Mumbai, Maharashtra, Ấn Độ, ngày 01 tháng Sáu năm 2014 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu ngày thuyết Pháp thứ ba của mình với một lời giải thích trích từ cuốn sách “Nhập Bồ Tát Hạnh” của ngài Tịch Thiên.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào khán giả vào đầu ngày thứ ba của Pháp Hội bốn ngày của Ngài tại trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ vào 01 tháng 6, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Tôi đã chọn để nói về Chương 6 và Chương 8 bởi vì Chương 6 liên quan đến sự tức giận và hận thù, đó là những trở ngại lớn nhất để phát triển lòng vị tha vô hạn, vì vậy nó rất hữu ích. Chương 8 giải thích về sự lợi lạc của lòng vị tha. Tâm tỉnh thức của Bồ Đề Tâm liên quan đến sự kết hợp của lòng vị tha vô hạn và trí tuệ. Bản Kinh mà chúng ta đã học ngày hôm qua có liên quan đến sự trau giồi hành động tích cực và đoạn trừ sự tiêu cực trong bối cảnh tìm kiếm sự tái sanh vào cảnh giới cao hơn - như loài người; và để đạt được trí tuệ - là nguyên nhân của thiện đức kiên định. Hôm nay tôi sẽ giải thích về bản chất tinh túy của chương 6”.
Ngài nói, chúng ta có thể phân biệt hai loại từ bi, loại nhứ nhất là ước mong cho những người khác được thoát khỏi đau khổ; và loại thứ hai là lòng quyết tâm khi nói rằng “Nguyện cho con có thể giải thoát chúng sanh khỏi sự đau khổ”. Để thực hiện điều này chúng ta cần phải biết rằng sự khổ đau có thể khắc phục được. Chúng ta cần phải nhận ra rằng đau khổ có nguồn gốc từ ba hoặc năm cảm xúc tiêu cực chính: sự vô minh, sân giận và tham luyến; ta có thể thêm vào đó sự ghen tị và kiêu mạn. Gốc rễ của những cảm xúc tiêu cực này chính là sự vô minh; nguồn lực để đối trị sự vô minh chính là “sự hiểu biết về các pháp như chúng là”. Ngài Long Thọ mô tả về vô minh như là sự bám chấp vào vẻ xuất hiện bề ngoài của các pháp giống như một sự tồn tại cố hữu. Ngài đã trích dẫn câu nói trong “400 Bài Kệ” của Ngài Thánh Thiên rằng: “Vì vô minh thấm tràn bao phiền não; Vô minh đoạn rồi phiền não cũng triệt tiêu”.
Làm thế nào để chúng ta có thể thông suốt được điều này? Nhờ vào sự hiểu biết về Duyên Khởi. Ngã và những thứ khác dường như có sự tồn tại độc lập. Tuy nhiên, khi chúng ta nhận ra rằng tất cả các pháp đều phụ thuộc vào những yếu tố khác mà tồn tại, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng ngã và những thứ khác đều không thể tồn tại độc lập. Vì vậy, chúng ta cần phải đặt tất cả nỗ lực của mình vào việc tìm hiểu lý Duyên khởi. Sự vô minh là bám chấp vào những gì không phải là thật, và nó có thể được khắc phục. Chúng ta có thể vượt qua được những quan điểm bị méo mó bởi sự vô minh của mình.
Khán giả đang lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng trong ngày thứ ba của Pháp Hội 4 ngày của Ngài tại trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ vào 01 tháng 6, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Chương thứ 6 trong cuốn sách của Ngài Tịch Thiên tập trung vào hạnh nhẫn nhục và mở ra một lời cảnh báo rằng tất cả công đức tích lũy được trong một thời gian dài nhờ thực hành các thiện hạnh như bố thí, cúng dường… sẽ có thể bị phá hủy bởi một khoảnh khắc của sự sân giận. Sự chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực của chúng ta cần được thực hiện một cách tự nguyện, do đó, chúng ta cần phải hiểu được những ưu và khuyết điểm của sự sân giận và hận thù. Ngài nêu lên rằng chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy được sự hòa bình hay niềm vui sướng khi chúng ta còn có cây gai thù hận trong tâm thức của mình. Ngài đưa ra lời khuyên rất hữu dụng và thực tế rằng; nếu ta đã có một biện pháp để khắc phục vấn đề thì chẳng còn chỗ nào cho sự lo lắng và thất vọng cả; còn nếu như ta không có biện pháp để khắc phục, thì sự lo lắng và thất vọng cũng chẳng giúp ích được gì. Đề cập đến tám mối bận tâm của thế gian, Ngài lưu ý rằng, chúng ta không muốn gia đình và bạn bè của mình - hoặc thậm chí bản thân mình - phải chịu sự khinh miệt hay sự lăng mạ sỉ nhục; nhưng ngược lại chúng ta lại cảm thấy muốn cho kẻ thù của mình phải chịu như thế.
Khắc phục kẻ thù thật sự của nỗi oán hận thì cần phải có dũng khí. Trong khi đó, chúng ta trưởng dưỡng lòng từ bi đối với người khác bằng một cái tâm không có sự kiêu ngạo, đáng thương hay tự ty. Vì tâm thức không phải là vật chất cho nên người khác không có thể làm hại nó được. Và mặc dù những lời lẽ lăng mạ sỉ nhục không làm hại được thân thể, vậy thì tại sao tâm thức lại tức giận? Điều này một lần nữa lại liên quan đến sự khắc phục tám mối bận tâm thế gian. Tại sao sự tức giận của những người đã gây đau khổ cho chúng ta lại là lòng tử tế của họ đối với chúng ta như chư Phật, bởi vị họ đã cho ta cơ hội để thực hành hạnh nhẫn nhục. Thay vào đó, chúng ta nên cảm thấy biết ơn và khởi lòng từ bi đối với họ.
Nếu ta phản đối rằng kẻ thù của chúng ta không có ý định làm tốt cho chúng ta, vậy thì tại sao đối với thuốc men ta lại hết sức tin tưởng và trân trọng nó; trong khi nó cũng đâu có ý định giúp chúng ta? Không ai cho chúng tôi cơ hội để thực hành hạnh nhẫn nhục bằng những kẻ thù đối phương của mình như thế! Vì vậy chúng ta hãy quan tâm đến họ với một sự tôn trọng. Trong cuộc đời này, sự may mắn, danh tiếng và hạnh phúc có được là nhờ vào kết quả của việc giúp đỡ những chúng sinh khác. Cũng vậy, thông qua việc thực hành hạnh nhẫn nhục chúng ta mới có được vẻ đẹp, khỏe mạnh, sống lâu và hạnh phúc.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời câu hỏi của khán giả trong ngày thứ ba của Pháp Hội 4 ngày của Ngài tại khuôn viên trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ vào 01 tháng 6, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài trả lời câu hỏi từ phía khán giả. Ngài giải thích rằng Ngài đã chọn để giải thích bản chất tinh túy của chương 6 và 8 trong cuốn sách của Ngài Tịch Thiên là vì nó có những lời khuyên để đối phó với sự sân giận và để phát khởi một quan điểm khoan dung rất có giá trị và lợi ích cho tất cả mọi người - bất kể họ thuộc tôn giáo nào. Khi có ai đó bày tỏ sự lo lắng về những động cơ và hành vi của các cộng đồng tôn giáo khác, Ngài chỉ ra rằng - ý tưởng cho rằng chỉ có một đức tin và một sự thật có thể là thích hợp trong quá khứ và có thể thích hợp cho một cá nhân ngày hôm nay. Nhưng theo tất cả những gì mà xã hội quan tâm, chúng ta cần phải chấp nhận một số tín ngưỡng và một số sự thật. Ngài cho biết sự xung đột giữa các tôn giáo phát sinh do vì họ không có đủ thông tin liên lạc và sự hiểu biết lẫn nhau.
Ngài nói thêm rằng có một số vấn đề chúng ta cần phải đối mặt; và nó có thể phải kéo dài từ 30-40 năm nữa, nhưng nếu chúng ta thực hiện các bước cải thiện chúng ngay bây giờ, thì mọi việc về lâu dài sẽ được thay đổi. Đây là lý do tại sao Ngài thúc đẩy ý tưởng về đạo đức thế tục, tầm quan trọng của lòng tốt nhiệt thành dựa trên cơ sở của quan điểm cho rằng tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại. Sự khác biệt về niềm tin, chủng tộc và quốc gia chỉ là điều thứ yếu trong bối cảnh này. Trong suốt cuộc đời của mình, Đức Phật đã không cố gắng để lôi kéo tất cả mọi người đến với Phật giáo. Chúng ta cần phải giữ đức tin của chính mình, trong khi đó chúng ta cũng cần phải tôn trọng đức tin của những người khác.
Liên quan đến chương trình giới thiệu đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục mà Ngài đã đề cập đến, Ngài nói rằng nó vẫn đang được tiến hành. Các nhà khoa học, nhà giáo dục và những người có liên quan đang thực hiện điều đó ở Mỹ, châu Âu và ở Delhi. Ngài khẳng định rằng một khi nó đã sẵn sàng, nó sẽ được thực hiện và nó có thể được hoạt động như một dự án thí điểm tại các trường học. Nếu thành công, nó có thể được thực hiện trên phạm vi rộng rãi hơn.
Vào buổi chiều, Ngài đã được mời để nói chuyện với một nhóm các nhà lãnh đạo kinh doanh tại Somaiya Bhavan ở Nam Mumbai. Ngài chào đón họ như Ngài vẫn thường làm, nói rằng:
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp tại “Trung tâm Học vấn Suốt đời”, Somaiya Bhavan, Mumbai, Ấn Độ vào 01 tháng 6, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Các anh chị em thân mến! Thật là một vinh dự cho tôi khi được gặp quý vị. Tất cả chúng ta đều giống nhau, đều là những con người; mỗi người chúng ta đều có khả năng thể hiện sự tin tưởng và niềm vui trong một nụ cười chân thật. Tất nhiên, các bạn cũng có thể nhận thức được sức mạnh của một nụ cười giả tạo. Tôi muốn được nói chuyện với các bạn về sự quan tâm và những cam kết của tôi”.
Ngài giải thích về sự cam kết của mình để phát huy giá trị của con người dựa trên sự mong ước của mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và mỗi người chúng ta đều cần có bạn bè. Ngài nói rằng nuôi dưỡng một ý nghĩa đích thực về mối quan tâm cho hạnh phúc của người khác là cơ sở cho sự uy tín, điều đó giúp cho bạn có được hạnh phúc và tình bằng hữu. Nó cũng rất tốt cho sức khỏe của chúng ta, bởi vì các nhà khoa học đã khám phá ra rằng sự tức giận, sợ hãi và nghi ngờ triền miên sẽ làm suy yếu hệ thống miễn nhiễm của chúng ta. Ngài nói:
“Bạn có thể cũng có kinh nghiệm rằng - ngay cả khi bạn có rất nhiều tiền, nhưng nếu đầy lòng ghen tuông và nghi ngờ thì bạn sẽ không có hạnh phúc. Ngược lại, một gia đình nghèo khó nhưng đầy tình cảm thì lại cảm thấy hài lòng mãn nguyện. Tấm chân tình và sự quan tâm cho hạnh phúc của người khác chính là một điều kiện để có được niềm hạnh phúc - cho dù là bạn có theo tôn giáo hay không. Đơn giản là một con người, tôi muốn chia sẻ với bạn về tầm quan trọng của tình cảm trong mối quan hệ của chúng ta với nhau. Thứ hai, là một Phật tử, tôi tin rằng, mặc dù có sự khác biệt về tư tưởng triết học, nhưng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều truyền tải cùng một bức thông điệp về tình yêu thương và lòng từ bi; vì vậy nó rất xứng đáng được chúng ta tôn trọng!”.
Ngài cho rằng các nhà lãnh đạo kinh doanh có thể đóng góp đáng kể cho sự tiến bộ của xã hội. Ngài quan sát thấy rằng vẫn còn có quá nhiều người sống trong nghèo đói; rằng giữa các tòa nhà đồ sộ của chúng ta là những người sống trong các khu nhà ổ chuột, họ vẫn là những con người như chúng ta. Ngài nói rằng những người giàu sang nên có một số trách nhiệm giúp đỡ người nghèo bằng cách cung cấp những tiện nghi cho sự giáo dục và y tế, và người nghèo cũng phải có trách nhiệm để tạo cho chính mình sự tự tin và làm việc chăm chỉ.
Ngài cho rằng, vì Ấn Độ là một nước nông nghiệp cho nên sự phát triển ở những khu vực nông thôn cũng quan trọng như sự phát triển đô thị. Ở các thành phố, với số lượng ngày càng gia tăng của xe cộ, hệ thống đường giao thông và cầu vượt đang được xây dựng; nhưng việc cung cấp các bệnh viện, trường học và các ngành công nghiệp trong khu vực nông thôn cũng rất quan trọng. Ngài yêu cầu những người đang hiện diện ở đây hãy suy nghĩ về những gì Ngài đã nói; để rồi điều đó có thể được thực hiện chứ không chỉ đơn thuần là một niềm mơ tưởng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ký tên vào sách cho các lãnh đạo doanh nghiệp mà Ngài đã gặp tại “Trung tâm Học vấn Suốt đời”, Somaiya Bhavan, Mumbai, Ấn Độ, ngày 1 tháng 6, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Khi được hỏi rằng liệu sự tham lam không phải là một phần của bản chất con người, và làm thế nào để có thể thay đổi nó; Ngài trả lời rằng, bằng cách tạo ra sự ý thức về việc cần phải biết hài lòng với những gì mình có (tinh thần tri túc). Ngài nêu lên rằng ngay cả một tỷ phú cũng chỉ có mười ngón tay, và nếu mỗi ngón đều đeo một chiếc nhẫn kim cương thì ông ta sẽ trở nên quá đáng và lập dị. Tương tự như vậy, dạ dày của những người giàu có không lớn hơn dạ dày của những kẻ hành khất. Liên quan đến vấn đề cạnh tranh, Ngài nói rằng Ngài suy nghĩ về hai loại: cạnh tranh tập trung vào việc loại trừ các đối thủ và thù địch của mình - đó là sự cạnh tranh cơ bản tiêu cực; và sự cạnh tranh được thúc đẩy bằng niềm mong ước rằng tất cả sẽ được thành công. Ngài cho rằng Tăng đoàn của Phật giáo cầu nguyện và quy y Phật, Pháp, Tăng cũng giống như vậy - liên quan đến một số ý nghĩa của sự cạnh tranh và sách tấn lẫn nhau để tất cả đều đạt được sự giải thoát.
Ngài khuyên rằng khi phải đối mặt với việc dân số toàn cầu ngày càng tăng, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo rất lớn, và sự cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên, thì sự quan tâm dành cho người khác là điều rất quan trọng. Khi được hỏi về mục đích của cuộc sống, Ngài nói rằng đó là việc tìm kiếm hạnh phúc và sự hài lòng.
Nhắc lại rằng người Tây Tạng có truyền thống xem Ấn Độ như là bậc Thầy của mình, Ngài trích dẫn lời một bậc Thầy Tây Tạng vào thế kỷ thứ 14 đã viết bài thơ rằng:
Ở Tây Tạng, vùng đất của xứ Tuyết,
Màu sắc tự nhiên chính là màu trắng,
Nhưng trước khi ánh sáng từ Ấn Độ truyền vào,
Tây Tạng vẫn còn trong bóng tối âm u.
Ngài nói rằng bất cứ nơi nào Ngài đến, Ngài đều ca ngợi truyền thống của Ấn Độ về tinh thần bất hại, bất bạo động, và sống trong sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ngài nhận xét rằng Ngài thường tự cho mình là đứa con trai của Ấn Độ; bởi vì bộ não của Ngài được thu thập đầy kiến thức từ truyền thống Nalanda, trong khi cơ thể của Ngài suốt gần 55 năm qua đã được nuôi dưỡng bằng gạo, dal và chapatis của Ấn Độ.
Sau khi chụp hình chung với nhiều người đang hiện diện và ký tên vào những cuốn sách cho họ; trước khi trở về nghỉ ngơi, Ngài đã đến thăm một tiệm sách có liên quan với “Trung tâm Học vấn Suốt đời” tọa lạc trong cùng một tòa nhà. Ngày mai, Ngài sẽ có buổi nói chuyện với công chúng về đạo đức thế tục và hoàn tất việc giải thích về các phần còn lại trong cuốn sách của Ngài Tịch Thiên.