Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ, 14 tháng 7 2014 - Vầng trăng tròn đêm qua vẫn còn đang treo chênh chếch phía trên rặng núi bao quanh thung lũng Leh sáng nay khi hàng chục ngàn người tựu về trên Sân bãi Thuyết Pháp tại Shiwatsel một lần cuối. Vào khoảng 7 giờ sáng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước ra khỏi nơi cư trú của mình để đi bộ đến Sảnh Đường Thuyết Pháp, Ngài dừng lại một vài chỗ để chào hỏi một người quen cũ hay để an ủi một người già hoặc một người ốm yếu trên đường. Từ Pháp Tòa, Ngài tuyên bố:
Thánh Đức ĐLLM an ủi những cụ già Tây Tạng khi Ngài đến Lễ QĐ và Cúng dường Trường thọ vào ngày cuối của Lễ QĐ Thời Luân lần 33 tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 13 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel |
“Tôi sẽ truyền Quán đảnh Trường thọ Tara Trắng. Sự chuẩn bị của tôi sẽ mất khoảng mười lăm phút. Trong thời gian đó, tôi muốn tất cả quý vị hãy trì câu “Om Mani Padme Hung”. Vì có khoảng 150.000 người đang ở đây, nếu tất cả quý vị có thể trì 1000 biến Mani thì nó sẽ đạt được 150 triệu lần vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Trong quá khứ, các bậc Đạo sư Tây Tạng đã ca ngợi sự trì tụng thần chú vì trong khi quý vị làm điều đó quý vị sẽ không suy nghĩ gì về tuổi thọ, sự giàu có và vv.
“Đức Quán Thế Âm là vị thần của lòng từ bi, là một người mà dân Tây Tạng có một sự kết nối đặc biệt. Ngài là vị thần Bảo Hộ của Tây Tạng. Trong hơn 60 năm qua, người Tây Tạng ở đất nước Tây Tạng đã trải qua những khó khăn rất lớn. Mặc dù có lịch sử lâu đời và di sản văn hóa của nó nhưng Tây Tạng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Một nhu cầu vô cùng cấp thiết đối với chúng ta là cố gắng hết sức để bảo vệ tôn giáo và văn hóa Tây Tạng. Nếu chúng ta tiếp tục con đường bất bạo động nghĩa là chúng ta đang làm hài lòng tất cả chư Phật, bao gồm cả Đức Quán Thế Âm. Thông qua sức mạnh của sự thật và quy y Tam Bảo, cho dù chúng ta có đạt được mục tiêu của mình trong thời gian ngắn hay không đi chăng nữa, thì ít nhất chúng ta cũng cố gắng để thực hiện điều đó.
“Nếu như quý vị có thể trì tụng thần chú Mani trên cơ sở của sự hiểu biết thì sẽ là một điều rất tốt. Từ “Om” giống như từ “HRI” có một ý nghĩa bao gồm ba yếu tố tượng trưng về thân, khẩu, ý; và thậm chí cả thân, khẩu, ý cũng có ba khía cạnh thuộc về thô, tế, và cực vi tế. Bao lâu chúng ta còn đang chịu ảnh hưởng của những cảm xúc phiền não thì bấy lâu chúng ta vẫn còn bị vướng vào trong vòng sinh tử luân hồi này. Và bao lâu chúng ta còn bị chi phối của những sở tri chướng thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những chúng sinh chưa giác ngộ. Một khi chúng ta khắc phục được chúng thì ta sẽ đạt được quả vị Phật, vào thời điểm đó thì cả thân, khẩu, ý của chúng ta sẽ trở thành Nhất Vị. Những cảm xúc phiền não và sở tri chướng là những yếu tố duyên từ bên ngoài và ta có thể loại bỏ chúng được.
“Từ “Mani” có nghĩa là “viên ngọc” và ngụ ý là một cái gì đó mà đáp ứng được mong ước của chúng ta; trong trường hợp này có nghĩa là tâm tỉnh thức của Bồ đề tâm -tư tưởng để giúp cho chính mình và những người khác được giác ngộ. “Padme” có nghĩa là “hoa sen” và ngụ ý là trí tuệ Tánh Không. “Hung” có nghĩa là không để cho hai yếu tố tách rời; đảm bảo sự kết hợp hoàn hảo của Trí tuệ Tánh Không và Bồ đề tâm”.
Ngài đã ban khẩu truyền của thần chú và gợi ý nên cúng dường những vần kệ xưng tán trước khi bắt đầu trì tụng: Thiên Thủ của Ngài tượng trưng cho một nghìn vị quốc vương của Vũ trụ;
Thiên Nhãn của Ngài tiêu biểu cho một nghìn Đức Phật của thời kỳ may mắn này;
Giáo lý của Ngài phù hợp với nhu cầu của tất cả chúng sinh;
Con xin cung kính đảnh lễ Ngài - bậc Quán Thế Âm cao thượng! Cầu cho những lời nguyện của chư Phật và chư Bồ Tát được thành tựu!
Nguyện cho con có thể đạt được trạng thái của Đức Quán Thế Âm!
Và cầu cho tất cả chúng sinh cũng đạt được trạng thái ấy!
Nguyện tất cả chúng sinh được thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi này!
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền Quán Đảnh Trường Thọ vào ngày cuối cùng của Lễ Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 13 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng Ngài sẽ truyền lễ Quán đảnh Trường Thọ; trong số nhiều vị thần liên quan đến tuổi thọ, Đức Tara của Mãn Nguyện Luân (bánh xe thỏa mãn mọi điều ước) là khía cạnh tinh khiết của năng lượng về khí (khí lực). Ví dụ - sự di chuyển trong tâm thức của chúng ta là nhờ vào năng lượng đó. Đức Tara này có một phẩm hạnh đặc biệt để giúp chúng sinh bằng cách loại trừ những trở ngại - chẳng hạn như trở ngại đối với sinh mệnh.
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho hạnh phúc của tất cả những người đang hiện diện ở đây”, Ngài khuyên, “và cũng cho những người đang sống bên trong Tây Tạng, đặc biệt là những người bị đau ốm vì nhiều lý do khác nhau”.
Ngài cũng đề cập đến khoảng bốn - năm trăm triệu Phật tử ở Trung Quốc, một đất nước có dân số Phật giáo lớn nhất thế giới, và đề cập đến người dân trên toàn thế giới đã cống hiến cho phúc lợi của người khác. Ngài nói rằng Ngài sẽ thực hiện việc trao truyền Quán Đảnh Tara của Mãn Nguyện Luân nhân danh cho tất cả họ. Ngài nhận xét rằng nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với khó khăn và không ít kẻ bạo ngược đã hãm hại họ. Ngài đã thực hiện lời cầu nguyện: “Nguyện cầu cho những người bị áp bức sẽ được thoát khỏi sự đàn áp bạo ngược!” Ngài đề nghị rằng khi đọc lời cầu nguyện quy y Tam Bảo, những người thính giả của Ngài nên nhớ rằng tất cả 7 tỷ người trên thế giới đều trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến mình. Và cũng giống như mình - tất cả họ đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau.
Ngài tiến hành với các phương tiện khác nhau để bù đắp cho những thế lực gây trở ngại cho việc trao truyền Quán Đảnh. Sự cúng dường Mạn đà la và ba biểu tượng giác ngộ của thân, khẩu, ý đã được thực hiện bởi Ngài Kathog Ge-tse Rinpoche, người mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tán thán rằng dòng truyền thừa của Vị này đã kết nối trở lại với Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 và thứ 8.
Liên quan đến việc thực hành Mật tông và sự khác biệt giữa các Pháp hành của Phật giáo và Ấn Độ giáo; Ngài đề cập đến cuộc hội thoại với một vị Yogi Hindu thành tựu đã tiết lộ rằng hai truyền thống đều có những điểm chung, đó là: nội nhiệt, thở bình, phóng tâm ra khỏi thân xác và hoạt động với các luân xa và các giọt. Tuy nhiên, từ sự thảo luận với Khunu Lạt Ma Rinpoche; Ngài kết luận rằng sự khác biệt giữa các truyền thống Phật giáo nằm ở chỗ là Mật tông Phật giáo được thành lập dựa trên sự hiểu biết về tánh Không; và Cung điện của Thần Thiền Định là biểu tượng của 37 Pháp thực hành Giác ngộ. Mật tông Phật giáo không thể được thực hiện mà không có ý nghĩa của Bồ đề tâm và trí tuệ về Vô ngã. Sau đó, Ngài hướng dẫn mọi người cùng thọ Bồ Tát Giới một lần nữa.
Với sự kết thúc của Quán Đảnh Trường Thọ và phân phát những mẩu bánh gia trì cho đám đông; phần trọng tâm được chuyển sang sự Cúng Dường Trường Thọ dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma do Ngài GandenTri Rinpoche, Rizong Rinpoche chủ trì; và cũng dựa trên nghi lễ của Đức Tara Trắng. Để bắt đầu, lễ tụng kinh cầu nguyện cho dòng truyền thừa đã được thực hiện, trong đó bao gồm các bậc Đạo sư trong quá khứ của Ấn Độ và Tây Tạng cũng như Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Bốn.
Bậc Tiên Tri Tsering Che-nga trong lễ cúng dường Trường Thọ cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào ngày cuối cùng của của Lễ Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 13 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel |
Trong quá trình nghi lễ, bậc tiên tri được gọi là Tsering Che-nga hay Năm Tỷ Muội Trường Thọ đã được thỉnh cầu. Vị Nữ Hộ Pháp này đã triệu tập GandenTri Rinpoche, Sharpa Chojey, Drikung Kyabgon, Sakya Dungsey, Samdhong Rinpoche và Sikyong đến quay quần xung quanh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Bậc tiên tri của Quốc Gia - Thần Nechung -cũng được khẩn cầu trong Cung điện cũ, và Thần đã tiến về phía Sảnh Đường Thuyết Pháp thông qua đám đông đang bị sự thu hút như say mê của Ngài. Thần đến trước Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với một sự thể hiện lòng cung kính mãnh liệt và đầy thuyết phục. Cùng lúc ấy, trong số các thành viên của khán giả, có lẽ khoảng nửa tá các trường hợp xuất thần một cách tự nhiên đã xảy ra do có các vị thần linh khác mượn xác. Những vị này rất mạnh mẽ và hăng hái, họ đã được đưa đến diện kiến trước Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma; họ cung kính đảnh lễ Ngài và sau đó thì thăng xuất ra khỏi xác.
GandenTri Rinpoche bắt đầu lời Xưng tán theo Nghi thức thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trụ thế trường thọ với những vần kệ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 đã xưng tán Đức Quán Thế Âm:
Con xin kính lễ Thánh Đức Quan Thế Âm!
Lòng bi mẫn của tất cả Mười phương Chư Phật,
Nhiều vô lượng như vi trần của vô số thế giới,
Sâu thẳm như đại dương và hoàn toàn gắn bó với chúng sanh,
Từ đó, sự chói ngời hoàn hảo của phẩm hạnh tuyệt vời đã được khởi sinh,
Lừng danh như Quán Thế Âm, bậc Hướng Đạo Sư vĩ đại!
Ngọn núi châu báu mà tất cả chúng con nên quy y nương tựa.
Con xin được cúi đầu cung kính đảnh lễ Ngài!
Khi những thành viên của truyền thống Jonangpa đang thực hiện sự dâng cúng một Mạn đà la rất lớn đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và một đám người diễu hành tuần tự cho sự cúng dường đã bắt đầu, vị Thống Đốc của Bang Jammu và Kashmir – Omar Abdullah - vừa đến nơi. Ông kính chào Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với một tình cảm biểu lộ có thể nhận thấy được; và ông đã an tọa vào chỗ ngồi của mình bên cạnh Pháp Tòa. Các nhóm nam nữ người Ladakh đã nhảy múa và hát ca ở phía trước Sảnh Đường khi lễ Cúng Dường Trường Thọ đến đoạn kết thúc.
Tiếp theo đó là một số các diễn văn bế mạc. Tiến Sĩ Konchok Namgyal, đồng Chủ tịch Ban tổ chức Thời Luân (KOC) đã trình bày một báo cáo về tài chính dự kiến với sự đảm bảo rằng một tài khoản cuối cùng sẽ được công bố trong thời gian tới. Tiến sĩ Tondup Tsewang phát biểu về niềm vui lớn lao của Uỷ Ban và ca ngợi sự kết thúc thành công của sự kiện với sự tham dự của khoảng 150.000 người bao gồm: 86.000 tín đồ địa phương và Tây Tạng, 9.000 tu sĩ, 12.000 từ khu vực Dãy Hy Mã Lạp Sơn, 6.100 người nước ngoài đến từ 73 quốc gia, hơn 25.000 trẻ em đăng ký ở độ tuổi dưới 15 và 10.000 tình nguyện viên. Ông nhận xét với sự hài lòng rằng các nguồn của sự kiện đã được huy động từ bên trong Ladakh và không có nguồn bên ngoài.
OmarAbdullah - Thống đốc tiểu bang Jammu và Kashmir- phát biểu tại buổi bế mạc của Lễ Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 13 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel |
Thupstan Chhewang, Giám đốc điều hành Ủy viên Hội đồng của Hội đồng Phát triển Miền Núi Ladakh Tự Trị, Rigzin Spalbar, và Nawang Rigzin Jora, Bộ trưởng Bộ Phát triển Đô thị; tất cả đều phát biểu với những lời lẽ rất sôi động về sự kết thúc thành công của sự kiện, mà không có tai nạn hoặc sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Thống đốc Omar Abdullah trước tiên đã cám ơn sự hiện diện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà chức sắc khác. Ông nói với sự cảm động chân thành để chia sẻ thảm họa lớn nhất với người dân địa phương khi một trận mưa thình lình trong năm 2010 gây ra một trận lũ đã càn quét với sức tàn phá vô cùng khủng khiếp. Ngay lúc này đây của năm 2014, ông đã rất hạnh phúc để được chia sẻ sự thành công lớn nhất của họ trong việc tổ chức Quán đảnh Thời Luân lần thứ 33 ở Ladakh. Ông nói rằng phước đức ấy sẽ tiếp tục tiến triển và hướng đến khôi phục lại sự yên bình và niềm tự tin trong cộng đồng dân chúng. Ông đề cập đến tình cảm và sự hết sức kính trọng của mình dành cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông cho rằng đó là vấn đề của sự toại nguyện cá nhân rất lớn đối với ông; rằng ông đã gặp Ngài vào dịp Lễ Thời Luân đầu tiên ở Ladakh vào năm 1976 khi ông nội của ông là Thống Đốc, rồi đến ông gặp Ngài tại Lễ Thời Luân lần thứ hai ở Zanskar vào năm 1988 khi cha ông là Thống Đốc;và bây giờ nhân dịp Lễ Thời Luân lần thứ ba khi ông được chính mình làm Thống Đốc. Ông kính dâng lên Ngài lời thành kính tri ân về sự hiện diện của Ngài tại đây với tư cách cá nhân ông cũng như với tư cách đại diện cho Tiểu bang Jammu & Kashmir.
Ngài rời khỏi Pháp tòa đến đứng trước khán đài và phát biểu lời nhận xét kết luận của riêng mình.
“Lễ Quán đảnh Thời Luân đã diễn ra vô cùng tốt đẹp suốt từ lúc bắt đầu, giai đoạn giữa và đến khi kết thúc. Tôi xin cảm ơn các nhà tổ chức về những việc làm rất tốt của họ. Hôm nay, chúng ta đã thực hiện Quán đảnh Tara Trắng và lễ Cúng Dường Trường Thọ trong sự kết nối mà GandenTri Rinpoche đã thực hiện một nghi lễ của sự hoàn thiện trong suốt tuần vừa qua. Tôi cầu nguyện rằng tôi có thể sống lâu và sẽ sống lâu.
“Hôm nay, cùng với sự hiện diện của con người, đã có rất nhiều chư Thiên, các vị Nữ Thần và Hộ Pháp đã đến. Tôi muốn cảm ơn họ đã hiển thị sự bảo hộ và tình đoàn kết của họ đối với chúng ta. Theo sự mô tả của Phật giáo về thế giới, có rất nhiều loại chúng sinh khác nhau; một số chúng ta có thể nhìn thấy và một số khác chúng ta không thể nhìn thấy được. Một học giả thân thiện có lần đã từng nói với tôi rằng ông đã rất ngạc nhiên rằng - trong khi tôi dường như có một cái nhìn rất khoa học, nhưng tôi lại chấp nhận sự tồn tại của nhiều loại chúng sinh khác. Tôi nói với ông rằng đó không phải là vấn đề mê tín dị đoan, mà là một sự chấp nhận đơn thuần về sự thật. Tuy nhiên, cũng giống như sẽ không tốt đối với loài người nếu như họ dính líu đến các hoạt động có hại; tôi đã khuyên các vị Thần linh này và những chúng sinh khác không nên tham gia vào những hành động gây tổn hại.
“Hôm nay, chúng ta có Thống Đốc của Tiểu Bang Jammu & Kashmir đã đến đây tham dự với chúng ta. Ông là người thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình đã nắm giữ và duy trì được chức vụ đó. Sheikh Abdullah, một người bạn và là người sống cùng thời với Pandit Nehru, đã thể hiện một tình cảm tuyệt vời đối với nhân dân Tây Tạng. Farooq Abdullah, con trai ông, là một người bạn của tôi; và Omar Abdullah, người cháu nội trẻ trung của ông, hiện giờ đang ở đây với chúng ta, lại cũng là một người bạn của nhân dân Tây Tạng. Tôi muốn cảm ơn cậu ấy rất nhiều vì đã đến đây hôm nay!”
Xoay người về phía của Thống Đốc, Ngài nói với một giọng cười khúc khích:
“Tôi được biết rằng nhóm của cậu đã bị thất bại trong cuộc bầu cử gần đây; đây là những gì sẽ xảy ra theo thời gian. Khi các nhà lãnh đạo chính trị mà tôi quen biết ở những nơi khác nhau trên thế giới đang trải qua sự thất bại của cuộc tranh cử, tôi thường viết thư cho họ để nói rằng đây chỉ là một phần của nền dân chủ, đó là một điều tốt. Ấn Độ là nền dân chủ đông dân nhất thế giới, một đất nước mà nền dân chủ đã trở thành nguồn gốc sâu xa, và đó chính là một trong những sự vĩ đại của Ấn Độ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với đám đông hơn 150.000 người vào lúc kết thúc ngày cuối cùng của Lễ Quán Đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 13 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
“Các nhà lãnh đạo khác, những vị vừa mới phát biểu ở đây, cũng là những người mà tôi đã được quen biết trong một thời gian dài. Tôi nhớ Thupstan Chewang khi tóc của ông còn là màu đen và bây giờ nó đã hoàn toàn bạc trắng. Rigzing Jora tôi cũng đã biết trong nhiều năm. Chúng tôi không những chỉ có quen biết nhau, mà chúng tôi còn biết được suy nghĩ của nhau; chúng tôi là những người bạn đáng tin cậy của nhau.
“Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tôi không nhận bất kỳ khoản phí nào thông qua sự cúng dường cho việc thuyết Pháp của tôi. Tôi noi theo Tseley Rangdol trong cảm giác rằng làm như vậy sẽ giống như bán Pháp. Mạn đà la tuyệt vời này do các vị Jonangpas đã tặng cho tôi, tôi xin cảm ơn quý vị và yêu cầu quý vị hãy mang trở về để sử dụng trong Tu viện của quý vị ở Shimla.
“Tôi không có gì khác để nói hơn là chỉ biết khuyến khích tất cả quý vị hãy xoay tâm mình hướng về Chánh Pháp. Xin cám ơn tất cả quý vị!”
Ngài có các cuộc gặp gỡ riêng ngắn ngủi với một số khách mời trong khi thông báo đã được thực hiện cho công chúng xem Mạn-đà-la cát. Sau đó, Ngài vẫn dành thời gian để mỉm cười và vẫy chào những người thiện chí; an ủi những cụ già và ốm yếu đang chờ đợi Ngài, và Ngài bước lên xe để trở về nơi cư trú của mình.