Pomaia, Tuscany, Ý, ngày 13 tháng Sáu năm 2014 - Sáng nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gia trì bức tượng Quán Âm Tứ Thủ cao năm mét tại Viện Lama Tsong Khapa. Ngài khen ngợi những người thợ khéo léo đã tạc nên bức tượng này; và Ngài đã ban khăn Khata cho họ với sự cảm kích của mình. Nói chuyện với một hội chúng khoảng 1000 người, Ngài nói rằng điều quan trọng hơn là nghiên cứu giáo lý một cách thực tế chứ không phải chỉ thờ phụng những bức tượng. Ngài nói, Phật tử nên quy y thực sự trong giáo lý của Đức Phật chứ không phải là nơi bức tượng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Viện Lama Tzong Khapa (ILTK) ở Pomaia, Tuscany, Ý vào 13 tháng 6, 2014.
Ảnh / FilmPRO |
Ngài nói rằng có ba khía cạnh đối với tất cả các truyền thống tôn giáo lớn - khía cạnh của tôn giáo, khía cạnh của triết học và khía cạnh của văn hóa. Ngài cũng nói rằng các giáo lý căn bản của việc thực hành tình yêu thương và lòng từ bi là giống nhau cho tất cả các truyền thống tôn giáo lớn.
Ngài nói rằng có sự khác biệt về triết lý của các truyền thống tôn giáo khác nhau, nhưng sự tồn tại của những triết lý khác nhau ấy là cần thiết, vì chúng có thể đáp ứng được các khuynh hướng tinh thần khác nhau của những con người khác nhau.
Ngài cho biết rằng khía cạnh văn hóa của các truyền thống tôn giáo khác nhau có liên quan rất chặt chẽ với điều kiện của khu vực nói riêng và của môi trường địa phương. Ví dụ, trong thời của Đức Phật, việc thực hành hệ thống đẳng cấp cũng đã ăn sâu trong xã hội, do đó Đức Phật đã nói để chống lại hệ thống đẳng cấp. Nhắc lại chuyến viếng thăm Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 1954-1955, Ngài nói rằng Chủ tịch Mao đã nhận xét với Ngài rằng Đức Phật là một nhà cách mạng, đã chống lại hệ thống đẳng cấp và đấu tranh cho quyền lợi của những người ít được đặc quyền.
Nói về vai trò của khoa học, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng trong khi khoa học liên quan đến những tiện nghi vật chất, thì vấn đề tâm linh lại liên quan đến sự an lạc nội tâm và cả hai nên đi cùng với nhau.
Ngài kêu gọi sự thúc đẩy về hòa hợp tôn giáo, bởi vì chúng ta cần tôn trọng lẫn nhau, và điều đó chỉ có thể xảy ra khi chúng ta yêu thương nhau mà thôi. Ngài nói rằng; thật là đau buồn và không thể tưởng tượng được khi người ta giết hại lẫn nhau nhân danh tôn giáo, Ngài nêu lên những vụ điển hình như cuộc xung đột Shia và người Sunni; và người Hồi giáo Rohingya đã giết hại Phật tử Miến Điện. Ngài tóm lược lại bằng cách nói rằng tôn giáo cơ bản của nhân loại là nhấn mạnh về tầm quan trọng của tình yêu thương.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Viện Lama Tzong Khapa (ILTK) ở Pomaia, Tuscany, Ý vào 13 tháng 6, 2014. Ảnh / FilmPRO |
Nói về phương pháp nghiên cứu Phật giáo của người Tây Tạng, Ngài nói rằng như một đứa bé, đầu tiên cậu ta phải học thuộc lòng các văn bản gốc, và sau đó tìm hiểu về ý nghĩa của mỗi từ dựa trên các luận giải, tiếp theo là tranh luận chuyên sâu về từng đề tài.
“Một số nhà văn phương Tây trong quá khứ đã mô tả Phật giáo Tây Tạng như là Lạt Ma Giáo, nhưng điều này không phải như vậy. Truyền thống của chúng tôi được dựa trên truyền thống phong phú Nalanda của Ấn Độ”, Ngài nói. Trong ý nghĩa này, người Tây Tạng đã trở thành những người học trò đáng tin cậy của các Thầy giáo Ấn Độ của họ. Ngài bày tỏ niềm hạnh phúc rằng hiện nay càng ngày càng có nhiều thanh niên trai trẻ Ấn Độ đã cho thấy sự quan tâm của họ đối với kiến thức cổ đại.
Ngài bày tỏ mong muốn rằng Viện không chỉ giới hạn trong việc học triết học Phật giáo mà nên tham gia vào các cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và các cuộc thảo luận với các nhà khoa học.
Trả lời một câu hỏi về cuộc xung đột Trung Đông, quan điểm của Ngài về triển vọng hòa bình ở đó và tầm quan trọng của các Thánh Địa; Ngài đã đề cập đặc biệt liên quan đến chuyến viếng thăm gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Trung Đông và cuộc gặp gỡ với cả Chủ tịch Israel và Palestine, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đánh giá cao những nỗ lực của Đức Thánh Cha đối với hòa bình, đối thoại và hòa giải. Ngài nói rằng bất cứ khi nào sắp xếp được thời gian, Ngài đều luôn muốn đi hành hương đến các Thánh Địa và những nơi tôn giáo của các tín ngưỡng khác nhau.
Ngài thông báo rằng New Delhi sẽ sớm tổ chức một cuộc họp của các nhà lãnh đạo tôn giáo Ấn Độ trong tháng chín tới. Cá nhân Ngài luôn ủng hộ cho những cuộc hội nghị như vậy; và nhấn mạnh sự cần thiết cho các nhóm thành lập các ủy ban nhỏ và có thể ghé thăm các khu vực xung đột tôn giáo để cố gắng giải quyết vấn đề. Ngài dẫn chứng sự chung sống hòa bình của người Hồi giáo Shia và người Sunni ở Ấn Độ và cảm thấy sự cần thiết của một phái đoàn Hồi giáo từ Ấn Độ đến thăm các khu vực xảy ra xung đột giữa Shia và người Sunni để cố gắng đưa họ hòa thuận lại với nhau.
Thánh Đức ĐLLM với bạn cũ của mình - Đức Cha Laurence Freeman, Giám đốc Cộng Đồng Thế Giới về Thiền Ki Tô Giáo - trong chương trình tại Viện Lama Tzong Khapa (ILTK) ở Pomaia, Tuscany, Ý vào 13 tháng 6, 2014. Ảnh / Olivier Adam |
Tiến xa hơn, Ngài cho rằng Ấn Độ có thể tổ chức một cuộc hội nghị quốc tế của các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới, nói rằng Ấn Độ có thể đi đầu trong việc phổ biến kiến thức cổ xưa của mình về tinh thần bất hại, bất bạo động, và đóng góp tinh thần này với thế giới rộng lớn.
Đối với câu hỏi về tâm thức và khoa học, Ngài nói rằng việc rèn luyện tâm thức là rất quan trọng cho hạnh phúc của mỗi người. Ngài giải thích kết quả của một nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh rằng sự sợ hãi thường xuyên sẽ bào mòn hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Vào buổi chiều, Ngài đã đến thăm viếng địa điểm của Tu viện Lhungtok Choekorling sẽ được xây dựng trong tương lai; nơi mà Ngài đã ban phước cho nền đất và đã tham gia vào một chương trình nghi thức quan trọng.
Khi đến lượt mình nói chuyện, Ngài cám ơn những người đã phát biểu trước và bày tỏ sự cảm kích của mình đối với sự đón tiếp nồng hậu của nhân dân nước Ý. Ngài tán tán những nỗ lực của Zopa Rinpoche trong việc nhìn thấy trước và giữ gìn truyền thống Nalanda sống động trong các Viện của mình.
Phát biểu về vấn đề bảo vệ môi trường, Ngài nói rằng nó không giống như những tác động của hành động bạo lực là mọi người đều có thể nhìn thấy được; những ảnh hưởng của sự thiệt hại về môi trường của chúng ta xảy ra dần dần và không nhận thấy được cho đến khi nó trở nên quá muộn để khắc phục. Ngài khuyên mọi người thực hiện sự bảo vệ môi trường và quan tâm đến môi trường như là một phần trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Để chống chọi với cái nóng mùa hè, Ngài đặt một chiếc khăn ướt lên đầu và nói đùa rằng đây là phái mũ trắng, một sự ám chỉ đến các truyền thống mũ vàng và mũ đen ở Tây Tạng.
Ngài kêu gọi người dân Ý - những người đã phải chịu đựng dưới một quá khứ thuộc địa và hiện giờ đã trở nên giàu có và đã đời sống đã được công nghiệp hóa - hãy làm hết sức mình để giúp các nước nghèo. Ngài yêu cầu Ý hãy đóng góp một cách đáng kể vào việc tạo ra một thế giới tốt hơn - đặc biệt là một thành viên rất quan trọng của Liên minh Châu Âu.
Một cảnh của vị trí Tu viện Lhungtok Choekorling trong tương lai ở Pomaia, Tuscany, Ý vào 13 tháng 6, 2014. Ảnh / FilmPRO |
Ngài thúc giục tất cả mọi người hãy nhìn vào các vấn đề của cuộc sống từ góc độ rộng lớn hơn, và tiếp cận với những khó khăn từ một quan điểm toàn diện.
Sau đó Ngài nói về hy vọng của mình đối với thế hệ thanh niên của thế kỷ 21. Ngài kêu gọi họ hãy thực hiện những sự nỗ lực và với một tầm nhìn sáng suốt để định hình thế kỷ này thành một thế kỷ hòa bình hơn. Ngài cho biết là có ba điều - sự tự tin, tầm nhìn và chuyên môn - là rất quan trọng cho những người trẻ để làm cho thế giới và thế kỷ hiện tại trở nên hòa bình hơn. Ngài và những bậc trưởng lão khác có thể không được chứng kiến và trải nghiệm một thế kỷ hòa bình của thế kỷ 21; nhưng thế hệ thanh niên - thông qua những nỗ lực của họ - chắc chắn sẽ trải nghiệm một thế kỷ hòa bình và nhân ái hơn trong cuộc đời của họ.
Nói về tầm quan trọng của tính minh bạch và luân lý đạo đức trong cuộc sống hàng ngày, Ngài nói rằng đây là những yếu tố quan trọng để tạo nên niềm tin và mang lại tình bằng hữu chân thành. Ngài nói rằng là những động vật xã hội, chúng ta cần những người bạn tốt, không phải loại bạn bè chỉ trông vào tiền bạc hay quyền lực, mà là tình bạn dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Sau đó Ngài rời khỏi đây để đi Livorno, nơi Ngài sẽ thuyết giảng và tham dự một cuộc hội nghị quần chúng trong hai ngày tới.