Osaka, Nhật Bản, ngày 9 tháng 4 năm 2014 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu một ngày của mình ở Osaka bằng một chuyến viếng thăm Trường Nam sinh Seifu Gakuen. Hơn 2000 học sinh Phổ Thông Cơ Sở và Phổ Thông Trung Học tập họp tại sân trường để cung nghinh Ngài. Khi Ngài đã an tọa trên tòa, họ bắt đầu tụng Bát Nhã Tâm Kinh hết sức trầm hùng. Khi sự trì tụng kết thúc Ngài bắt đầu buổi nói chuyện của mình.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với học sinh tại Trường Nam sinh Seifu Gakuen ở Osaka, Nhật Bản vào 09 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
“Xin chào mừng người bạn cũ của tôi Hiroko, các nhân viên và học sinh. Tôi rất vui mừng khi được đến đây một lần nữa. Được nghe quý vị tụng Bát Nhã Tâm Kinh khiến cho tôi cảm thấy rất hạnh phúc! Tôi đã tự mình tụng nó mỗi ngày và suy ngẫm về những điều trong đó đã nói. Thật ra, việc đầu tiên tôi làm vào mỗi buổi sáng là suy nghĩ về tánh Không. Thật vậy, trọng tâm của Bát Nhã Tâm Kinh là lời giải thích bốn lần của tánh Không: “Sắc chính là Không; Không chính là Sắc; Sắc chẳng khác Không; Không chẳng khác Sắc” Phải chăng đây chỉ là vấn đề của sự thảo luận mang tính học thuật ? Không, bởi vì nó liên quan đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta”.
Ngài giải thích rằng một số các tư tưởng xuất hiện trong tâm trí của chúng ta là có ích cho sự bình yên trong tâm thức, trong khi những tư tưởng khác lại quấy rầy nó. Đây là lý do tại sao nói rằng những cảm xúc phiền não là nguyên nhân của đau khổ. Cảm xúc phiền não của chúng ta bám víu vào những đặc tính mà mọi thứ dường như có sự sở hữu. Suy nghĩ về Tánh Không giúp chúng ta hiểu rằng mọi thứ không tồn tại như cách mà chúng xuất hiện. Ngài đề cập đến bác sĩ tâm thần học người Mỹ - Aaron Beck đã nói với Ngài rằng khi chúng ta tức giận hay tham đắm về một điều gì đó thì các đối tượng liên quan dường như 100% tiêu cực hoặc 100% hấp dẫn, trong khi trên thực tế thì 90% trong những đặc tính mà chúng ta thấy trong các đối tượng lại là kết quả của những ý tưởng do tâm thức chúng ta tạo ra. Chúng ta đã cường điệu hóa nó lên. Trong thực tế, các đối tượng vốn dĩ không có sự phóng đại lên như thế.
“Một trong những đặc tính khác biệt của loài người đó là trí thông minh của họ. Bằng sự học hỏi, giống như các bạn đang làm ở trường đây vậy, các bạn nâng cao trí tuệ của mình. Bạn thuộc về thế kỷ 21 và nếu bạn là Phật tử thì bạn nên là người Phật tử của thế kỷ 21. Điều này có nghĩa là chúng ta phải hiểu được những tư tưởng mà trên cơ sở đó chúng ta mới phát triển đức tin. Đức Phật đã khuyến khích những đệ tử của mình nên phân tích và nghiên cứu giáo lý của Ngài. Tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều dạy về tình yêu và lòng từ bi, nhưng Phật giáo cũng còn dạy về trí tuệ nữa; đó chính là khả năng khắc phục sự vô minh”.
Hơn 2000 sinh viên lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại Trường Nam sinh Seifu Gakuen ở Osaka, Nhật Bản vào 09 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Ngài nói về những gì thuộc về thế kỷ 20, kỷ nguyên ấy đã qua rồi. Ngài nói với các học sinh rằng thuộc về thế kỷ 21 - họ đã có cơ hội để định hình cho tương lai. Trong khi thế kỷ 20 đã bị hoen ố bởi bạo lực, thì vẫn còn có thể để đảm bảo rằng thế kỷ 21 là kỷ nguyên của hòa bình.
“Con người là động vật xã hội sống trong cộng đồng. Nếu bạn chỉ nghĩ đến bản thân, cuối cùng bạn sẽ là người mất mát. Bạn sẽ có xu hướng nghi ngờ và lo lắng về những người khác. Không có niềm tin, tâm trí của bạn sẽ không được bình an. Các nhà khoa học đã cho thấy rằng nghi ngờ, sợ hãi và tức giận liên tục cũng làm suy yếu thể trạng khỏe khoắn của chúng ta.
Nền giáo dục hiện đại có xu hướng tập trung vào sự phát triển vật chất chứ không phải sự phát triển nội tâm, và có rất ít sự bình yên cho tâm thức. Ngài gợi ý rằng cũng giống như chúng ta đã khuyến khích vệ sinh thân thể để đảm bảo sức khỏe thể chất của chúng ta; chúng ta cần sự vệ sinh về cảm xúc tương ứng để giúp chúng ta học cách đối phó với những cảm xúc của mình. Ngài nói rằng ngoài việc giáo dục hiện đại, cần phải học cách làm thế nào để đạt được sự bình yên nội tâm.
Trong số các câu hỏi của học sinh có một câu hỏi về chiến tranh. Ngài nhận xét rằng chiến tranh là kết quả của một thái độ thờ ơ đối với các vấn đề rắc rối; chỉ nhìn thấy phương sách sử dụng vũ lực và vũ khí là giải pháp. Thật ra điều cần thiết đó chính là đàm phán và thỏa hiệp.
Một sinh viên hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chuyến viếng thăm của Ngài tại Trường Nam sinh Seifu Gakuen ở Osaka, Nhật Bản vào 09 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Trong sự trả lời cho một câu hỏi khác, Ngài giải thích rằng Ngài là một Tu sĩ Phật giáo, một người theo truyền thống Nalanda đã lấy sự tỉnh thức của Bồ đề tâm và sự hiểu biết về tánh Không làm sự thực hành chính của mình. Khi được hỏi cuộc sống là gì, Ngài trả lời rằng bao lâu còn có mối liên hệ giữa thân và tâm thì bấy lâu còn có sự sống. Và như đối với ý nghĩa của đời sống con người, Ngài cho rằng con người có ngôn ngữ cũng như có trí thông minh. Vô minh được mô tả như là nguồn gốc của khổ đau và chúng ta vượt qua nó không phải thông qua lời cầu nguyện, mà là bằng cách nâng cao sự hiểu biết của mình. Ngài nói rằng trong trường hợp của Ngài, chìa khóa của sự hạnh phúc chính là được ngủ đủ giấc, ăn điểm tâm và ăn trưa ngon lành, nhưng không ăn tối, và duy trì sự thoải mái và yên bình.
Được hỏi tại sao người Tây Tạng đã phải đối mặt với nhiều rắc rối như vậy, Ngài trả lời rằng từ quan điểm của Phật giáo, một phần của câu trả lời đó là những nghiệp tiêu cực mà họ đã tạo trong quá khứ. Một yếu tố khác là sự thất bại của họ trong việc sử dụng trí thông minh của mình tại thời điểm thích hợp bằng cách chú ý đến những gì đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới. Ngài nói rằng Nhật Bản có xu hướng hướng nội tương tự - cho dù các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với hầu hết cả thế giới, đó là lý do tại sao Ngài nhiều lần khuyến khích người Nhật nên học tiếng Anh để cải thiện quan hệ quốc tế của họ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thực hiện nghi lễ tại Trung tâm Phật giáo Lay Myodo-kai tại Osaka, Nhật Bản vào 09 tháng 4, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Tại Trung tâm Phật giáo Lay Myodo-kai, trước tiên Ngài đã thực hiện một nghi thức cúng ngắn gọn trước khi nói chuyện với khán giả.
Tất cả chúng ta đều là những đệ tử của cùng một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta tụng Bát Nhã Tâm Kinh bao gồm các câu thần chú “gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi svaha”, nó phác họa ra cách mà chúng ta thực hiện tiến trình trên con đường tâm linh. Các Pháp Huynh Pháp Muội thân mến! quý vị đã hỗ trợ một cách hết sức ổn định cho Học Viện Mật Gyumey, nơi mà suốt 600 năm qua đã duy trì được sự thực hành cả Kinh điển và Mật thừa, và tôi muốn được cảm ơn quý vị.
“Tôi vừa mới được nói chuyện với một số học sinh trung học và tôi đã nói với họ rằng một trong những phẩm chất độc đáo của con người đó chính là khả năng mỉm cười. Để lộ răng của chúng ta theo cách này là một cử chỉ hấp dẫn, nhưng nếu một con hổ đưa răng của nó ra thì sẽ khiến cho mọi người đầy khiếp sợ.
Một câu hỏi đã được hỏi Ngài là về ý nghĩa của sự tồn tại thực sự. Ngài nói:
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các thành viên của Trung tâm Phật giáo Lay Myodo-kai tại Osaka, Nhật Bản vào 09 tháng 4, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Khi bạn nhìn vào tôi bạn thấy Đạt Lai Lạt Ma. Bạn nhìn thấy cơ thể của Đạt Lai Lạt Ma và nghe giọng nói của ông ta; và ông ta có vẻ như tồn tại thực sự. Nhưng nếu bạn kiểm tra những gì bạn thấy và nghe một cách cẩn thận hơn như trong ánh sáng của sự quán sát của Ngài Long Thọ rằng: “Như Lai không phải là một với; cũng không hoàn toàn khác với các uẩn thuộc về tâm và thân của Ngài. Nó không phải là trường hợp Như Lai tồn tại một cách tách biệt với các uẩn và Ngài không có sự tồn tại tối hậu; bởi vì Ngài không phải là khác với các uẩn”, chẳng có gì mà bạn có thể xác định đó là Đạt Lai Lạt Ma cả!
Ngài tiếp tục nói rằng chúng ta có thể kiềm chế sự cường điệu mà chúng ta có xu hướng phóng chiếu lên mọi vật - bằng cách suy nghĩ về Duyên khởi, đó là tinh hoa của giáo lý Đức Phật.
Ngài đã được tiếp đãi bữa trưa tại nơi cư trú của Hidenobu Hirako, một ngôi nhà truyền thống Nhật Bản với sàn nhà tatami và những tấm bình phong làm bằng giấy thông thảo nằm giữa khu vườn truyền thống - nơi mà thời gian dường như đã ngưng đọng lại.
Công chúng của ngôi đền Rinnanji, thuộc truyền thống Thiền Soto, đã vui mừng chào đón Ngài vào buổi chiều. Ngài bắt đầu buổi nói chuyện của mình bằng cách nói với họ rằng Ngài đã hạnh phúc và vinh dự như thế nào khi có cơ hội được gặp gỡ họ. Ngài nói:
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma dâng lời cầu nguyện khi Ngài vừa đến đền thờ Rinnanji ở Osaka, Nhật Bản vào 9 tháng 4, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Tôi bây giờ gần 79 tuổi. Ở tuổi 16 tôi đã nhận trách nhiệm đối với Tây Tạng tại một thời điểm khó khăn và khi làm như vậy tôi đã bị mất tự do của mình. Vào năm 24 tuổi tôi đã bị mất nước và trở thành một người tị nạn. Tôi đã đương đầu với tất cả các loại khó khăn, nhưng - như tục ngữ của Tây Tạng đã có câu: “Bất cứ nơi nào bạn hạnh phúc, bạn có thể gọi đó là nhà; và bất cứ ai tử tế với bạn họ đều giống như cha mẹ của bạn”. Tôi đã bị mất đất nước của mình, nhưng tôi đã từng hạnh phúc và được ở trong căn nhà thế giới rộng lớn thế này. Sống một cuộc sống có ý nghĩa không phải là kiếm được nhiều tiền và đạt được những phương tiện khác; mà là cống hiến cuộc đời mình để giúp đỡ những người khác càng nhiều trong khả năng mình có thể.
“Nếu bạn chỉ nghĩ đến bản thân mình, bạn sẽ cảm thấy lo lắng, nghi ngờ và đầy sợ hãi. Cảm giác như vậy tạo ra một khoảng cách giữa bạn và những người khác. Mặt khác, bạn nghĩ về người khác càng nhiều và càng cố gắng để làm lợi ích cho họ thì bạn càng cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn càng từ bi hơn thì sức khỏe của bạn càng tốt hơn. Kể từ khi tôi trở thành một người tị nạn cách đây 55 năm, tôi đã gặp tất cả các loại người, từ các nhà lãnh đạo cho đến những người hành khất. Tất cả họ đều giống nhau như một con người; họ không muốn khổ đau, tất cả đều muốn được hạnh phúc. Tất nhiên, có những sự khác biệt giữa chúng ta về vấn đề liên quan đến quốc gia, ngôn ngữ và đức tin, nhưng đây là những điều thứ yếu. Nếu ta chú ý đến chúng quá nhiều; ta sẽ phân chia ra thành “chúng ta” và “họ”. Nếu mỗi người trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay đều nghĩ rằng mình là một thành viên của gia đình nhân loại thì sẽ không có cơ sở để bao gồm một số người và loại trừ những người khác”.
Ngài gợi ý rằng nếu một người nào đó đã được sống sót sau sự biến mất của chiếc máy bay MH370 của Malaysia; khi họ gặp một người khác, họ sẽ không quan tâm người ấy là ai hoặc từ đâu đến. Họ chỉ đơn giản muốn được hạnh phúc là được tiếp xúc với người khác - thế thôi!
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại Đền Rinnanji ở Osaka, Nhật Bản vào 09 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật BảnNgài đã nói về những kết quả tích cực đã xuất hiện từ 30 năm qua từ những cuộc đối thoại giữa khoa học hiện đại và khoa học Phật giáo về tâm thức. Ngài nói chúng ta rèn luyện tâm bằng cách chuyển hóa nó và chúng ta làm điều đó bằng cách sử dụng chính bản thân của tâm thức. Kiến thức này đã truyền cảm hứng cho những mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà khoa học hiện đại.Trong số các câu hỏi từ phía khán giả, có một câu liên quan đến bộ phim “Bảy năm ở Tây Tạng”. Ngài nhận xét rằng Heinrich Harrer đã nói với Ngài rằng những năm tháng ông ta đã trải qua ở Tây Tạng là những ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời mình, chủ yếu là vì bản chất từ bi của văn hóa Tây Tạng. Một người khác thưa với Ngài rằng hài cốt của ông bà và một số họ hàng của ông ta đang được an táng tại Rinnan -ji và thỉnh cầu cầu nguyện cho họ. Ngài nói với ông rằng Phật giáo tin vào sự tái sinh, được dựa trên thực tế rằng ý thức không hề có sự bắt đầu hay kết thúc. Ngài nói thêm rằng những người có sự liên kết về nghiệp với người đã chết là người đang ở vị trí tốt nhất để có thể làm lợi lạc cho họ bằng những lời cầu nguyện.
Cuối cùng, Ngài nhắc lại rằng tất cả nhân loại rốt cục đều thuộc về cùng một gia đình. Ngài đề cập đến quan điểm của Phật giáo rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Điều quan trọng nhất là Ngài đã thu hút được sự chú ý của mọi người đối với quan điểm cho rằng những quan niệm sai lầm và cảm xúc tiêu cực thực sự không phải là một phần của tâm thức, đó là lý do tại sao chúng có thể được khắc phục khi gặp được những điều kiện tốt đẹp thiện lành.
Sau buổi nói chuyện vào sáng ngày mai, Ngài sẽ đi tham dự những cuộc hội nghị tiếp tục ở Kyoto.