Los Angeles, CA, Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 2 năm 2014 - Sau khi các cháu thiếu nhi trong những bộ trang phục Tây Tạng đẹp nhất của mình đã hát cúng dường Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xong; Tenzin Dorjee - Chủ tịch Hiệp hội Tây Tạng Nam California đã bày tỏ lời chào mừng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói chuyện với những người Tây Tạng tụ họp ở đây tại Los Angeles.
Các cháu thiếu nhi hát cúng dường Thánh Đức ĐLLM vào lúc bắt đầu cuộc gặp gỡ với các thành viên của cộng đồng Tây Tạng ở Los Angeles, California vào 27 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Tôi đã biết nhiều người trong số quý vị trong một thời gian dài, và bây giờ tất cả chúng ta đều có dấu hiệu của tuổi tác. Lúc chúng tôi bắt đầu cuộc sống lưu vong thì tôi chỉ mới có 24 tuổi, mà bây giờ tôi đã gần 79 tuổi rồi. Trong khi đó, tinh thần của nhân dân ta ở Tây Tạng vẫn còn đang rất mạnh mẽ; họ có một sức mạnh mà đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bất cứ ở nơi nào, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng chúng ta là người Tây Tạng. Chúng ta có khoảng 150.000 người đang sống lưu vong, nhưng điều quan trọng nhất là tinh thần của những người đang ở Tây Tạng vẫn còn rất sống động, họ là những người vô địch. Và đó là nhờ vào niềm hy vọng mà họ đã đặt vào nơi chúng ta; vì vậy chúng ta phải duy trì cho sự nghiệp của chúng ta được tồn tại và sinh động”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi tưởng lại lần đầu tiên Ngài bắt đầu đi du lịch ở nước ngoài. Năm 1966, Ngài tới thăm Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan trên chuyến đi mạo hiểm đầu tiên của mình ra khỏi Ấn Độ. Năm 1973, Ngài đã đi đến châu Âu và vào năm 1979 Ngài đã nhận được sự chào đón lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Trong những ngày đó hầu như không ai nói về tình yêu thương và lòng từ bi ở nơi công cộng.
“Trong những năm 1970, tôi bắt đầu nói chuyện một cách cởi mở về trách nhiệm toàn cầu và có một ý thức về một cộng đồng toàn cầu. Kể từ đó, các nhà khoa học đã nhận ra được tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng từ bi đối với hạnh phúc của chúng ta. Trong hơn 300 tập văn học Phật giáo bao gồm trong Kangyur (Kinh Tạng) và Tengyur (Luận Tạng) là những sự giải thích rõ ràng về Bồ đề tâm và Trí tuệ hiểu biết tánh Không. Đây là nguồn gốc của phong tục nhân dân Tây Tạng, ngay cả những người sống ở những nơi xa xôi, cũng đều cầu nguyện cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh chứ không phải chỉ cầu riêng cho người Tây Tạng.
“Truyền thống Nalanda có nguồn gốc từ những bậc thầy như Long Thọ, đã dạy chúng ta phải biết trân trọng các nguyên tắc đạo đức; nó sẽ là một ngày buồn bã nếu như những nguyên tắc này bắt đầu suy giảm. Dường như người ta đang dần dần có khuynh hướng ít chú ý đến nó”.
Các thành viên của cộng đồng Tây Tạng sinh sống tại California đang nghe Thánh Đức ĐLLM nói chuyện trong cuộc gặp gỡ của họ ở Los Angeles, California vào 27 tháng 2, 2014 Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Ngài nói rằng trong quá khứ, sự tham nhũng là rất hiếm hoi trong số những người Tây Tạng; nhưng Ngài đã nghe nói rằng thời gian gần đây nó đã bắt đầu trổi dậy. Duy trì sự trung thực và chân thành sẽ phụ thuộc vào việc duy trì một ý thức về tình yêu thương và lòng từ bi đối với người khác. Khi những phẩm chất này bị thiếu, thì các vấn đề rắc rối sẽ phát sinh. Sự kiêu ngạo, ghen tị và hận thù là nguồn gốc của những sự cố có thể dẫn đến việc nhiều người bị giết hại. Ngài nói rằng, sẽ không có gì tốt cho bất cứ ai, nếu như sự đối xử của chúng ta dành cho những người khác được đánh dấu bằng sự không trung thực và thiếu chân thành. Mặt khác, nếu chúng ta trung thực và chân thành thì đó là sự lợi ích cho chính mình và cho cả tha nhân.
“Có thể có vài trăm triệu Phật tử trên thế giới - những người chưa đề cập đến sự giải thoát và giác ngộ - cần sự hướng dẫn trong việc đào tạo tâm trí của họ. Người Tây Tạng chúng ta không cần phải tìm kiếm vào tiếng Phạn, tiếng Anh hoặc những ngôn ngữ khác; bởi vì những sự hướng dẫn về những điều này đã có sẵn cho chúng ta bằng ngôn ngữ Tây Tạng riêng của chúng ta rồi.
“Khi mới đây tôi có đến thăm những người Hồi giáo Tây Tạng ở Srinagar, tôi phát hiện ra con cháu của họ đã nói tiếng Tây Tạng thật tuyệt vời với một giọng Lhasa. Đây không phải là kết quả của bất kỳ sự dạy dỗ nào mà các cháu nhận được ở trường, mà là do cha mẹ và ông bà đã rèn luyện. Tôi nghe nói rằng ở tại Mỹ này, một số gia đình Tây Tạng chỉ sử dụng tiếng Anh. Sẽ là rất tốt nếu quí vị có thể hướng dẫn con cháu của mình có một sự quan tâm đến tiếng Tây Tạng, đó là một ngôn ngữ cổ đại. Quý vị nên biết rằng hiện nay, các nhà khoa học hiện đại - đặc biệt là những người có sự quan tâm đến lĩnh vực tâm thức và não bộ - đã được hấp dẫn bởi chiều sâu và sự phong phú của tâm lý học cổ đại của Ấn Độ”.
Ngài đã nghe nói rằng các trung tâm Phật giáo khác nhau đang hoạt động rất tốt, Ngài gợi ý rằng chúng nên được sử dụng cho nhiều mục đích hơn chứ không phải chỉ dành cho sự cầu nguyện và nghi lễ. Chúng phải trở thành những trung tâm học tập, nơi mà người ta có thể nghiên cứu và trao đổi những quan điểm của mình. Ngài đề cập đến việc sắp xuất bản những tập sách yếu lược của khoa học và triết học được chiết trích từ Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng), trước tiên là bằng tiếng Tây Tạng, nhưng những bản dịch tiếng Anh, tiếng Hoa và Tiếng Hin-di sẽ được thực hiện ngay sau đó. Những cuốn sách này có thể là cơ sở cho việc nghiên cứu đổi mới.
Thánh Đức ĐLLM nói chuyện với các thành viên của cộng đồng Tây Tạng trong cuộc gặp gỡ của họ ở Los Angeles, California vào 27 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Liên quan đến sự nghỉ hưu của Ngài khỏi những trách nhiệm chính trị, Ngài nói rằng từ khi còn nhỏ, Ngài cảm thấy rằng quyền lực không nên tập trung vào tay của quá ít người. Khi Ngài sống lưu vong vào năm 1959, Ngài bố trí trách nhiệm cho các Kalons - những người đã cùng đồng hành với Ngài. 1960 chứng kiến sự khởi đầu của Hội đại biểu nhân dân Tây Tạng, Quốc hội lưu vong. Nền dân chủ từng bước tiến triển cho đến cuộc bầu cử trực tiếp của Kalon Tripa vào năm 2001, và Ngài nghỉ hưu một nửa. Sau đó, sau cuộc bầu cử lãnh đạo vào năm 2011, Ngài quyết định nghỉ hưu hoàn toàn. Kể từ thời Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, các Đạt Lai Lạt Ma đã đảm nhận trách nhiệm cho cả hai vấn đề thế tục và tâm linh. Ngài đã cố tình và tự nguyện kết thúc những điều lệ này. Chế độ phong kiến cũ đã được thay thế bởi nền dân chủ.
“Sau khi nghỉ hưu, tôi gặp những người bạn ở Mỹ và họ đã nói với tôi rằng, việc làm ấy đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến người Trung Quốc. Một hệ thống được bầu chọn không còn phụ thuộc vào cá nhân này hay cá nhân kia. Hai mươi năm trước, tôi đã khuyên rằng Chính quyền Trung Ương Tây Tạng nên hoạt động như thể tôi không có ở đó. Và bây giờ chúng ta đã đạt được điều đó; tôi có nhiều thời gian để dành cho việc thúc đẩy các giá trị của con người và sự hòa hợp giữa các tôn giáo; và những cam kết khác của tôi”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói thêm rằng Ngài không có nhiều điều để nói về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tây Tạng.
“Tuy nhiên, người Tây Tạng chúng ta cần phải làm cho người dân Trung Quốc trở thành những người bạn của chúng ta; và chúng ta cần phải hoạt động để duy trì sự ủng hộ của cộng đồng thế giới. Bất kỳ tiến trình nào mà quý vị thực hiện trong cuộc sống của mình; cũng đừng bao giờ quên sự nghiệp của Tây Tạng hay tầm quan trọng của một nền giáo dục Tây Tạng. Nếu một số bạn trở thành triệu phú Tây Tạng đầu tiên, điều đó thật tốt và tuyệt vời. Đã có một số người Tây Tạng ở phương Tây đã tài trợ cho các trường học ở Tây Tạng và những phòng khám trong các Tu viện. Thật là quá tốt khi cống hiến những sự giúp đỡ như vậy; xin cảm ơn quý vị!”.