Riga, Latvia, 05 tháng Năm, 2014 - Một trận gió dữ dội rời khỏi biển Baltic ùa về làm tăng thêm sự giá lạnh khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được chào đón tại cửa Trung tâm Triển lãm quốc tế Kipsala và được hộ tống đến khán đài. Gần 3.500 người thuộc mọi lứa tuổi, một số đến từ Latvia, nhưng hầu hết đến từ khu vực châu Âu của Nga, họ chăm chú chờ đợi để lắng nghe những điều Ngài nói.
Ngài nói với họ rằng “Như các bạn đã thể hiện sự quan tâm đối với cuộc gặp gỡ của chúng ta, và như tôi hiện nay không thể đến Nga được; tôi nghĩ rằng có thể sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta gặp nhau ở đây, hơn là quý vị phải đến Ấn Độ. Tôi đã hỏi ban tổ chức địa phương liệu việc này có thể thực hiện được không và tôi rất biết ơn họ đã sắp xếp cho sự kiện này. Ngoài ra tôi muốn được cảm ơn tất cả các bạn đã nỗ lực để đi đến được nơi đây.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào khán giả vào đầu buổi thuyết Pháp của mình tại Riga, Latvia vào 05 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nói rằng những bản Kinh mà Ngài muốn dạy là “Bát Nhã Tâm Kinh” - một bản Kinh ngắn về Trí Tuệ Ba-La-Mật, được trì tụng trong tất cả các nước Phật giáo Đại thừa như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Tây Tạng và Mông Cổ; mặc dù những người trì tụng không phải luôn luôn hiểu được ý nghĩa của nó. Bản Kinh thứ hai là “37 pháp hành của Bồ Tát” của tác giả Thogme Sangpo, một vị hành giả và là nhà học giả Tây Tạng. Ngài gợi ý rằng vào cuối mỗi phần thì nên dành thời gian để Ngài trả lời những câu hỏi từ phía khán giả. Kế đến Ngài tụng nghi thức quy y Phật, Pháp, Tăng bằng tiếng Pali trước khi yêu cầu người bạn của mình - vị sư Ấn Độ Tenzin Priyadarshi tụng "Bát Nhã Tâm Kinh" bằng tiếng Phạn du dương trầm bổng. Sau đó Ngài mời dân địa phương tụng lại một lần nữa bằng tiếng Lettish - ngôn ngữ của Latvia - có lẽ bản Kinh này vừa mới được dịch trong thời gian gần đây nhất.
Ngài đặt ra câu hỏi tại sao tôn giáo hay tâm linh lại có liên quan trong thế giới ngày nay và Ngài đã trả lời bằng cách giải thích rằng tâm linh có liên quan đến các giá trị nội tâm và cũng vậy - nó liên quan đến sự bình yên trong tâm hồn. Ngài nói:
“Nếu sự phát triển vật chất và công nghệ kỹ thuật có thể mang lại sự hòa bình và hạnh phúc trọn vẹn thì người dân ở các nước tân tiến và phát triển đã thật sự rất hạnh phúc, nhưng nhiều người vẫn không có hạnh phúc. Sự phát triển vật chất chỉ cung cấp sự thoải mái về thể xác chứ không phải sự an lạc về tinh thần. Chúng ta có thể cảm nhận sự đau đớn và vui sướng về một cảm giác ở mức độ thể xác hoặc trên một mức độ tinh thần. Niềm vui ở mức độ cảm giác - giống như cảm giác vui sướng khi xem thể thao hay lắng nghe một khúc nhạc du dương; cảm giác này tương đối ngắn ngủi, trong khi đó sự hài lòng về mức độ tinh thần - chẳng hạn như - tình yêu thương và đức tin - chúng không phụ thuộc vào các giác quan của chúng ta - thì sẽ có độ bền lâu dài hơn.”
Ngài nói rằng trong khi cơn đau của thể xác có thể được chinh phục bằng sự thỏa mãn về tinh thần, những sự bất an của tinh thần sẽ không được làm lắng dịu xuống bởi sự thoải mái về thể xác. Nếu chúng ta lo lắng, căng thẳng hoặc sợ hãi, thì dù cho có một ngôi nhà đẹp hoặc nghe nhạc hay cũng chỉ mang lại được một tí xíu nhẹ nhõm nào đó thôi. Một tâm trí bị xáo trộn thì không thể bình tĩnh được bởi chỉ sự thỏa mãn về thể xác. Như một ví dụ về sự khác biệt mà Ngài cố đưa ra, Ngài kể lại cuộc gặp gỡ với một tu sĩ Kitô giáo tại tu viện Montserrat, người đã trải qua năm năm sống như một ẩn sĩ trong sự nhập thất ở những vùng núi non không có chút gì khác hơn là trà và bánh mì để duy trì sự sống. Khi Ngài hỏi về sự thực hành của ông ta thì ông ấy nói rằng ông đã thiền định về lòng yêu thương. Khi ông nói về điều đó, ngài đã lưu ý đến sự lấp lánh rạng ngời trong đôi mắt của ông ta; nó biểu lộ một sự hài lòng lớn lao của ông ấy.
“Mặt khác tôi đã gặp những tỷ phú - những người có tất cả mọi thứ họ cần nhưng lại càng có nhiều điều không vui. Các nhà khoa học có những phát hiện cho thấy rằng một tâm trí bình tĩnh thì rất tốt cho tình trạng khỏe mạnh về thân xác của chúng ta. Họ cũng có bằng chứng cho thấy rằng sự rèn luyện về tinh thần có thể thay đổi thái độ của chúng ta, giúp chúng ta trở nên vui vẻ hơn. Trí thông minh của con người có thể là nguồn gốc cho sự hạnh phúc, nhưng nếu lạm dụng thì nó cũng có thể trở thành nguồn gốc của sự căng thẳng và lo âu.
Ngài nói rằng chỉ có loài người mới phát triển được đức tin tôn giáo. Đức tin như vậy có thể đã bắt đầu bằng sự sùng kính mặt trời, nhưng qua thời gian, ý tưởng về Chúa - Đấng Tạo Hóa - đã xuất hiện và cùng với nó là ý tưởng cho rằng - vì Chúa đã tạo ra tất cả mọi thứ cho nên có một tia nhỏ của Chúa trong tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo đều truyền đạt một thông điệp của tình yêu thương và lòng từ bi; và bởi vì hận thù là một trở ngại đối với sự truyền đạt thông điệp ấy cho nên họ đã dạy về sự khoan dung và lòng kiên nhẫn. Và vì tham lam cũng là một trở ngại cho nên họ dạy về đức tính giản dị và tri túc. Các truyền thống vô thần như Samkhyas, Kỳ Na Giáo và Phật Giáo - thay vì hướng về Đấng Tạo Hóa thì họ đã dạy về luật Nhân quả, nguyên lý của Nhân quả và Nghiệp báo, tương tự như một quan điểm khoa học.
Thêm vào đó, một tính năng độc đáo của Phật giáo là nó dạy rằng nếu ta chấp nhận sự tồn tại của một cái ngã độc lập là ta đang ấp ủ tất cả các loại mâu thuẫn rắc rối. Một chuyên gia về não bộ của Đức - Wolf Singer - đã nhấn mạnh với Ngài rằng không hề có cơ quan trung ương trong não, Ngài cảm thấy điều đó phù hợp với ý tưởng không hề có một cái tự ngã độc lập.
Ngài nhắc lại rằng bởi vì tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về tình yêu thương, lòng từ bi và sự tự kỷ luật nên họ đã giúp ích cho nhân loại rất nhiều. Nhưng một truyền thống không thể đáp ứng được cho hết tất cả mọi người, do đó, cần có nhu cầu cho sự đa dạng. Nếu chúng ta chọn tiếp nhận một tôn giáo hay một sự thực hành tâm linh thì chúng ta nên thực hành một cách nghiêm túc và chân thành. Ngài nói thêm:
“Tôi là một Phật tử, nhưng bất cứ nơi nào tôi đến tôi đều nói về nhu cầu của chúng ta đối với một nền đạo đức thế tục. Đạo đức làm tăng thêm giá trị nội tâm và khuyến khích sự tự tin, giúp chúng ta sống một cuộc sống có ý nghĩa”.
Đề cập đến hai vấn đề bức xúc mà khắp mọi nơi đều quan tâm hiện nay, đó là khoảng cách giữa giàu và nghèo và thói tham nhũng thâm căn cố đế, Ngài yêu cầu mọi người trong khán giả đưa tay lên để cho biết những tình trạng này nhiều hay ít ở nơi mà họ đang sống. Số lượng những cánh tay đưa lên cho thấy rằng đây là hai vấn đề lớn cần phải được xem xét. Ngài cho rằng trong khi việc sử dụng bạo lực có thể dường như sẽ đem lại sự hài lòng ngắn ngủi, nhưng nó không bao giờ giải quyết được vấn đề; mà lại còn gây ra những rắc rối mới. Ngài khẳng định rằng thế kỷ này, trái ngược với trước, nên là một kỷ nguyên của sự đàm phán.
Trả lời câu hỏi từ phía khán giả, Ngài khuyến khích các giáo viên không những chỉ quan tâm đến việc truyền đạt kiến thức mà còn phải nêu lên tấm gương về đạo đức. Trong khi đó, điều quan trọng là sự thể hiện tình cảm của cha mẹ đối với con cái của họ. Ngài chỉ ra rằng không phải ai cũng có hứng thú trong sự thực hành tôn giáo, nhưng không ai có thể phản đối lời khuyên về tình yêu thương và lòng từ bi. Ngài cũng nêu bật một tính năng độc đáo của truyền thống Phật giáo đó là lời khuyên của chính Đức Phật rằng hãy đưa tất cả những lời dạy của Ngài ra để điều tra và thử nghiệm chứ không nên chỉ chấp nhận nó dựa trên mỗi mình đức tin. Ngài đã so sánh điều này như là một quan điểm khoa học.
Trở lại sau giờ cơm trưa, Ngài đã nói về truyền thống Phật giáo; và làm thế nào mà một thời gian sau, những người phản đối Đức Phật đã đưa ra luận thuyết rằng truyền thống tiếng Phạn - Đại Thừa, không phải là lời dạy của Đức Phật. Ngài nói rằng Ngài Long Thọ, Thanh Biện, Di Lặc và Tịch Thiên tất cả đã viết để bênh vực cho truyền thống ấy. Truyền thống Pali được ghi chép lại những lời giảng của Đức Phật truyền dạy cho công chúng, trong khi Giáo lý về Trí Tuệ Bát Nhã, bao gồm cả “Bát Nhã Tâm Kinh” chỉ được dạy cho một số thính chúng được chọn lọc hơn. Một mặt chúng không được dạy công khai; mặt khác nội dung của chúng đã bộc lộ chúng như những lời dạy của Đức Phật. Chúng truyền đạt những trọng điểm của Phật Pháp. Giáo lý Tứ Diệu Đế là một phần của truyền thống Pali, nhưng sự giải thích chi tiết của nó lại là một phần của truyền thống tiếng Phạn. Sẽ là một sai lầm nếu nói rằng diễn thuyết của Đức Phật là hạn chế, tuy nhiên những diễn thuyết của những người đệ tử của Ngài thì tỉ mỉ và công phu hơn.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện trong ngày đầu tiên của hai ngày thuyết Pháp của Ngài tại Riga, Latvia vào 05 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nhắc lại rằng Giới Luật là một chủ đề chung cho tất cả các truyền thống Phật giáo. Ngài kể một câu chuyện về cuộc gặp gỡ với hai tu sĩ Phật giáo Miến Điện tại Quốc hội Tôn Giáo Thế Giới ở Úc. Họ nói với Ngài rằng chúng ta là đệ tử của cùng một Đức Phật, nhưng có sự khác biệt giữa các truyền thống của chúng ta. Ngài đồng ý, nhưng Ngài đã nói với họ rằng ít nhất các truyền thống đã có chung Giới Luật. Các nhà sư Miến Điện bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe Giới Luật được tôn trọng ở Tây Tạng.
Để làm rõ lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ, Ngài đề cập đến các trường đại học lớn của Taxila, Nalanda và Vikramashila. Chỉ vào bức tranh phía sau lưng mình, Ngài nói rằng 17 bậc thầy được mô tả xung quanh Đức Phật không chỉ là các Tăng Sĩ, mà còn là các bậc đại học giả và là những Luận Sư vĩ đại. Ngài đề cập đến Phật giáo Tây Tạng không phải là Lạt-ma Giáo như một số nhà văn đã mô tả, mà chính là truyền thống Nalanda thuần túy.
Ở một số nơi Đức Phật gọi ngũ uẩn như một “vật chở” do “người” mang theo, như thể “người” là riêng biệt từ “các uẩn”. Nhưng ở những nơi khác, Ngài nói “không hề có “người” ngoài các uẩn”. Các học giả Ấn Độ sau đó đã viết rất nhiều về logic và nhận thức luận, bao gồm cả Ngài Thiện Hải Tịch Hộ và đệ tử của Ngài là Liên Hoa Giới - người đã có công trong việc thiết lập và xây dựng Phật giáo Tây Tạng. Do đó, các học giả Tây Tạng như Sakya Pandita đã nghiên cứu giáo lý bằng phương pháp logic và lý luận học.
“Cả hai truyền thống Phật giáo Tây Tạng và Trung Quốc đều xuất phát từ truyền thống Nalanda. Tôi bắt đầu nghiên cứu theo cách này từ năm lên 6 tuổi, một độ tuổi mà tôi thích chơi đùa hơn là học hành” - Ngài nhớ lại. “Và kinh nghiệm giới hạn của tôi đã cho tôi thấy rằng sự hiểu biết về Tánh Không và lòng vị tha đã mang lại sự bình yên trong tâm hồn”.
Giải thích về ba kỳ Chuyển Pháp Luân, Ngài nói rằng Giới Luật là một phần trong kỳ Chuyển Pháp Luân đầu tiên; giáo lý Bát Nhã Ba-la-mật, mà giải thích rộng ra là Vô ngã, là một phần của kỳ Chuyển Pháp Luân Thứ Hai; trong khi kỳ Chuyển Pháp Luân Thứ Ba đề cập đến bản chất của Tâm.
Một cảnh của khán đài tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Kipsala, địa điểm tổ chức hai ngày Thuyết Pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Riga, Latvia vào 05 Tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Vì vậy, kỳ Chuyển Pháp Luân Thứ Nhất đề cập đến Giới hạnh là nền tảng cho sự chánh niệm và quán sát nội tâm; kỳ Thứ Hai đề cập đến Tánh Không; kỳ Thứ Ba liên quan đến sự thiền định về Tâm tỉnh thức và Bồ đề tâm; và tánh Không về bản chất của Tâm. Ngài đề cập đến những mức độ khác nhau về sự tinh tế của tâm thức, chẳng hạn như trạng thái tâm khi thức, trạng thái trong giấc mơ và giấc ngủ sâu; Ngài nói thêm rằng trong Phật giáo Mật Tông, mức độ tinh tế nhất của tâm đó là cơ sở cho Phật Quả.
Bộ sưu tập giáo lý Bát Nhã Ma-la-mật bao gồm các phiên bản gồm có 100.000, 25.000, 18.000 và 8.000 câu kệ, 100 câu kệ của “Năng Đoạn Kim Cang Kinh” phổ biến ở Trung Quốc và 25 câu kệ này của “Bát Nhã Tâm Kinh”. Ngài nhận xét rằng Đức Phật đã chỉ ra con đường trong Giáo lý như thế, nhưng sự lợi ích đều phát sinh từ việc đưa chúng vào thực hành. Ngài nói, trong một cách nào đó, đây là lý do vì sao Đức Phật được so sánh như một nhà khoa học.
Thông qua “Bát Nhã Tâm Kinh”, Ngài giải thích rằng mọi thứ tồn tại trong sự phụ thuộc vào các yếu tố khác, vì vậy chúng không tồn tại độc lập. Tánh Không không có nghĩa là mọi thứ đều rỗng không; các pháp vốn dĩ là không, bởi vì chúng không có sự tồn tại độc lập. Ngài ám chỉ sự phụ thuộc lẫn nhau giữa nhân và quả, một điều gì đó được cho là nhân chỉ khi nào nó có quả. “Bát Nhã Tâm Kinh” cho thấy sự tồn tại độc lập là một ảo hóa bằng cách nói rằng “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”. Tánh Không là một thuộc tính của Sắc, và Sắc là cơ sở của thuộc tính của Tánh Không. Khi bạn tìm kiếm Sắc, bạn sẽ tìm thấy sự rỗng không. Đây là những gì sẽ làm suy yếu được sự bám chấp vào quan điểm về sự tồn tại cố hữu bên trong. Ngài nhận xét rằng ý thức cũng là không, và đề cập rằng sự thiền định về tánh Không rất có hiệu quả trong việc làm giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực của mình; chứ không phải chỉ đơn thuần là sự luyện tập về trí tuệ. Cảm xúc tiêu cực không phải là bản chất của tâm; chúng không làm hoen ố được ánh sáng của trí tuệ.
Trở lại nhận những câu hỏi từ phía khán giả, Ngài đã được hỏi về chức năng của các ngôi chùa Phật giáo được đề xuất cho Moscow. Ngài nói rằng Ngài đã gặp các thành viên của ban tổ chức và nói với họ rằng nó phải là một trung tâm học tập, một nơi để nghiên cứu. Ngài đề cập đến sự nhận định lại của Ngài về văn học Phật giáo, về khoa học Phật giáo, triết học và tôn giáo. Khoa học Phật giáo và triết học có thể được sự quan tâm phổ quát của toàn cầu, trong khi phần tôn giáo chỉ dành cho Phật tử. Trong bối cảnh này, Ngài cho biết một cuốn sách liên quan đến Khoa học Phật giáo đã được chuẩn bị và đang được dịch sang những ngôn ngữ khác nhau. Ngài đề xuất rằng tiếng Nga là một trong số những ngôn ngữ sắp được dịch ra.
Một thành viên của khán giả hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong ngày đầu tiên của hai ngày thuyết Pháp của Ngài ở Riga,
Latvia vào 05 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Đối với câu hỏi về những kiếp trước, Ngài trả lời rằng kiếp trước đã trở thành quá khứ; và sự trả lời ấy đã làm cho thính giả của Ngài phá lên cười thích thú. Ngài nói rằng điều quan trọng hơn chính là ngày mai và đời sau, điều mà vẫn còn trong khả năng của mình để định hình nó. Ngài nói rằng nguyên nhân chính của tâm đó chính là tâm thức, rằng ý thức không hề có sự bắt đầu hay kết thúc. Vì vậy, nếu chúng ta sống một cuộc sống có ý nghĩa ngay từ bây giờ, thì chúng ta có thể đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp ở kiếp sau.
Một phụ nữ trẻ đến từ Ukraina hỏi làm thế nào cô có thể đóng góp trong hoàn cảnh hiện tại và Ngài nói rằng câu hỏi này khá nhạy cảm. Tuy nhiên, Ngài giới thiệu lời khuyên của Ngài Tịch Thiên để hành động theo thực tế. Quan trọng nhất là để đạt được lợi ích nhiều nhất của số lượng người dân đông đảo nhất. Nếu điều gì đó sẽ gây ra rắc rối hơn, thì tốt hơn hết là nên tránh. Ngài đưa ra một ví dụ từ trong Luật tạng rằng có một vị Tu sĩ nhìn thấy một con nai và có một người thợ săn đuổi theo nó; người thợ săn đó hỏi vị này có nhìn thấy con nai chạy đường nào không; để bảo vệ chú nai ấy, vị tu sĩ đã thiện xảo trong sự trả lời của mình “Tôi chỉ nhìn thấy một con chim mà thôi”.
“Thực hiện chính sách bạo lực luôn luôn là điều sai quấy; bây giờ không còn là lúc dành cho sự bạo lực nữa. Bạo lực và việc sử dụng vũ lực gây ra những hậu quả khó lường. Việc sử dụng vũ lực đã lỗi thời; nó mang lại sự sợ hãi và nghi ngờ, sẽ không giúp được gì để giải quyết vấn đề cả.
“Chúc ngủ ngon, mai gặp lại.”