Tokyo, Nhật Bản, ngày 16 Tháng Tư 2014 - Đến Tokyo vào tối hôm qua; hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có cuộc gặp gỡ với một số nhóm người khá khác nhau. Đầu tiên là một nhóm doanh nhân đến từ Ấn Độ. Ngài bắt đầu bằng cách nói với họ là Ngài đã ca ngợi Ấn Độ như thế nào trên toàn thế giới về sự hòa hợp tôn giáo của Ấn Độ, cách mà các niềm tin tín ngưỡng khác nhau - một số có nguồn gốc ở Ấn Độ và một số khác đến từ nước ngoài - đã sống hòa bình bên cạnh nhau. Ngài đề nghị cộng đồng Ấn Độ ở nước ngoài cũng nên thực hiện nhiều hơn về điều này ở bất cứ nơi nào họ đang sinh sống. Trong thế kỷ 21, phương pháp tiếp cận thế tục được minh chứng bởi Ấn Độ đang ngày càng có liên quan trên toàn thế giới. Thể hiện niềm cảm kích đối với nước chủ nhà của mình, Ngài nói:
“Trong 55 năm qua, Ấn Độ đã là nhà của tôi. Tôi nghĩ mình như là đứa con trai của Ấn Độ. Tất cả các kiến thức của tôi đều có nguồn gốc từ Ấn Độ. Bộ não của tôi được lấp đầy bởi tư tưởng của Nalanda. Tầm quan trọng của điều này đã được trình bày rõ ràng bởi Ngài Tsongkhapa - người đã sáng tác bài kệ rằng:
Ở Tây Tạng, vùng đất của xứ Tuyết,
Màu sắc tự nhiên chính là màu trắng,
Nhưng trước khi ánh sáng từ Ấn Độ truyền vào,
Tây Tạng vẫn còn trong bóng tối âm u.
Thánh Đức ĐLLM với các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ trong chuyến viếng thăm Tokyo, Nhật Bản vào 16 tháng 4, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Ngài nói thêm rằng hơn 55 năm qua, cơ thể của Ngài đã được nuôi dưỡng bằng dal1 và chapatis2 của Ấn Độ. Hơn nữa, người Tây Tạng từ lâu đã coi Ấn Độ là những vị Thầy và bản thân họ là những người đệ tử; bởi vì Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã truyền Phật giáo vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8.
Ngài đề cập rằng một số nhà văn phương Tây đã gọi Phật giáo Tây Tạng là Lạt Ma Giáo, đó là một sai lầm. Nó thực sự là đại diện cho dòng truyền thừa thuần túy của Đại học Nalanda. Đây không những chỉ là vấn đề tôn giáo, mà còn là vấn đề của logic học và triết học. Ngài nói rằng Ngài đã mô tả chính Đức Phật như một nhà khoa học - người đã khuyến khích những đệ tử của mình hãy dùng tâm trí để điều tra và thử nghiệm giáo lý của Ngài.
“Ngày nay, tôi hy vọng thế hệ trẻ của Ấn Độ sẽ chú ý hơn đến sự hiểu biết về tâm thức và cảm xúc được tìm thấy trong văn học cổ đại Ấn Độ; và kết hợp nó với những phẩm chất của nền giáo dục hiện đại của họ. Đôi khi tôi phàn nàn với những người bạn Ấn Độ của tôi rằng có quá nhiều đền thờ nhưng không có đủ chỗ cho việc học hành. Tuy nhiên, tôi rất ấn tượng về cách mà Ấn Độ - một nền dân chủ đông dân nhất thế giới - đã rất phát triển gần 70 năm sau khi độc lập. Chẳng phải Ngài Nehru đã so sánh Ấn Độ với một con voi đó sao? - nó cần thời gian để đứng lên, nhưng một khi đã đứng lên rồi thì sẽ rất mạnh mẽ và vững vàng!”
Khi nhóm này cho biết họ chỉ muốn được Ngài ban phước lành, Ngài nói với họ như những gì mà Ngài đã nói với một gia đình giàu có ở Mumbai khi họ yêu cầu Ngài những điều tương tự. Ngài nói rằng Ngài không có những thứ như thế để ban cho họ, mà họ đã có sẵn nguồn phước lành trong chính đôi bàn tay của mình. Họ giàu có và sống ở Mumbai - nơi mà có hàng ngàn người nghèo đói và vô gia cư. Ngài nói với họ rằng nếu họ sử dụng một ít tài sản của mình để giúp đỡ về y tế và giáo dục cho những người nghèo túng thì họ sẽ tạo ra phước lành cho chính mình.
***
Nhóm thứ hai Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp hôm nay là Trung Quốc và Ngài đã trao cho họ lời chào mừng ấm áp nồng nhiệt, nhắc nhở họ rằng Trung Quốc ngày nay có số lượng Phật tử đông nhất thế giới. Một cuộc khảo sát do một Đại học Bắc Kinh đưa ra con số hơn 300 triệu người, hầu hết trong số họ là những người trí thức. Gần đây Thủ tướng Tập Cận Bình đã tuyên bố Phật giáo là một trong những truyền thống quan trọng của Trung Quốc. Điều quan trọng là sau khi đã cố gắng để tiêu diệt Phật giáo trong các chiến dịch của cuộc Cách mạng Văn hóa, thế hệ thứ năm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đã thừa nhận tầm quan trọng của Phật Giáo.
“Ngày nay, có một khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc. Tôi đã gặp những người nông dân đến từ các làng quê; họ nói với tôi rằng mọi việc đối với họ thật khó khăn như thế nào; rằng không có ai quay sang giúp đỡ họ cả. Chính quyền địa phương chỉ quan tâm đến tiền tài và quyền lực của mình. Vì vậy, tôi cảm thấy được khích lệ khi - trong Hội nghị lần thứ 3 - Tập Cận Bình đã nói về nhu cầu của người nông dân và sự cải cách tư pháp Trung Quốc. Một học giả Trung Quốc mà tôi gặp tại New York đã nói với tôi rằng trong một bầu không khí mà đạo đức đang suy thoái, Phật giáo đã có rất nhiều sự đóng góp lớn lao”.
Ngài nhớ lại một phần của sự tuyên truyền từ những năm đầu của thập kỷ 1960, nói rằng Phật giáo chỉ là vấn đề của niềm tin mù quáng và nó sẽ biến mất với tốc độ tăng trưởng của kiến thức khoa học. Những ai đã viết lên điều đó chắc sẽ rất ngạc nhiên khi ngày nay nhìn thấy sự quan tâm và tôn trọng mà các nhà khoa học hiện đại nổi tiếng, đặc biệt là những người có quan tâm đến vấn đề tâm thức, đã cho thấy những phát hiện đối với Phật giáo và Ấn Độ cổ đại về tâm thức và cảm xúc.
Thánh Đức ĐLLM nói chuyện với một nhóm người Trung Quốc trong chuyến viếng thăm Tokyo, Nhật Bản vào 16 tháng 4, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Những ngày này tôi khuyên Phật tử hãy nên là người Phật tử của thế kỷ 21, có nghĩa là họ cần phải nghiên cứu để tìm hiểu xem Phật giáo thực sự là gì. Ngày mai, tôi sẽ giảng một vài bản kinh điển Phật giáo và bạn luôn được hoan nghênh đến tham dự”.
Trong số các câu hỏi đến từ những người lắng nghe Ngài một cách say sưa, có một câu hỏi về vấn đề hiến tặng nội tạng. Ngài đề cập đến một Khangsar Rinpoche đã đặc biệt yêu cầu để cơ thể của mình được làm thức ăn cho các loài chim hơn là hỏa táng vì Ngài muốn nó mang lại lợi ích cho người khác. Trong khi ngưỡng mộ các nguyên tắc của việc hiến tặng nội tạng, Ngài cảm thấy lo lắng về việc các cơ quan nội tạng được lấy đi trước khi người hiến tặng đã chết thật sự. Ngài đã nghe các báo cáo rằng điều này đã xảy ra đối với các thành viên bị cầm tù của Pháp Luân Công.
Ngài nói, đối với những người lo lắng về cái chết đang tiến đến gần thì cái chết cũng sẽ đến. Nếu bạn đã sống một cuộc sống tốt đẹp, đã sử dụng thân, khẩu, ý của mình một cách có lợi ích, thì bạn có thể tự tin về một sự tái sinh tốt đẹp. Ngài trích dẫn một câu tục ngữ Tây Tạng nói rằng: Hành giả Phật tử giỏi nhất luôn hoan nghênh cái chết; người trung bình thì cũng chẳng buồn đau; và thậm chí người thực hành tệ nhất; cũng chẳng hối tiếc khi đối diện tử thần. Vì vậy, tốt nhất là không phải lo lắng gì về cái chết cả, mà nên sống một cuộc sống tốt đẹp.
Một người phụ nữ thưa với Ngài rằng cô làm việc cũng như học tập, trong khi những người chủ của mình luôn chỉ trích về điều đó, và cô ta hỏi phài nên làm gì. Trước hết Ngài khuyên cô ta là nên trì tụng thần chú Văn Thù Sư Lợi; và sau đó Ngài quyết định truyền cho hội chúng đang tập họp trước mặt Ngài một bài chú gia trì của Đức Văn Thù Sư Lợi.
Ngài bảo họ nên hình dung Đức Văn Thù Sư Lợi, cầm một thanh kiếm lửa của trí tuệ ở tay phải và tay bên kia cầm một nhánh hoa sen, trên hoa sen có một cuốn Kinh được nâng lên khỏi đầu; ánh sáng phóng ra từ trán, yết hầu và tim của Ngài rót vào làm đầy thân thể họ. Ngài bảo họ tụng thần chú theo Ngài; bảo họ rằng điều này sẽ giúp họ phát triển được trí tuệ phổ quát, uyên thâm, rõ ràng và nhạy bén. Ngài khuyên họ nên trì tụng thần chú này vào mỗi buổi sáng và trì âm tiết DHI càng nhiều càng tốt trong một hơi thở. Ngài nói với họ đây là một sự thực hành mà Ngài đã làm từ khi còn nhỏ để có hiệu quả tốt. Ngoài ra, Ngài còn khuyên họ trau dồi chánh niệm bằng cách quan sát hởi thở vào và thở ra của họ; đếm khoảng từ 21 hoặc 100 vòng.
Một vấn đề khác Ngài đề cập đến để trả lời một câu hỏi về chủ nghĩa bè phái giữa những người theo Phật giáo Tây Tạng. Ngài cho rằng đó là kết quả của sự thiếu hiểu biết; và Ngài dẫn chứng một số bậc Đạo Sư Tây tạng với tư tưởng rộng mở, cách tiếp cận phổ quát, thoáng đạt; bao gồm Ngài Tsongkhapa, Gendun Gyatso, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 2, và gần đây hơn là Jamyang Khyentse Wangpo, Dilgo Khyentse Rinpoche và Trulshig Rinpoche. Ngài nói rằng - trên thực tế - tất cả các truyền thống Phật giáo của Tây Tạng đều có nguồn gốc từ truyền thống Nalanda.
***
Nhóm thứ ba mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ đó là các nhà Sư và những người ủng hộ của truyền thống Thiền Soto, một nhóm người có ý thức xã hội đã thêm vào bên cạnh sự thực hành Phật Pháp của họ những chức năng như là tuyên úy cho những tù nhân ở trong tù. Họ cũng đã hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ cho những người đã bị tàn phế do trận động đất khủng khiếp Tohoku và hậu quả của nó. Khẩu hiệu của họ là: “Tôn trọng nhân quyền, thiết lập hòa bình và bảo vệ môi trường”.
Thánh Đức ĐLLM với các Hòa Thượng Trưởng Lão của truyền thống Thiền Soto trước khi nói chuyện với thành viên của cộng đồng Soto ở Tokyo, Nhật Bản vào 16 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Họ mời Ngài đến gặp họ tại một khách sạn ở Tokyo. Phó Chủ tịch của Hội truyền thống Soto, Abe Ekai đã đích thân cung đón Ngài, đi kèm với Ngài và đưa Ngài vào một căn phòng, giới thiệu Ngài với một nhóm các vị Hoà Thượng Trưởng Lão. Các vị Tăng đã tự giới thiệu về mình. Vị Chủ tịch đã dâng lên cúng dường Ngài một món quà là cái bát trà truyền thống Nhật Bản. Họ đã chụp ảnh với nhau trước khi ngồi bên nhau trong bữa ăn trưa.
Trong một hội trường được cấu hình như một ngôi chùa, trước tiên Ngài đảnh lễ trước hình ảnh của Đức Phật. Vị Chủ tịch và cũng là Trưởng thượng của nhóm Tăng Sĩ đã hướng dẫn tất cả Đại chúng đảnh lễ và tụng Bát Nhã Tâm Kinh theo nhịp điệu. Bài phát biểu giới thiệu ngắn gọn đã được trình bày trước khi Ngài được mời lên nói chuyện. Ngài nói:
“Kính thưa Hòa thượng Chủ tịch và các vị quan khách, tôi rất vinh dự được có mặt ở đây với quý vị. Trước tiên hãy để cho tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vị Tăng Trưởng thượng này đã tử tế săn sóc tôi từ lúc tôi vừa mới đến, mặc dù là tôi trẻ hơn với tuổi 79 so với tuổi của Ngài là 90. Trong chuyến viếng thăm Nhật Bản lần này, tôi đã đến Sendai trước tiên để biểu lộ tình đoàn kết với các nạn nhân của trận động đất ở đó và tham gia một buổi lễ cầu nguyện Shinto. Ở Osaka tôi đã nói chuyện với các học sinh trong trường học và ở Koyasan tôi đã tạo ra một mối liên kết với truyền thống Kim Cương thừa.
Thánh Đức ĐLLM với Phó Chủ tịch của phái Soto - Abe Ekai nói chuyện với cộng đồng Soto tại Tokyo, Nhật Bản vào 16 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Tôi đến đây chỉ là một trong 7 tỷ người. Tất cả chúng ta đều giống nhau về phương diện không muốn khổ đau; và tất cả chúng ta đều có quyền thực hiện mục đích này. Yếu tố cơ bản là tạo ra sự an bình trong tâm thức của chúng ta. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều đóng góp cho điều này bằng cách thúc đẩy sự thực hành về tình yêu thương và lòng từ bi, vì vậy điều quan trọng là trong khi duy trì niềm tin vào truyền thống riêng của mình; chúng ta còn cần phải nuôi dưỡng lòng tôn trọng đối với các truyền thống của người khác. Khi quý vị tụng Bát Nhã Tâm Kinh, tôi đã rất xúc động bởi lòng biết ơn đối với Đức Phật và tôi đã cầu nguyện theo cho giống quý vị”.
Ngài nói chuyện rất ngắn gọn và tiếp tục phần trả lời câu hỏi. Ngài nêu lên rằng trong truyền thống Phật giáo, nguồn gốc của khổ đau là vô minh, bởi vì sự vô minh nên ta mới tham luyến vào bạn bè và người thân của mình. Trong khi đó, chúng ta có thể không muốn làm hại người khác, nhưng sự tức giận và nghi ngờ đã xúi giục chúng ta làm như vậy. Sự vô minh của chúng ta đặt nền tảng trên cách mà chúng ta bám víu vào sự xuất hiện của các pháp như là một bản chất tồn tại thật sự. Cắt đứt được điều này chính là trí tuệ. Như Bát Nhã Tâm Kinh đã nói: “Sắc tức là không, không tức là sắc”.
Về thiền định, Ngài mô tả các tư thế của thân thể cần áp dụng và làm thế nào để đặt tâm vào đối tượng, cũng như sự đa dạng của các đối tượng có thể được sử dụng. Ngài cảnh báo rằng chúng ta không những chỉ đề phòng sự trạo cử phân tâm mà còn phải đề phòng sự giải đải hôn trầm rất nguy hại. Ngài dẫn chứng về những người bạn mà - sau khi kết thúc những đợt nhập thất dài hạn - họ đã cảm thấy trí thông minh của mình đã bị thuyên giảm. Ngài cũng ca ngợi những lợi ích của sự trau giồi thiền phân tích và thiền tập trung.
Nhắc lại sự cống hiến của truyền thống Soto về nhân quyền, Ngài thông báo với họ rằng Ngài đã ký vào bản tuyên bố của Tổ chức Ân xá Quốc tế ủng hộ bãi bỏ án tử hình. Ngài nói rằng điều này là phù hợp với giáo lý Phật giáo về quan hệ nhân quả; và thực tế là mọi thứ đã thay đổi. Bạn có thể mắc sai lầm trong cuộc sống ban đầu của mình, nhưng sau đó bạn có thể thay đổi để trở thành tốt hơn.
Một thành viên của khán giả hỏi một câu hỏi trong thời gian Thánh Đức ĐLLM nói chuyện cho cộng đồng Soto ở Tokyo, Nhật Bản vào 16 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật BảnCho dù thế giới đang trở nên tốt hơn hoặc tệ hơn, Ngài lưu ý rằng có một phong trào ổn định để tìm kiếm hòa bình, phát triển đối lập với sự tồn tại của vũ khí hạt nhân. Nơi mà chưa có ai từng nói về môi trường, thì bây giờ nó đã trở thành câu nói cửa miệng của tất cả mọi người. Các nhà khoa học đã từng chỉ quan tâm đến những thứ vật chất, thì hiện nay họ đã có sự quan tâm đến vấn đề tâm thức và chức năng của tâm thức. Ngài bày tỏ sự lạc quan rằng mọi người, nhìn chung, đã trở nên trưởng thành hơn. Liên quan đến các thảm họa đã xảy ra ở miền Đông Nhật Bản, cũng như lũ lụt ở Queensland, và thậm chí cả những khó khăn ở Tây Tạng, Ngài đề cập đến lời khuyên của Ngài Long Thọ rằng nếu bạn cho phép mình vẫn còn chán nản, thì bạn sẽ không bao giờ vượt qua được những rắc rối đã ảnh hưởng đến bạn.
Trong bối cảnh giáo dục, Ngài khuyến khích các nỗ lực để tìm hiểu những lời dạy của Đức Phật qua sự nghe và đọc, suy ngẫm và thiền định. Điều này sẽ mang lại kiến thức, niềm tin và trí tuệ. Ngài lặp lại những gì mà Ngài đã nói trước đó ở Koyasan rằng Phật giáo là tôn giáo của Nhật Bản, nhưng Ngài cười khúc khích và hỏi liệu Ngài có nên lặp lại sự quan sát rằng những người Nhật Bản đã tham gia với Thần đạo khi một đứa trẻ được sinh ra, thực hiện nghi lễ Kitô giáo cho đám cưới và nghi lễ Phật giáo khi họ chết.
Khi cuộc gặp gỡ kết thúc, Ngài cúng dường một bức tượng Phật cho truyền thống Sotoshu và một tượng Phật khác cho cá nhân vị Phó Chủ tịch. Trong lời cảm tạ của mình, vị Chủ tịch tuyên bố rằng ông đã tràn ngập niềm vui khi được Ngài quang lâm. Ông nhắc đến sự hiện thân của Ngài về tình yêu, lòng từ bi, sự khoan dung và hạnh tri túc; ông cũng bày tỏ sự mong muốn của tất cả mọi người hiện diện để phấn đấu với những phẩm hạnh ấy. Về phần mình, Ngài nói:
“Tôi có một mối quan hệ tuyệt vời đối với vị Hòa Thượng Trưởng Lão này - người đã thể hiện cho tôi thấy được lòng tử tế như vậy. Ngài thậm chí đã xoa bóp cho tôi để giảm bớt sự mệt mỏi của tôi. Ngày mốt tôi sẽ trở về lại Ấn Độ và tôi sẽ nhớ khoảnh khắc được bầu bạn với Ngài”.