Tokyo, Nhật Bản, ngày 17 tháng 4 năm 2014 - Khoảng 1200 người tụ tập để nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết Pháp tại Tokyo hôm nay chủ yếu là người Nhật, nhưng cũng bao gồm người Hàn Quốc, Mông Cổ và Trung Quốc, một số đến từ Đài Loan và một số đến từ Trung Quốc. Để bắt đầu, Ngài giải thích về những gì sẽ được tụng vào đầu buổi thuyết giảng, một bài Kệ bằng tiếng Pali, Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Nhật và những vần Kệ trong phần Kính Lễ từ “Luận Cơ bản về Trung Đạo” của Ngài Long Thọ và “Trang Hoàng cho sự Chứng Ngộ Trong Sáng” của Ngài Di Lặc.
His Holiness the Dalai Lama speaking during his teaching in Tokyo, Japan on April 17, 2014. Photo/Office of Tibet, Japan |
“Chúng ta đang ở đây tại Nhật Bản”, Ngài nhận xét, “Nơi mà Phật giáo đã phát triển trong nhiều thế kỷ, nơi mà Giáo lý của Trí Tuệ Ba-la-mật được phổ biến và sự trì tụng về Bát Nhã Tâm Kinh lan truyền rộng khắp. Có nhiều cách truyền pháp khác nhau: vị Thầy có thể ban truyền Giáo Pháp với sự giải thích hoặc không giải thích. Ngoài ra còn có một phương pháp mà sự giải thích được đưa ra mỗi ngày và các học trò phải theo dõi xuyên suốt để suy ngẫm về những gì mà họ đã nghe được; và cũng có truyền thống mà người học trò ôn lại những gì mà cô ta đã nghe cho đến khi cô ấy hiểu nó và sau đó tìm sự giải thích thêm. Nhân dịp này tôi sẽ truyền đọc về Bát Nhã Tâm Kinh, với một số giải thích và sau đó đọc qua “Xưng Tán Pháp Giới” của Ngài Long Thọ và “Ba mươi bảy Pháp hành của Bồ tát” của Ngài Thogme Sangpo với một số giải thích”.
Trước tiên, Ngài xét lại vị trí của Phật giáo trong bối cảnh của các tôn giáo thế giới. Ngài nói về các tôn giáo có và không có nền tảng triết học; và những người tin vào một Đấng Tạo Hóa và những người không tin. Sau này, Kỳ Na giáo nổi lên ở Ấn Độ 2600 năm trước đây và Phật giáo xuất hiện 30-40 năm sau đó. Trong khi Kỳ Na Giáo và Samkhyas vô thần (Số Luận Phái) khẳng định sự tồn tại của một cái ngã độc lập và một cái ngã tự trị ngoài các uẩn sắc-tâm, Phật tử thì không. Phật tử tin rằng sự trải nghiệm đau đớn và vui sướng đều có nguyên nhân, nhưng nguyên nhân và điều kiện mà nó liên quan là do chúng ta tạo ra. Con người - người mà trải nghiệm những sự đớn đau và hạnh phúc chỉ là được định danh dựa trên nền tảng của các uẩn.
Trong bối cảnh của vô ngã, các trường phái Phật giáo thấp hơn như Tỳ Bà Sa Bộ và Kinh Lượng Bộ chỉ nói về nhân vô ngã, trong khi Duy Thức và phái Trung Quán cũng khẳng định về pháp vô ngã. Ngài nhớ lại lần tham dự một cuộc hội nghị liên tôn giáo ở Amritsar, Ấn Độ; một Thầy giáo thuộc phái Sufi quan sát thấy rằng tất cả các tôn giáo đều đối phó với ba câu hỏi: ngã là gì? Nó có sự bắt đầu hay không? và nó có đi đến sự kết thúc hay không? Phật giáo khẳng định rằng ngã chỉ được định danh, được đặt tên hoặc dán nhãn trên cơ sở của 5 uẩn sắc-tâm mà thôi. Đối với những người tin vào một Đấng Tạo Hóa thì ngã bắt đầu khi ông ta (Chúa) tạo ra nó một lần nữa. Đối với Phật tử, phần chính của năm uẩn là ý thức và ngã được định danh trên cơ sở của ý thức.
Some of the over 1200 people attending His Holiness the Dalai Lama's teaching in Tokyo, Japan on April 17, 2014. Photo/Office of Tibet, Japan |
Mọi vật đến và đi đều bị sự chi phối của sự thay đổi và phát sinh từ nguyên nhân. Nguyên nhân đáng kể của ý thức là một ý thức trước đó; do vậy, ý thức không có bắt đầu, cũng không có một kết thúc. Như vậy, ngã được chỉ định trên cơ sở của ý thức cho nên nó cũng không có sự bắt đầu hay kết thúc.
Ngài đi ra ngoài đề tài để nói về sự khác biệt giữa tôn giáo và khoa học. Cho đến gần đây khoa học đời thường đã xem ý thức chỉ đơn thuần là một chức năng của não. Trong khi tôn giáo đã có việc để làm với vấn đề tâm thức, thì khoa học nhìn chung chỉ quan tâm đến vật chất, những thứ có thể đo lường được. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng có tâm thức, cũng trải nghiệm những niềm vui và nỗi buồn, tình yêu và lòng từ bi. Và các hành giả tôn giáo cũng cần các cơ sở vật chất như thực phẩm, quần áo và nơi trú ẩn. Trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, các nhà thần kinh học đã bắt đầu nhận ra rằng tâm thức có tác động đến não bộ, chẳng hạn như, rèn luyện tinh thần sẽ ảnh hưởng đến não bộ. Sự kết nối giữa khoa học và khoa học Phật giáo đã trở nên gần gũi hơn.
Ngài chỉ ra rằng Đức Phật đã từng là người giống như chúng ta, nhưng bởi vì Ngài đã rèn luyện tâm thức của mình qua một thời gian rất dài nên Ngài trở thành Giác ngộ. Chúng ta cũng có thể chuyển hóa tâm thức của mình; và công cụ mà chúng ta sử dụng để chuyển hóa đó là tâm.
“Như vầy tôi nghe một thời, Đức Thế Tôn đã ở trên đỉnh Linh Thứu...” là cách mở đầu của Bát Nhã Tâm Kinh. Ngài đã làm rõ là sự đề cập đến Chư Tăng ở đây đôi khi có nghĩa là A-La-Hán; và khi nói rằng Đức Phật miệt mài trong sự thiền định về “Ánh Quang Minh Vi Diệu”; từ “Vi Diệu” ở đây đề cập đến “Tánh Không”; trong khi đó “Ánh Quang Minh” đề cập đến “Duyên khởi”. Chính trong bối cảnh này mà 5 uẩn được mô tả là sự trống rỗng của một sự tồn tại cố hữu. Bởi vì vô minh thấm nhuần mọi cảm xúc phiền não, cho nên sự giải thích về vô ngã cần phải được đưa ra ngay từ lúc ban đầu.
Đề cập về kinh nghiệm của chính mình, Ngài nói:
Tôi chẳng hề cho rằng mình là một cái gì đặt biệt cả, nhưng tôi đã quan tâm về Tánh Không từ khi tôi 15 hay 16 tuổi. Khi được khoảng 30 tuổi, tôi suy nghĩ rất nhiều về vấn đề ngã không phải là một - cũng không phải là tách lìa với các uẩn; và tôi đã có một ý thức mạnh mẽ về sự vắng mặt của ngã. Khi tôi áp dụng cùng một lý luận đối với các uẩn - tôi không có cùng một loại kinh nghiệm. Tôi đã gặp những người nói với tôi rằng lời giải thích của Ngài Long Thọ về Tánh Không và Duyên Khởi là một loại rèn luyện trí tuệ với một chút ứng dụng thực tế. Đây rõ ràng là không đúng sự thật.
His Holiness the Dalai Lama speaking during his teaching in Tokyo, Japan on April 17, 2014. Photo/Office of Tibet, Japan |
“Mọi thứ không có sự tồn tại cố hữu, nhưng đó không có nghĩa là chẳng có gì ở đó cả. Chúng chỉ tồn tại trong sự phụ thuộc vào các yếu tố khác. Sắc tức là không - không có sự tồn tại cố hữu. Tuy nhiên, những gì xuất hiện đối với chúng ta chẳng đưa ra ấn tượng gì về điều này cả. Đây không phải là không giống như các phương pháp tiếp cận Vật lý Lượng tử; nhưng bởi vì nếu bạn đập vỡ vụn mọi thứ ra thành nhiều phần, thì chẳng có gì để cho bạn có thể chỉ ra được là nó có sự tồn tại cố hữu.
“Hãy lấy cái hoa trước mặt tôi đây, nếu chúng ta tìm nó trong màu sắc và hình dáng của nó xuống cho đến những mảnh nhỏ nhất của nó, ta sẽ chẳng tìm ra bất cứ cái gì là cái hoa cả! Nó là một duyên khởi mà chúng ta đặt cho nó một cái tên gọi là “hoa”. Trong khi đó, không ai phủ nhận về việc có một bông hoa ở đây cả, tuy nhiên, như bạn tôi Aaron Beck đã nói - 90% là do ý nghĩ của chính chúng ta”.
Ngài giải thích về thần chú hoặc dharani ở phần cuối của Bát Nhã Tâm Kinh tượng trưng cho con đường phát triển tâm linh. Hai từ đầu tiên “Gate, Gate” ngụ ý về các con đường tích lũy (tư lương đạo) và chuẩn bị (gia hành đạo). “Paragate” đề cập đến con đường nhìn thấy được tánh Không lần đầu tiên một cách trực tiếp (kiến đạo) “Parasamgate” đề cập đến con đường thiền định (thiền đạo), trong khi “Bodhi svaha” là con đường không còn học hỏi nữa (vô học đạo) và sự giác ngộ của một vị Phật (cứu cánh đạo).
Ngài đọc lướt rất nhanh qua “Xưng Tán Pháp Giới” và “Ba mươi bảy Pháp hành của Bồ tát” và nêu bậc một số điểm đó đây. Cuối cùng Ngài nói:
“Các bản văn đã được in trong một cuốn sách nhỏ và tôi đã đưa cho các bạn sự giải thích sơ bộ. Bây giờ nó tùy thuộc vào các bạn để đọc lại và suy nghĩ về những gì trong đó nói. Hãy nghiên cứu chúng. Nếu tôi trở lại đây trong thời gian một năm nữa thì tôi sẽ kiểm tra các bạn về điều này, tôi muốn được nhìn thấy những tập tài liệu này trở thành đen xì vì nó được quý vị sử dụng.
“Tôi đã ở Nhật Bản được hai tuần rồi; bắt đầu với những lời cầu nguyện ở Sendai do các Đạo sĩ Thần Đạo hướng dẫn. Tôi đã gặp nhiều bạn bè Nhật Bản của tôi ở đó đây; tôi hy vọng các bạn cũng cảm nhận được một vài sự lợi ích. Bây giờ, bạn phải áp dụng tâm trí của mình để suy nghĩ về những gì tôi đã dạy. Một Lạt Ma Tây Tạng lưu ý rằng ngay cả khi bạn biết bạn sẽ chết vào ngày mai, thì cũng sẽ đáng công để cho bạn tiếp tục học hỏi; bởi vì nó sẽ giống như là một sự đầu tư cho kiếp sau”.
Hỏa thượng Fujita-san, Hiệu trưởng của Đại học Koyasan đã dâng lời cảm ơn và đã được đáp ứng bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ từ rời khỏi Hội trường khi mọi người đang tươi cười trườn mình về phía trước với đôi tay vươn ra để nắm bắt tay Ngài khi Ngài đi ngang qua.
Ngày mai Ngài sẽ bay trở lại Ấn Độ