Rotterdam, Hà Lan, ngày 10 tháng Năm, 2014 - Các đường phố Oslo thật yên tĩnh và ánh nắng mặt trời chiếu sáng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi Oslo đi xe ra phi trường để bay đến Rotterdam. Trái ngược với Oslo, thời tiết ở Rotterdam khi Ngài đến thì se lạnh và ẩm ướt. Tuy nhiên, nhân dân Tây Tạng của Ngài và chủ nhà Hà Lan thì thật ấm áp trong sự chào đón nồng nhiệt của họ và đã cùng với Ngài có một cuộc họp ngắn với giới truyền thông.
Ngài nói với các nhà báo rằng Ngài đã hạnh phúc như thế nào khi được có mặt tại Hà Lan một lần nữa, quê hương xứ sở của người dân hiền lành tốt bụng và của hoa tulip xinh đẹp. Ngài đã nêu tóm tắt về ba điều cam kết của mình, và nói với họ về những nỗ lực của mình để làm thăng hoa các giá trị của con người dựa trên tình cảm và lòng yêu thương, về mối quan tâm của Ngài trong việc thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo và bảo tồn văn hóa của Tây Tạng về hòa bình và lòng từ bi, cũng như về môi trường tinh khiết của Nóc Nhà Thế Giới.
Câu hỏi đầu tiên là mọi việc ở Tây Tạng ra sao kể từ lần cuối cùng Ngài ở Hà Lan. Ngài trả lời rằng các quan chức thuộc đường lối bảo thủ tiếp tục nhắm vào mục tiêu tôn giáo và ngôn ngữ Tây Tạng, cho đó là mối đe dọa của chủ nghĩa ly khai và tiếp tục đàn áp. Câu hỏi thứ hai được đặt ra là người Tây Tạng có thể dự kiến duy trì bất bạo động trong khoảng thời gian bao lâu và Ngài trả lời rằng nếu nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng bị hủy hoại ở Tây Tạng thì ai biết được điều gì sẽ xảy ra.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp gỡ các thành viên của báo chí khi Ngài đến Rotterdam, Hà Lan vào 10 tháng 5, 2014. Ảnh / Jurjen Donkers |
Một nhà báo chuyên viết về các vấn đề tôn giáo cho rằng cuộc biểu tình của những người ủng hộ Shugden là đã được dự tính, và ông hỏi Ngài điều gì được coi là xấu về sự thực hành này. Ngài trả lời:
“Chúng tôi là Phật tử và Đức Phật đã khuyên chúng ta không nên quy y vào các vị thần bình thường và các vong linh. Đây là một nguyên tắc đạo đức cơ bản của Phật giáo. Những người theo Shugden là những người rất tốt nhưng đã quy y nơi vị thần đó. Vị thần ấy xuất khởi từ thế kỷ 17, cùng thời điểm với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Ngài viết rằng đó là một vị thần tà ác nguy hại. Một trong những khía cạnh độc hại của nó chính là chủ nghĩa bè phái gay gắt, trong khi tôi đang cam kết một sự không bè phái. Vì vị thần này mà người ta đã hủy hoại hình ảnh và kinh điển của các truyền thống khác, nhất là phái Nyingma.
“Do sự thiếu hiểu biết của mình, tôi đã bắt đầu sự tùng thuận với nó vào năm 1951 và đã làm như thế cho đến năm 1970 khi tôi nhận ra đã có nhiều điều phức tạp với nó, và điều này đã thúc đẩy tôi điều tra về nó. Tôi có 20 vị Thầy từ các truyền thống khác nhau và tất cả đều thực hành, duy chỉ có một vị chống đối sự thực hành này. Sau khi tôi chấm dứt sự thực hành đó vào những năm đầu của thập niên 70, dần dần người dân nhận biết về nó và tôi đã giải thích lý do tại sao.
“Thông thường chúng tôi cho rằng thần linh là để bảo vệ cho con người, nhưng trong trường hợp này thì có những người đang cố gắng để bảo vệ thần linh. Họ hét lên: “Đừng nói dối” nhưng tôi không biết họ nghĩ về những gì, và ai mới là người đang nói dối. Nhiệm vụ của tôi là nói để cho mọi người biết về việc này. Những người biểu tình nói rằng tôi đã cấm sự thực hành này, nhưng không phải như vậy, tôi không cấm cản gì cả và các tu viện có sự kết nối với Shugden ở Nam Ấn Độ chính là bằng chứng về điều này.”
Sau bữa trưa tại Rotterdam, Ngài đến thăm Viện Bảo Tàng Wereld nơi Ngài được thỉnh cầu để gia đình Verhoeven hiến cúng bộ sưu tập đáng chú ý về các đồ tạo tác của người Tây Tạng cơ cấu như một nhà nguyện do Cơ sở Bodhimanda thiết lập. Ngài khuyên rằng sẽ thích đáng hơn nếu thiết lập một hình ảnh của Đức Phật ở vị trí chiếm ưu thế, vì các Phật tử quy y Phật, Pháp và Tăng. Bất kể là một Đạt Lai Lạt Ma quan trọng như thế nào nhưng ông cũng vẫn chỉ là một thành viên của Tăng đoàn. Để đáp lại sự thỉnh cầu, Ngài đặt tên cho nhà nguyện là Chökhorling.
Trong nhà thờ Laurenskerk, Ngài nói chuyện với khoảng 2000 người Tây Tạng sống ở các nước Bắc Âu. Nhìn vào những gương mặt của người Tây Tạng ở hải ngoại, Ngài bắt đầu:
Thánh Đức ĐLLM nói chuyện với các thành viên của cộng đồng Tây Tạng sinh sống ở các nước Bắc Âu tại nhà thờ Laurenskerk tại Rotterdam, Hà Lan vào 10 tháng 5, 2014. Ảnh / Jeppe Schilder |
“Những người trong chúng ta đã đến từ Nóc nhà của Thế giới, những người có mối quan hệ chặt chẽ với Đức Quán Thế Âm, đã phải trải qua những thời điểm khó khăn. Các vị đã đến từ khắp châu Âu để gặp tôi và tôi xin trân trọng chào đón tất cả quý vị. Tất cả chúng ta đã phải đối mặt với những bước thăng trầm. Kể từ khi tôi mới 25 tuổi cho đến bây giờ tôi gần 79 tuổi, tôi đã sống như một người tị nạn. Nhưng có cái gì đó về những người Tây Tạng chúng ta rằng những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt càng lớn bao nhiêu thì sự quyết tâm của chúng ta càng bền chắc bấy nhiêu. Tinh thần của người dân Tây Tạng là rất mạnh mẽ; lòng can đảm của họ thật đáng kinh ngạc. Và họ vẫn giữ tinh thần bất bạo động. Chúng ta vẫn duy trì một sự cống hiến mạnh mẽ đối với tôn giáo và văn hóa của chúng ta; và vì những nguyện vọng mà chúng ta đã làm trong quá khứ, chúng ta sẽ không để cho di sản của chúng ta bị mai một. Sau 60 năm trôi qua, vấn đề của Tây Tạng vẫn còn sống động. Sự tỉnh thức của Tây Tạng vẫn đang tiếp tục phát triển”.
Ngài cho biết, theo một cuộc khảo sát được tiến hành ở Trung Quốc khoảng bốn năm trước đây, đã có 300 triệu Phật tử ở Trung Quốc, hầu hết trong số họ là những người có học thức. Ngài đã gặp được khoảng 10.000 trí thức Trung Quốc và được biết sự quan tâm của họ đối với Phật giáo Tây Tạng. Ở Nhật Bản cũng vậy, có sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với Phật giáo Tây Tạng. Một tu viện trưởng Nhật Bản nói với Ngài rằng mặc dù việc trì tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” là phổ biến ở Nhật Bản, nhưng rất ít người hiểu được ý nghĩa của nó và họ coi trọng sự giải thích về kinh này được cung cấp bởi truyền thống Tây Tạng.
Ngài nhận xét rằng khoa học hiện đại có nhiều điều để dạy cho người Tây Tạng, nhưng các nhà khoa học hiện đại cũng đang cho thấy sự quan tâm đến kiến thức về tâm trí và cảm xúc Phật giáo Tây Tạng bảo tồn từ truyền thống Ấn Độ .
“Nếu chúng ta vẫn còn ở Tây Tạng, chúng ta sẽ không học được những gì mà chúng ta đã học được, và cũng sẽ không có những cơ hội như thế để chia sẻ với người khác về những gì chúng ta biết”.
Ngài nhận xét rằng càng ngày càng có nhiều người dân thường đang học hỏi nghiên cứu; và thậm chí cả trong các tu viện trước đây chỉ dành riêng cho việc thực hiện các nghi lễ, thì nay đã có những chương trình nghiên cứu đã được bắt đầu. Cũng giống như trong các tổ chức của Gelug, giữa các truyền thống Sakya và phái Nyingma đã có một sự cống hiến đang tiến triển để nghiên cứu các bản văn triết học cổ điển của Phật giáo và điều này lần lượt ảnh hưởng đến các tu viện ở Tây Tạng. Ni giới cũng đã được trao cơ hội và khuyến khích để nghiên cứu, hiện nay một vài vị trong số họ đang trong quá trình dự thi cho bằng cấp Nữ Tiến Sĩ (Geshe -ma).
Hơn 2000 thành viên của cộng đồng Tây Tạng sinh sống ở các nước Bắc Âu lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại nhà thờ Laurenskerk tại Rotterdam, Hà Lan vào 10 tháng 5, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Khi tôi đến thăm khu định cư Bandhara ở Madya Pradesh; các học sinh ở trường Tây Tạng đã đưa ra một sự chứng minh về những kỹ năng tranh biện của họ. Giáo viên của họ là một Sư Cô đến từ Tây Tạng vào năm 1990 và đã được đào tạo và nghiên cứu rất chăm chỉ tại Ni viện Dolma Ling. Hiện giờ cô ấy đang dạy những người khác và tôi đã tán thán những thành tựu của cô ta. Ở Ladakh và các vùng khác của khu vực Hy Mã Lạp Sơn, những vị cư sĩ cũng đang thiết lập các nhóm nghiên cứu”.
Nhìn lại sự phát triển của nền giáo dục Tây Tạng, Ngài nói rằng Ngài và những người khác đến Ấn Độ vào tháng Tư năm 1959 và đến thời điểm khoảng trước tháng 3 năm 1960 thì những ngôi trường đầu tiên đã bắt đầu. Họ yêu cầu Thủ tướng Nehru giúp đỡ trong việc thiết lập các ngôi trường này và đã đón nhận lời khuyên của ông để chọn tiếng Anh làm phương tiện ngôn ngữ giảng dạy. Ngài đề cập đến một người Tây Tạng mà Ngài vừa mới gặp ở Na Uy, cậu ta được sinh ra ở Tây Tạng nhưng đã đi học Đại học và sắp hoàn tất bằng Tiến sĩ. Ngài khen ngợi rằng sự chuyên môn như vậy là một mục tiêu cho những người Tây Tạng khác hướng đến.
Bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe rằng một số gia đình Tây Tạng ở phương Tây chỉ nói tiếng Anh ở nhà, Ngài đề cập đến một người Hồi giáo Tây Tạng mà Ngài đã gặp gần đây ở Srinagar, Kashmir, con cái của ông ta đều nói tiếng Tây Tạng rất giỏi.
Ở đó tiếng Tây Tạng không được giảng dạy ở trường học nhưng cha mẹ và ông bà đã dạy cho chúng.
Các bản dịch từ tiếng Phạn của các văn bản liên quan đến nhận thức luận và lý luận Phật giáo hiện nay chỉ còn qua ngôn ngữ tiếng Tây Tạng mà thôi. Nó đang đào tạo về những kỹ năng cho phép người Tây Tạng tham gia rất dễ dàng trong việc nghiên cứu khoa học hiện đại.
Ngài nhớ lại “Năm ngoái ở New York, tôi đã gặp một nhóm các nhà văn Trung Quốc, hai người trong số đó đến từ Bắc Kinh. Họ nói với tôi rằng từ xưa đến nay vấn đề đạo đức luôn được quan tâm ở Trung Quốc nhưng hiện nay nó đang ở vào điểm thấp nhất trong lịch sử 5000 năm của nó. Họ nói rằng hy vọng duy nhất để khắc phục điều này chính là Phật giáo. Tập Cận Bình gần đây cũng nhận xét tại Paris rằng Phật giáo có một vai trò quan trọng trong sự hồi sinh và phục hưng của văn hóa Trung Quốc”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với các thành viên của cộng đồng Tây Tạng sinh sống ở các nước Bắc Âu tại nhà thờ Laurenskerk ở Rotterdam, Hà Lan vào 10 tháng 5, 2014. Ảnh / Jurjen Donkers |
Ngài tiếp tục kể câu chuyện về một người Tây Tạng và vợ của ông ta đã làm công việc rửa rau trong một bếp ăn ở Mỹ. Họ thường hay cứu những con sâu bướm, sâu và các côn trùng khác, bỏ chúng vào trong một cái hủ và sau đó đưa chúng ra ngoài. Các đồng nghiệp tò mò hỏi rằng họ đang làm gì và họ giải thích rằng không cần phải giết những loại sinh vật này, chúng cũng có quyền được sống. Vào những lúc thích hợp, họ đã tạo sự chủ ý để các đồng nghiệp làm theo tấm gương của họ, một sự thể hiện của người Tây Tạng đang thực hành những ảnh hưởng tích cực đối với những người khác.
Ngài cũng đề cập rằng một vài năm trước đây, những người ủng hộ việc thực hành Shugden đã tổ chức các cuộc biểu tình chống lại Ngài, đi theo bất cứ nơi nào Ngài đi. Sau đó, một số người Trung Quốc cũng đã làm như thế trong một thời gian. Những người theo Shugden đã phục hồi lại các cuộc biểu tình của họ. Họ kêu gọi Đạt Lai Lạt Ma ngừng nói dối, nhưng - Ngài nói - họ chính là những người không nói sự thật.
“Khi một trong số họ đã nêu ra một câu hỏi trong quá trình nói chuyện với công chúng của tôi, tôi nói với ông ta rằng đây không phải là một vấn đề mới mẻ. Nó bắt đầu từ thời của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Shugden được cho là một hiện thân của Tulku Dragpa Gyaltsen, nhưng Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã viết rằng Shugden đã xuất hiện như là kết quả của những lời cầu nguyện méo mó, như một vị thần phản bội. Ngài cũng nói nhiều về điều đó với một bậc thầy Sakya, người mà Ngài đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ ông ta.
“Ling Rinpoche đã phản đối sự thực hành này, nhưng Trijang Rinpoche lại thuận với Shugden. Tôi cũng đã làm như vậy cho đến năm 1970 khi tôi bắt đầu có những nghi ngờ về điều đó. Tôi đã nghiên cứu nó và kết quả là tôi đã chấm dứt. Khi Tu viện Ganden Jangtse phải đối mặt với một loạt các chướng ngại bất thường, họ tham khảo ý kiến của Trijang Rinpoche, vị này đã nói với họ rằng đó là vì sự không hài lòng của những người bảo hộ. Họ hỏi tôi làm thế nào có thể như thế được; và tôi đã điều tra và xác định rằng các rắc rối này có liên quan đến Shugden. Tôi đã nói với vị Tu viện trưởng của Tu viện Namgyal đến từ Jangtse.
“Những người ủng hộ Shugden thành lập nhóm riêng của họ.” Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã nói với Phabongka Rinpoche rằng việc tùng thuận với Shugden quá nhiệt thành sẽ mạo hiểm về sự vi phạm giới luật đối với việc quy y Tam Bảo. Điều này được ghi lại trong cuốn tiểu sử của Phabongka. Tôi cảm thấy tôi cũng có trách nhiệm thông báo với mọi người về điều này, nhưng họ có lưu ý hay không là tùy thuộc vào họ. Tôi chưa bao giờ nói rằng tôi cấm sự thực hành này; tôi đã nói rằng nó không phải là hữu ích.
“Việc là như thế đó. Tôi vẫn khỏe; hãy vui vẻ lên!”.
Thánh Đức ĐLLM, Rabbi Awraham Soetendorp, Trợ lý Giám Mục của Utrecht - Monseigneur Herman Woorts, Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Frans Timmermans, và đại diện của GH Tin Lành tại Hội nghị Hà Lan Karin van den Broeke tại nhà thờ Jacobuskerk ở The Hague, Hà Lan 10 tháng 5, 2014. Ảnh/ Jurjen Donkers |
Khi cuộc nói chuyện của Ngài kết thúc, Tsering Jhampa và Tseyang Lhazom đã tặng Ngài tấm huy chương để kỷ niệm 25 năm Ngài đã được trao giải Nobel Hòa bình.
Sau cuộc gặp gỡ với những người Tây Tạng, dưới sự bảo trợ của Monseigneur Woorts trợ lý Giám Mục Utrecht, tại công ty của người bạn cũ của Ngài - Rabbi Soetendorp và những người khác, Ngài đã có cơ hội để tiếp kiến Frans Timmermans, Bộ trưởng Ngoại giao của Hà Lan và họ đã tổ chức một cuộc thảo luận thân mật.
Ngày mai, Ngài sẽ dạy về “Ba cốt tủy của Đạo Lộ” vào buổi sáng và một cuộc nói chuyện về đạo đức thế tục vào buổi chiều.