San Francisco, CA, Hoa Kỳ, ngày 23 tháng 2 năm 2014 - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe từ San Francisco ra đến Richmond, nơi cộng đồng người Tây Tạng đã phát triển từ một số rất ít vào những năm 1980, và đến nay đã được đến khoảng 1500 người; họ đã thỉnh Ngài đến để khánh thành Trung tâm Cộng đồng mới. Người Tây Tạng thuộc mọi lứa tuổi đều xếp hàng trên đường phố khi Ngài đến, để cung nghinh Ngài theo truyền thống của Tây Tạng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại lễ khánh thành Trung tâm Cộng đồng Tây Tạng ở Richmond, California vào 23 tháng 2, 2014 Ảnh / Jeremy Russell |
Kunjo Tashi - Chủ tịch của Cộng đồng đã hộ tống Ngài vào trong tòa nhà. Ngài đã cắt băng khánh thành được giăng trước ngưỡng cửa vào Chánh điện, và Ngài đã rải những hạt lúa khi đọc những lời cầu nguyện Kiết Tường. Ngài kiểm tra kỹ các nhãn tên được dán trên những tập Kinh của Kangyur (Kinh tạng) trước khi an tọa trên Pháp tòa của mình. Mọi người được phục vụ với trà và cơm ngọt. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói ngắn gọn về sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc và văn hóa Tây Tạng. Ngài nhấn mạnh rằng Trung tâm nên được sử dụng cho sự hữu ích của Cộng đồng.
Bên ngoài, trong ánh nắng mặt trời se lạnh, cộng đồng dân Tây Tạng đã tụ hội về để lắng nghe vị Thị trưởng của Richmond - Gayle McLaughlin - chính thức cung nghinh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến thành phố, sau đó Ngài cũng có trình bày lời phát biểu của mình.
“Đã gần 55 năm kể từ khi chúng ta sống lưu vong. Lúc ấy tôi mới chỉ là một thanh niên. Những người sinh ra sau năm 1959 bây giờ đã trở thành những bậc cha mẹ, vì vậy, chúng ta đang cùng ở trong thế hệ thứ ba sống lưu vong. Trong cuộc sống của một cá nhân, một thế hệ có vẻ như một thời gian khá dài; nhưng trong bối cảnh của một sự nghiệp Tây Tạng lớn hơn, 50 năm hoặc lâu hơn nữa cũng không phải là thời gian quá dài. Người dân Tây Tạng ở Tây Tạng đã đặt hy vọng của họ nơi chúng ta”.
Ngài đã tìm cách khuyến khích các khán giả của mình về giá trị di sản của họ:
“Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc, không muốn khổ đau; và kết quả là chúng ta phải xem thử tâm thức có thể được chuyển hóa hay không. Văn hóa Phật giáo Tây Tạng không chỉ là những lời cầu nguyện, tụng thần chú và thực hiện các nghi lễ; mà nó còn liên quan đến việc giải thích về bản chất của sự thật. Người Tây Tạng chúng ta có cách trình bày toàn diện nhất về những gì Đức Phật đã dạy. Chúng ta không nên cảm thấy thiếu thốn, mà nên tự hào về những kiến thức mà chúng ta có được. Hơn nữa, chúng ta không cần phải dựa vào bất kỳ ngôn ngữ nào khác để truy cập kiến thức này vì nó vốn dĩ đã tồn tại trong ngôn ngữ Tây Tạng. Đừng lãng phí thời gian của quý vị trong sự nhậu nhẹt hay cờ bạc. Không có bất kỳ lý do gì để cảm thấy thấp kém hoặc nản lòng; tốt hơn hết là nên tự tin và lạc quan”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện ở phía bên ngoài của Trung tâm Cộng đồng Tây Tạng ở Richmond, California vào 23 tháng 2, 2014 Ảnh / Jeremy Russell |
Ngài cho biết rằng, những ngày này, Sikyong đã đảm nhận trách nhiệm về chính trị, và tinh thần của người Tây Tạng rất mạnh mẽ. Tây Tạng có sự hỗ trợ của nhiều dân tộc trên khắp thế giới. Phương pháp Trung Đạo - không tìm kiếm sự ly khai khỏi Trung Quốc - đã giành được sự hỗ trợ của nhân dân Trung Quốc ở Trung Quốc và ở nước ngoài. Việc tìm kiếm sự độc lập hoàn toàn sẽ làm suy yếu sự hỗ trợ và bất kỳ cơ hội nào về việc mở một cuộc đàm phán với chính quyền.
“Nếu chúng ta được ban cho những quyền lợi mà chúng ta xứng đáng được hưởng, và những quyền này được đảm bảo bởi hiến pháp của Trung Quốc, thì điều đó sẽ tốt cho chúng ta. Vì vậy, phương pháp Trung Đạo là có lợi. Trong khi đó, những báo cáo mà tôi đã nhận được từ Tây Tạng về những Tu viện đã từ bỏ sự thực hành Dolgyal, và đang phát triển hài hòa và hữu nghị với các Tu viện khác trong khu vực của họ, họ đang được khích lệ. Hãy vui vẻ nhé!”
Ước tính có khoảng 3.300 người đã tụ họp tại Nhà hát Cộng đồng Berkeley gần đó để lắng nghe Ngài nói chuyện. Ngay lúc bắt đầu, các em thiếu nhi Tây Tạng đã hát những bài quốc ca của Tây Tạng và Mỹ. Nữ Dân biểu Hoa Kỳ - Barbara Lee (D) đã chào đón một cách cảm động và đầy thuyết phục Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến với địa hạt thứ 13 thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ, mà bà tuyên bố là địa hạt tiến bộ nhất trong cả nước. Bà ca ngợi Ngài về sự hoạt động không mệt mỏi cho hòa bình; và cảm ơn Ngài vì đã đến Berkeley. Để đáp lại, Ngài bắt đầu:
Các em thiếu nhi Tây Tạng hát quốc ca của Tây Tạng và Hoa Kỳ vào lúc bắt đầu cuộc nói chuyện của Thánh Đức ĐLLM tại Nhà hát Cộng đồng Berkeley ở Berkeley, California vào 23 tháng 2, 2014 Ảnh / Jeremy Russell |
“Kính thưa Nữ Dân biểu, cùng các anh chị em thân mến! Chúng ta thực sự cần cảm giác này của tình anh chị em. Vì chúng ta tự cho mình là quan trọng hơn hết nên đã dẫn đến nhiều vấn đề rắc rối trên thế giới. Chúng ta cũng là những động vật mang tính xã hội như những con kiến và ong; có ý thức cộng đồng và làm việc cùng nhau với bản chất tự nhiên mà không có sự chỉ đạo của tôn giáo hay pháp luật. Cuộc khủng hoảng môi trường, cũng như nền kinh tế toàn cầu, đã khiến cho chúng ta trở thành một phần của thế giới. Dân số của chúng ta đang gia tăng; thiên tai ngày càng nhiều, tạo nên sự rõ ràng hơn bao giờ hết là chúng ta cần phải thừa nhận tính hiệp nhất của nhân loại”.
Ngài dừng lại và hỏi khán giả của mình:
“Quý vị cảm thấy thế nào, cách tốt nhất để đạt được hạnh phúc là gì, phải chăng là hạnh phúc sẽ đạt được thông qua tiền bạc và quyền lực? Anh trai cả của tôi - Taktser Rinpoche - đã nói với tôi rằng, khi ông vẫn còn ở Tu viện của mình, ông không bao giờ có một ý nghĩ đến tiền bạc; nhưng một khi ông bước ra thế giới bên ngoài, ông đã nhận ra được tầm quan trọng của nó như thế nào. Tuy nhiên, tiền bạc chỉ mang đến cho chúng ta những tiện nghi về vật chất. Giá trị vật chất đơn thuần sẽ không mang lại sự an lạc trong tâm hồn”.
“Có một lần ở Barcelona, tôi được giới thiệu cho một vị Tu sĩ Công giáo - người đã muốn gặp tôi. Ông đã trải qua năm năm nhập thất sâu trong núi. Ông là một người tuyệt vời! Tôi đã hỏi ông thực hành những pháp môn gì, và ông đã nói với tôi rằng ông thiền định về tình yêu thương. Và khi ông nói như thế, đôi mắt của ông lấp lánh rạng ngời. Ông ấy rất hạnh phúc, nhưng ông chỉ sống bằng bánh mì và nước với rất ít thức ăn được nấu chín. Rõ ràng là sự hạnh phúc chân thật không phụ thuộc vào những tiện nghi vật chất”.
Ngài giải thích rằng các nhà khoa học khám phá ra rằng những người càng có tâm từ bi hơn thì càng được hạnh phúc hơn. Một tâm hồn hạnh phúc là rất có lợi cho sức khỏe thể chất. Ngài nói rằng chúng ta cần bạn bè, nhưng hỏi làm thế nào chúng ta tìm thấy chúng? Uy tín, thanh liêm, trung thực và chân thành sẽ thu hút được bạn bè và tạo ra được những cá nhân hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc và một thế giới hạnh phúc hơn.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Nhà hát Cộng đồng Berkeley ở Berkeley, California vào 23 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell |
Ngài cũng đã thu hút sự chú ý đến công việc mà các nhà khoa học ở Mỹ đang làm để giúp cho sự thúc đẩy nền đạo đức thế tục trong nền giáo dục thế tục. Việc phát triển sự quan tâm đối với những người khác trên cơ sở của sự hiệp nhất của nhân loại, không nhất thiết phải là một giáo lý tôn giáo. Tuy nhiên, tất cả các truyền thống tôn giáo đều thừa nhận rằng có những trở ngại đối với điều này, và đã dạy về lòng khoan dung và sự tha thứ. Và bởi vì chúng ta chịu sự chi phối của những nhược điểm của sự tham lam, cho nên họ cũng dạy về hạnh tri túc và giản dị. Tương tự như vậy, tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều dạy về kỷ luật tự giác, vì vậy họ cùng chia sẻ những mục tiêu chung. Vì lý do này nên Ngài đã thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Đồng thời, sự nghiên cứu khoa học cho thấy rằng các giá trị nội tâm mang lại hạnh phúc thật sự cho cuộc sống của chúng ta. Trong số các câu hỏi từ phía khán giả, Ngài đã được yêu cầu nói về cái chết. Ngài nói rằng nếu bạn có một cuộc sống có ý nghĩa, giúp đỡ người khác và tránh làm tổn hoại họ, thì bạn có thể chắc chắn có được một sự tốt lành sau kiếp này. Ngài nhấn mạnh rằng, sự bình yên nội tâm là điều cần thiết vào thời điểm thực sự của cái chết, vì vậy tiến trình chết không nên bị quấy rầy. Theo quan điểm của Phật giáo, suy nghĩ về lòng từ bi và bản chất của sự thực là rất hữu ích, và có thể nên thực hiện một số quán tưởng càng nhiều càng tốt trong sự thực hành hàng ngày của họ.
Buổi nói chuyện được kết thúc bởi một nhóm trẻ em tụng một thời cầu nguyện ngắn cho sự trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Sau bữa trưa, trở lại khách sạn của mình ở San Francisco, Ngài được mời tham dự một buổi lễ công nhận và khen thưởng Những vị Anh Hùng không được ca ngợi của Lòng Từ Bi; những cá nhân từ khắp nơi trên thế giới đang làm những công việc để xoa dịu nỗi đau khổ của người khác mà không mong đợi sự đền ơn hay thưởng công. Đây là một tổ chức được phát động bởi Dick Grace và Hội Gia đình Grace; và đây là sự kiện thứ tư như vậy.
Sau khi Ngawang Khechog mang lại cảm giác yên bình cho sự kiện này bằng màn trình diễn thổi sáo của ông; vị diễn thuyết mở đầu - cụ Bà 90 tuổi Agnes thuộc bộ tộc Takelma - đã khuyến khích khán giả dừng lại đôi lát và nghĩ về món quà tuyệt vời của nước - như là một phần thiết yếu về sự sáng tạo của Thượng đế. Bà kêu gọi mọi người cùng tham gia với mình để cầu nguyện Thượng Đế bảo vệ và phù hộ cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhân dân của Ngài. Khi nam diễn viên Peter Coyote mời Ngài lên để nói chuyện, Đến lượt mình, Ngài đã bày tỏ sự biết ơn đối với tấm lòng tử tế của Cụ Bà.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại sự kiện “Những vị Anh Hùng không được ca ngợi của lòng Từ Bi” tại khách sạn Ritz Carlton ở San Francisco, California vào 23 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell |
“Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ các bà mẹ của mình; và Cụ Bà này đã thể hiện tình thương yêu thấm nhuần đối với chúng ta giống như một người mẹ đã thể hiện đối với đứa con của mình. Chúng tôi thành thật rất biết ơn, xin cảm ơn Cụ Bà!
“Trong cuộc sống của chúng tôi, thế hệ của tôi đã được nhìn thấy một phần lớn của thế kỷ 20. Bây giờ tôi đã gần 79 tuổi rồi; và sự giết chóc, bạo lực của thời đại đó vẫn đang diễn ra ở những nơi như Syria. Câu hỏi đặt ra là, liệu sự giết người tàn nhẫn như vậy có thực sự là một phần của bản chất con người hay không. Các bà mẹ của chúng ta đã sinh ra chúng ta; chúng ta được lớn lên từ bầu sữa mẹ. Ngày nay, các nhà khoa học đã nói rằng, trong khi giận dữ và sợ hãi ngầm tàn phá sức khỏe của chúng ta, thì một tấm lòng từ ái là thực sự rất tốt cho sức khỏe của mình. Điều này cho thấy rằng, trong thực tế, bản chất của con người vốn dĩ là tốt bụng.
“Thực tế là, như tôi đã nói từ trước, rằng chúng ta là động vật mang tính xã hội và mỗi người trong chúng ta đều phụ thuộc vào cộng đồng mà trong đó chúng ta đang sống, vì vậy ngày nay, ý tưởng về chiến tranh là đã lỗi thời. Trong thời cổ đại, sự hủy diệt kẻ thù của bạn chính là niềm chiến thắng của bạn. Nhưng bây giờ, tất cả chúng ta đều là một phần của một cơ thể, vì vậy những gì xảy ra với những người khác cũng sẽ ảnh hưởng đến chúng ta. Thế nên chúng ta cần phải quan tâm lẫn nhau.
“Tôi thường nói rằng, những người trẻ hơn 30 tuổi thì thuộc về thế kỷ 21. Thế hệ của tôi thuộc về thế kỷ 20, thời đại đó đã qua rồi. Chúng tôi sẽ không nhìn thấy được những thay đổi lớn được thực hiện trong thế kỷ này. Những người trẻ ngày nay phải làm việc để tạo ra một thế giới hòa bình hơn, tốt hơn; và tôi thường hay đùa rằng; dù ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng sẽ nhìn xem cách của các bạn làm như thế nào”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ca ngợi Dick Grace về việc đã tạo được một tổ chức mang những cá nhân tuyệt vời như vậy đến với sự chú ý rộng lớn hơn. Mỗi người trong số họ đã từng làm gương điển hình mà chỉ có thể làm vững mạnh cho thế hệ trẻ. Mỗi vị đạt danh hiệu “Những vị Anh Hùng không được ca ngợi của Lòng Từ Bi” của năm 2014 được mời lên khán đài để được trao danh hiệu; và cuối cùng là những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt liệt không ngớt.
|