Mumbai, Maharastra, Ấn Độ, 02 tháng 6 năm 2014 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu ngày cuối cùng của mình ở Mumbai bằng buổi Lễ Đặt Đá cho Viện Nghiên Cứu Phật Học Somaiya, sau đó Ngài đã nói chuyện ngắn gọn và trả lời câu hỏi trong Hội Trường của Trường học Somaiya.
Thánh Đức ĐLLM và ông Samir Somaiya - Chủ tịch của Hội “Somaiya Tín Nhiệm” đặt viên đá nền tảng cho Viện Nghiên cứu Phật Học mới của Somaiya ở Mumbai, Ấn Độ vào 02 tháng 6, 2014. Ảnh/Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Được yêu cầu về một lời khuyên làm thế nào để có một cuộc sống tốt; Ngài đã chỉ ra một lần nữa rằng, đã đến lúc để chúng ta ý thức được rằng hệ thống giáo dục hiện tại đang bị vướng vào chủ nghĩa vật chất; và như thế là chưa đầy đủ. Ngài nói rằng, chúng ta cần một phương pháp có hệ thống để giới thiệu các giá trị nội tâm - sự quan tâm nhiệt tình cho tất cả mọi người - vào hệ thống giáo dục. Nó cần một phương pháp phổ quát rộng rãi, không bị giới hạn bởi truyền thống tôn giáo này hay tôn giáo khác; một biện pháp mà đã được truyền cảm hứng từ sự hiểu biết về chủ nghĩa thế tục của Ấn Độ, nó bao gồm cho tất cả mọi người. Ngài nói rằng công việc đã được bắt đầu cho dự án này có liên quan đến đạo đức thế tục, nhưng cần phải nghiên cứu thêm nữa.
Ngài tiếp tục mở rộng chủ đề về đạo đức thế tục trong một buổi nói chuyện với sinh viên trong Phòng Cao đẳng Kỹ thuật của Trường Cao đẳng Somaiya.
“Các em thanh niên, thanh nữ trẻ thân mến! Quý vị đều là một phần của thế hệ thuộc thế kỷ 21, trong khi thế hệ của tôi thuộc về thế kỷ 20. Chúng tôi đã gây ra mọi vấn đề rắc rối mà nó sẽ là trách nhiệm của các bạn phải giải quyết và làm sáng tỏ. Vì nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay là do con ngưởi gây ra, vì vậy chúng ta sẽ không giải quyết chúng bằng sự nguyện cầu mà là bằng hành động. Kể từ khi độc lập, Ấn Độ đã có những tiến bộ lớn, nền kinh tế đã phát triển, nhưng mỗi năm vẫn còn có thêm rất nhiều miệng ăn. Chúng ta cần phát triển vật chất, nhưng có lẽ chúng ta phải suy nghĩ lại về vấn đề phải làm thế nào để đạt được nó”.
Ngài đề cập đến cách mà các nền kinh tế tập trung của Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ do sự trì trệ và thừa nhận nguồn động lực của nền kinh tế thị trường định hướng. Tuy nhiên, Ngài quan sát thấy rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa dường như phớt lờ về khoảng cách quá lớn giữa người giàu và người nghèo, tất cả những điều đó đều cho thấy rằng chúng ta cần một sự suy nghĩ mới mẻ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với sinh viên của Trường Cao đẳng Somaiya ở Mumbai, Ấn Độ vào 02 tháng 6, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài bày tỏ sự khâm phục đối với Đức Giáo Hoàng Francis đã khiển trách một Giám mục người Đức về lối sống sang trọng của ông ta. Ngài nói rằng khi những người mà trong thâm tâm họ không còn sự chân thành nữa, mà chỉ là qua những dáng vẻ bề ngoài; thì ngay cả các tổ chức tôn giáo cũng có thể trở thành đồi bại và thối nát. Tuy nhiên, trong khi một số người cho rằng tôn giáo là một loại thuốc phiện đối với con người - theo cách này - họ chẳng đề cập đến tình yêu thương và lòng từ bi - vốn dĩ là bản chất tinh hoa của bức thông điệp tôn giáo. Ngài nhớ lại rằng Mao Trạch Đông đã có một nhận xét như thế đối với Ngài, và Ngài suy ngẫm rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã rất ngạc nhiên khi thấy sự quan tâm mà các nhà khoa học ngày nay đã dành cho kiến thức Phật giáo về lĩnh vực tâm thức và cảm xúc.
“Lý do tôi nhấn mạnh nhu cầu của chúng ta về đạo đức thế tục” - Ngài nói - “là vì nhiều người đã thờ ơ với tình yêu thương, lòng từ bi, sự khoan dung và hạnh tri túc bởi vì họ nghĩ về chúng như là những phẩm chất của tôn giáo. Tuy nhiên, bao lâu chúng ta còn là con người, còn là động vật xã hội, thì bấy lâu chúng ta cần những giá trị như vậy để có thể sống chung với nhau. Hơn nữa, các nhà khoa học cho thấy rằng, làm mồi cho những cảm xúc tiêu cực sẽ có hại cho sức khỏe của chúng ta”.
Khi một học sinh khẩn cầu Ngài nhận xét về sự im lặng của Đức Phật đối với việc trả lời một câu hỏi về sự tồn tại của Đấng Tạo Hóa, Ngài đã trả lời rằng từ quan điểm của Phật giáo, sự giải thích về Tứ Diệu Đế đã hàm chứa một sự từ chối ngầm. Nó nói rằng chúng sinh và kinh nghiệm của họ xảy ra như là kết quả của sự hành động và ảo tưởng của họ. Tuy nhiên, Đức Phật cũng nói rõ rằng những người theo Ngài không nên chấp nhận những gì Ngài nói chỉ vì đức tin hay vì tôn trọng Ngài, mà phải bằng cách là chính mình phải tìm hiểu, điều tra và kiểm nghiệm nó.
A Một sinh viên hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một câu hỏi trong buổi giao lưu của họ tại Trường Cao đẳng Somaiya ở Mumbai,
Ấn Độ vào 02 tháng 6, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trong sự trả lời cho một câu hỏi liên quan đến phụ nữ, Ngài giải thích rằng, khi nhân loại có nhu cầu về nhân lực dành cho sự lãnh đạo xuất hiện vào thuở ban sơ thì sức mạnh về thể chất được xem là tiêu chí. Ngày nay, khi sự giáo dục đã làm cho người đàn ông và phụ nữ đều có khả năng bình đẳng như nhau thì phụ nữ cũng nên chủ động hơn trong vấn đề lãnh đạo.
Khi được hỏi rằng có phải Phật giáo là tôn giáo tốt nhất hay không, Ngài nói rằng Ngài không bao giờ tuyên truyền Phật giáo; và theo quy định của Giới Luật - các Tu sĩ chỉ giảng dạy khi được thỉnh cầu. Ngài lặp lại lời mà Ngài thường hay khuyên rằng, nói chung là để cho tốt hơn và an toàn hơn thì bạn nên trung thành với đức tin mà bạn đã được sinh ra với nó.
Liên quan đến sự tha thứ, Ngài nói rằng điều quan trọng là sự phân biệt giữa tác nhân và hành động của anh ta hay cô ta. Ngài nói rằng khi cần thiết thì nó sẽ phù hợp để thực hiện các bước chống đối lại các hành động sai trái của người khác, nhưng không khởi tâm sân giận đối với họ. Ngài cho biết đây là những gì mà người Tây Tạng đã làm khi họ công khai phản đối và chống lại các hành động của đường lối bảo thủ của các quan chức Trung Quốc, nhưng phải biết ngừng lại ở một giới hạn trong sự giận dữ đối với họ.
Vào buổi chiều, phần thuyết Pháp cuối cùng được thỉnh cầu bởi Nalanda Shiksha, Ngài giải thích về bản chất của Chương 8 của “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên, nêu những điểm nổi bậc trong một số câu Kệ đặc biệt trong quá trình giải thích của mình. Chủ đề của Chương 8 là về sự thiền định và Ngài bắt đầu bằng cách đối chiếu để làm nổi bậc sự khác nhau giữa Thiền Chỉ và Thiền Quán. Trong quá trình hướng dẫn chung Ngài đã thảo luận về các đối tượng có thể là trọng tâm của sự thiền định và đề cập rằng nếu mình chọn tâm thức để làm đối tượng thiền thì sẽ đặc biệt có hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng - nhưng cũng rất khó - đó là nhận dạng tâm thức. Ngài đã so sánh sự cố gắng để nhận dạng được cái tâm đang thay đổi trong từng khoảnh khắc với sự cố gắng để nắm bắt cái tâm ngay trong phút giây hiện tại. Chúng ta có thể cảm nhận được rõ ràng về quá khứ và tương lai, nhưng khoảnh khắc hiện tại vẫn còn rất khó để nắm bắt.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích về “phương pháp thiền chín vòng” trong ngày cuối của Pháp Hội 4 ngày của Ngài tại Trường Cao đẳng Somaiya ở Mumbai, Ấn Độ vào 02 tháng 6, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Vì để bắt đầu với cái tâm có xu hướng bị kích động, Ngài đã trình bày cách thực hiện phương pháp thiền định chín vòng liên quan đến việc rèn luyện về thân và tâm. Nó có hiệu quả trong việc xua đi những sự tán loạn phiền nhiễu, bằng cách theo dõi, quán sát và đếm hơi thở trong số lượng nhiều dần, 20, 50 hoặc 100. Phần cuối chương này liên quan đến sự phát khởi Bồ Đề Tâm. Bản văn nói: “Sau khi đạt được tâm định tĩnh, hãy phát khởi một cái tâm tỉnh thức!” Ngài chỉ ra rằng, phát khởi một cái tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh là một phần của cả hai phương pháp thực hành: phương pháp “Thất Nhân Quả Khẩu Quyết” và phương pháp “Bình đẳng và Hoán đổi Ngã-Tha”, Ngài trích dẫn lời khuyên của Ngài Tịch Thiên:
“Nếu hạnh phúc được yêu thích bởi chính tôi và người khác;
Thì quan trọng gì đâu khi tôi chỉ nỗ lực cho hạnh phúc của riêng mình!
Mọi kẻ bất hạnh thế gian phải khổ đau chỉ vì tham vọng cho hạnh phúc riêng của họ;
Tất cả người hạnh phúc ở cõi đời được vui sướng nhờ ước nguyện cho hạnh phúc của tha nhân”.
Trong phần kết luận, Ngài nói với khán giả của mình rằng họ có bản sao của tác phẩm của Ngài Tịch Thiên và Ngài đã sách tấn họ nên đọc nó bất cứ khi nào có thể.
“Đây là lời giảng dạy về cách sống một cuộc sống có ý nghĩa” - Ngài nói - “Về cơ bản, nên giúp đỡ người khác bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào bạn có thể; và thậm chí nếu bạn không thể làm được điều đó, thì ít nhất là nên kiềm chế bản thân không làm tổn hại đến họ”.
Samir Somaiya bước về phía trước để bày tỏ lòng biết ơn đối với Ngài về việc Ngài đã quang lâm và giảng dạy Giáo Pháp; ông cũng cám ơn tất cả những người đã góp phần làm cho chuyến thăm viếng của Ngài được thành công mỹ mãn. Đối với Nalanda Shiksha, Anita Dudhane đã bổ sung thêm bằng lời cảm tạ của cô và đã tụng bằng tiếng Phạn về bài thơ mà Ngài yêu thích:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại, Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy, Để tận trừ mọi đau khổ của thế gian.
Ngày mai, vào sáng sớm, Ngài sẽ bay trở về Dharamsala qua Delhi.