Leh, Ladakh,J& K, Ấn Độ, ngày 09 tháng 7 năm 2014 - Hôm nay, được chứng kiến kết quả của những hoạt động bắt đầu từ một tuần trước đây như là những lễ cầu nguyện và các nghi thức chuẩn bị cho Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 đã bước sang phần cuối. Mạn đà la cát đã được hoàn thành ngày hôm qua và sáng nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham gia các nghi lễ trong vòng bốn tiếng rưỡi đồng hồ.
Các Tăng Sĩ từ Tu viện Namgyal trong trang phục nghi lễ đang thực hiện Vũ Điệu Cúng Dường Thời Luân vào chiều ngày thứ bảy của Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ ngày 9, tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
Sau giờ cơm trưa, trong tiếng loảng choảng của những chũm chọe và tiếng ùng ục của những chiếc tù và dài, mười hai vị Tăng sĩ của Tu viện Namgyal đang diễu hành lên khán đài dưới ánh mắt nhìn thận trọng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tượng trưng cho Chư Thiên hoặc những vị Không Hành Nữ; họ đeo những đồ trang sức làm bằng xương và mặc những chiếc áo choàng bằng gấm lụa thêu kim tuyến rất công phu với búi tóc được trang điểm với dải băng màu đỏ và những chiếc vương miện có hình năm cánh sen trên đầu. Mỗi vũ công cầm một chày kim cương và chuông, tượng trưng cho Tâm Bồ Đề tỉnh thức và trí tuệ tánh Không. Họ hình thành một vòng tròn trong đại sảnh – nơi mà họ biểu diễn một Vũ điệu thiền định trang nghiêm, khuôn mặt của họ thể hiện một sự tĩnh lặng miên mật. Thầy Xướng Lễ của Tu viện Namgyal đã dẫn đầu với giọng tụng sâu lắng, trầm hùng và kiên định; và các Vũ công cũng cùng kết hợp.
Trong khi đó, trên các bậc thềm phía dưới khán đài, nhóm vũ công địa phương đã thay phiên nhau lần lượt biểu diễn các điệu múa truyền thống của mình trong trang phục truyền thống đôi khi được chuẩn bị rất rườm rà, công phu. Trong nhóm đầu tiên của chín nhóm đến từ Làng Wanla là những vũ công đeo mặt nạ và một ca sĩ. Nhóm thứ hai gồm mười phụ nữ đến từ Nubra lộng lẫy trong những chiếc Mũ trang phục Perak có đính những đường viền làm bằng đá ngọc lam; và tiếp theo đó là mười phụ nữ đến từ miền Tây của Ladakh, ngoài việc đeo những chiếc Mũ trang phục Perakra, họ còn đeo trên lưng những chiếc khăn choàng làm bằng đuôi yak màu trắng. Một nhóm đến từ Nepal đại diện cho cộng đồng Tây Tạng Topa. Một nhóm khác của mười một người Ladakh gồm năm người nam và sáu người nữ; và sau đó là bốn người đàn ông đến từ Tây Tạng, họ vừa nhảy múa vừa lắc một dây đai của những chiếc chuông ngựa choàng ngang qua một phía vai của mình.
Một trong những vũ công đến từ Leh đang biểu diễn Vũ Điệu Cúng Dường Thời Luân vào chiều ngày thứ bảy của Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh,J& K, Ấn Độ vào 9, tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
Còn nhiều nhóm nữa! Chủ yếu là phụ nữ, đến từ Leh, Saktivà từ ChangThang ở phía Đông Ladakh. Một nhóm đông hơn gồm cả nam lẫn nữ đến từ Lahaul và Spiti ở Himachal Pradesh. Có hai nhóm phụ nữ hào hứng hơn; một đến từ Zanskar và một đến từ Kuksh thuộc quận Kargil đã nhảy múa với những chiếc đĩa thép trong tay. Nhiều ca sĩ và vũ công đã được biểu diễn kèm với những tay trống địa phương và những người chơi nhạc cụ surna. Vào lúc gần cuối, một nhóm rất đông gồm các nghệ sĩ đến từ Viện Nghệ thuật Biểu diễn Tây Tạng ở Dharamsala đã kết hợp chơi nhạc cụ, ca hát và nhảy múa với những động tác đầy ấn tượng! Tiết mục cúng dường cuối cùng do nhóm Vũ công Mông Cổ biểu diễn. Họ dường như rất tự hào khi được tham gia chương trình này.
Không lâu sau khi các nhóm khách mời đã biểu diễn xong; các Tăng sĩ của Tu viện Namgyal cũng kết thúc Vũ Điệu của mình và đã được một vị Tăng với hương trầm trong tay đã hộ tống họ rời khỏi khán đài trong sự trang nghiêm đầy ấn tượng!
Sáng mai, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đến để thực hiện nghi lễ Tự Quán Đảnh Thời Luân trước khi hướng dẫn các môn đệ thông qua các thủ tục nhập môn cho Quán Đảnh Thời Luân chính thức.