Guwahati, Assam, Ấn Độ, ngày 01 tháng 2 năm 2014 - Bất chấp sương mù buổi sáng sớm ở Delhi, chuyến bay của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cất cánh đúng giờ vào sáng nay và đã hạ cánh chính xác đúng giờ ở Guwahati, thủ phủ của tiểu bang Assam. Người chủ tiếp đón Ngài - Bhaskar Dutta-Baruah - chủ Gian hàng Sách của Luật Sư (LBS), một nơi bán sách và cũng là nhà xuất bản Tiếng Assam có uy tín đã có mặt ở đó để cung đón Ngài. Dân Tây Tạng và người Assam đã tụ tập bên ngoài khách sạn của Ngài bên bờ của dòng chảy linh thiêng Brahmaputra để chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài đã nhận được sự chào đón truyền thống của cả hai cộng đồng.
Thánh Đức ĐLLM và những người tham gia cùng nhau thắp đèn khai mạc Hội Nghị Liên Tôn Giáo về Hòa bình và Hòa hợp Tôn giáo ở Guwahati, Assam, Ấn Độ vào 01 tháng 2, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Sau bữa trưa, một đoạn đường lái xe ngắn đã đưa Ngài đến Rabindra Bhawan, địa điểm tổ chức Hội Nghị Liên Tôn Giáo về Hòa bình và Hòa hợp Tôn giáo. Ngài đã gặp các nhà đại diện tâm linh mà Ngài đã cùng chia sẻ khán đài trong vài phút trước khi tất cả mọi người an tọa vào vị trí của mình trên khán đài. Giáo sư Ranjit Dev Goswami đã phát biểu lời chào mừng và giới thiệu họ với khán giả trước khi mời họ cùng tham gia thắp đèn khai mạc sự kiện này.
Swami Sumanasananda Maharaj của Hội Truyền Giáo Ramakrishna, Cherrapunjee, là người thuyết trình đầu tiên. Ông nhắc đến Sanatana Dharma hay Pháp Thường Hằng, so sánh nó như một cây đa lớn cung cấp nơi trú ẩn cho nhiều người, trong khi nhiều thành phần rễ và nhánh của nó tiêu biểu cho nhiều con đường đi đến với Chúa. Ông trích dẫn lời của Sri Ramakrishna, người đã nhận ra rằng, tất cả các con đường tâm linh đều dẫn đến cùng một mục tiêu, và tuyên bố “vì có nhiều tín ngưỡng, cho nên có nhiều Đạo lộ”.
Vị Tỳ Kheo Phật giáo, Thượng tọa Bimalankur Mahathera của Tịnh Xá Phật Jorhat đã phát biểu bằng tiếng Assam, nhưng sau đó nhận xét bằng tiếng Anh rằng Phật giáo chưa bao giờ can thiệp hay làm tổn hại bất kỳ truyền thống tâm linh nào khác. Tiếp theo sau là Sri Narayan Chandra Goswami, Satradhikar của Natun Kamalabari Satra, một truyền thống Vaishnav1 địa phương, là một học giả văn chương nổi tiếng, ông cũng chỉ phát biểu bằng tiếng Assam.
Đức Cha Thomas Menamparampil - Tổng Giám mục Danh dự của Guwahati đã cám ơn Chúa về việc đã mang những người thuộc các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau tập hợp lại thành một nhóm người này. Ông thừa nhận những nỗ lực của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về việc khuyến khích người dân trưởng dưỡng lòng từ bi, điều mà ông xem như là điểm chung giữa các truyền thống tâm linh khác nhau của chúng ta. Tiến sĩ Taufiqur Rahman Borbora, một học giả Hồi giáo đã phát biểu về Hồi giáo như là một tôn giáo của hòa bình; và vạch ra năm điều khoản và sáu nguyên tắc của sự thực hành Hồi giáo. Gyani Swaran Singh đại diện cho truyền thống đạo Sikh, sau một bản Thánh ca sôi nổi từ Kinh Thánh, ông đã phát biểu bằng tiếng Punjab và mô tả về một con đường đến với Đức Chúa không phải thông qua trí thông minh mà là thông qua sự từ bỏ.
Ông cũng nhận xét tầm quan trọng của đời sống xã hội mà không làm phiền những người khác. Sau ông là Sri Kapoor Chand - một học giả Kỳ Na Giáo - cho rằng Kỳ Na Giáo có nguồn gốc trước Vệ Đà Ấn Độ. Nó quan tâm đến việc tịnh hóa có liên quan đến Ngã; và ahimsa hay bất bạo động có liên quan đến những người khác, dựa trên sự kiên quyết không hãm hại người khác.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại Hội Nghị Liên Tôn Giáo về Hòa bình và Hòa hợp Tôn giáo ở Guwahati, Assam, Ấn Độ vào 01 tháng 2, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Sau khi gọi Ngài là Mahapurush hay “Bậc Vĩ Nhân”, Giáo sư Goswami thỉnh cầu Ngài lên bục giảng để nói chuyện. Ngài bắt đầu bằng cách xá chào những người anh em tôn giáo của mình trên khán đài và chào những anh chị em khán giả. Ngài tiếp tục:
“Mặc dù tôi đã đi qua sân bay Guwahati nhiều lần trên đường đi đến những nơi khác, nhưng đây là lần đầu tiên tôi trở lại thăm thành phố chính thức kể từ khi tôi rời khỏi Tây Tạng gần 55 năm về trước. Thật là thích hợp khi nhân dịp này có liên quan đến một sự kiện các Tôn giáo như thế này! Và tôi muốn cảm ơn ban tổ chức về việc sắp xếp chuẩn bị cho sự kiện này. Tôi cũng muốn cảm ơn từng vị đã thuyết trình trước; đã cho chúng tôi một ý thức về đức tin của họ.
“Sự thực hành chính của tất cả các tôn giáo lớn là tình yêu thương; và để bảo vệ nó khỏi những trở ngại chúng ta cần sự khoan dung và lòng tha thứ. Do đó, tất cả các tôn giáo lớn đều nói về lòng từ bi, sự khoan dung, hạnh tri túc và tinh thần tự kỷ luật. Các bậc Thầy của các truyền thống khác nhau của chúng ta đã rất thực tế trong sự giảng dạy của họ. Vì sự coi trọng chính bản thân mình thường dẫn đến tham lam, vì vậy, tất cả họ đều khuyên nên trưởng dưỡng hạnh tri túc và sự giản dị trong cuộc sống của chúng ta. Trong 40 năm qua, tôi đã có nhiều cơ hội gặp gỡ các bậc Thầy của nhiều truyền thống và biết được rằng tất cả chúng ta đều nói về tình yêu thương. Nếu chúng ta đã thực sự đưa nó vào thực tế, thì sẽ không có rào cản giữa chúng ta nữa, và căn bệnh ung thư của tham nhũng sẽ không phát sinh. Và một cách thẳng thắn, chúng ta đã có quá đủ các vấn đề rắc rối trên thế giới rồi! thế nên không cần phải thêm sự xung đột tôn giáo vào đó nữa!”
Ngài làm rõ rằng, trong khi về mặt thực hành của riêng một cá nhân, ý tưởng về một chân lý, một đức tin sẽ tạo ra một ý nghĩa vĩ đại; nhưng trên thực tế, trong xã hội nói chung, có rất nhiều chân lý và nhiều tín ngưỡng. Có những người sống ở nhiều nơi trên thế giới không có sự tiếp xúc nhiều với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, Ấn Độ là một xã hội đa tôn giáo đa nguyên, trong đó các tôn giáo trưởng thành từ trong nước như Ấn Độ giáo, Kỳ Na Giáo và đạo Sikh đã phát triển mạnh cùng với các tôn giáo đã đến từ bên ngoài như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Bái Hỏa giáo. Tất cả các tôn giáo đều hòa thuận với nhau trong sự hòa hợp.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Hội Nghị Liên Tôn Giáo về Hòa bình và Hòa hợp Tôn giáo ở Guwahati, Assam, Ấn Độ vào 01 tháng 2, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Tôi đã xem mình như là một sứ giả của tư tưởng Ấn Độ cổ đại”, Ngài nói với một số người vỗ tay tán thưởng, “bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nói về bất bạo động và sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng về tư tưởng triết học giữa họ, nhưng tất cả các truyền thống tôn giáo đều có một thông điệp tương tự. Tôi thường quan sát thấy rằng các truyền thống Ấn Độ giáo và Phật giáo như là anh em, nhưng nhìn từ một góc độ của quan điểm triết học thì chúng ta có những lập trường khác nhau. Trong khi người Hindu tin vào sự tồn tại của atman, thì người Phật tử lại tranh luận cho sự đối lập của nó, đó là anatma hay vô ngã. Tôi đã thảo luận về những sự khác biệt này một cách rất tỉ mỉ. Mặc dù có một số Swamis và sadhus quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện các nghi lễ công phu, tuy nhiên, cũng có những vị khác đã có học thức thông thái và sự am hiểu sâu sắc. Tôi đã gặp một Swami như thế tại thành phố thủ phủ của Quận Mathura một vài năm trước đây; và chúng tôi đã có các cuộc thảo luận sáng tỏ. Ông đã giải thích rõ ràng về các chi nhánh của truyền thống Số Luận Phái rằng họ không quả quyết về sự tồn tại của một Đấng Sáng Tạo. Nhưng khi bàn đến sự mâu thuẫn giữa atman và anatma (ngã và vô ngã), tôi nói, “lý thuyết về linh hồn, hay atman, là vấn đề của bạn; và vô ngã hay anatma, là việc của tôi”.
Ngài giải thích rằng cũng giống như Đức Phật đã xuất hiện để dạy những điều khác nhau cho những người khác nhau vào những thời điểm khác nhau và ở những nơi khác nhau, bởi vì mỗi người có mỗi căn cơ và cá tính khác nhau; vì vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta đã phát sinh vào những thời điểm khác nhau, ở những nơi khác nhau, để thu hút những con người có căn cơ và cá tính khác nhau. Ngài chỉ ra rằng một khi chúng ta đưa ra cách giải trình về những sự khác nhau như thế, chúng ta cũng phải nhớ rằng giữa 7 tỷ người đang sống hôm nay đã có đến 1 tỷ người nói rằng họ không có đức tin hay quan tâm đến tôn giáo nào cả.
“Nếu chúng ta nói chuyện với những người như vậy về thiên đàng và địa ngục, hoặc về Chúa hay Đức Phật, họ có thể chỉ nói, 'Chúng tôi không quan tâm về điều đó’. Để thu hút được họ và giới thiệu với họ về một nguồn hạnh phúc hợp lý của con người, chúng ta cần phải trình bày về một ý thức đạo đức mà không gợi đến bất cứ truyền thống tôn giáo cụ thể nào. Điều này tôi muốn đề cập đến như một nền đạo đức thế tục. Và để hỗ trợ cho điều này, tôi cho rằng, cũng giống như chúng ta dạy về sự vệ sinh cho cơ thể vì lợi ích của sức khỏe tốt; ngày nay, chúng ta cũng cần phải dạy về sự vệ sinh cho tinh thần hoặc vệ sinh cảm xúc nữa!”.
Các thành viên của khán giả tại Rabindra Bhawan, địa điểm tổ chức Hội Nghị Liên Tôn Giáo về Hòa bình và Hòa hợp Tôn giáo với những người tham gia bao gồm Thánh Đức ĐLLM, tại Guwahati, Assam, Ấn Độ vào 01 tháng 2, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nhấn mạnh rằng khi nói về đạo đức thế tục, Ngài không làm giảm đi giá trị của truyền thống tôn giáo. Thay vào đó, Ngài sử dụng từ ngữ theo cách mà nó đã được sử dụng ở Ấn Độ để ngụ ý rằng nó không xem thường mà còn tôn trọng tất cả các tôn giáo và kể cả những người không theo tôn giáo. Ngài nói:
“Đây chỉ là lời phát biểu của tôi đến với những người anh em tâm linh của mình về mối quan tâm của tôi để đảm bảo cho việc phát triển hạnh phúc của nhân loại và nuôi dưỡng sự hài hòa giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta. Tôi rất vui vì chúng ta đã có thể gặp nhau như thế này!”.
Khi khán giả thể hiện sự cảm kích của họ bằng những tràng pháo tay ấm áp, Ngài đã tặng một chiếc kata - chiếc khăn lụa trắng - cho mỗi người tham gia thuyết trình. Sri Jatin Hazarika đã phát biểu lời cám tạ. Ông bày tỏ lòng biết ơn đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về việc đã làm vẻ vang cho dịp này; ông cũng thể hiện lòng biết ơn đối với Chính quyền Assam về sự giúp đỡ và hỗ trợ của họ; và cám ơn Hội LBS về vai trò dẫn đầu cho sự kiện này.