Ngài cảnh báo về sự nguy hiểm của việc không lưu tâm hoặc thực hiện các bước để ngăn chặn sự suy giảm về những tiêu chuẩn cho đến khi nó trở nên quá muộn. Ngài quan sát thấy rằng các Tu viện ở Tây Tạng hiện nay đang dưới sự kiểm soát của chính quyền Đảng Cộng sản, điều này khiến cho nó trở thành quan trọng hơn tất cả là những người trong số chúng ta đang được sống ở các nước tự do thì nên tận dụng lợi thế của sự tự do mà chúng ta đang được hưởng.
Ghi nhận rằng GandenTri Rinpoche trước đó đã có một cuộc nói chuyện về ngôn ngữ Tây Tạng, Ngài nói rằng ông không khuyến khích việc học tiếng Tây Tạng đơn giản chỉ vì ông là một người Tây Tạng trung thành. Thay vào đó, sự quan tâm của ông là truyền thống Nalanda rộng lớn được thể hiện đầy đủ nhất thông qua phương tiện của ngôn ngữ Tây Tạng. Điều này cũng ảnh hưởng tới nhân dân các nước khác như Mông Cổ và các nước Cộng hòa Mông Cổ Nga. Ngài nói rằng khi Ngài còn trẻ và đang học tập tại Tây Tạng đã có hàng trăm học giả vĩ đại từ Mông Cổ trong số những người cùng thời với Ngài. Ngài nhớ lại rằng khi lần đầu tiên Ngài đến thăm Mông Cổ vào năm 1979, Ngài và người Mông Cổ đã không thể nói chuyện với nhau, nhưng đã có thể giao tiếp thông qua văn viết. Thậm chí ngay cả ở Tây Tạng có những thổ ngữ khác nhau, nhưng mọi người đều có điểm chung đó là ngôn ngữ viết.
“Một số người cho rằng trong việc ủng hộ các nghiên cứu về ngôn ngữ Tây Tạng ở nơi công cộng tôi đã đưa ra là một lập trường chính trị; nhưng những gì tôi muốn nói là hiện nay nếu bạn muốn hiểu được nội dung của Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng); ngôn ngữ để biết đó chính là Tây Tạng. Hôm nay, khi rất nhiều người đang tụ họp với nhau ở đây, tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ này với quý vị”.
Ngài nói, “Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu lễ Quán đảnh. Tôi sẽ không thể giải thích tất cả mọi thứ từng câu từng câu một; và khi chúng ta đến với những quán đảnh thì chúng ta sẽ phải đi nhanh như tên lửa vậy!”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang truyền Quán Đảnh tại Quán đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 12 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
Ngài bắt đầu ban truyền bảy quán đảnh theo mô hình của thời thơ ấu: Nước, Vương Miện, Trang sức, Chày Kim Cương và Chuông báu, Dẫn dắt, Tên gọi, Cho phép và các phần phụ, tiếp theo là bốn Quán đảnh Cao hơn.
Ngài đã đề cập rằng có những quan điểm khác nhau về vấn đề thời gian khi Đức Phật truyền Quán Đảnh Thời Luân lần đầu tiên. Buton Rinchen Drub nói rằng Đức Phật đã ban truyền nó mười hai tháng sau khi giác ngộ; lúc ấy là tháng thứ ba trong năm. Mặt khác, Taktsang Lotsawa và Khedrup Norsang Gyatso, cũng là các học giả vĩ đại về Thời Luân, đã nói rằng Đức Phật đã truyền Quán đảnh Thời Luân một năm trước khi Ngài nhập Niết Bàn.
Trong phần kết thúc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét:
“Chúng ta đã hoàn thành bảy quán đảnh trong mô hình của thời thơ ấu, có liên quan đến các giai đoạn phát khởi, và bốn quán đảnh cao hơn có liên quan đến giai đoạn hoàn thiện. Nói cách khác, chúng tôi đã hoàn tất mười một quán đảnh Thời Luân và bây giờ chỉ mới 3 giờ chiều, điều này không tệ! Ngày hôm qua tôi đã ban khẩu truyền cho quý vị về Sáu thời Công Phu Đạo Sư Du Già Thời Luân rồi.
“Trọng tâm chính của thực hành Kim Cang thừa là giai đoạn hoàn thiện, nhưng những gì chúng ta thực sự phải tập trung vào là phát triển tâm thức tỉnh của Bồ đề tâm và sự hiểu biết về tánh Không. Để chứng ngộ được các giai đoạn cao hơn, chúng ta phải xây dựng trên một nền tảng vững chắc”.
Ngày mai, Ngài sẽ truyền Quán đảnh Trường Thọ liên quan đến Đức Tara Trắng và sau đó là sự Cúng Dường Trường Thọ sẽ được thực hiện để kính dâng lên cho Ngài.